Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

Mathilde Tuyết Trần - Đọc lại Hồ Dzếnh

Đọc lại Hồ Dzếnh*



Mathilde Tuyết Trần



…“Cho nên được mang danh là nhà văn, tôi thấy thẹn thùng biết mấy!“

Hồ Dzếnh



Khép cuốn „Chân Trời Cũ“ (xuất bản năm 1942, tái bản năm 1946) lại, tôi đã đọc ngấu nghiến như thưở còn mười ba một cuốn sách cũ, tình cờ moi ra khi tìm sách chất chứa trong các thùng để trên nóc nhà, tôi thấy mình sung sướng như trẻ lại mấy mươi tuổi. Từ giai đoạn Văn thơ tiền chiến trước cái mốc 1945 đến ngày hôm nay tôi ngồi đây mơ về Hồ Dzếnh là đã sáu, bẩy mươi năm rồi còn gì. Các tên tuổi nhà văn, nhà thơ khác nổi hơn tên Hồ Dzếnh, nhưng không làm mất đi một chỗ đứng đặc biệt của ông.

Nếu Khái Hưng chỉ với một câu: „Thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé…anh phải sống.“ đã giữ vững địa vị tuyệt đỉnh của mình trong Tự Lực văn đoàn, thì những ai đang yêu đương mơ mộng, ít nhất là cho đến thế hệ tôi, thường hay nhớ đến một câu thơ lãng mạn…“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân… Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề, Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở…“. Thưở ấy, cái thú yêu thương được hiểu theo nghĩa ấy, yêu mà được yêu lại, lấy nhau, sinh con đẻ cái, rồi hết yêu nhau, thế là không phải một tình yêu đẹp, một tình yêu lãng mạn. Yêu nhau, nhưng bị ngăn cách, cản trở, lại còn thấy mình yêu nồng nàn thêm, giấc mơ kéo dài thêm, không dứt. Các „người em gái“ tóc thề ngang vai thời ấy đều mơ mộng ước chi mình có được một mối tình dang dở. Đó là công trạng của những nhà văn nhà thơ thời văn học lãng mạn như Hồ Dzếnh.

Có được một chỗ đứng trong tim người trải qua nhiều thế hệ không phải là chuyện dễ. Hồ Dzếnh trả giá chỗ đứng ấy bằng cuộc đời thầm lặng, khiêm tốn, chịu đựng những mất mát, những đau thương của chính mình.

Hồ Dzếnh viết văn xuôi, làm thơ. Bài thơ „Chiều“ được Dương Thiệu Tước phổ nhạc là bài nổi tiếng nhất „Trên đường về nhớ đầy...Chiều chậm đưa chân ngày, Tiếng buồn vang trong mây... „ . Nhưng cũng còn những câu thơ khác đầy nhạc điệu trữ tình.

Cảm giác của tôi bây giờ khi đọc Hồ Dzếnh có khác cảm giác của một cô nữ sinh áo dài trắng tuổi ô mai ngày xưa, ngồi trong lớp học, vừa lơ đãng ngắm làn nắng sớm đang len lén rọi vào khung cửa sổ, vừa nghe tiếng cô giáo giảng một bài văn, giọng khi trầm khi bổng.

Những cảm giác buồn mang mác, nhẹ nhàng, tha thiết, rất thơ và rất thật tỏa ra trong các mẫu chuyện ngắn chứa đựng chân dung và cuộc đời của những nhân vật chung quanh Hồ Dzếnh, một gia đình chứa đựng hai nền văn hóa, từ nghèo lên giàu rồi lại trở thành nghèo, như cứ „lên voi xuống chó“.

Nhưng nổi bật hơn cả, ngòi bút Hồ Dzếnh viết nên một sự âu yếm, âu yếm vô cùng, cả đối với những gì gọi là không „tốt“, một người anh Cả nghiện thuốc phiện, một người anh Hai ham phiêu du, một cô em gái lỡ đàng, một người chị nuôi, một con ngựa trắng...Người viết, ngay cả những khi mình đã trưởng thành trong chuyện kể, luôn giữ ánh mắt nhìn của một đứa trẻ thơ không có tuổi, thích nũng nịu, thích bám gấu áo mẹ, cho nên tình thương toát ra từ những hàng chữ mang nét chân thật ngây thơ.


„Mẹ tôi nói dối. mẹ tôi đuổi tôi lên nhà, để mẹ tôi khóc. Lúc tôi chạy xuống bếp lục cơm ăn, thì thấy đôi mắt mẹ tôi đỏ ngầu, vạt áo ướt đẫm.

Tôi ngả vào lòng người, rồi mếu máo:

– Con không đi học nữa, mẹ ạ….“ (1)



„Chị dâu tôi phải về ở nhà quê làm việc. Ngày đưa chân, cả nhà tôi ra ga để lìa bỏ cái tỉnh thành bạc bẽo, tôi sụt sùi bảo chị dâu tôi:

– Chị chịu khó hầu mẹ nhé. Đến tết em về, em mua nhiều bánh cho cháu.

Chị tôi gật, ứa nước mắt….“ (2)


„Tôi đáp rất gọn:

– Không con nói dối đấy chứ!

Tức thì dì tôi vênh mặt lên:

– Nghe nữa đi, nghe cái đồ nói dối nữa đi!

Và tức thì hai cái tát của mẹ tôi cháy bỏng trên má tôi:

– Ai dạy mày nói điêu, mày hai lưỡi !

Nhưng tôi chỉ còn có một lưỡi , khi ngồi ăn cơm với mẹ tôi:

– Đúng là con Din đi với trai , mẹ ạ. Ban nẫy nó lạy con đừng nói.

Mẹ tôi lườm tôi và im lặng.“ (3)


„Có điều mà mãi đến nay tôi vẫn lấy làm lạ, là càng ghét anh bao nhiêu, tôi càng thương anh bấy nhiêu. Tôi thấy luôn luôn hình ảnh con người ấy quằn quại trong một mối đau đớn vô hạn, dưới cái ánh sao buồn rầu le lói đã chứng kiến ngày lọt lòng mẹ tăm tối của đời anh…“ (4)


Tuy rằng chỉ được diễn tả qua vài trang giấy nhưng thời gian trong các câu chuyện của „Chân Trời Cũ“ kể trải dài cả một đời người, đem không gian trải rộng từ nhà quê đến thành phố, từ sông ra đồng, từ Việt Nam đến Trung Hoa. Xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ hai mươi đang trong buổi giao thời, các nền văn hóa khác biệt, Việt, Pháp, Hoa va chạm với nhau, nhưng khung cảnh miền Bắc khi ấy vẫn còn là đất lề quê thói, „nề nếp“ Nho giáo vẫn có ảnh hưởng nặng.

Mỗi nhân vật trong gia đình ấy có một số phần khác nhau, người đọc thấy bứt rứt bồi hồi, tại sao lại sống như thế nhỉ. Sống là chấp nhận số phận, hay thách thức số phận, cãi lại số phận ? Sống theo ý mình, „cá nhân chủ nghĩa“, hay yên phận sống theo thời thế bó buộc ? quyết định nào sẽ đem lại kết quả tốt hơn ? ý muốn của con người có thắng được số trời hay không ? Hồ Dzếnh cắn răng chấp nhận số phận „thiên định thắng nhân định“, kể cả khi phải đeo đứa con thứ hai mới được mấy tháng đi nhiều nơi xin sữa nuôi con, khi mà tình trạng chiến tranh làm cho hầu như mọi người đều túng thiếu. Đầu sách, một câu ngắn „Kính nhớ vong hồn song thân, vợ và con trai đầu lòng„ cho người đọc thấy ngay những mất mát của Hồ Dzếnh. Hạnh phúc ? Có khi nào Hồ Dzếnh đã tìm thấy hạnh phúc ?


Trời trở buồn, ai hiểu nghĩa làm sao ?
Mây lạc nẻo, tim nghe chừng thất vọng.

(Giữ Gìn)

Mùa đời rụng hết vàng xanh
Nỗi đau thương cũ nay thành máu thơ.

(Tặng Vợ Tôi Khi Còn Sống)

Từng phen gió lạnh bay vào
Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?

(Chuyến Tàu Ðời)


Hồ Dzếnh không thuộc vào Tự Lực văn đoàn, cũng chưa bao giờ nhận được một giải thưởng của Tự Lực văn đoàn, nhưng văn và thơ của ông đi cùng một chiều hướng: sử dụng tiếng Việt, bớt các khái niệm chữ Hán, bớt dùng các điển tích trong tứ thư ngũ kinh Nho giáo, cách đặt vấn đề tế nhị, kín đáo, văn phong nhẹ nhàng, trong sáng, câu ngắn, cấu trúc rõ ràng, không dùng cấu trúc các thể thơ Hán.

Chỉ có trong một bài thơ, Hồ Dzếnh sử dụng kinh điển Hán học:


Tô Châu lớp lớp phù kiều
trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam



buồn Tư Mã nhớ Chiêu Quân
nét hoa thấp thoáng ý thần đê mê

(Đợi Thơ)


Tôi nghĩ đi nghĩ lại câu giới thiệu của Thạch Lam ở đầu cuốn sách …“Tôi không nói rằng tác phẩm này không có khuyết điểm, nhưng…“, và tôi tò mò đi tìm khuyết điểm trong „Chân Trời Cũ“. Thạch Lam là bạn, có lẽ không muốn khen quá lời, nên giữ vẻ khiêm tốn cho tác phẩm. Nhưng nếu cứ nghĩ rằng, Hồ Dzếnh là người „Minh Hương“, cha là người Trung Hoa, mẹ là người Việt, thì phải thấy ông xử dụng tiếng Việt nhuần nhuyễn, trong sáng còn hơn nhiều người Việt.


Bén nhọn như: …“Khách mặc một bộ quần áo bằng lĩnh Quảng Đông, nguyên mầu đen, nhưng sau khi trải nhiều phong trần, đã đổi sàng mầu xám kệch…Từ đằng xa những gợn lụa phơ phất như những gợn gió trùng dương, và khi lại gần thì gió trùng dương lại chỉ toàn xông lên một mùi cá mặn! „

Gợi cảm như:…“Tôi nhận thấy mấy cây cột nhà đứng bơ vơ hôm trước, bóng tối mau chiếm lấy sân và lòng tôi hay nhớ thương, ngao ngán. Ở trong cái lạnh lẽo bốc lên trước lúc gà vịt nhẩy chuồng, bốn ngọn nến cùng nháy mắt trên chiếc bàn thờ mới dựng, thay chỗ cho nơi kê bàn đèn thuốc phiện ngày xưa…“

Chua xót như: „Ròng rã trong hai ngày sau, tôi đoán biết một sự xung đột nhỏ nổi lên giữa anh chị tôi, và khi ghé mắt qua khe cửa phòng học nhìn sang bên cạnh, tôi thấy chị dâu tôi đương quỳ trước mặt chồng khóc lóc…Tôi nhớ nhất cái dáng điệu vừa quỳ vừa khóc của chị dâu tôi, và tôi thấy buồn một nỗi buồn thê thiết quá.“

Tả chân cái chết một cách rất hiện thực như: „…Anh không đói thuốc phiện, anh không gào nước nữa: đường xuống suối còn xa, đường về quê đã biến. Số mệnh đã muốn cắm ở giây phút đó một cuộc hành trình điên dại của một kiếp người. Anh thở dài một tiếng, lòng trắng giãn ra và chiếm đầy mắt…Anh nấc lên một tiếng nhỏ. Anh gục đầu xuống một bụi rậm, có cái gì thối tha đưa lên sau mông đít. Cành gai yếu ngả xuống làm anh gục theo. Một con chim kêu lên đâu đó. Rừng và Núi. Núi và Rừng.“


Xám kệch, gợn lụa, cá mặn, bơ vơ, nhẩy chuồng, nháy mắt, ròng rã, ghé mắt, khóc lóc, thê thiết, đói, gào, biến, cắm, điên dại, nấc, thối tha, mông đít, ngả, gục…những chữ thuần Việt được sử dụng rất đúng chỗ và gợi hình, gợi cảm.

Hồ Dzếnh không để lại cho đời một khối lượng lớn về tác phẩm, nhưng đời không thể quên ông, một số phận con tằm nhả tơ óng ả, mà không được đền bù xứng đáng. Hồ Dzếnh, theo các tài liệu viết về ông, qua đời lặng lẽ âm thầm, khi nhà thơ, nhà văn chỉ còn là một người thợ đúc thép, thợ cơ khí nhà máy xe lửa Gia Lâm, ngày 13.8.1991 tại nhà riêng, số 80 phố Hòa Mã, Hà Nội, được 75 tuổi (sinh năm 1916), để lại cho đứa cháu một bài thơ:


…Khi sống ông nghèo nhất thế gian
Ra đi của cải bỗng vô vàn
Trời-Mây-Trăng-Nước-Chim-Hoa-Gió
Tất cả dành riêng tặng cháu ngoan.

(Gửi cháu)


Tựa cuốn văn xuôi đầu tay của ông „Chân Trời Cũ“ cũng làm cho tôi suy nghĩ. Có cũ thì tất có mới. Chân Trời Cũ mang nhiều hàm ý, vừa là một quá khứ, vừa là nửa phần gốc tích quê quán, vừa là hình ảnh người cha, vừa là cả em Dìn, anh Cả, anh Hai, chị dâu, chú Nhì, em Thi, thằng Quắn, chị Yên, chị Đỏ Đương, vừa là người mẹ Việt Nam.

„Quê Ngoại“ của Hồ Dzếnh, vừa là nơi chôn nhau cắt rún, vừa là nơi gởi nắm xương tàn của ông, như thế mà cứ gọi ông là người „khách“, người Minh Hương, không phải là người Việt Nam thì thật là bạc bẽo với ông quá.

©MathildeTuyetTran, France 2010
www.tuyettran.de


Ngập Ngừng

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần
Tôi nói khẽ: ôi, làm sao nhớ thế !
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Em tôi ơi, tình có nghĩa gì đâu
Nếu là không lưu luyến buổi ban đầu
Thuở ân ái mong manh hơn nắng lụa
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ tránh, cố nhiên, nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi em hãy gắng quay về
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đổ
Cho ngàn sau lơ lững với ngàn xưa ...

Hồ Dzếnh





* Hồ Dzếnh (1916 – 1991), có khi được viết là Hồ Dzếch, tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh), quê ở làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông, mẹ là Đặng Thị Vân là người Việt. Ba tác phẩm tiêu biểu chính của ông là tập truyện ngắn Chân Trời Cũ, tập thơ Quê Ngoại và tập hồi ký Quyển Truyện Không Tên.

1. Lòng mẹ, Chân trời cũ, Hồ Dzếnh, Hoa Tiên

2. Người chị dâu tôi, Chân trời cũ, Hồ Dzếnh, Hoa Tiên

3. Em Dìn, Chân trời cũ, Hồ Dzếnh, Hoa Tiên

4. Người anh xấu số, Hồ Dzếnh, Hoa Tiên sưu tập





Source : Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org - Contributeurs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét