Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Simon Van Booy: những con chim nhỏ

Những Con Chim Nhỏ

SIMON VAN BOOY
Simon Van Booy: những con chim nhỏ

Lưu Diệu Vân & Hoàng Chính : chuyển ngữ


Tôi vừa tròn mười lăm tuổi khi thức giấc sáng nay. Mỗi năm qua như một
lần khoác thêm lớp áo mới lên trên những lớp cũ. Để đôi khi tôi thọc
tay vào những chiếc túi ấu thơ và moi ra những món đồ.

Từ cửa tiệm trở về Michel nói để ăn mừng chúng tôi có thể đi coi phim
hay ăn ở McDonald’s trên đại lộ Voltaire. Michel không phải là cha
ruột của tôi. Ông lớn lên ở Paris và đã có một thời gian ở tù. Trước
đây ông quen sống một mình, nhưng sau khi đã sống chung với nhau một
thời gian lâu, tôi nghĩ ông ấy không thể sống thiếu tôi nữa.

Chúng tôi ở Paris, tôi nghĩ tôi sinh ra ở đó, nhưng tôi cũng không
chắc. Mọi người nghĩ tôi là người Hoa, tôi cũng có nét giống người
Hoa, nhưng Michel bảo tôi còn nhiều chất Tây hơn cả bánh mì Tây nữa.

Đó là chiều ngày sinh nhật của tôi nhưng vẫn là buổi sáng của đời tôi.
Tôi dạo bước trên Ponts des Arts. Đó là một cây cầu gỗ nhỏ nơi đám du
khách người Mỹ ngồi trên những chiếc ghế mây đầy mầu sắc, nhâm nhi
rượu. Cho dù mới chỉ mười lăm tuổi, chưa có bạn gái, tôi vẫn có thể
nhận ra ai đang yêu ai khi nhìn họ.

Một người đàn bà ngồi xe lăn đang được chồng đẩy ngang chiếc cầu. Họ
đang yêu nhau. Chỉ có hai bánh sau lăn trên những thanh gỗ. Người
chồng kéo nghiêng chiếc xe lăn về phía mình như thể thân thể anh ta
đang uống từ thân thể người vợ. Tôi ước gì ông ấy có thể nhìn thấy mặt
vợ mình. Bà ta níu lấy một một nhúm khăn giấy. Trông họ giống người
Đông Âu. Tôi đoán thế bởi họ ăn mặc tươm tất nhưng kiểu quần áo đã lỗi
thời. Tôi muốn nghĩ rằng đây là lần đầu tiên họ đến Paris. Tôi có thể
tưởng tượng ông ta sau đó, cố gắng đỡ bà vợ ra khỏi xe lăn trong căn
phòng xám của khách sạn với những chiếc màn nhăn nhúm đang bị gió thổi
căng phồng. Tôi có thể hình dung thấy người đàn bà trong vòng tay
chồng. Ông ta sẽ thận trọng đặt vợ lên giường như đặt lên một dòng
sông chảy chậm.

Một người đàn ông vô gia cư dơ dáy đang ngồi xổm với những du khách
Mỹ, kể chuyện cười bằng thứ tiếng Anh què cụt. Anh ta không nhìn những
cặp chân cạo sạch của các cô gái mà chỉ ngắm chai rượu uống dở dang
cùng miếng phó mát chua. Đám người Mỹ có vẻ vui tính và giả bộ cười
đùa; tôi nghĩ bí quyết của một cuộc sống tươi đẹp là hãy châm chước sự
thật một chút và hy vọng rằng bất cứ phút giây nào đó, chúng ta cũng
đều có thể được tái sinh.

Cầu Ponts des Arts làm bằng gỗ, nếu nhìn qua khe hở những tấm ván, bạn
sẽ thấy thuyền bè lướt qua phía dưới. Thỉnh thoảng những tia chớp nhá
lên từ dưới tầu lúc du khách chụp hình cho nhau, đôi khi họ không nhắm
máy vào cảnh nào mà chỉ bấm một cách vu vơ - Tôi thích loại hình ảnh
này nhất, chẳng phải vì tôi có máy chụp hình - nhưng nếu có, tôi sẽ
chụp đại những tấm hình không nhắm vào đâu. Bạn đâu có thể ghi nhận
cuộc đời đầy sức sống qua cách nào khác hơn thế.

Michel làm việc trong một cửa tiệm ở trung tâm Pigalle. Bên ngoài tiệm
là một mũi tên chớp nháy với chữ SEXY bằng đèn nê ông mầu đỏ. Michel
đã có cửa tiệm này từ khi tôi có trí nhớ. Ông cấm tôi lại tìm ông ấy ở
đó, dẫu vài lần từ góc đường, tôi thấy ông ngồi ở bàn làm việc. Michel
thích đọc thơ của Giorgio Caproni, một nhà thơ đã qua đời, nhưng
Michel bảo ngôn ngữ của nhà thơ như những con chim nhỏ quấn quýt và
hót líu lo bên tai mình.

Nếu bạn thấy Michel, bạn có thể nhận ra ngay lúc ông băng qua đường vì
ông có một cái sẹo từ khóe miệng dài lên má. Ông kể ông bị cái thẹo ấy
khi vật lộn với cá sấu ở Mississippi, nhưng bây giờ đã mười lăm tuổi,
mỗi khi nghe kể tôi chỉ cười cho qua.

Michel có người bạn tên Léon, người này đôi khi ngủ đêm lại với chúng
tôi vì uống rượu nhiều quá, nên vợ ông ta không cho vào nhà - dù ông
ta luôn tìm cách giải thích rằng vì vợ ông ta có những giấc chiêm bao
quá đẹp nên ông ta không muốn lạng quạng đánh thức vợ dậy lúc nửa
khuya. Một đêm kia, khi Michel ở trong nhà tắm, Léon kể cho tôi nghe
vì sao Michel bị sẹo trên mặt.

"Trước khi mày về sống với Michel," Léon thì thào, "Có một cuộc ẩu đả
dữ dội trước cửa tiệm của Michel. Đương nhiên là anh ta chạy ra để
giải hòa." Ông ngừng lại để lôi một chai rượu vang nhỏ ra khỏi túi áo
ngực. Mỗi người chúng tôi nhắp một ngụm, rồi Léon kéo tai tôi sát lại
cái miệng đầy hơi rượu của ông ta. "Anh ấy tìm cách cứu một cô gái
điếm đang bị đánh, nhưng cảnh sát lại trễ quá và mấy thằng ngốc cảnh
sát ấy lại bắt giữ Michel, bỏ mặc cô gái bị ngộp chết một mình." Rồi
chúng tôi nghe tiếng chân của Michel ngoài hành lang và những tiếng
thì thào vĩnh viễn biến đi trong cái hoang loạn của gã say rượu.

Michel dám siết cổ Léon nếu ông ấy biết gã say đã kể cho tôi nghe
nhiều như thế, bởi ông cứ hành động như thể tôi không hay biết bất cứ
chuyện gì, cho tới khi tôi bước chân vào Sorbonne, trường đại học lâu
đời nhất Paris, tôi sẽ bỏ cuộc sống này lại phía sau và chỉ thăm ông
vào dịp lễ Giáng Sinh với quà cáp mua ở những tiệm sang trọng ở đại lộ
Montaigne và Champs Élysées. "Khỏi cần gói," Michel có lần đã trầm
trồ. "Mấy cô gái bán hàng sẵn sàng gói cho mình ngay trong tiệm."

Tôi thích rảo bước quanh nhà thờ Đức Bà, tọa lạc ngay trên hòn đảo
riêng của mình. Tôi thích ngắm du khách trầm trồ ngưỡng mộ nét đẹp
cong cuốn của khung cửa đá. Nó gợi cho tôi nhớ đến chiếc bánh cưới đẹp
đến nỗi ta không nỡ ăn - dù bầy bồ câu đói khát thường xuyên biết rõ
sự thật, bởi hàng trăm con đậu trên những cạnh viền trắng dơ dáy thả
phân xuống bên dưới, mổ chiếc mỏ dẻo dai vào mặt đá cẩm thạch.

Đôi khi du khách vào nhà thờ cầu nguyện. Khi tôi còn rất nhỏ, Michel
thường quỳ ở cạnh giường tôi nghĩ rằng tôi đang say ngủ. Tôi có thể
nghe ông cầu nguyện với Chúa cho tôi. Ông gọi tôi là hạt Đậu Phụng bé
nhỏ, thế nên tôi không chắc Chúa có hiểu ý Michel muốn nói về ai,
nhưng nếu thật sự có Chúa thì ngài chắc thấu hiểu mọi sự là tên tôi
không phải là Đậu Phụng.

Sau khi hút thuốc trên bậc đá nhà thờ Đức Bà và đá lông nheo với cô
gái Ý đang ngồi làm kiểu cho bạn trai chụp hình, tôi vào vườn bách
thảo. Michel và tôi thường tới đây vào Chủ Nhật từ dạo tôi bắt đầu có
trí nhớ. Có lần tôi ngủ quên trên cỏ và Michel nhét đầy hoa vào túi áo
tôi. Hôm nay tôi mười lăm tuổi và tôi ngồi kiểm điểm lại đời mình. Cho
dù tôi muốn vào đại học để mai sau có thể mua cho Michel một chiếc xe
mui trần mầu đỏ, khi tôi nhớ lại những ngày Chủ Nhật trong vườn Bách
Thảo, tôi muốn làm cho mọi người những điều họ không thể nào quên. Có
thể đó là điều tốt đẹp nhất tôi có thể làm trong đời mình. Trời âm u
nhưng những đóa hoa thì nở rộ.

Loài hoa có thể chất chứa sắc mầu ấy trong những phiến cánh mảnh mai
một cách kỳ diệu.

***

Cửa tiệm của Michel bán băng và đĩa hình của những người đàn bà gần
như trần truồng làm tình hầm bà lằng với đủ loại đàn ông. Michel bảo
tình dục nhiều khi khác hẳn tình yêu, và ông ấy không bao giờ mang thứ
gì về nhà; ông bảo những gì xảy ra ở Pigalle, sẽ giữ lại Pigalle. Đôi
lúc, khi tôi đứng bên đường nhìn sang phía Michel, những cô gái điếm
đi qua buông lời gạ gẫm. Tôi bảo họ tôi có người bạn làm trong ngành
công nghiệp ấy, họ cười và mời tôi hút thuốc. Tôi đặc biệt là bạn của
một cô gái điếm tên Sandrine và cô ta nói cô ta đủ già để làm bà tôi.
Cô ta mặc một cái váy nhựa bóng loáng và áo rất hở ở phía trên. Tôi
không thể đứng nói chuyện với cô ở cửa vào vì sẽ không tốt cho công
việc. Làn da chân cô giống da thuộc, nhưng cô là một người vô cùng
thực tế. Cô biết Michel và kể tôi nghe là Michel có lần phải lòng một
cô gái điếm, nhưng chuyện chẳng đi đến đâu. Năm mười hai tuổi, tôi tìm
cách hỏi tên của cô gái, nhưng Sandrine ôm lấy đầu tôi trong hai bàn
tay thì thầm rằng cô ta chết rồi và câu chuyện kết thúc ở đó.

Tôi muốn biết thêm về cô gái ấy bởi vì Michel chưa bao giờ có bạn gái,
chắc hẳn cô ta phải đặc biệt lắm. Đôi khi Sandrine mua cho tôi một
cuốn sách và gửi tạm một cô gái nào đó trong lúc làm việc. Cuốn sách
mới nhất mà cô mua cho tôi tựa đề Người Đàn Ông Gieo Hy Vọng và Trồng
Hạnh Phúc.

Vào buổi chiều u ám ngày sinh nhật thứ mười lăm của tôi, tôi thấy
Michel ngồi ở quầy đọc sách. Nếu biết tôi có mặt ở đây, ông sẽ giận
lắm và bộc lộ sự giận dữ bằng cách không thèm nói chuyện với tôi cả
ngày. Và ông sẽ không muốn bước chân ra ngoài nữa dù là ngày sinh
nhật.Tôi nhìn từ phía trong một đám đông đầy những bóng người. Michel
đang đọc sách. Trong cuốn thơ của Caproni, ông viết đầy những câu thơ
nhỏ bé của mình bên lề trang giấy. Có lần, trong một giây phút ngu
ngốc, tôi mở một cuốn sách của ông ta đọc; ông giật vội khỏi tay tôi
làm cuốn sách rách toạc. Cả hai chúng tôi cùng hết sức nổi giận.

Michel bảo thơ của ông không dành cho tôi - rằng chúng như bầy chim
được tạo ra để bầu bạn với những con chim khác. Khi tôi hỏi vậy chứ
thơ của ông dành cho ai, một giọt nước mắt lẻ loi trào ra chảy xuôi
theo vết sẹo.

Còn bốn tiếng nữa là đến giờ tan sở của Michel. Ông muốn về nhà sẽ
thấy tôi đang ngồi coi TV và đã sẵn sàng để ra ngoài. Ông ấy bảo tối
nay tôi có thể đi bất cứ nơi nào tôi muốn, nhưng tình hình tài chánh
cũng hơi hạn hẹp. Tôi nghĩ ông mua cho tôi một đôi giầy mới vì tôi
thấy một hộp đựng giầy Nike mới dưới gầm giường lúc tôi hút bụi. Tôi
không mở ra xem. Tôi thích không được biết trước.

Tôi biết Michel đã dành dụm cho buổi tối hôm nay từ hai tháng trước.
Trong ngăn tủ dưới chậu rửa bát có một chai rượu đựng đầy tiền. Khi
hàng xóm nghe tiếng chai rượu vỡ trong căn hộ của Michel, người ta sẽ
biết đang có sinh nhật ai đó. Láng giềng của Michel thích ông dù họ
cần một thời gian để làm quen với vết sẹo trên mặt và ý tưởng là ông
đã có thời gian ở tù.

Chúng tôi ở khu phố 11. Các quận phố cuộn quanh Paris như một vỏ ốc.
Sandrine chưa có mặt ở cửa tiệm hoặc cũng có thể cô đã có khách rồi
cũng nên. Michel vừa tiếp khách hàng vừa đảo điếu thuốc trên môi. Điếu
thuốc do ông tự cuốn lấy và ngửa đầu thở khói.

Trên đường về nhà, tôi luôn đi qua trung tâm Pompidou. Nếu mới trông
thấy lần đầu, bạn sẽ tưởng nơi ấy đang xây cất dở dang, nhưng đó là
cách người ta cấu trúc, và bạn có thể nhìn thấy phía bên trong qua
những bức tường kính khổng lồ. Tôi thích nhìn đám du khách luồn lách
qua trung tâm ấy như những con kiến trong tổ. Phía ngoài là một cái
chậu mầu vàng lớn như chiếc xe chở bánh mì. Chưa có ai trồng thứ gì
trong đó, thành ra nó chỉ dùng làm cảnh.

Michel bảo tôi rằng hôm nay là sinh nhật thứ mười lăm của tôi, nhưng
ông cũng không chắc lắm. Không ai biết chắc. Câu chuyện về sự gặp gỡ
của chúng tôi cũng đầy sự thích thú.

Michel bảo lúc chưa có tôi, ông ấy hư hỏng lắm, nhưng rồi tôi đã giúp
thay đổi tất cả. Ông kể vào cái hôm ra tù, đang đi trên xe điện ngầm,
lúc đó tôi khoảng ba tuổi - hoặc chỉ là do ông ta đoán vậy. Ông bảo
mọi chuyện xảy ra trong tích tắc. Cửa xe điện đóng lại, và tôi đứng
đó, nhìn ông. Ông kể bố mẹ tôi đứng trên thềm ga, đập rầm rầm trên cửa
kính và la hét. Ông kể có lẽ tự mình tôi bước vào toa xe và cửa toa
đóng lại trước khi bố mẹ tôi kịp níu lấy tôi. Tôi thường hỏi ông bố mẹ
tôi ra sao, và ông luôn lộ vẻ buồn. Ông nói bố mẹ tôi là những người
thanh lịch nhất mà ông từng có dịp trông thấy. Ông bảo mẹ tôi là một
nàng công chúa Á Châu mặc một áo lông sang trọng nhất với son môi đỏ
tới mức tưởng chừng đôi môi bà bốc cháy.

Michel bảo mái tóc đen của bà viền quanh khuôn mặt, như thể chúng bị
đe dọa bởi nhan sắc của bà và không dám lại gần. Ông bảo cha tôi là
một người Mỹ cao lớn với một bộ y phục đắt tiền nhất đã từng được đo
may. Michel bảo cha tôi có dáng vẻ của một người quyền thế, nhưng lại
quá đẹp trai khiến vẻ quyền thế kia bị mờ nhạt. Ông bảo bố mẹ tôi khóc
lóc và đập cửa kiếng xe điện như hai đứa trẻ; ông bảo ông chưa bao giờ
thấy ai đau khổ như thế.

Michel nói tôi khóc khi xe điện ngầm bắt đầu di chuyển và ông ở lại
trên xe điện cho đến trạm cuối cùng để xem chuyện gì xảy đến cho tôi.
Ông nói ông đem tôi về nhà và tôi đã khóc suốt một năm trời như mưa
vậy. Ông bảo hàng xóm lũ lượt kéo đến xem chuyện gì xảy ra. Lớn hơn
một chút, tôi giận dữ với Michel vì đã không bỏ công tìm bố mẹ tôi, và
tôi tưởng tượng họ sống trong một lâu đài ở New York, nơi họ không
buồn thắp đèn đóm cho đến khi nào tìm thấy tôi. Michel kể cho tôi nghe
là ông đã bỏ ăn bỏ ngủ tìm kiếm bố mẹ tôi suốt một tuần lễ nhưng sau
cùng khám phá ra bố mẹ tôi đã tử nạn trong một tai nạn máy bay ở
Buenos Aires. Trong cái ví lúc nào tôi cũng mang theo một bản đồ
Argentina mà tôi đã xé ra từ một cuốn sách thư viện. Đôi lúc tôi rà
ngón tay dài theo những thành phố trên bản đồ và tự hỏi đây có phải
nơi máy bay rớt xuống hay không.

Năm tôi lên chín, Michel cho tôi quyết định có nên vào viện mồ côi
không nhưng ông giải thích cho tôi rằng ông cũng lớn lên trong một nơi
như thế và chẳng có gì là thú vị cả.

Tôi thích đi xe điện ngầm dù những băng con trai Algeria thỉnh thoảng
nhổ nước miếng vào người tôi. Khi xe điện ngừng ở trạm mà Michel gặp
tôi ngày trước, bao giờ tôi cũng ngó ngược ngó xuôi một cách hoảng
hốt. Tôi không kiềm chế được mình. Michel bảo bố mẹ tôi là những người
lịch thiệp và nhân từ nhất mà ông đã từng gặp, và lớn lên tôi cũng nên
như họ. Một trong những cô bạn gái điếm của Sandrine có lần bảo tôi
giống Annie Lee, Sandrine tát cô ta làm cô ta im miệng. Có thể mai mốt
khi lớn lên tôi sẽ hỏi Sandrine xem Annie Lee là ai.

Căn hộ của chúng tôi ở khu 11 rất cơ bản. Tất cả mọi cửa sổ đều mở vào
một khoảng sân chung với những cửa sổ khác. Khi tắt đèn, chúng tôi có
thể thấy đời sống của người khác phô bày lộ liễu. Đời sống một người
cũng như đoạn phim quay chậm, và tôi chứng kiến láng giềng tôi cãi cọ,
làm hòa, ân ái, và chiên thịt. Tôi có thể đoan chắc một trong những
người láng giềng của tôi không hạnh phúc, vì ông ta ngồi cạnh cái điện
thoại, chốc chốc lại cầm lên nghe thử xem có tiếng vo vo quen thuộc
không, nhưng cái điện thoại ấy không bao giờ reo khi người đàn ông ấy
ở nhà. Michel bảo vợ của người đàn ông ấy bỏ đi, và nếu có lúc nào đó
tôi không biết cầu nguyện cho ai, tôi nên cầu nguyện cho người đàn ông
ấy.

Tôi nghe tiếng chìa của Michel vặn khóa.

"Chúc mừng sinh nhật, Đậu Phụng!" là những chữ đầu tiên thoát khỏi cửa
miệng Michel. Ông ta hôn lên hai má tôi và bảo tôi sửa soạn. Tôi tắt
ti vi và tìm đôi giầy cũ sau cánh cửa. Chúng không có ở đó. Michel vừa
mồi điếu thuốc vừa cười.

"Tìm dưới gầm giường xem có không." ông nói.

Tôi đoán đúng, và tôi reo lên từ trong phòng ngủ để Michel biết tôi đã
tìm thấy. Tôi muốn biết đôi giầy có vừa chân không. Tôi thích cái mùi
của giầy mới.

Tối nay tôi mong mỏi sẽ được ăn một cái hamburger kiểu Mỹ loại mà ba
tôi có lẽ rất ưa chuộng. Có thể chúng tôi sẽ đi xem một phim Mỹ. Men
in Black II đang chiếu khắp Paris. Khi tôi bấm máy hát và nhìn mặt
mình trong gương, tôi nghe tiếng mở nút chai trong nhà bếp và tiếng
vài người hàng xóm reo vui qua những khung cửa sổ mở rộng.

Michel gõ cửa và ló đầu qua khung cửa.

"Prêt?" ông nói, và tôi bảo mình đi thôi.

Chúng tôi cầm tay nhau đi trong ánh chiều tà. Paris không bao giờ tối
hẳn bởi vì khi ánh sáng của ban ngày tan đi, chúng tôi lại có ánh đèn
đường – thường rất rực rỡ - gắn trên những cột đèn cao mầu đen, mỗi
ngọn đèn là một đôi bóng trắng tỏa sáng thân thiết suốt chiều dài con
phố. Đôi khi chúng thắp sáng cùng một lúc, như thể cùng với nhau chúng
có thể xua tan bóng đêm.

Tôi biết Michel thích cầm tay tôi, nhưng bây giờ tôi lớn rồi, chuyện
ấy không còn hợp nữa, thay vào đó, Michel hút thuốc và bảo tôi dù đời
tôi có trôi giạt đến đâu, ông cũng sẽ luôn nhớ đến tôi một cách chân
tình.

Tôi thầm hỏi Michel có phải là một nhà thơ nổi tiếng không. Thầy giáo
tôi bảo thi sĩ xuất thân từ mọi nẻo đời và tài năng của họ do trời ban
cho. Tôi tự hỏi không biết người ta rồi có vây quanh mộ của Michel ở
nghĩa trang Père-Lachaise vài trăm năm sau. Tôi tự hỏi không biết
người ta có đặt những câu thơ họ viết bên bia mộ của Michel và thầm
cám ơn ông đã gửi đến họ những con chim nhỏ, hót cho họ nghe trong
những phút giây đen tối của cuộc đời.

Michel mua vé coi phim bằng tiền lẻ để dành trong chai rượu. Cô bán
hàng không tỏ vẻ khó chịu. Con mắt trái cô ta bị lé. Cô ta luồn tấm vé
ra cho Michel mà không đếm đống tiền cắc. Cô ta nhìn cái sẹo của
Michel lúc chúng tôi đi lướt qua khung kính quầy vé. Michel đưa vé cho
người soát vé. Hắn ta xé đôi tấm vé. Michel bảo giữ lại cái đuôi vé
nên tôi mở ví và mảnh bản đồ Argentina rơi ra. Michel nhanh nhẹn nhặt
lên ngắm nghía. Tôi vồ vội lấy miếng giấy và nhét vào ví.

"Những con chim nhỏ của Đậu Phụng." Ông cười.

Rồi chúng tôi vào chỗ ngồi và tan biến vào cuốn phim đang chiếu.


Lưu Diệu Vân & Hoàng Chính

chuyển ngữ từ nguyên bản Little Birds

trong tập truyện The Secret Lives of People in Love)



Source : www.hopluu.net.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét