Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Nguyễn Quang Thiều - Về một sinh viên Trung Quốc ăn mỳ tôm


Về một sinh viên Trung Quốc ăn mỳ tôm -
Tác giả: Nguyễn Quang Thiều

10/08/2011

Một buổi sáng tôi nhìn thấy cậu ăn mỳ tôm với sườn nướng mà chúng tôi nướng từ chiều hôm trước chưa ăn hết. Cậu ngồi ăn kiên nhẫn không để lại một chút thịt nào trên miếng sườn đó.


Đến Australia, đến Na-uy, đến Mỹ...ở đâu tôi cũng mang cảm giác bị "thập diện mai phục" bởi hàng hóa và những người Trung Quốc. Trong chuyến đi Mỹ tháng sáu vừa qua, tôi đã như lục tung một số siêu thị khổng lồ ở Mỹ để tìm mua mấy món quà cho bạn bè mà không có dòng chữ "made in China" nhưng tôi đã thất bại...

Khoảng mười năm trở lại đây, nỗi ám ảnh về hàng hóa "made in China" làm tôi ngạt thở. Nỗi ám ảnh này gây nên bởi những cuộc "xâm lược" của hàng hóa độc hại và rẻ tiền Trung Quốc qua biên giới Việt - Trung. Đấy không phải là cơn hoảng sợ vô căn cứ của tôi. Đấy là sự thật mà chính không ít những người Trung Quốc cũng phải thừa nhận.

Những cuộc tấn công của hàng ngàn tấn thực phẩm tươi sống ướp hóa chất mà báo chí mấy năm gần đây nói đến như những đợt sóng thần khổng lồ vượt qua những dãy núi cao ngất ở phía Bắc đổ vào các thành phố Việt Nam. Và những người buôn bán tham lam và ngốc nghếch Việt Nam đã tiếp sức đẩy những con sóng thần ấy lan rộng. Nhiều lúc, tôi nghĩ rằng: hàng trăm ngàn tấn thực phẩm "chết người" đó chẳng khác gì những quả bom sinh học ném xuống mảnh đất của chúng ta. Và hậu quả của nó như thế nào trong tương lai gần thì ai cũng hiểu.

Chiến lược của Trung Quốc thật ghê gớm. Năm 1992, tôi đến Australia. Tôi tìm mua một con búp bê cho con gái mình. Và tôi nhận ra rằng: ẩn sâu trong con búp bê có gương mặt xinh đẹp và cái môi đỏ chót là một dòng chữ nhỏ xíu: Made in China. Tôi có nói chuyện với một giáo sư Australia về chuyện đó. Nghe xong, ông mỉm cười bí hiểm và kể cho tôi nghe câu chuyện về các China Town ở Australia.

Sau vài chục năm theo dõi, ông nhận thấy rằng: mười năm đầu khi một China Town nào đó được thành lập, những người Australia đến thăm với cảm giác họ đi thăm một hội chợ hàng Trung Quốc ở Australia. Nhưng sau mười năm, họ đến China Town và nhận ra đó là đất Trung Quốc nằm trong lãnh thổ Australia. Cái giật mình về một điều gì đó bắt đầu từ đấy.



Mười lăm năm trước, tôi có đọc một cuốn sách xuất bản tại Mỹ viết về những dòng người Trung Quốc đến Mỹ học tập và nghiên cứu. Tác giả cuốn sách cho biết: mỗi năm (vào những năm đầu 1990) có khoảng 70.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc đến Mỹ học tập và nghiên cứu. Rồi những người này tìm cách vào làm việc trong các công sở, viện nghiên cứu, trường đại học...của Mỹ và tìm cách ở lại và bắt đầu cuộc hành trình vào sâu trong nước Mỹ. Tác giả cuốn sách dự báo rồi đến một ngày nào đó, những người Mỹ tỉnh dậy và nhận thấy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã bị Trung Hoa hóa hay nói cách khác là bị Trung Hoa ăn rỗng bên trong.

Tôi đã từng viết về một thanh niên Trung Quốc bán trứng ở Australia. Anh ta kiên nhẫn ngày ngày xách một khay trứng đi bán. Sự kiên nhẫn của anh làm cho tôi nghĩ rằng sẽ không có gì có thể làm cho sự kiên nhẫn của anh ta gục ngã. Dù anh ta không nói nhưng tôi biết bên trong đôi mắt một mí kia là một tham vọng ghê gớm và một sự kiên nhẫn kinh hoàng. Đã có những người Trung Quốc nhẫn nại bán từng gói lạc rang húng lìu, từng chiếc bánh bao nhân thịt...trở thành những tỉ phú. Và người thanh niên bán trứng kia cũng mang tham vọng ấy.

Và lúc này, tôi bắt đầu muốn nói về Lou, một sinh viên Trung Quốc theo học nhạc ở Mỹ. Tôi gặp Lou ở nhà một giáo sư Mỹ. Lou được một giáo sư Mỹ dạy nhạc xin cho học bổng một phần sang Mỹ học. Người giáo sư bạn tôi thấy gia đình Lou khó khăn đã giúp đỡ cậu bằng cách đưa cậu về ở nhà mình. Lou ở trong một căn phòng nhỏ dưới tầng hầm. Cậu nói bố mẹ cậu làm công nhân và thật khó để kiếm được 5.000 đô la cho cậu đóng tiền học trong một năm. Nhưng sau một năm, cậu đã tìm cách xin được học bổng toàn phần. Cậu cứ lặng lẽ gặp từng giáo sư Mỹ dạy cậu và những người có liên quan ở trường và cuối cùng cậu đã "thắng" từng giáo sư dẫn đến "thắng" tất Hội đồng giáo sư và họ đồng ý trao học bổng toàn phần cho cậu. Và hàng ngày, cậu vẫn lặng lẽ lên xe của con cái chúng ta để đi nhờ đến trường trong tuyết lạnh.

Một buổi sáng tôi nhìn thấy cậu ăn mỳ tôm với sườn nướng mà chúng tôi nướng từ chiều hôm trước chưa ăn hết. Cậu ngồi ăn kiên nhẫn không để lại một chút thịt nào trên dẻ sườn đó. Đó là mỳ tôm Hảo Hảo mà chúng tôi mang từ Việt Nam sang và sườn nướng ướp theo kiểu Mỹ mà vị giáo đã nướng. Có thể, mỳ tôm và sườn nướng kia không hợp với khẩu vị của cậu như há cảo, vằn thắn, màn thầu... Nhưng mỳ tôm của ai, sườn nướng ướp gia vị gì không quan trọng với cậu lúc này. Cậu cần phải ăn và cần phải đi tiếp con đường đã vạch trong đầu cậu và có thể cả những tham vọng phía sau đôi mắt một mí ấy.

Trong mấy ngày ở trong ngôi nhà người bạn giáo sư, tôi thấy cậu mang dáng vẻ của một cậu bé con nhà ngèo và yếu thế qua cách ăn nói, đi đứng. Nhưng có thể đến một ngày nào đó, cậu bỗng hiện ra là một người khác và mua một biệt thự sang trọng, giành lấy một trang trại... chứ không phải ở trong một phòng dưới tầng hầm mà người ta dành cho cậu với sự chia sẻ và biến những người khác thành kẻ cầu xin mình. Nhưng bây giờ, cậu chỉ là một sinh viên như con cái chúng ta. Cậu đang cầu xin người khác hãy thương cậu, hãy giúp cậu. Và với lòng nhân ái, những người tốt đã đưa bàn tay về phía cậu.

Khi viết về cậu sinh viên Lou, tôi lại nhớ về một người Trung Quốc mà tôi gặp ở Đài Bắc năm 2007 khi tôi đến đó dự Liên hoan thơ quốc tế. Người đàn ông đó là Lưu Kiến Sinh. Ông đã từ Chợ Lớn, Sài Gòn sang định cư ở Pháp rồi về Đài Bắc. Với tôi, ông là một Trung Quốc khác. Sau chuyến đi ấy, tôi đã viết về ông. Bây giờ, tôi xin trích một số đoạn trong bài viết về người đàn ông Trung Quốc này 5 năm về trước:

Lưu Kiến Sinh đọc báo thấy có một nhà thơ Việt Nam đến Đài Bắc dự Liên hoan thơ Đài Bắc 2007. Ông đến để gặp một người từ mảnh đất ông đã sinh ra và lớn lên. Buổi tối ấy, Lưu Kiến Sinh chọn một chỗ ngồi gần cuối hội trường. Ông lặng lẽ nghe các nhà thơ đọc thơ. Khi tôi kết thúc phần đọc thơ, ông không đến bắt tay chúc mừng tôi như những người Đài Loan khác có mặt ở đó. Ông vẫn ngồi im lặng và nhìn về phía tôi. Chỉ khi đêm thơ kết thúc và những người bạn Đài Loan đến dự đêm thơ đó đã chia tay tôi, ông mới đến trước tôi và nói rằng ông đã im lặng để nghe tiếng Việt qua giọng đọc thơ của tôi. Tôi cố tìm kiếm một sự xúc động trên gương mặt ông. Nhưng tôi vẫn chỉ thấy ánh buồn từ đôi mắt ông. Lúc đó, tôi cảm giác như ông là một cái gì đó xa xôi và khuất một nửa trong bóng tối.

Sau đêm thơ, mấy người bạn nghệ sỹ Đài Bắc rủ tôi đi chợ đêm. Chợ đêm ở Đài Bắc là một "đặc sản" không chỉ dành cho những người du lịch mà cả những người Đài Bắc. Chúng tôi đi lang thang và trò chuyện về mọi thứ. Thi thoảng tôi chợt nhớ đến Lưu Kiến Sinh đi cùng, tôi quay lại kiếm tìm ông và vẫn thấy ông lặng lẽ đi sau chúng tôi. Hình như ông chẳng tham gia vào bất cứ câu chuyện nào của chúng tôi. Nhưng ông không rời bỏ chúng tôi nửa bước. Trong chuyến đi chơi chợ đêm đó, Lưu Kiến Sinh chỉ hỏi tôi một câu là Hà Nội bây giờ ra sao và có chợ đêm như ở Đài Bắc không.

Lưu Kiến Sinh đã đến thăm Hà Nội hai lần sau năm 1975. Trước năm 1975, ông chỉ biết đến Hà Nội qua những trang viết của Nhất Linh. Ông nói với tôi cho đến bây giờ ông vẫn giữ mãi hình ảnh của Hà Nội qua văn của Nhất Linh. Gần 30 năm sống ở nước ngoài, ông chưa một lần trở về Trung Quốc cho dù đó chính là nơi cụ kị ông sinh ra và lớn lên. Nhưng cứ vài năm ông lại trở về Việt Nam và tìm cách đi Hà Nội khi nào có thể.

Sau khi phải rời Việt Nam, Lưu Kiến Sinh định cư ở Đài Loan một thời gian. Nhưng ông vẫn cảm thấy trống vắng và hoang mang. Một cái gì đó làm cho ông cảm thấy ông không thể nào yên lòng. Cái gì? Ông cũng không biết một cách rành mạch và đầy đủ. Thế rồi ông quyết định sang Pháp làm ăn và sinh sống. Ông đã yêu một cô gái Trung Quốc sống ở Bắc Kinh sang Pháp du học. Rồi họ lấy nhau và sinh một cậu con trai. Nhưng ông vẫn không một lần trở về Trung Quốc. Ông nói ông sợ với một nỗi sợ vừa rành rọt vừa mơ hồ.

Sau gần mười năm sống ở Paris, ông vẫn thấy ông chưa ở đâu cả mà vẫn lang thang trên con đường nào đó trên mặt đất này. Ông nói với tôi rằng mỗi tối trở về ngôi nhà ở Paris ông vẫn thấy gió lạnh thổi vào lưng. Có lẽ đó là cách nói của ông để nói về sự trống vắng nào đó chăng? Và gần mười năm ở Paris, theo ông, công việc có ý nghĩa nhất của ông là dịch tác phẩm của Nhất Linh sang tiếng Hoa và in trên một tờ Trung Hoa Báo xuất bản ở Pháp.

Khi còn ở Chợ Lớn, ông đã dịch Nhớ rừng của Thế Lữ sang tiếng Hoa và xuất bản trên tờ báo tiếng Hoa ở Sài Gòn năm 1972. Tôi tự đoán lý do vì sao ông lại yêu bài thơ Nhớ rừng như thế. Có một khoảng u tối và một khát vọng mạnh mẽ trong thân xác mong manh và gương mặt yếu đuối của người đàn ông là Lưu Kiến Sinh. Thế là sau nhiều năm ở Paris, ông lại trở về Đài Bắc. Ông vẫn đi tìm một nơi trú ngụ. Một nơi mà mỗi tối để ông trở về không còn thấy gió lạnh thổi vào lưng nữa.

Trong những ngày ở Đài Bắc, buổi nào có tôi đọc thơ là ông lại đến. Vẫn như lần đầu tôi nhìn thấy, ông lặng lẽ tìm một chỗ ngồi hơi khuất ánh sáng và nghe thơ. Tôi không biết ông đến để nghe thơ hay nghe giọng nói tiếng Việt. Ông cũng sáng tác thơ nhưng không nhiều và sáng tác bằng tiếng Trung Quốc. Mấy năm nay ông viết ca khúc. Ông có ý định xuất bản một đĩa nhạc gồm những ca khúc của ông ở Việt Nam. Ông hỏi tôi ông có thể thu âm những ca khúc của ông ở Việt Nam không? Ông vẫn ao ước lời những ca khúc của ông được dịch ra tiếng Việt và được hát ở Việt Nam.

Một chiều được nghỉ, tôi và ông lang thang dọc một số đường phố ở Đài Bắc. Trời có gió và bắt đầu se lạnh. Khi chúng tôi ngồi nghỉ trên một chiếc ghế ở khu phố đi bộ, tôi đề nghị ông hát một bài hát của ông cho tôi nghe. Ông cúi đầu một lát rồi cất giọng hát. Có một người đi vào trong rừng và không bao giờ trở lại...Đấy là lời bài hát mà ông dịch ra tiếng Việt cho tôi nghe. Trong gió lạnh ở một chốn xa lạ và với đôi mắt lúc nào cũng buồn và xa xôi.

Cho đến lúc này, lòng tôi mỗi lúc một vang lên câu hỏi: Lưu Kiến Sinh, ông là một người Trung Hoa. Cố hương của ông là ở chốn đó sao ông lại sợ trở về?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét