Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

NAM DAO : Tạp Truyện (chuyện) Cali

Tạp Truyện (chuyện) Cali

NAM DAO
Ngày 26 tháng 9-2010

tặng NMG

và những người bạn vừa uống rựợu "con gà’’

vừa bàn chuyện hủy nội dung


Hắn và tôi là hai trục toạ độ. Nếu hắn trục hoành, thì tôi là trục tung. Như cặp nội dung và hình thức. Nhưng đây không phải là hai mặt một đồng tiền, nếu một cái là âm, cái kia buộc phải là dương bản của một thực thể. Hai trục tung và hoành bổ xung nhau để cái sự đời không chỉ là một điểm trong những bài học sơ yếu trong hình học Euclide. A, cái sự đời! Cái sự rối rắm này chính là đối tượng của nhà văn. Và nhà văn là cái ước vọng của tôi. Xin thú thực ngay để những người không thích đọc khỏi mất thời giờ (là tiền bạc) phung phí vào chuyện gẫu thuở ế hàng (văn học), và mời bạn đọc (nào đó) trở thành nhân vật thứ ba, giữa tôi và hắn, cần thì can khi chúng tôi nặng lời, lắm khi nặng tay khi lời không đủ trọng lượng (lại mở ngoặc, kinh sách có nói, thoạt kỳ thủy, là lời. Lời với ông, ông Trời. Lời là ông, toàn năng? Nhưng kinh sách quên bảo, tay cũng khá được việc : trong lịch sử cận đại, chính thức có đến 2 cuộc thế chiến, ông Trời cứ tỉnh bơ, mặc cho nhửng bàn tay lông lá ở hạ giới này thi nhau bóp cò súng).


Bây giờ, truyện là chuyện tay ba, có bạn, hắn và tôi. Chuyện là do tôi, chót dính dáng đến tiêu đề truyện "hủy nội dung’’, và cái tít bài tôi hứa viết là : người đẹp bỏ bùa mê cho ta : hủy và tạo. Nói ngay, hủy và tạo là vấn đề (muôn thuở), còn người đẹp…là chữ Vương Sóc, trong một cuốn sách nói về văn học cận đại của Trung Quốc. Nhưng trước khi bàn về những vấn đề lớn, cho tôi được giới thiệu:


Nhân vật tôi, thấp bé, trung niên (hay hơn tí ti), trôi giạt đến quận Cam một số năm (không ai buồn đếm), mang ước vọng thành nhà văn từ thưở viết bích báo ở trường trung học Chu Văn An, thi rớt Tú Tài, trốn quân dịch, cư trú bất hợp pháp ở xóm Cỏ miệt Thị Nghè thời ấy. Đằng đẵng mấy năm trường trên nhà sàn ven bờ sông, "tác giả’’ gián tiếp đóng góp vào công nghiệp nuôi cá Tra, lòng thôi thúc một tình yêu đất nước vô bến vô bờ. Xin trích tác phẩm "Vẳng nghe’’ :

" … nghe tiếng nước sông Thị Nghè sóng sánh vỗ thật dịu dàng khi con thuyền của cô bé bán cháo lòng bò rao hàng (bằng tiếng Quảng, chữ lòng mang âm hưởng là lạ) chèo qua, lòng tôi chợt hoang mang như lòng cậu bé trong truyện Thanh Tịnh. Hôm nay, tôi cũng đi học, trường là trường đời, cho nên nào có đâu hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, nào có đâu mẹ tôi giắt tay tôi trên con đường…. Qua sống ở quận Cam, ở trong một mobile- home trên đường Mc Fadden, tôi vẫn chẳng thể quên tiếng nước vỗ chân cột nhà sàn, tiếng muỗi vo ve. Một mình, tôi uống bia, ngâm "hồ trường, hồ trường, ai người tri kỷ…’’ Tôi tự nhủ, phải về nguồn, phải về nguồn thôi. Nhịn hai (có lẽ ba) két bia Heineken, tôi mua một cái bồn nuôi cá cỡ nhỏ, một máy bơm hiệu AquaClear của Đức nổi tiếng là bền, hút nước trong bồn rồi phun lại, tạo tiếng róc rách dập dềnh. Nhưng còn tiếng muỗi? Dễ ợt, nhưng phải sáng tạo. Tôi bốc bùn, rác… bỏ vào bồn lưng chừng nước, và đợi. Đúng tuần sau, có lăng quăng. Và rồi, có muỗi. Lúc đó tôi mới mua một con cá cho nó ăn muỗi. Và cắm điện cho máy bơm chạy, với một độ lọc nước đúng ở mức cân bằng sinh thái, nghĩa là mỗi ngày tôi chỉ sản xuất có ba con muỗi, không hơn không kém, đủ tiếng vo ve nhớ nước thương nòi. Và tôi, mượn ý cụ Tú Xương, hạ : vẳng nghe tiếng muỗi bên tai/ giật mình, mình tưởng tiếng ai gọi mình". Và dĩ nhiên tôi mang tác phẩm ra Coffee Factory trên đường Brookhurst đọc cho bạn văn nghe (bây giờ, có kẻ buồn bã bảo, mình viết đọc cho nhau nghe thôi!). Tay thi sĩ khá tiếng tăm vì giỏi bắt chước Bùi Giáng hoạ đểu, hô hố vẳng nghe tiếng muỗi vo ve/ Giật mình lại tưởng em tè lên tôi. A, văn hữu với nhau mà khốn nạn đến thế! Tôi nhìn một bạn đọc lạ mặt đứng lớ ngớ bên cạnh. Tôi lơ đi, thưởng ngoạn là quyền người khác mà. Đúng lúc ấy, ông họa sĩ nay chắc nhấp nhỉnh 80, tay cầm một tập phong bì mầu vàng, mặt rất nghiêm, sà vào ngồi. Ông nhấp một ngụm trà, bật nói : " mình vừa bán được tranh, 120,000 đô, để tụi nó (nghĩa là bọn Mỹ đấy) treo vào bảo tàng".


Nhân vật hắn : anh em song sinh với tôi. Nếu tôi, trục hoành phè phè thì hắn là trục tung, vun vút tiến trên đường đời. Hắn cao dong dỏng chứ không thấp bé. Hắn không trượt Tú Tài, thi đỗ vào Sư Phạm, ra trường được biệt phái, đi Mỹ ngay năm 75 chứ chẳng phải vượt biên như tôi. Qua Mỹ, hắn học Computer, lấy một em thơm ra phết, đẻ một đứa con trai, mua nhà vùng Irvine. Hắn học thêm MBA Quản Trị Xí nghiệp, ít năm sau mở hãng, làm ăn ra trò. Cho đến khi vợ hắn bỏ thì hắn mới hơi lao đao. Số là khi đất nước mở vòng tay thân thương đón những khúc ruột ngàn dậm về dự các kiểu Đại Hội VK này nọ thì hắn chớp thời cơ ẵm được một bồ nhí. Vợ hắn biết, liền đuổi hắn ra khỏi nhà. Hắn uất lên, quát "Ông bà mình có hai ba vợ, có sao đâu, truyền thống mà’’ rồi tiện tay tát vợ, nhưng nàng bù lu bù loa gọi cảnh sát. Và…thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo/ Ô hay, trời không im gió cho ngày chị sinh, câu hắn cứ lẩm nhẩm hát khi lái xe. Ly dị, hắn mất cái nhà ở Irvine phải để cho vợ con, nhưng mua được một căn hộ ở NewPort Beach, giá thấp vì vụ khủng hoảng kinh tế hiện nay. Làm ăn khó, nay hắn mon men áp- phe ở Sài Gòn, tiếng về làm việc "thiện nguyện’’ giúp những nạn nhân chất độc da cam, nhưng rất có khả năng hắn thúc đẩy vụ kiện cáo những công ty sản xuất chất dioxine, hy vọng kiếm một vài %. Chuyện này, trời biết. Lái Mercedes, mắt lúc nào cũng có Rayban che, tay cặp đen Samsonite, hắn chỉ ghé tìm tôi ở Coffee Factory khi cần, và lần nào lần nấy kéo tôi lên xe rồi đi, không nhìn ai. Những người thành đạt hay mắc cái bệnh bẩn mắt, thật lạ.


Nhân vật bạn : đa dạng, hình hài thấp bé cao lớn có đủ, cần cả một cuốn biên khảo "dân tộc học’’ mới nói cho (gần) đủ. Vì thế, xin tập trung vào văn hóa đọc của một số nhân vật buổi sáng thường đến nhâm nhi càphê ở Factory. Họ thuộc lớp U- 50 đến U- 70, tay thường cầm báo chợ miễn phí, nói cười rất hồn nhiên, bàn này bàn chuyện thằng triết gia hụ còi mới chửi cả làng chống Cộng, bàn kia kháo chính sách y tế của Obama sẽ không đi đến đâu vì quá xã hội chủ nghĩa. Trong góc, hai thiếu phụ xì xào, môi xâm giống hệt nhau, lông mày đâm, giống hệt nhau, và mũi được nhà thẩm mỹ nào đó nâng lên cũng giống hệt nhau. Mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng (cái), giống nhau là chuyện hàng ngày ở huyện (Cam), bất tất thắc mắc. Hãy lắng nghe (trộm) :

- Đọc Báu Vật Của Đời chưa, sách cha Mạc Ngôn đó, bìa cứng, rẻ rề…

- À, Mạc Ngôn báo Người Việt phải không?

- Bậy nào, nó Tầu chính gốc Bắc Kinh!

- Tui không đọc mấy thằng Cộng Sản. Tụi nó tuyên truyền không hà, nghe bắt mợt…

Một giọng the thé xen vào :

- Nói mấy anh hay, tên chữ Hán là Phong Nhũ Phì Đồn, dịch đàng hoàng là Vú to mông bự. Truyện sếch dữ lắm, viết thời Nhật xâm chiếm Tàu.

- Zậy ư, có cho mượn nghe…Chắc sách Sài Gòn xuất qua, phải hông ?

- Thì đúng zậy, in rẻ bán rẻ, bằng 2 tô phở cộng một ly càphê. Sách mấy nhà zăng mình ở đây in mắc thấy mồ… Nè, có ai cho mượn phở với cà phê không? Cho anh mượn, ít cũng là một ly cà phê uống liền, sách không trả thì sẽ đòi bồi hoàn 2 tô phở, OK không?

Giọng the thé lại cất lên :

- Mấy cha cứ mượn qua trả lại zậy thì ai dám viết sách in sách ở hải ngoại này. Rồi kêu mất cha nó zăng hóa, chỉ còn biết đọc báo chợ giật gân miễn phí…

*

Chuyện OK hay không, mặc cả thế nào, tôi xin ngưng vì sợ lạc đề tài chính là "hủy nội dung’’ trong văn học. Ôi, người đẹp đã bỏ bùa mê, ta phải làm sao? Chinh phục nàng bằng gì đây? Dĩ nhiên, bằng văn bản, nhưng tôi ơi hỡi tôi ơi, tôi mù tịt. Thôi thì biết chút tiếng Pháp, vào google hay wikipedia, kiếm chút cháo trí thức Phú Lang Sa. Hủy nội dung, có lẽ là dadaisme chăng? Không, không hẳn vậy. Hay là bọn lettrisme. Bọn automatisme. Bọn này điên, làm dáng tạo hình, nội dung vẫn đấy, và là những cơn điên lòe loẹt chữ nghĩa. Hay là chuyện kinh dị, kiểu Bồ Tùng Linh phương Đông, Edgar Poe phương Tây. Cũng không, đó là để hủy cái nội dung trần trụi sờ, ngửi, thấy bằng những cơ quan chức năng lúc tỉnh táo, chớ khi nằm mơ thì…gặp thiếu gì ma, quỉ. Nằm mơ, tiềm thức nó trỗi lên, cũng như kiểu văn chương phân tâm - tâm lý, kiểu tình yêu đầu đời (với mẹ) là tình phụ nên tìm cách giết (trong tưởng tượng) cha. Chao ôi, nội dung này rối rắm, mỗi một văn hoá một khác, chớ nào có hủy được đâu, hả trời. Nào, thử đám Siêu Thực. A, nội dung nâng lên một cấp, trong đầu chứ không cần năm giác quan trần trụi để sờ mó cái hiện thực ba chiều không gian. Thôi, hãy bỏ lại đàng sau những năm 30,40. Hãy dấn thân vào thời hiện và hậu hiện đại. Can đảm lên nào, nhà văn ( hay ước mơ thành nhà văn) Ziao Chỉ. Vào Google, tìm Lyotard, người mê mỉa mai với chữ nghĩa, đưa ra thuyết "phủ định’’ khiến tôi nghĩ ngay đến mấy đứa bé ở thời độ hỏi gì chúng cũng đáp "không, không’’ kiểu phản xạ vô điều kiện. Biết cái ví von của mình không được văn hóa lắm, tôi xin lỗi nhé, và xin vinh danh ông với khái niệm thăng hoa ông đã đóng góp vào văn hóa. Thôi, sau ông thì tôi tìm ông J. Derrida, cha đẻ của huỷ cấu trúc. Ông này coi bộ còn phức tạp hơn, thích chơi chữ, và cập nhật hiện tượng luận trong văn chương. Ông phủ nhận "lời’’, cách diễn đạt đời sống và thực tại, ông phán cao hơn là "viết’’ ( văn chương), và với viết thì muốn tiếp cận phải dùng phương pháp hủy cấu trúc. Ôi, đọc thêm, tôi ngộ hủy cấu trúc không có đồng nghĩa là hủy nội dung, mà là tiếp cận đủ thứ nội dung, đa dạng, tiềm ẩn, và vân vân…Bỏ Derrida, tôi mò vào Roland Barthes, người xem tiểu thuyết như một trò chơi ngôn từ. Đây là nhà lý thuyết các nhà văn Giao Chỉ ở quận Hoàn Kiếm dồi dào văn hóa ngoại rất khoái, với những bản dịch như Độ không của lối viết, Tiếng xào xạc ngôn từ…Đọc mãi không hiểu, tôi liền chuyển qua nhà văn Alain Robbe- Grillet. Cũng không hơn gì, cho đến khi khám phá ra nhà phê bình trẻ Từ Huy mà tôi xin trích từ tiểu luận "Nhà văn - nhà phê bình’’ (http:// amvc.free.fr) : "Việc đọc các văn bản của Barthes cho phép Robbe- Grillet khái quát rằng Barthes là một "nhà tư tưởng trượt" (un penseur glissant). Ông cho rằng sự khác nhau giữa cấu trúc vận động của biến cố tiểu thuyết và cấu trúc vận động của biến cố mang tính quan niệm của tư tưởng chính là sự khác nhau của hai đặc điểm: "trượt" và "rung". Tư duy mang tính quan niệm chuyển động rung xung quanh một trục cố định, vì nó có một hạt nhân vững chắc về nghĩa. Cấu trúc trượt của tiểu thuyết hoàn toàn khác, nó không ngừng từ bỏ các trạng huống mà nó vờ như đã đạt tới ". A, hủy nội dung là đây sao?" Nghĩ và trượt? Gạ gẫm bạn đọc một nội dung rồi sắp xếp một cú nhỡ tầu, để bạn nhìn xe đi, tay vẫy, lòng anh ách, giận thì giận mà thương thì thương? Nghĩ lại, cái thủ thuật là vờ, và nội dung là này, bạn đọc ơi, bạn bị lừa đấy, đừng tin gì ở nhà văn tôi nữa nhé. Hãy đẩy chủ nghĩa hoài nghi đến mức thốt lên tôi ngờ, tức chúng ta tồn hữu. Vậy, luẩn quẩn, ai biết thế nào để hủy nội dung đây? Và hủy triệt để? Hỡi người đẹp, kẻ đã bỏ bùa mê cho ta, ta cắn đến rách tay, tự nhủ kiến thức Google không cho ta gì khác hơn một mớ ngôn từ lùng bùng như lẩu thập cẩm ăn vào thì chỉ biến thể thành…chứ nào có hủy gì được đâu. Và dẫu không định theo truyền thống ngày xưa kiểu Khổng viết, Mạnh viết thời lệ thuộc phương Bắc, ta cũng hơi tiếc chẳng được kể theo Barthes, theo Derrida… vân vân để chiều lòng những vị khoái chuyện dẫn tên Tây ra hù dân Ta, một thứ thời thượng văn hoá có mùi nô dịch.

*

Khi tôi, trục hoành, đang ngồi một mình trước ly cà phê uống dở thì hắn, trục tung, bước vào nhìn quanh, đến bàn kéo ghế ngồi chứ không ngoắc tay kéo tôi đi khỏi Coffee Factory như mọi lần. Hắn thì thào :

- Giúp ta một việc…

Việc chi? Hắn mang sang đất cờ Huê hai người, một mẹ một con, con mắc chất độc da cam. Việc giảo nghiệm tạm xong, nay đến sự vụ lobby ở Washington, và cùng vài luật sư, bác sĩ, hắn phải đi. Hắn lại thì thào :

- Mi đến coi chừng giùm, bà mẹ không nói tiếng Mỹ, chợ thì đi 99 Market, tránh chợ Việt Nam ngại kẻ nói ra người nói vô…Mi hiểu chứ?

Dĩ nhiên, người mình mà, ưa ngáng cẳng nhau, chẳng chỉ chốn chợ búa mà mọi nơi khắp nẻo, nhất là chốn báo bổ zăng chương. Tôi gật, hắn tiếp, dặn dò chuyện thuốc thang, bếp núc. Khi đó, ông họa sĩ ở đâu bước tới. Thấy hắn lạ mặt, ông chơi liền : " mình vừa bán được tranh. Được 120,000 đô, để tụi nó (nghĩa là bọn Mỹ đấy) treo vào bảo tàng".

Có tiếng cười hô hố. Một giọng uồm uồm cất lên :

- Bạn nhà zăng đây rồi, tui đưa quần hào đến cho bạn thử cái lý thuyết …gì hả…à…thực chứng nối người đọc vào văn bản xem hủy nội dung là sao ha!


Bốn năm người kéo ghế sà xuống ngồi, kể cả ông họa sĩ già. Số là hai bữa trước, tôi có lựa hai văn bản, muốn tận mắt tận tai nghe độc giả phản ứng trên vấn đề tôi gọi là bùa mê của người đẹp, kêu gọi sự chí nguyện hảo tâm của quần hào Coffee Factory làm cái gạch nối vừa được ông bạn nhắc. Hắn nhìn, bỡ ngỡ, rồi lẳng lặng rút dù. Tôi bôi tên tác giả, lấy giọng ngọt, chậm rãi :

Tự tâm, khiến sao đó (!) đưa chân ngang chùa
trời, đúng ngọ.
- xáp vô,
độ bữa cơm, căng bụng.
… nghĩ nghĩ…
ra chánh điện, đụng thầy trụ trì.
(chả ai hỏi, nói gì.) thì ợ lên.

thắp nén nhang, xá xá.
"nam mô… cứu khổ cứu nạn."
- hơi đầy họng.

một bụng, dạ.

trở xuống hậu liêu.
rót cốc nước, để đấy
… ai hỏi cũng không nói.
thiệt bất ý, lần này, đánh trung tiện (rõ to.)
lập tức hết thảy im bặt chừng mười lăm giây rồi phát đồng loạt cười rộ, thầy trụ trì buột miệng: "khởi thủy, mọi (sự) vật đều vô hình tướng."

Gã (mà ma cũng chưa biết chừng.) lặng lẽ rời chùa.

Im lặng. Tất cả, im lặng. Con ruồi bốc cánh từ một hạt đường lạc lõng chơ vơ trên bàn. Con người, lơ mơ. Từ không khí trầm lắng đó, giọng the thé bữa nọ chói tai :

- Mẹ…tui hổng thấy nội dung gì, làm sao hủy nội dung cà?

- Nội dung có chớ! Đi ăn cơm chùa mà hổng tin Phật…Nội dung này chống tôn giáo mà. Chắc mấy ông Mắc xít Mắc dịch thôi…

- Mà cái zăng bản này gọi là chi?

- Dạ…mấy anh bỏ qua, thơ hiện đại đó, tôi lừng khừng.

- ĐM…xin lỗi nghe bà con, nhưng chuyện này xưa như Diễm rồi mà. Nếu đó là nội dung thì cái chi hủy nội dung cà? giọng the thé cao thêm một tông.

Không biết chống chế bạn văn thế nào, tôi liền trình làng văn phẩm thứ hai đã photocopy sẵn, không dám đọc sợ người bên cạnh nghe rồi chửi. Đó là:



Thơ tôi chỉ dành để
đọc
trong khi đi ỉa
Đó là
thời gian
không gian
thuận tiện nhất
thoải mái nhất
để đọc thơ tôi

Nhưng tôi vẫn còn lo
quí vị sẽ gặp khó khăn . . .

Bài thơ sẽ gây những cảm xúc nhất định
ngăn cản sự vận hành cần thiết của ruột
già quí vị
khiến cứt không ra được
quí vị sẽ gặp rắc rối (rặn đỏ mặt tía tai)
Quí vị sẽ quên việc hệ trọng cần làm
Là ỉa – cũng phải toàn tâm toàn ý không
được để sự xúc động xen vào
Quí vị quên một việc tối quan trọng của thể xác
Để theo đuổi một việc thuộc tinh thần không cần thiết – trong sát- na- hiện- sinh
Là quí vị xúc động – vui hoặc buồn hoặc tức giận


Tôi khuyên quí vị
tốt nhất
cũng không nên đọc thơ tôi
trong khi đi ỉa
(Đó là lý do tôi không phát hành thơ in lên giấy – một việc làm có thể gây tai nạn cho lỗ đít của quí vị,
Nếu quí vị vì lý do gì đó dùng giấy (tốt) trang thơ tôi chùi đít. Rất may Da Màu là một tờ báo mạng và thơ tôi chỉ là những con chữ trên màn ảnh vi tính)

Tôi khuyên quí vị đừng bao giờ in thơ tôi lên giấy, đọc trong khi đi ỉa
Thơ tôi chỉ nên đọc trên màn ảnh máy vi tính
rồi quên đi
Và tốt hơn hết
cho sức khỏe thể xác
tinh thần của quí vị
Khi nào thấy thơ tôi thì Del ngay.


Im lặng. Tất cả im lặng. Chỉ con ruồi vo ve. Con người, vẫn lơ mơ. Không khí đóng cục lại. Kẻ nào sẽ cứu nguy trong hoàn cảnh tuyệt vọng này đây. Tiếng the thé cất lên :

- Del là delete, trò computer mà…Delete tức hủy, tức bỏ thùng rác. Ai viết zậy?

Tôi đành nói bút danh một người bạn vừa là văn, là thi, là họa sĩ mà tôi quí mến. Ông họa sĩ già cao giọng :

- Tui biết tay này mà. Ổng là dân hội họa có học trường sở đàng hoàng. Ổng biết hết, từ tranh cổ điển, tranh ấn tượng, lập thể qui- bít, qua tranh dã thú, tranh trừu tượng… Cái hủy nội dung của họa phái trừu tượng là vẽ làm sao cho mỗi người xem tranh thấy được một nội dung đó! Nghệ thuật là zậy!

- Vậy là nhiều nội dung chứ đâu có hủy nội dung, cha nội!


Thấy cần phải nói một điều gì, dẫu chẳng hẳn giúp bạn đọc nắm bắt thêm chi, tôi thận trọng :

- Văn bản nào cũng có thể hiểu như một thành tố có tính "liên văn bản’’ đó mấy anh, và như thế, một văn bản có thể hủy một nội dung để bắt ta suy tư về những nội dung khác. Chẳng hạn thơ Việt Nam mình thời quốc ngữ có thơ mới, thơ lãng mạn, rồi thơ tượng trưng…

Giọng uồm uồm bất chợt cắt ngang :

- Mấy anh à, kiểu thơ hiện đại này như virút gây bệnh dị ứng thơ, đọc xong hổng còn biết thơ bây giờ là chi ráo trọi. Bây giờ tui mới hiểu tại sao báo chợ miễn phí chuyên sài thơ lục bát vần vè zui zui… Thôi, dẹp cái chuyện văn học cách tân này đi cho rồi!

Đúng lúc đó, vâng , đúng lúc đó, một thiếu nữ bước vô, ngó quanh quẩn. Nàng chừng đôi mươi, mặt chưa sửa, không son phấn, da rám hồng, mũi hơi gãy, nhếch miệng cười má lúm đông tiền, đi vào góc trong cùng. Một thanh niên đứng dậy. Họ ríu rít như chim, ra quầy trả tiền, nắm tay nhau đi ra ngoài trời hanh nắng, chẳng ai nhìn lũ U- 50 đến U- 70 còn ngơ ngẩn chưa biết thế nào là hủy nội dung, và nhất là hủy nội dung nào trong văn chương Giao Chỉ quận Cam ở độ phải cách tân cho kịp trào lưu hậu hiện đại.

*

Khi lái xe qua hàng cây sequoia thân ngòng ngoèo đâm vút lên cao ở góc đườngVista del Oro, hắn ong ỏng "…thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo…Ô hay, trời không im gió, cho ngày chị sinh ". Cuối đông, cây trơ trụi lá, đầu cành dài nghễu vươn lên trời, những bông hoa đỏ to bằng bàn tay điểm vào không gian trắng nhợt những giọt máu đọng. Sequoia là hồng sam, nhưng thôi, cứ để hắn gọi là cây gạo, cho có tình tự dân tộc. Hắn đậu xe trước nhà, hỏi "À, hôm bữa nói chuyện hủy nội dung là chuyện chi? "nhưng không đợi tôi trả lời, như thường lệ. Tôi nhìn. Căn nhà hai tầng, thu mình kín đáo chứ không phô trương, mặt tiền trồng mấy gốc đào hoa chưa rụng hết, mặt sau là một công viên. Hắn mở cửa. Một người đàn bà từ lầu trên bước xuống. Hắn bảo, đây là ông anh tới giúp những ngày hắn phải đi Washington. Quay sang nhìn tôi, hắn tiếp, còn đây là mẹ con nhỏ nạn nhân da cam.

Người đàn bà lí nhí chào. Tuổi chắc chừng trên dưới tứ tuần, bà mỏng mảnh, tóc búi cao, nói giọng Quảng. Hắn mang ra bầy năm hộp thuốc mỗi ngày con nhỏ nạn nhân phải uống, viết lên giấy rõ ràng thuốc nào uống trước, thuốc nào sau, liều lượng bao nhiêu, uống vào giờ nào. Hắn mở tủ lạnh, chỉ thức ăn đã mua, dặn có thiếu thì ra chợ 99, chớ xuống khu chợ Việt Nam. Hắn lên lầu, lát sau xách valy xuống. Hắn kêu, ta để xe cho mi dùng, gọi taxi đi ra phi trường John Wayne. Hắn vỗ nhè nhẹ lên vai người đàn bà, nhìn tôi, nói có chuyện chi cứ hỏi ảnh. Ra đến cửa, hắn giúi vào tay tôi một khẩu súng lục. Hắn trầm giọng :

- Để đề phòng thôi. Cái chốt an toàn này, đẩy xuống mới bắn được. Nhưng chắc chẳng có chuyện chi đâu!

Taxi trờ tới bóp còi. Hắn nhẩy lên xe. Bà ta ra cửa đứng, hắn vẫy tay. Tôi nhét nhanh khẩu súng vào bụng, giấu dưới áo khoác ngoài, tự hỏi, có cái chi mà hắn cứ làm như chuyện thriller vậy kìa?

*

Bước lên thang, tôi theo bà vào căn phòng góc trái. Bà mở cửa. Căn phòng riềm che tối hù. Bà nói, nho nhỏ : "Cháu nó đang ngủ!". Đến gần, tôi nhìn. Đây là lần đầu tôi thấy một nạn nhân của chất độc dioxine trong thuốc khai quang người Mỹ trải trên núi rừng trong thời chiến. Đầu nó có một cái bướu, to hơn những cái đầu bình thường, không tóc, và tay cụt lủn, lưng cong hình chữ S cứ như hình thể quằn quại nước Việt Nam mình. Miệng nó. Gần như không có môi, răng chĩa ra ngoài, rớt rãi chảy ròng ròng. Nó cựa mình, rên, và mở mắt. Mẹ nó nói "Chào bác đi con’’. Nó gừ gừ một ngôn ngữ riêng, mắt sáng lên. Còn tôi, lúng túng, tôi cúi mặt như một người phạm tội, cổ nghẹn lại.

Chúng tôi xuống tầng trệt. Bà ta rót trà, đẩy ly về phía tôi.

- Thiệt may gặp được tổ chức thiện nguyện này đó chú! Mấy ông bác sĩ người Việt mình cho thuốc, kêu uống chỉ đỡ chút chút, nhưng khỏi bịnh thì phải làm đại phẫu, tốn mấy trăm ngàn đô lựng…

- Cháu năm nay bao nhiêu tuổi, tôi hỏi.

- Dà, mười chín. Tui sinh nó năm 90…Cha nó lúc đó cũng đã ba mươi hai tuổi. Trước 75, ảnh là du kích, ở rừng…Còn tui, lấy ảnh khi mới hai mươi, năm sau thì có nó!

- Ảnh chắc bên bển ?

- Chết rồi! Chết cách đây ba năm…Tui chỉ còn mạ tui. Bả già, chừ bảy mươi rồi. Sắp Tết, một thân một mình không biết bả xoay sở ra sao!

Nghe trọng giọng nói có nước mắt, tôi làm lơ, tay bưng ly trà, mắt nhìn xuống đất. Bà móc trong túi một xấp giấy tờ, tìm tấm ảnh chồng bà đưa tôi. Bả kể, chồng bà làm nghề chài, cá gần bờ ngày một ít, phải ra xa mới kiếm được vừa đủ ăn cho cả gia đình. Một bữa, thuyền đánh cá bị tàu hải quân người ta đâm thủng. Sáu người cùng đi biển chết hết hai, bốn bị cầm tù. Khi được tha về, họ kể chồng bả phanh ngực thét "Quân cướp, bay không cho ta sống thì bắn ta đi ". Súng nổ, một anh nhẩy vô ôm bạn. Súng lại nổ. Xác cả hai người bị quẳng xuống biển. Bả thở dài, lẩm nhẩm :

- ÔngTrời bắt, số ảnh cực như vậy, từ ngày biết mình mắc chất độc da cam thì ảnh tự hủy hoại, sống không ra sống…

- Tự hủy hoại?

- Dà…Ảnh …tự thiến. Trời đất, máu chảy lênh láng, mang vô bệnh xá huyện, ảnh ngất ngư mê man tưởng chết. Ba bữa sau, ảnh tỉnh. Ảnh nắm tay tui, biểu tui vầy là vì không muốn di hại tới đời sau. Mình ly hôn, để em đi lấy chồng, chớ sanh con mà nó zậy thì thà là giết nó đi! Tui kêu, đừng, trái với luật Trời, không được. Còn ly hôn, tui cũng nói không, trái với đạo ông bà mình. Sợ ảnh liều làm thiệt, tui đi báo với Ủy Ban xã khi ảnh rời bệnh viện…

- …

- Xã phái người tới giám sát, báo lên huyện. Tuần sau, phó Chủ Tịch huyện xuống nhà tụi tui, rành mạch : "con nhỏ nạn nhân nay Nhà Nước đánh giá là tài nguyên quốc gia. Nó không khác chi những động vật quí hiếm, và phải bảo vệ tới cùng, nghe không’’. Chồng tui hỏi, tại sao zậy, thì ổng thì thầm "Nhà Nuớc tính kiện hãng xưởng làm thuốc dioxine bên Mỹ. Bọn cựu chiến binh Mỹ được 180 triệu. Nêu tụi Đế Quốc không làm khó, mình kiện là có thể mang về trung bình cỡ 20,000 đô cho mỗi một nạn nhân. Nhưng chết, hết bằng chứng là hết đòi! Cái này là bí mật quốc gia, cấm nói, nếu nói là tội …gián điệp, vi phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền gây hoang mang chống phá xã hội chủ nghĩa. Tức tội chết đó! ". Chồng tui hỏi, trong số tiền bồi thường 20,000 đô, nạn nhân được bao nhiêu?’ Ông phó Chủ Tịch nghiêm trang, rành mạch : "Ít cũng một nửa, hợp doanh mà! ".

Ngưng nói, bà ta lại thở dài. Rồi bà tiếp, giọng nhợt nhạt như áng nắng cuối chiều :

- Thế là vợ chồng tui mơ có bạc triệu…Giấc mơ khiến tụi tui ráng sống dẫu làm lụng sáng đêm, cực khổ mà vẫn không đủ ăn. Nhưng hết năm này qua năm kia, tiền bồi thường đâu không thấy, mà cứ mỗi mấy tháng phải lên chầu chực trên Tỉnh một lần, khám nghiệm này nọ, điền hết thứ giấy này đến giấy kia, đọc không hiểu nhưng ký cứ ký, đi lại phải tự túc…Con nhỏ lớn, tâm thần bất thường, nói không được, tay chân phát triển không đồng đều, còng queo, nhỏ so với phần thân thể còn lại, từ lúc mười hai tuổi thì tứ chi coi như bị phế, phải bồng. Khi đó tui phải bỏ công việc buôn bán, chỉ còn chồng tui đánh cá, cái ăn mấy năm rồi không có mà ăn. Một lần, có mấy bà sơ bên Úc qua thăm nạn nhân da cam, để lại cho con nhỏ 200 đô. Ủy ban Xã biết, đến lấy…Năn nỉ mấy bữa, mấy ổng Ủy Ban cho lại 25 đô. Chồng tui kêu, thế này thì để tụi tui chết phứt đi cho rồi…Mấy ổng biểu, chết như zậy là chống phá chính quyền, là phản động! Chưa cho chết, là không được chết…

*

Đêm đầu tiên ở nhà hắn, tôi thao thức không sao ngủ được. Khuôn mặt người đàn ông trong tấm ảnh, gò má cao, hai con mắt sâu hoắm, miệng cười gượng gạo, cứ chập chờn. Và câu chuyện ông ta tự thiến, hủy cái bộ phận truyền giống, chức năng huyền diệu của mọi sinh vật cứ ám ảnh. Người đẹp, kẻ đã bỏ bùa mê cho ta ơi, hiện thực vượt bứt hư cấu trong tiểu thuyết. Nhà văn dẫu có tài ba đến đâu cũng phải ngả mũ chào thua những sự kiện có thật, oái oăm, nhất là kinh hoàng áp đặt trên những thân phận bất hạnh. Và nếu nội dung ít nhất có được của chữ nghĩa là trấn an chút nào con người trong đau thương nghịch cảnh thì hủy nội dung là gì?

Mân mê khẩu súng hắn giúi vào tay tôi sáng nay nhưng không nói lý do, tôi hiểu khi bà ta kể rằng đến đất Mỹ, hắn căn dặn bà ta phải cẩn thận tránh giao tiếp với người Việt. Một hội đoàn có trụ sở ở đâu quanh đây cho rằng giúp đỡ và kiện cáo cho những nạn nhân bị nhiễm độc da cam là gián tiếp củng cố cái chính quyền CS toàn trị độc đoán hiện tại, dọa sẽ đối phó bằng mọi cách, kể cả võ lực. Súng nòng ngắn, báng bọc Plát- tích giả ngà, xạc- giơ có 6 viên đạn, chốt an toàn nằm bên cạnh cò súng. Cầm lên tay, tôi tưởng tượng tôi kê nòng vào đầu thằng PDG công ty hóa chất Dow Chemical đã sản xuất chất khai quang mang độc tố dioxine. Rồi tôi kê nòng súng vào đầu thằng giặc lái xưa đi giải thuốc đó trên rặng Trường Sơn. Rồi tôi kê nòng súng vào đầu phó Chủ Tịch Ủy Ban nhân dân huyện. Rồi tôi kê nòng súng vào đầu mấy thằng Ủy Ban xã. Rồi tôi kê nòng súng vào đầu thằng chỉ huy ra lệnh đâm tầu vào thuyền đánh cá. Rồi tôi kê nòng súng vào thằng đã nhả đạn lên hai người dân đánh cá. Rồi…cứ thế, tôi hiểu mình bất lực không giải quyết được gì. Thủ phạm hàng hàng lớp lớp, bắn làm sao hết khi chỉ có 6 viên đạn. Và có bắn, tôi cũng chẳng trấn an được một ai. Bây giờ, thôi quên đi cái ước vọng thành nhà văn, thì tôi chỉ còn một cách, là tôi kê nòng súng vào đầu tôi. Hủy nội dung ở mức độ triệt để, là vậy. Ở mức độ này hủy chữ nghĩa cả hình thức lẫn nội dung trở thành chuyện vặt, rất vặt.

Tiếng gừ gừ cất lên. Mỗi lúc một dồn dập. Ra khỏi phòng, tôi ra hành lang, giỏng tai. Con nhỏ kêu, tiếng kêu càng lúc càng có chiều tức giận. Mẹ nó lục đục, dép lê trên sàn, miệng lầu bầu nghe không rõ. Con nhỏ ậm ực, âm thanh như tắc nghẹn. Hoảng hồn, tôi mở cửa phòng. Bả nhìn tôi, giọng nhẫn nhục : "không có chi đâu chú’’. Tôi vẫn hỏi :

- Có chuyện chi vậy chị?

- Dà…dà…

- Cần tôi làm gì, chị cứ nói…Có chuyện chi vậy?

- Dà…- Bả ấp úng - … Dà, cháu nó đòi hỏi.

- Đòi gì?

- Dà…Cháu nó cũng là con gái, có như cầu như mọi người…đó chú! Chú ra ngoài chút đi!

Không nhìn tôi, bả lật con nhỏ cho nó nằm ngửa ra, tay luồn vào quần nó. Tiếng gừ gừ nhỏ dần. Tôi đóng cửa phòng, nước mắt ứa chảy xuống má. Thì ra vậy. Không còn tiếng gừ gừ. Tiếng ứ ứ bất chợt cất lên, mỗi lúc một lớn, rồi biến dần thành tiếng rên rỉ, nghe ậm ừ đau đớn. Ông Trời ơi. Ông sinh thành ra muôn loài vạn vật, sao Ông tạo ra cái oái oăm này? Nhu cầu sinh lý của một đứa con gái nhiễm chất độc da cam Ông bày ra để hành hạ hay để đền bù? Lẽ ra, thay vì cho nó cái khả năng khoái lạc, thiếu gì những cái khả năng khác Ông có thể cho để cuộc đời con bé đỡ khổ. Ví dụ, cho Ông tay nó dài ra, chân nó bớt cong, hay cho nó nói, nó ca hát…

Quay về phòng, tôi buông người nằm soải, tay luồn dưới gối đầu, móc khẩu súng ra. Nhắm mắt, tôi cố nhưng không nghe thấy tiếng nước sông Thị Nghè, tiếng muỗi vo ve. Quê hương tôi ơi, nay còn hay mất, và ở đâu rồi. Ôi, lại cũng ông Trời sao, cái kiếp lưu vong này? Ông Trời ơi, tôi buột miệng : "tôi nghĩ kỹ rồi, tôi sẽ kê nòng súng vào đầu Ông, một mình Ông ". Tôi sẽ gẩy chốt an toàn. Tôi sẽ thò ngón tay trỏ vào cò súng, rồi tôi sẽ bóp, vừa bóp vừa thét "cho Ông biến khỏi cái thế gìới của chúng tao’’. Tôi thiếp dần, và Ông ấy hiện ra, đầu to trán hói, khề khà :

- Bay trách gì ta?

- Đã tạo, sao Ông còn hủy, như giỡn chơi vậy?

- Muốn tạo, phải có hủy, và ngược lại. Ta sắp đặt mầm mống, còn hủy cái gì và tạo cái gì trên trái đất là chuyện tiến hoá của chúng bay. Đấy, thế kỷ vừa qua ta đã cho chúng bay nào là Stalin, nào là Hitler, nào là Mao…Để bay ý thức sức hủy hoại cuả cuồng vọng. Và đối đầu với hủy hoại, bay phải ý thức thế nào để mà sinh sôi tái tạo… Thế là, ta sinh cả Gandhi, cả Tagore, Einstein. Thậm chí có mi, kẻ mang ước vọng thành nhà văn, và còn đang khắc khoải chuyện hủy nội dung trong văn chương, hà hà …Thật ra, giống chúng bay là giống huyễn hão, bay muốn cướp cả chỗ tao, có đứa hàm hồ kêu Thượng Đế đã chết, để muốn làm gì cứ làm. Giấc mơ làm Big Brother do anh chàng nhà văn Orwell viễn tưởng đấy, vui ra trò! Ta còn nhiều dịp xem bay múa may, lúc kiệt sức thì rồi, như nhiều lần, quay lại trách móc và van xin ta, gọi ta bằng nào Chúa, nào Phật, nào Mahomed…Bay đâu có biết là lúc đấy phải gọi chính mình. Chỉ có bay mới cứu rỗi được bay, đang đợi ta làm phép ban ơn, chẳng khi nào được đâu!

Thế đấy à? Sinh ra rồi Ông bỏ chúng tôi như một lũ con rơi ư? Không cầm được cơn giận uất lên cổ, tôi bóp cò. Tiếng súng nổ chói tai. Tôi tỉnh. Ông Trời đã đi từ lúc ấy. Hình như vậy. Sau khi cười ằng ặc.

*

Thức tới sáng, tôi viết những dòng chữ trên mong cống hiến bạn, nhân vật thứ ba. Tôi viết trong cơn lên đồng của những hiện thực xoáy vào tim óc tôi dẫu chúng ở ngoài cái tôi nhỏ bé của một tôi đây, kẻ có ước vọng thành nhà văn. Chao ôi, nội dung của những hiện thực đau đớn này vô vàn, và sự lãnh cảm của con người với nhau chính là động thái hủy nội dung của cả xã hội. Ông Trời lại cười ằng ặc. Ổng mỉa mai "thì bay lại đấm ngực kêu tội của tôi, tội của tôi mọi đàng. Còn mi, mi có huyễn hão trong cái ước vọng của mi hay không, mi biết…’’ Tôi chợt nhớ lại có lần trao đổi với G, một nhà văn thành danh về văn chương. Anh ấy nghe tôi rồi nhẹ nhàng : " Anh bắt tiểu thuyết đèo bồng một sứ mệnh mà tôi e cỗ xe văn chương chịu không nổi! ". Sứ mệnh gì đâu, anh ơi. Tôi chỉ muốn trấn an. Và chính xã hội nhìn từ quá khứ nhưng không dừng ở hiện tại mà hướng đến tương lai là một cách, với điều kiện con người không lãnh cảm với nhau ở thì hiện tại, cùng nhau giải ảo lịch sử, và nhất là cùng nhau đặt những mốc tương lai. Hiện tại nay như mớ bòng bong. Cạnh phòng tôi, con nhỏ nhiễm chất độc da cam thỉnh thoảng lại kêu gừ gừ, nhắc chuyện Không Quân Mỹ tưới xuống rừng Việt Nam 850 triệu lít thuốc khai quang, tức 350 kilô dioxine, mà chỉ một phần triệu của một gam cũng đủ tác hại gây ra dị tật bẩm sinh. Mẹ nó lâu lâu thở dài, goá bụa thuở lơ lửng dưới bốn mươi mùa xuân, gánh trên lưng một bà mẹ già và một đứa con tật nguyền. Cha nó bị người lạ bắn bỏ, xác quăng xuống biển, có linh hồn thì nay chắc ra đường biểu tình chống xâm lăng lãnh hải và biển đảo. Mở báo điện trên mạng ra đọc, mục xã hội. Nào là người giầu sủa chó ra cắn chết người nghèo, cướp đất nông dân để xây những công trình tầm cỡ, đóng cửa tu viện, học sinh giết thày giáo, cha mẹ bán con đi làm nô lệ tình dục xứ ngoài, cướp đêm và cướp ngày vênh váo nhan nhản…Nhưng thật oái oăm, nay bỗng đầy đường những tiến sĩ thạc sĩ có hẳn nền giáo dục - đào tạo cấp bằng đang tiến vào trận địa kinh tế tri thức…Chao ôi, thật mủi lòng cho cái xã hội rễu rã đang tự hủy. Giả như ngày nay có đến năm mười Nam Cao với Vũ Trọng Phụng cũng không hết truyện (và chuyện) để kể.

Thế nhưng, người đẹp bỏ bùa mê, đặt vấn đề hủy nội dung trong văn học. Người đẹp ơi, nếu đối tượng của văn học là con người trong một cộng đồng người thì làm sao hủy được nội dung đây. Ơ, thì cũng những con người đơn lẻ sống tách biệt, ít ra là trong nội thức, người đẹp khẽ khàng nói. Có, nhưng từ đâu những nội thức hình thành? Ít nhất là từ ngôn ngữ, cách truyền đạt giữa người viết và người đọc. Chỉ thế, cái nền vẫn là một phạm trù văn hoá, và văn hóa thì chẳng thể tách ra khỏi xã hội được. Tôi cũng từng đọc những nhà văn (?) lấy chính mình làm đối tượng văn chương. Thế là có văn chương nội tâm, bản năng, phi lý, hiện sinh, Linda mặt dọc mày ngang sếch xiếc, giải phóng hạn chế giới tính…Vâng, phải nói ngay kiểu văn chương này cũng chẳng mới mẻ gì ở phương Tây ( nhưng tôi không chơi trò kể tên tác giả lấy oai hiểu biết). Phải nói ngay, đôi khi qua tiếng Việt mình cũng có những tác phẩm vượt trội. Nhưng trung trung, không được bao nhiêu. Và ngày càng mất bạn đọc, nhân vật thứ ba, những kẻ hủy nội dung văn học cách tân bằng cách nhăm mắt (rất dễ). Phải nói ngay, nhiều những nhà văn hậu hiện đại và hiện đại của chúng ta "gãi ghẻ’’ tâm hồn mình, coi mình là vũ trụ, và tưởng tâm hồn cô đơn của mình là cái rốn đáng phô trương cho nhân loại xem chung. Chữ "gãi ghẻ’’ là chữ ông bạn có giọng the thé ở Coffee Factory, và câu sau, ông ta tiếp : "gãi hoài gãi hủy, riết nó mọc mụn thiệt, đâm đổ bịnh!’’.

Người đẹp thủ thỉ phản biện :"hiện thực anh kể trên là chuyện quốc nội. Hải ngoại mình khác, đâu có những nhức nhối đó…’’ Nếu là bây giờ thì tôi đáp, thế chuyện con nhỏ nhiễm độc da cam nó không đang ở Cali đấy à! Nhưng thôi, kể ngay một câu chuyện xảy ra trước cửa chợ SaiGon City xế Coffee Factory, nơi tôi vào mua rượu đỏ "Con Gà’’, một loại rượu đỏ bạn nhậu cứ la lên (lấy khí thế) là rượu ngon (nhất là vừa túi tiền). Hôm đó, tôi gặp một anh còn trẻ đầu đội mũ, mặt cúi gầm, gối quì, trước mặt để tấm bảng bằng ngôn ngữ mình : Vừa ra tù, hôm- lét, muốn làm lại cuộc đời. Tôi ngồi xuống bên cạnh. Anh ngạc nhiên, nhưng cười, nhìn hỏi : "cũng hôm- lét à? ". Không đáp, tôi mở chai rượu, mời anh tu. Anh lắc : "thôi, tính làm lại cuộc đời mà, rượu xưa nó đưa tui zô tù đó anh! "Anh kể, thèm rượu mà không tiền, anh theo bạn bè đi ăn cướp rồi bị bắt. Anh cương quyết : "nhưng đây là lần cuối, tui ra đây để cho bà con mình biết mặt, rồi như con phượng hàng, tui sẽ bay lên từ đống tro than của mình đó anh!’’ Càng ngạc nhiên, tôi hỏi tại sao. "Giấu mình đi, tức trước mắt bà con mình chưa chết, thì cái thân con cú trở về con cú, dễ ợt. Còn ngồi đây, mình thành tro than rồi, chỉ còn một cách là bay lên…Tui đang đợi giấy tờ cho đi học nghề pờlơmbờ (plumber), sẽ là phượng móng sắt, anh à!’’. Người đẹp thân mến, chuyện con phượng hoàng móng sắt có thể thành truyện. Truyện cần cấu trúc, kể thế nào cho hấp dẫn, lọt tai. Và chuyển được một nội dung nào đó là đánh động tấm lòng những nhân vật thứ ba, trấn an họ bằng cách hé ra chút ánh sáng hy vọng từ những nỗi niềm u ám của đời người, bất cứ ở đâu, ai cũng có thể có. Thơ khác, thơ chủ là sáng tạo phong cách và ngôn từ. Làm được thơ, là qua cửa Thần Phù, có bà Chúa Thơ vẫy gọi. Và khéo tu thời nổi. Còn vụng tu thời chìm, vô tăm.

*

Nghe tiếng lục đục phòng bên, tôi đoán chừng hai mẹ con bả đã thức. Lát sau, cửa phòng mở, tiếng chân xuống lầu cọt kẹt. Nhìn qua cửa sổ, mắt trời ló ra trải nắng vàng mượt trên thảm cỏ cuối mắt. Một đàn chim cánh trắng bay ngang, vứt lại đàng sau dăm tiếng kêu giục bình minh. Tôi vào bếp, thấy bả đang loay hoay sửa soạn bữa điểm tâm. Nhìn lên, bả nhẹ giọng :

- Chú ăn chi tui làm?

- Cám ơn chị, tôi chỉ làm một ly cà phê thôi. Để tôi tự pha! Còn cháu, ẵm nó ra ngoài vườn. Sáng nay nắng đẹp, trời ấm…

- Dà…Để tui lên mặc áo quần cho con nhỏ đã, bả cười, mắt ánh lên một niềm vui mỏng mảnh.

Lên bồng con nhỏ, nó nhẹ tanh như bông, vừa có vừa không. Tôi chậm rãi xuống lầu. Đặt nó vào chiếc xe lăn, tôi đẩy ra ngoài. Nắng ùa đến khiến con nhỏ nhắm tịt mắt, nhưng miệng ngoác ra như cười. Bả bước theo, nói :

- Nhỏ nó zui đấy chú, nó cười là nó zui…

- Bữa nay là đầu mùa xuân…

- Dà, đêm nay giao thừa đó chú…Giọng bả chợt buồn buồn- hổng biết bà già tui bên mình làm chi, may còn bà con lối xóm trông chừng giùm! Còn bốn giờ nữa là giao thừa bên mình! Tết mà xa nhà rầu chi lạ nè…Nhà không có nhang đèn, không biết làm sao cúng vái ông bà…

- Chị để chuyện đó tôi lo, chút xíu nữa tôi đi mua, ở đây gì cũng có hết!

Bả đút cho con nhỏ ăn, lấy khăn lau rớt rãi, miệng kêu nho nhỏ, ăn đi con, ăn đi con. Tồn tại như nó, tôi tự hỏi, cái gì là hạnh phúc và đâu là tương lai. Lẽ ra, hủy triệt để, cả hình thức và nội dung, là chuyện có thể đặt vào trường hợp này. Không làm đồ tể, ai có cái quyền hủy tạo đó? Nhưng ngay ở phút này, miệng con nhỏ nhếch lên cười, dẫu cái cười méo mó. Và đêm qua, nó kêu ứ ứ, rồi rên rỉ, như một người đàn bà có khả năng lạc dục giống mọi người đàn bà trong cái cõi này. Đời sống vẫn còn đó, vừa như nguyền rủa, vừa như phép lạ cứu rỗi. Ông Trời oái oăm ơi! Ông vỗ ngực nhận mình toàn năng để hành hạ chúng tôi ở hạ giới này thế ư! Hình như, giống mọi lần, lại tiếng cười ằng ặc. Cơn giận bùng ra, tôi cắn răng ghìm tiếng, nếu nội dung nào cũng chỉ thể hiện được qua ý thức và cảm nhận, thì tôi có thể hủy thân xác tôi đây, và thế là không còn một nội dung nào tồn tại được. "Thế còn chuyện có hay không có linh hồn, mi chưa đặt thành câu hỏi ư? "Ông Trời mỉa mai, tiếp, "lại huyễn hão, vanitas, et omnia vanitas’’ …

Buổi trưa qua đi, phần thưởng là cái nhếch miệng cười của con nhỏ. Và nắng, nắng rực rỡ. Mua nhang đèn về, tôi để bả lo cúng kiếng, quay lên lầu, ngồi trước compiutơ gõ những dòng chữ mang hơi hám của một bức thư cuối gửi cho bạn bè. Tôi đọc, rồi tôi bỏ thùng rác, chỉ giữ vài dòng : các anh đã cưu mang bằng tình bạn một kẻ mang ước vọng thành nhà văn nhưng thật thì đang lạc lõng giữa hủy và tạo, hiện đại và cổ điển, hư và thực. Đồng hành với một người lạc đường hẳn khó nhọc, vì thế, xin cám ơn, mãi mãi. Đến khuya, có tiếng mở cửa. Hắn đã về, như hẹn. Bà mẹ con nhỏ nạn nhân chất độc da cam vội vã xuống lầu. Hắn thì thầm to nhỏ với bà. Hắn kể những chuyện ở Washington DC, những gặp gỡ này nọ, và bảo chỉ 6 triệu đô giúp làng Hòa Bình là nơi nuôi những đứa trẻ dị dạng mà Quốc Hội Mỹ cũng chưa thông qua, trong khi đó, mới đây, họ đã biểu quyết bạc ngàn tỉ để hỗ trợ những ông chủ lớn của nào AIG, nào City Bank, Goldman & Sach… trong ngành tài chính trong cơn khủng hoảng vừa rồi. Qua cánh cửa phòng mở hé, tôi nghe bả thở dài, rồi lại thở dài, thờ dài và cuối cùng bật miệng khóc rấm rứt. Tôi nâng khẩu súng báng giả ngà lên, muốn bắn bỏ cả thế gian này. Nhưng hắn chỉ để cho tôi có đúng 6 viên đạn. Tôi vuốt mặt, bình tĩnh đưa nòng súng bỏ vào miệng. Chết có ý thức, với tự do, và lựa chọn nó như một lựa chọn bất khả kháng mới lãng mạn làm sao. Cứ lừng lững, đêm về đổ bóng tối vào mọi niềm hy vọng. Hy vọng của một người mẹ mong con mình có chút khả năng tái tạo một phần cái cơ thể bị tàn phá. Hy vọng của tôi, kẻ muốn chiều người đẹp, tìm thứ bùa mê gọi là hủy nội dung, một phương thức cách tân văn chương cho thật hiện đại.


*

Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm, dón dén ra khỏi nhà hắn khi trời mới nhá nhem. Men theo đườngVista del Oro, tôi rẽ phải, đi xuống Eastbluff. Đến ngã tư cắt Jamboree là có trạm xe buýt, chỉ đổi một chuyến là tôi về đến khu Bolsa. Nhưng không đợi xe, tôi cuốc bộ. Nắng đã leo lên đỉnh ngọn cây tôi đã gọi là cây hoa gạo. Những bông hoa bầm đỏ mầu máu điểm vào khoảng trời xanh ngắt trên cao lung linh trong gió sớm. Chẳng hiểu sao, tôi buột miệng hát, như hắn, thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo. Ô hay, Trời không im gió cho ngày chị sinh. Vừa bước, tôi vừa nghêu ngao. Chắc tôi có vẻ vui, hai ba người Mỹ chạy jogging trên chiếc cầu dọc Jamboree giơ tay vẫy, miệng hello. Tôi cũng good morning, rất lịch sự. Tay thò vào bụng sờ cái báng súng giả ngà, tôi yên tâm, nó đây, phương tiện cho phép tôi hủy nội dung, và hủy một cách triệt để, cái nội dung tôi có toàn quyền định phận. Vâng, các bạn hữu của tôi, tôi không phải là loại bạ gì giết nấy như đám Hitler, Stalin hay Mao đâu, các bạn chớ lo. Hủy cái nội dung này, xin thưa, tôi muốn đánh một tiếng chuông. Chuông ngân ở quận Cam, nhưng tiếng vang vọng có thể về Sài Gòn, về Hà Nội, điểm tụ hoành tráng của văn nhân Giao Chỉ mới đây còn thắc mắc sao Việt Nam ta không (chưa) có giải Nobel. Xin thưa, vì văn chương của các ngài hơi bị lãnh cảm, kiểu dương vật buồn thiu như cách nói một nhà văn nữ. Và hơi bị trĩ nên dạng ra đi hàng hai, vừa đi vừa hô là văn chương ẩn dụ giữa một trận đồ chính chị chính em bát nháo, thực thì giữa hai chân có nỗi sợ bị thiến dẫu nếu không thì nó vẫn cứ buồn thiu…Và cũng bắt đầu cách tân, cũng hiện và hậu hiện đại, cũng hiện thực huyền ảo… nghĩa là cũng đầy nhãn hiệu, cũng rất hình thức, nhưng sợ rồi chẳng đi đến đâu. Thôi, cho tôi kiệm lời, kẻo mất lòng, mang tiếng.

Đến Coffee Factory khoảng mười giờ, khách không đông như lệ thường, có lẽ vì hôm nay là ngày mồng một Tết. Lác đác, tiếng pháo nổ. Người mình ở Little Saigon quận Cam đây giữ truyền thống, cũng bánh chưng xanh cũng pháo hồng, cũng xông đất xông nhà, ăn mặc bảnh bao, và gặp nhau chào hỏi chúc tụng. Tôi chọn cái góc bên ngoài tiệm, thoáng hơn, và có quyền hút thuốc lá. Chị tiếp viên quen mặt ra chào, nói như reo "càphê đen đá…’’ và nhại ca từ họ Trịnh "một ngày như mọi ngày’’ Tôi cười, gật đầu. Khi đó ông họa sĩ từ bãi đậu xe bước vào. Để khỏi nghe ổng vừa bán được120000 đô tranh, tôi bắt tay ông : "chúc bác năm nay đắt hàng bằng năm bằng mười năm ngoái nghe’’. Ổng cười, rất tính toán, khoa học : "vậy là phải bán được từ sáu trăm ngàn tới một triệu hai đô’’ rồi đưa mắt nhìn quanh tìm người lạ. Đám nhân vật bạn cũng vừa kéo tới. Anh giọng the thé la lớn : ’’ Chào nhà văn…Năm mới năm me, may mắn nghe’’. Anh giọng uồm uồm, bữa nay diện đồ bộ rằn ri, đầu đội nón đỏ, vẫy nói : ’’ Chút ra xem diễn binh, ngay cạnh chỗ hội chợ, năm nay tui cầm cờ đi đầu binh chủng đó!’’. Khi đó, chị tiếp viên bưng ly càphê ra đặt lên bàn. Tôi đưa giấy mười đô, thân mật : "khỏi thối tiền, năm mới lì xì mà! "Chị ỏn ẻn "cám ơn heng, chúc nhà zăng viết nhiều viết hay!’’. Vừa nghe, tôi cảm thấy tủi thân, lòng nhủ lòng, tôi còn có bao nhiêu thời gian nữa đâu.

Thời gian chùng xuống, dài ra đến độ không thấy đầu bên kia. Đầu này, là ly càphê uống thật dè sẻn, nhưng cũng cạn dần. Tôi rút khẩu súng, và gẩy chốt an toàn, rồi lại giấu dưới áo. Tôi có thời giờ cho thêm một ngụm càphê đen đá. Tôi mở mắt nhìn thế gian yêu dấu này, thầm nhắc điều tôi lập đi lập lại từ bữa qua, một cuộc đời không dám hy sinh cho một cái gì là một cuộc đời không đáng sống. Thưa với bạn, tôi phải gióng một tiếng chuông báo động cho văn chương hải ngoại cũng như quốc nội về cái nguy cơ hủy nội dung của hiện thực bằng thủ pháp uốn éo ngôn từ giả cách tân chẳng khác chi kẻ lông mày, xâm môi, vén mắt, nâng mũi cho giống đầm Trắng…Thưa, hiện thực Việt Nam quê hương mình bứt trội mọi hư cấu, và xã hội đang chờ những Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng… thời này để ghi chút trí nhớ cho đời sau. Vâng, thưa…Tôi rút súng, kê vào thái dương, kêu : "tôi yêu các bạn và thương quê mình lắm’’ rồi tôi siết ngón tay trỏ vào cò súng.

Một tiếng nổ chát chúa.

Tôi như mê đi, thấy mình bay lên cao như trong phim Der Himmel über Berlin của đạo diễn Wim Wenders phỏng theo truyện của Peter Handke có cái tên dịch là "Đôi cánh ước vọng’’, thấy xa xa khu Phúc Lộc Thọ, gần gần là chợ Saigon City, rồi Lee’s Sandwiches. Tôi thấy căn hộ Mobile Home, nghe tiếng nước vỗ sông Thị Nghè, và tiếng muỗi vo ve. Chỉ một sát na, tôi nhìn lại đời tôi như một cuốn phim, từ khi trốn lính đến lúc mang cái ước vọng thành nhà văn, với bao nhiêu khuôn mặt thân thương kẻ còn người mất. Rồi ai đó lay tôi, nâng đầu tôi lên. Tôi nghe chị tiếp viên là "gọi 911’’. Tiếng xe cảnh sát hú còi, và có kẻ vỗ vỗ vào mặt tôi, chụp lên mũi cái chụp truyền oxy, rồi xốc tôi ngồi lên. Tỉnh dần, tôi mở mắt ra nhìn. Trước mặt, một cảnh sát da đen to như khổng lồ giơ khẩu súng báng giả ngà lên, sẵng giọng ( bằng tiếng Mỹ, dĩ nhiên) : "Cái này mua ở Toys’R’us, là đồ chơi…’’. Ghé mắt vào phần dưới báng súng, hắn đọc "Made in China’’. Tôi sờ tay lên đầu, quả không có máu. Viên cảnh sát tiếp : "Bữa nay Thành Phố cho người Việt đốt pháo, nên cứ coi cái súng cho con nít này cũng là một cách đốt pháo mừng xuân…Nhưng lần sau mà còn gọi 911 mà chẳng có gì cần cấp cứu, sẽ bị phạt hành chính từ 500 cho đến 5000 đô. Watch- out !’’

Xin lỗi nhé, tôi muốn nhưng không hủy được nội dung ở mức triệt để, chết để hòng làm tiếng chuông ngân từ quận Cam này vượt đại dương vẳng đến tận Sài Gòn, Hà Nội. Tôi định hy sinh, chết để cứu một nền văn chương đang lâm vào ngõ cụt hình thức, nhưng đâu ngờ Trung Quốc làm hàng giả tài tình đến thế. Siêu cường cuối kỷ 21 này bán cái gì thì cũng là hàng "nhái’’, khiến tôi chỉ còn thúc thủ, chết cũng không xong, nay rồi phải kéo lê cái kiếp vật vờ hư thực. Nhưng trước khi chắp tay bái chư thiên hạ để cáo cái tội còn sống này, tôi xin thêm vài lời gọi là hậu chú cho cái tạp truyện về những chuyện Cali này. Thứ nhất, tuy không hủy được nhưng tôi đã thành công (có chút châm chước) trong việc "trượt’’ nội dung, điều ông Alain Robbe- Grillet ca cẩm về ông Roland Barthes, cả hai đều là những nhà văn hoá cách tân tầm cỡ. Vậy xin chớ cho rằng tôi "cổ điển’’ hay "bảo thủ’ nhé. Nhưng cũng thú thật, kết hợp thể ký với thể truyện mang dạng giễu nhại hề chèo (satiric), lại đèo vào những vấn đề lẽ ra phải viết ngay ngắn trong một tiểu luận văn chương trang trọng, quả tôi đã làm rối beng lên mà không dám chắc gì về hiệu ứng văn chương. Nếu thất thố làm mất thì giờ vàng bạc của nhân vật bạn, tôi chỉ xin đấm ngực mình, kêu lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, mọi đàng. Thứ hai, trong cái tít sách của Vương Sóc, người đẹp bỏ bùa mê cho ta, thì người đẹp tiếng Hán là Mỹ Nhân. Và Mỹ Nhân, không chỉ phái nữ như Dương Quí Phi mà còn có thể là những bậc hiền giả phái nam, như ông Khổng, ông Mạnh. À, trên quê hương Việt Nam mình người lạ đang xây văn miếu thờ Khổng Tử đấy ( thôi ta cứ hy vọng miếu này cũng giả như khẩu súng Made in China thì đỡ (sợ) biết bao). Dài dòng thế này, tôi chỉ mong các bạn chớ gán cho người đẹp trong tạp truyện này một khuôn mặt nữ mà có dăm kẻ đã cho là tôi phải lòng thuở quận Cam vào xuân. Chuyện này, chỉ tôi mới biết, với cái nội dung tôi không phổ biến. Và chẳng bao giờ muốn hủy.


Nam Dao

Cali, tháng 3- Quebec, tháng 4, 2010

Phỏng Vấn Nhà Văn Trùng Dương

Phỏng Vấn Nhà Văn Trùng Dương

LÊ QUỲNH MAI Chủ Nhật, Ngày 26 tháng 9-2010

LTS.( HOP LUU ) Trùng Dương Nguyễn Thị Thái là một “hiện tượng” của sinh hoạt văn học, nghệ thuật và báo chí miền nam Việt Nam. Ngoài những sáng tác văn học, Trùng Dương tích cực tham gia sinh hoạt điện ảnh, và nhất là báo chí trong giai đoạn hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa [VNCH], từ 1970 tới 1974.
Người cựu nữ sinh viên Văn Khoa Sài Gòn nổi danh rất sớm, qua hai sáng tác Vừa Ði Vừa Ngước Nhìn và Mưa Không Ướt Ðất. Du học Liên Bang Mỹ trở về, bà đứng tên Chủ Nhiệm báo Sóng Thần mà nhóm chủ biên do nhà văn Chu Tử và nhà báo Uyên Thao trách nhiệm. Sóng Thần–đúng với danh xưng của nó–mang đến những đợt sóng dư luận chấn động miền nam, như việc khai quật những xác nạn nhân chôn vùi tập thể ở Huế và Quảng Trị trong mùa Xuân 1968, phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh, phong trào đòi tự do báo chí với những đợt công kích Luật 007, ngày ký giả đi ăn mày, và nhất là những cuộc tịch thu báo mới in xong, không cho phát hành, nhằm bóp tắt sự sống các cơ quan ngôn luận chống chính quyền. Ðó là chưa nói đến việc truy tố chủ nhiệm và các ký giả, nhà văn ra tòa. Nhưng dù bị áp bức, trù dập, Sóng Thần không chịu khuất phục trước thủ đoạn và sự trấn áp của nhà cầm quyền lúc đó. Trùng Dương, Uyên Thao cùng nhóm chủ biên Sóng Thần (nhà văn Chu Tử đã rút lui vì lý do riêng) tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do báo chí. Nếu không có cuộc tổng tấn công Ðông Xuân 1975–đưa đến sự sụp đổ của VNCH trong vòng 55 ngày và 55 đêm địa ngục–chẳng hiểu Trùng Dương và Sóng Thần trôi giạt về đâu.
Dù vô cùng khiêm tốn và nhã nhặn sau 35 năm định cư ở Mỹ, nữ sĩ Trùng Dương vẫn cung cấp cho độc giả Hợp Lưu, qua cuộc phỏng vấn với Lê Quỳnh Mai, những thông tin khả tín về diễn đàn ngôn luận tâm huyết do bà và văn hữu chủ trương đầu thập niên 1970. Ðặc biệt, những thông tin của Trùng Dương có thể giúp những thế hệ trẻ thấy một sự thực: Văn nghệ sĩ miền nam cũng có những phần tử can đảm bất chấp mọi hậu quả bi hài đứng lên tranh đấu cho đệ tứ quyền.
Trân trọng giới thiệu nữ sĩ Trùng Dương cùng các văn hữu và độc giả thân quí của Hợp Lưu.
Tạp chí Hợp Lưu



Tiểu sử và tác phẩm

Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư và lớn lên tại Miền Nam từ 1954. Nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Saigòn, 1971-75), và là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978). Tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ từ 1975. Trở lại trường học và tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Fulbright Fellow, niên khoá 1990-91 tại Hong Kong, nghiên cứu về các vùng kinh tế đặc biệt (special economic zones) của Trung Cộng trước khi nước này mở tung mọi cửa ngõ đón nhận nền kinh tế thị trường. Từ 1991-93, phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian, archivist & researcher) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006.


Các tác phẩm văn chương đã xuất bản trước 1975: Văn xuôi: Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, tập truyện (Khai Trí, 1966); Mưa Không Ướt Đất, tập truyện (Văn, 1967); Cơn Hồng Thủy và Bông Hoa Quỳ (Trình Bầy, 1968); Chung Cư, tập truyện (Tân Văn, 1971); Một Cuộc Tình, tập truyện (Tân Văn, 1972); Lập Đông, tập truyện (Văn, 1972); Thành Trì Cuối Cùng, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Thần Phong, Saigòn, khoảng 1970-71, chưa in thành sách); Những Người Ở Lại, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Sóng Thần, 1973, chưa in thành sách). Văn dịch: The Prophet (dịch Kahlil Gibran, đăng rải rác trong một số tạp chí, 1968-70); Ngàn Cánh Hạc (dịch Kawabata Yasunari, Trình Bầy, 1969); Đường Về Trùng Khánh (dịch Han Suyin, chung với Hồ Hải Nguyễn Vũ Thiện, không nhớ tên nhà xuất bản, khoảng 1970); Người Đàn Bà Trong Cồn Cát (dịch Kobo Abe, An Tiêm, 1971).

Từ sau 1975, viết nhiều thể loại và đăng báo, nhưng chưa xuất bản thành sách.


Lê Quỳnh Mai: Xin chị giới thiệu về nhà báo và nhà văn Trùng Dương Nguyễn Thị Thái.


Trùng Dương: Khi viết báo, tôi tôn trọng dữ kiện, sự chính xác. Khi viết văn, tôi để óc tưởng tượng của tôi thở, sống, "theo chân mây", như tựa một cái truyện ngắn viết trước 1975, thay vì nhốt nó ở đâu đó. Ở cả hai bộ môn, văn chương và báo chí, chân thực là điều căn bản, nhất là sự chân thực trí thức.


LQM: Là chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần tại miền Nam Việt Nam trước 1975. Chị có thể cho quí độc giả biết về quá trình thực hiện và hoạt động của cơ quan ngôn luận này không?


TD:Tình cờ tôi vừa viết xong bài điểm sách cuốn Báo chí ở Thành Phố Hố Chí Minh – 100 Câu Hỏi Đáp Về Gia Định – Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh, do Trương Ngọc Tường và Nguyễn Ngọc Phan biên soạn và nhà xuất bản Tổng hợp TP-HCM ấn hành năm 2006, về báo chí Miền Nam từ 1865 tới 1995, trong đó có hai trang về tờ Sóng Thần với rất nhiều sai sót. Tôi nhận thấy, vì nhu cầu trong nước và cả ở hải ngoại hiện muốn tìm hiểu về nền văn học Miền Nam 1954-1975, trong đó báo chí là một bộ phận, nên tôi có viết lại về tờ báo Sóng Thần để những ai muốn tham khảo về tờ báo như một phần của báo chí nói riêng và văn học Mỉền Nam nói chung, có tài liệu và không phải đoán mò, cương ẩu. Rất tiếc là tôi không có phương tiện, nhất là sức lực, để suy khảo về cả 20 năm báo chí Miền Nam, mặc dù một dạo rất muốn và đã thu thập được một số tài liệu. Sau đây là phần viết về tờ Sóng Thần rút ra từ bài điểm sách.

Tờ Sóng Thần ra đời vào tháng 10, năm 1971, và bị rút giấy phép vào tháng 2, năm 1975. Microfilm của những số báo Sóng Thần (trừ những số báo bị tịch thu không ra được tới sạp bán) hiện được lưu trữ tại thư viện Kroch Library Asia thuộc Đại học Cornell, Ithaca, N.Y. Bộ phim gồm bẩy cuộn, mang số 5004, gồm 1971: Oct.-Dec., 1972-1974, 1975: Jan.-Feb.

Khởi thủy Sóng Thần là cơ quan ngôn luận của nhóm chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn (tên một đại úy y sĩ đã bị sát hại vào năm 1970 trong khi đơn thương độc mã chống tham nhũng trong chính quyền Nha Trang). Nhóm này gồm Bác sĩ Phạm Văn Lương, Giáo sư Nguyễn Liệu, Hà Thế Ruyệt, Phan Nhự Thức, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên và một số người khác tôi không nhớ hết tên, và những người vì lý do riêng, không muốn công khai. Sau vì nhu cầu chuyên nghiệp, tờ báo tách ra đứng riêng, mặc dù vẫn theo chủ trương chống tham nhũng trong chính quyền và quân đội. Hồi ấy, tham nhũng ở Miền Nam chỉ bằng một phần nhỏ, so với bây giờ, và cũng chẳng lãnh đạo nào dám ngang nhiên tặng đảo, đất hay cho ngoại bang thuê mỏ, thuê rừng để bỏ túi riêng, như bây giờ. Và cũng không có lãnh đạo nào dám bênh vực tham nhũng, cho rằng tham nhũng ở Việt Nam còn thua xa vài quốc gia khác, như mới đây, ở Việt Nam.

Sóng Thần được hình thành là do đóng góp tiền bạc dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông và độc giả. Tờ báo có trụ sở đặt tại 133 đường Võ Tánh, Saigòn (không phải ở miền Trung như ghi trong cuốn Báo chí TP. Hồ Chí Minh). Tờ báo do tôi dứng tên làm chủ nhiệm, và nhà văn-nhà báo Chu Tử làm chủ biên. Sóng Thần chống tham nhũng ngay từ lúc đầu, chứ không phải mãi tới cuối năm 1974, như ghi trong bài "Xin cho biết về tờ Sóng Thần". Tuy vậy, Sóng Thần chống tham nhũng, không chống chế độ hay chính phủ, như một số báo chí ngoại quốc hồi ấy xếp loại là "anti-government". Ngoài ra là thông tin, bình luận thời cuộc, xã hội, và giải trí (mà việc đăng tải những truyện feuilleton là một).

Báo có anh Nguyễn Đức Nhuận lo trị sự, một người rất tận tụy, không những đối với tờ báo, mà còn với gia đình của anh chị em tòa soạn. Phát hành thì có Sáu Cao (tôi không nhớ trọn tên họ của anh, anh chị em quen gọi anh là Cao vì anh … rất cao và gầy, người miền Nam, năng nổ, bộc trực). Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh Sáu ngồi kiểu nước lụt (tức ngồi xổm, theo lối diễn tả của người Bắc), bứt rứt, khốn khổ, buồn so, mỗi khi nghe tin báo bị tịch thu vì một lý do nào đó, và anh không có báo để phát hành.

Phần tòa soạn thì anh Uyên Thao điều hành, với tư cách tổng thư ký, và anh Trương Cam Vĩnh làm phụ tá. Phụ trách về trình bầy và dàn trang, lo in ấn có các hoạ sĩ Đằng Giao, Huy Tường, và Vị Ý. Hồi ấy, chúng tôi đưa báo đi nhà in mướn người ta in, nhưng có riêng một dàn sắp chữ với khoảng một tá thợ, cậu nào cậu nấy lúc nào cũng mình trần vì phòng sắp chữ vốn là một cái gác lửng trần thấp nên rất nóng, và lem luốc vì mực. Phòng sắp chữ nằm phía sau tòa soạn, do xếp typo Tấn, một thanh niên gốc miền Nam, rất tận tụy, trông coi. Giờ nhìn lại tôi không khỏi xấu hổ mà nhìn nhận là trong số thợ sắp chữ đó có một số em chỉ mới trên dưới 10 tuổi, đủ biết đánh vần để có thể sắp chữ, bỏ học đi làm để kiếm sống giúp gia đình. Tôi cũng còn nhớ cảnh Tấn giục bài, "để mấy đứa nhỏ có bài sắp chữ" vào buổi trưa sau khi báo đã in và thợ sắp chữ sắp các bài nằm, có lần đứng bên cạnh bàn làm việc của tôi với cái thước kẻ, hễ thấy viết được khoảng nửa trang, cậu ta kê thước kẻ vào trang giấy xé cái rẹt, đem phần giấy có chữ xuống nhà sắp chữ, mặc tôi ngẩn ngơ như con gà vừa bị cắt đầu. Sau kinh nghiệm đó, tôi thường viết bài ở nhà, nếu bữa nào chậm bài cho Tấn.

Thành phần biên tập, bình luận và nhiếp ảnh khá đông, nồng cốt gồm có Vũ Ánh, Đỗ Ngọc Yến, Lý Đại Nguyên, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Dương Phục, Nguyễn Tiến Sơn, Lê thị Bích Vân, Anh Điển, Nguyễn Tân Dân, Chóe Nguyễn Hải Chí, Hùng Phong, Nguyễn Tuyển, Thục Viên, Triều Giang, Chu Vi Thủy, Vũ Ngọc Long, và nhiều người khác nữa. Bên cạnh đó là một hệ thống các văn phòng đại diện ở các tỉnh, đặc biệt là Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị, với Nguyễn Kinh Châu, Nguyễn Quý, Ngy Thanh, Đoàn Kế Tường và nhiều anh em khác. Cộng tác viên thì càng đông hơn. Thường xuyên lui tới toà soạn tôi nhớ nhất có các anh Trần Phong Vũ và Vũ Đức Vinh, cả hai hồi ấy làm đài phát thanh Sàigòn, với anh Vinh là tổng giám đốc. Về sau này, sau khi nhật báo Đuốc Nhà Nam của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc tự ý đóng cửa để phản đối luật báo chí mới 007/1972 đòi mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng, Sóng Thần (tồn tại nhờ vay tiền ký quỹ, và số tiền này còn nằm ở Ngân Hàng Quốc Gia khi biến cố 30 tháng 4, 1975 xẩy ra) mời được bỉnh bút Ngọa Long về cho có mầu sắc người Miền Nam vì đa số thành phần biên tập là những người gốc miền Bắc di cư năm 1954. Khác với lời ghi trong cuốn "100 Câu Hỏi Đáp" là cả ba nhà báo kỳ cựu gốc miền Nam Trần Tấn Quốc, Nam Đình và Ngọa Long "cùng sang cộng tác với Sóng Thần", thực tế chỉ có một mình ông Ngọa Long bằng lòng về hợp tác thôi.

Riêng về các nhà văn nhận lời viết feuilleton cho Sóng Thần thì khởi thủy gồm có Nguyên Vũ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thuỵ Long, Vũ Ngọc Đĩnh, Hoàng Hải Thuỷ, vv. Sau thêm một số khác nữa trong đó tôi nhớ hơn cả, vì là do chính tôi mời, mà lại mời viết hồi ký chứ không phải tiểu thuyết, để in song song, một phần cũng là nhằm lôi cuốn người đọc, đó là hai nhà văn nữ Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi đã dự tính sau hai nhà văn này thì sẽ mời Nhã Ca và Nguyễn Thị Hoàng viết hồi ký song song như thế, nhưng chưa kịp, không nhớ vì lý do gì. Cả bốn chị đều là những nhà văn có nhiều sách truyện đã xuất bản và được nhiều người biết tới và đọc, khác với tôi, một người viết truyện "xuân thu nhị kỳ", như chủ bút Văn dạo ấy, Trần Phong Giao, đặt cho tôi, có thể vì tôi luôn có những sở thích khác lôi cuốn mình, không chỉ mình văn chương. Những người viết feuilleton cho báo hàng ngày là cộng tác viên, không nằm trong thành phần biên tập.

Ngoài công việc thông tin, nhật báo Sóng Thần còn tham gia vào hoặc tài trợ cho một số những sinh hoạt giáo dục (như hỗ trợ cho chương trình gây quỹ học bổng cho trường Quảng Ngãi Nghĩa Thục dậy học miễn phí cho vài trăm em học sinh trung học nghèo ở Quảng Ngãi, do Nguyễn Liệu và trên 100 giáo sư trung học ở Quảng Ngãi đảm trách); xã hội hoặc nhân đạo (như chương trình xây nhà giúp người nghèo, hoặc gây quỹ và phát động chiến dịch hốt xác và chôn cất gần 2,000 nạn nhân chiến cuộc trên Đại lộ Kinh Hoàng trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972); hoặc văn nghệ (như lập nhà xuất bản Nhân Chủ, hỗ trợ gánh hát cải lương Bạch Tuyết-Hùng Cường, thực hiện phim "Yêu", do Đỗ Tiến Đức đạo diễn, dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của Chu Tử).

Cái ưu điểm của Sóng Thần, và lý do tờ báo lôi cuốn được nhiều người tham gia, hỗ trợ, đó là, ngoài chủ trương chống tham nhũng làm sạch hậu phương để hỗ trợ tiền tuyến chống Cộng đặng bảo vệ một Miền Nam tự do, còn do chỗ này: đó là tờ báo do nhiều người làm chủ, với tư cách cổ đông góp phần hùn vốn, và niềm tin của họ đặt vào hoài bão của nhóm chủ trương, cũng là ước vọng của họ. Tôi chỉ là người đứng tên trên giấy phép xuất bản và chịu trách nhiệm đối với chính quyền, trong đó có những màn đi hầu tòa mỗi khi báo bị tịch thu. Tôi còn nhớ mỗi lần tôi mặc áo dài đến tòa soạn, thế nào cũng có người hỏi: "Bữa nay bà đi hầu tòa hả?" Vì tôi ít khi mặc ào dài, mà thường mặc âu phục để đi xe đạp cho đỡ vướng. Nói tóm lại, không có các anh chị em khác đã cộng tác với Sóng Thần và sự tin tưởng vào lý tưởng của tờ báo từ các cổ đông và độc giả, chắc chắn đã không có tờ Sóng Thần.


LQM:Khó khăn lớn nhất mà chị đã gặp khi thực hiện tờ Sóng Thần.


TD:Có lẽ là sự kiểm duyệt khá khe khắt, đôi khi vô lý và lố bịch, của chính quyền của ông Nguyễn Văn Thiệu, và đặc biệt là luật báo chí 007/72 ban hành sau biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa, đòi mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng để được phép tiếp tục xuất bản. Nguyên nhân sâu xa, đã hẳn là do tình trạng chiến tranh do cộng sản Hà Nội chủ trương, với sự thâm nhập hàng ngũ quốc gia của các cán bộ nằm vùng, đặc biệt trong giới cầm bút viết văn, đưa tới thái độ "paranoid" của giới lãnh đạo Miền Nam. Khi một tờ báo bị kiểm duyệt và tịch thu hơi thường xuyên, khách hàng quảng cáo sợ và độc giả cũng dần nản, bỏ mình, rồi cái nọ kéo theo cái kia.


LQM:Mặc dù tạo được tiếng vang lớn, nhưng tuổi thọ của Sóng Thần không được lâu dài như một số nhật báo nổi tiếng của miền Nam Việt Nam trước kia. Chị nghĩ sao về cái tên của nó như điềm báo trước về hiện tượng này?


TD:Chuyện "tên như một điềm báo" chỉ là để nói đùa với nhau cho vui. Tôi không tin tên Sóng Thần tự nó là một điềm báo. Hồi đó, mặc dù Sóng Thần nghe không có vẻ tên báo, nhưng ông Chu Tử rất thích khi tôi cho biết đã chọn tên báo là Sóng Thần. Ngoài Sóng Thần, còn có vài tờ khác cũng bị rút giấy phép cùng lúc, trong đó có tờ Đại Dân Tộc của ông Võ Long Triều.


LQM:Sau nhiều biến cố xảy ra, chị có tìm ra nguyên nhân tại sao nhật báo Sóng Thần bị đóng cửa hay không?


TD:Tôi nghĩ tờ Sóng Thần bị đóng cửa là vì thái độ sợ hãi, không còn tin ở ai của chính quyền của ông Thiệu. Như tôi đã nói ở trên, chính quyền của ông Thiệu khi ở bước đường cùng càng trở nên quẫn trí, phản ứng không còn theo lý trí nữa. Người Mỹ có thành ngữ "shoot yourself in the foot" (tự bắn vào chân mình), nói cách khác là tự đào mồ chôn sống, và đấy là tình trạng của những chế độ ở bước đường cùng và không tin ai nữa, kết quả là hở ra làm cái gì cũng sai, trật, và từ từ tự đào hố chôn mình và chôn theo cả một quốc gia, dân tộc. Ta cũng thấy điều đó hiện đang diễn ra ở Việt Nam.


LQM:Chị có nhận xét và so sánh thế nào giữa hai nền báo chí ở miền Nam Việt Nam trước 1975 và của cộng đồng người Việt hải ngoại sau 1975 (nói riêng tại Hoa Kỳ).


TD:Báo chí ở Miền Nam trước 1975 có kiểm duyệt, mặc dù không bị chỉ đạo, như báo chí dưới chế độ cộng sản độc tài ở Miền Bắc và cả 35 năm qua trên toàn Việt Nam. Báo chí Việt ở hải ngoại thì hoàn toàn tự do, chỉ cần xin giấy phép mở một cơ sở thương mại (business). Ngày nay với kỹ thuật Internet phổ biến, nhiều báo điện tử không cần cả giấy phép thương mại, chỉ cần đăng ký với một trong những cơ sở đăng ký trên Internet. Tuy nhiên, nhiều người làm báo ở hải ngoại, tất nhiên không phải tất cả, hiểu nhầm quyền tự do báo chí, cho rằng mình muốn viết gì, công kích hay chụp mũ ai thì đó là quyền của mình. Điều này không đúng. Càng tự do, trách nhiệm của người cầm bút càng cao, do đấy người cầm bút càng phải luôn học hỏi, tự trau giồi, về kiến thức cũng như khả năng nghề nghiệp. Và quan trọng hơn cả, theo tôi, là vun sới đức tính khiêm tốn, đạo đức nghề nghiệp.


LQM:Chị có so sánh gì về cả hai mặt tốt xấu trong cách làm báo của người bản xứ tại Hoa Kỳ và của người Việt tại hải ngoại.Và ý kiến về sự xuất hiện mạnh mẽ của báo điện tử hiện nay?


TD:Báo Việt ở hải ngoại, đặc biệt tại Nam Cali, nhiều quá, vì ai cũng muốn làm chủ báo, mà số người viết thì có hạn, độc giả có hạn, cũng vậy là khách hàng quảng cáo. Lượng thì nhiều mà phẩm không có bao nhiêu. Về phát thanh cũng vậy. Đã vậy, báo chí Việt ngữ, vì tính chất chính trị đặc biệt của cộng đồng Việt tị nạn, ít nhiều, dù không muốn, cũng bị lôi cuốn vào vòng chính trị, khó duy trì được tính khách quan, chuyên nghiệp. Chưa kể ảnh hưởng của khách hàng quảng cáo tới sự độc lập của tờ báo nữa. Báo chí Mỹ không bị chi phối bởi đặc tính chính trị này, mặc dù cũng không tránh được sự chi phối của quảng cáo. Báo chí Mỹ cũng không xuất bản ồ ạt như vậy. Tại một thành phố như Stockton, nơi tôi đã sống và làm việc 12 năm, chẳng hạn, với dân số khoảng 250 ngàn cho thành phố và khoảng nửa triệu cho toàn quận, chỉ có một tờ báo hàng ngày, tờ The Record, với số phát hành khoảng 70 ngàn số. Vậy mà từ nhiều năm trở lại đây tờ báo cũng đang khốn đốn vì sự phổ biến của Internet vì kỹ thuật này đang lấy đi khách hàng quảng cáo, nguồn thu chính của tờ báo. Và đấy là tình trạng chung của báo in tại Mỹ: nguồn thu quảng cáo đang bị thu hẹp lại, trong khi số độc giả mua báo cũng giảm đi.

Kỹ thuật Internet chỉ mới được chính phủ Hoa Kỳ bàn giao cho tư nhân xử dụng vào năm 1995, bốn năm sau khi kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh. Tuy thế, Internet đã biến đổi sâu xa đời sống của chúng ta ở mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật và cả những liên hệ và đời sống cá nhân. Cũng chưa có kỹ thuật nào từ cổ chí kim mà lại có khả năng thu nhỏ quả địa cầu, thông tin chớp nhoáng, kể cả "tin" bậy, và dân chủ hoá và trang bị sức mạnh (empower) cho người xử dụng, như kỹ thuật Internet, mà World Wide Web, gọi tắt là Web, là một bộ phận. Do đấy chúng ta không nên lấy làm lạ khi báo điện tử của người Việt trong và ngoài nước bỗng tràn lan, bên cạnh những ấn bản điện tử (online) của những báo giấy, đấy là chưa kể các trang Web của các đoàn thể, hội, nhóm và cá nhân. Không cần chi phí nhiều để mở những trang Web đó, chưa kể nếu chịu khó thì có thể tự làm lấy trang Web của mình với sự hỗ trợ của một vài chương trình computer, rồi thuê post lên Web, tốn vài chục Mỹ kim/tháng. Vấn đề là có người viết và viết như thế nào, có đáng cho chúng ta theo giõi đọc và tin được không. Không ai ở hải ngoại này, kể cả chính quyền, có thể "đóng cửa" những Web sites này, trừ phi họ vi phạm điều lệ của hãng Internet mà họ thuê post và có người khiếu nại. Do đấy, người đọc cần đủ hiểu biết và thông minh để phân biệt thực hư, giữa sự thực và dối trá, đừng bạ cái gì cũng tin, rồi chuyển đi tứ tán, qua phương tiện e-mail, một cách vô trách nhiệm.


LQM:Là nhà báo và cũng là nhà văn, chị thích lãnh vực nào hơn. Tại sao?


TD:Không có lãnh vực nào tôi thích hơn lãnh vực nào, mà cả hai bổ sung cho nhau. Càng lớn tuổi, với kinh nghiệm, mình càng thực tiễn hơn, không còn mơ mộng, đam mê như lúc còn trẻ, do đấy óc tưởng tượng cũng mòn mỏi đi. Vì nhu cầu công việc và thói quen nghề nghiệp, tôi nghiêng về báo chí nhiều. Tóm lại, tôi đọc báo, tạp chí, sách non-fiction, xem phim tài liệu nhiều hơn là đọc truyện và xem phim truyện, trừ những tác phẩm thật hay. Viết cũng vậy.


LQM:Ý kiến của chị thế nào về văn học hải ngoại. Và sự khác biệt giữa hai thời điểm trước 1975 và sau 1975 dưới mắt nhìn của chị?

(Còn tiếp...)
Xin đọc phần còn lại ở Tạp Chí Hợp Lưu 111 số tháng 8 & 9 - 2010 (trong ấn bản trên giấy)

www.hopluu.net.

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

THIÊN ĐÔ CHIẾU(LÝ THÁI TỔ)

Một Nghìn Năm Thăng Long - Hà Nội, Nhìn Lại Giá Trị Tác Phẩm " Thiên Đô Chiếu" Của Thái Tổ Lý Công Uẩn

NGUYỄN PHẠM HÙNG







Phiên âm:

THIÊN ĐÔ CHIẾU(LÝ THÁI TỔ)

Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam Đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ. Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bội chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô. Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà?

Dịch nghĩa

CHIẾU DỜI ĐÔ


Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần đời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời ? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không đổi dời. Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chổ ở. Các khanh nghĩ thế nào?

Lý Công Uẩn người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp tuất (tức ngày 8 tháng 3 năm 974) và mất ngày 3 tháng 3 năm Mậu thìn (tức ngày 31 tháng 3 năm 1028), thọ 55 tuổi. Không rõ gốc tích gia đình, chỉ biết thuở nhỏ ông làm con nuôi của nhà sư Lý Khánh Văn, được sư Lý Khánh Văn nuôi dưỡng và dạy dỗ trong chùa[1]. Sau lại được sư Lý Vạn Hạnh nâng đỡ, giúp tiến cử vào triều[2], dần làm đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, trở thành một người có uy vọng bậc nhất trong triều Tiền Lê. Ngày Tân Hợi tháng 10 năm Kỷ dậu (19 – 11 - 1009), vua Lê Ngoạ Triều chết, hai ngày sau, ngày Quý Sửu (21 – 11 – 1009), Lý Công Uẩn được các quan lại, quý tộc, tướng lĩnh trong triều giúp đỡ đã "tự lập làm vua"[3], mở ra triều Lý, miếu hiệu là Lý Thái Tổ.

Lý Công Uẩn làm vua gần 20 năm. Trong buổi đầu lập quốc vô vàn khó khăn, gian khổ, ông đã cùng triều đình và thần dân thiết lập nên một vương triều thực sự vững mạnh, ổn định lâu dài, chẳng những đặt nền móng vững chắc cho chế độ phong kiến Việt Nam, mà còn mở ra thời đại độc lập tự chủ của dân tộc. Đóng góp của ông thể hiện trên nhiều lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và tư tưởng... Công lao của Lý Công Uẩn là vô cùng vĩ đại. Ông chính là vị hoàng đế khai cơ ra không chỉ một vương triều, mà còn là vị hoàng đế mở ra một thời đại mới của lịch sử dân tộc độc lập và tự chủ. Tên tuổi của ông gắn liền với Thiên đô chiếu, với đế đô Thăng Long – Hà Nội vừa tròn nghìn năm tuổi.

1. Mấy nét khái quát về thể văn chiếu thời Lý

Chiếu là một thể loại quan trọng trong văn học Việt Nam cổ. Chiếu xuất hiện ở Trung Quốc, tồn tại trong suốt thời kỳ phong kiến và trong các nền văn học có ảnh hưởng Trung Quốc. Chiếu là "cáo của triều đình ban bố gọi chung là chiếu lệnh, bắt nguồn từ thể cáo trong Thượng thư, thời Xuân thu gọi là mệnh, thời Chiến quốc gọi là lệnh. Sau khi Tần thống nhất, đổi mệnh thành chế, đổi lệnh thành chiếu. Đầu đời Hán, mệnh chia làm bốn loại, danh mục, công dụng khác nhau. Chiếu là cáo với bách quan... Chiếu lệnh đa số là do thị thần văn học làm thay, số ít do đế vương viết lấy. Buổi đầu chiếu lệnh dùng văn xuôi, văn chương đơn giản minh bạch. Từ Lục Triều về sau, phần nhiều dùng biền văn, có cái cũng mô phỏng văn thể của Thượng thư, chiếu lệnh đời Nguyên (...) dùng bạch thoại"[4].

Thực chất chiếu là loại văn hành chính của triều đình nhằm công bố cho thần dân trong nước biết về những vấn đề có liên quan tới đời sống quốc gia, dân tộc, vương triều. Đây là loại văn học có tính chức năng cao, phục vụ việc giao tiếp có tính quan phương. Có người xếp nó vào loại "văn ứng dụng", là loại "công văn gửi cấp dưới" (để phân biệt với một số loại "công văn gửi cấp trên", hay "công văn gửi cấp ngang hàng")[5]. Các nhà lý luận văn học cổ xem chiếu là thể văn học quan trọng trong hệ thống thể loại văn học thời quá khứ. Trong Văn tâm điêu long, phần II, gồm 20 thiên nói về các loại văn, thì thiên 15 là thiên viết về chiếu lệnh. Đặc trưng cơ bản của thể loại này, xét về nội dung, là mệnh lệnh của vua chúa đối với thần dân; xét về hình thức là sự vận dụng phổ biến các cách diễn đạt của văn xuôi cổ thể, của biền văn, tản văn, và cả vận văn nữa, trong đó, phổ biến nhất là hình thức biền văn.

Chiếu là thể loại văn học Trung Quốc được lựa chọn và sử dụng ở Việt Nam ngay từ thời Lý - Trần. Nó được xem là một trong những thể loại văn xuôi thành công đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, tác phẩm văn chiếu sớm nhất còn lại là Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn được sáng tác nhân sự kiện dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vào mùa thu năm 1010. Nhưng điều đó không có nghĩa là trước triều Lý, thể loại văn học này hoàn toàn chưa được người Việt Nam biết đến. Có lẽ trong 10 thế kỷ Bắc thuộc, những người dân xứ Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam này cũng đã ít nhiều đã được tiếp xúc với những "mệnh lệnh" từ các "con Trời" từ phương bắc.

Sự tồn tại của văn chiếu gắn bó với sự tồn tại của các vương triều phong kiến. Chỉ khi nào chế độ phong kiến mất đi, thì thể loại văn học này mới không còn lý do để tồn tại. Trong văn học Việt Nam, tác phẩm văn chiếu sau cùng có lẽ là Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, công bố vào tháng 8-1945, đánh dấu thời khắc chính thức chấm dứt vai trò của chế độ phong kiến Việt Nam.

Nhìn chung mọi loại văn học đều thể hiện sự giao tiếp giữa con người với con người. Khác với những thể loại văn học lấy sự giao tiếp cá nhân với cá nhân làm mục đích, văn chiếu (cùng một số thể loại văn học chức năng khác) lấy sự giao tiếp cộng đồng làm mục đích. Đó là sự giao tiếp giữa vua chúa với thần dân, giữa triều đình phong kiến với quần chúng, giữa giai cấp thống trị với giai cấp bị trị. Đây là sự giao tiếp một chiều, từ trên xuống, cho nên gọi nó là mệnh lệnh.

Nhu cầu xây dựng và củng cố vương triều phong kiến, tiến hành công cuộc kiến quốc và chống xâm lăng, là cơ sở lịch sử - xã hội của sự tiếp thu và sử dụng văn chiếu ở thời Lý. Văn chiếu vốn là công cụ của vua chúa, nhằm thực hiện quyền thống trị của mình trong đất nước có kỷ cương và luật pháp. Các vương triều phong kiến Việt Nam, mà mở đầu là triều Lý, trong quá trình xây dựng một thể chế chính trị và pháp quyền ít nhiều theo mô hình Trung Quốc, đã tất yếu tiếp thu loại công cụ văn học này. Nó là thể loại văn học quan trọng và quen thuộc không chỉ với tầng lớp vua chúa, quý tộc, mà với mọi tầng lớp nhân dân trong nước.

Trong ý thức nghệ thuật của người Việt Nam thời trung đại, chiếu là một thể loại văn học quan trọng, tồn tại độc lập và bình đẳng với các thể loại văn học khác. Tiếp thu và phát triển thể loại văn học này chính là góp phần xây dựng và phát triển nền văn học dân tộc. Bởi vậy, ngay từ đầu thế kỷ XV, trong yêu cầu khôi phục lại diện mạo nền văn học Lý - Trần bị giặc Minh tàn phá, bên cạnh việc tìm kiếm các tác phẩm thuộc các thể loại văn học khác, chúng ta thấy có yêu cầu tìm kiếm các tác phẩm thuộc thể loại văn chiếu. Song trong ngành nghiên cứu lịch sử văn học, văn chiếu không phải bao giờ cũng được ý thức như một thể loại văn học quan trọng.

Chúng ta biết rằng, mỗi thời đại có thể loại văn học của nó. Vị trí của thể loại văn học ở các thời đại khác nhau cũng không giống nhau. Văn chiếu tồn tại trong nghìn năm văn học trung đại Việt Nam, song vị trí của nó luôn luôn thay đổi. Ở thời Lý, văn chiếu có vị trí quan trọng trong hệ thống văn học, mang ý thức thẩm mỹ của thời đại đó. Nó thể hiện tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của những con người đại diện cho dân tộc. Ở các thời kỳ sau này, văn chiếu ít được chú ý hơn. Nó từng bước bị gạt ra ngoài rìa của hệ thống văn học. Vì sao vậy?

Thứ nhất, cần thấy rằng, bản chất của những giao tiếp văn học thuộc thể loại này phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất của những tác giả sáng tạo ra chúng, cũng như vào tính chất của triều đại phong kiến. Tiếng nói của văn chiếu chỉ trở thành tiếng nói đại diện cho dân tộc khi mà phẩm chất của người sáng tạo ra nó có thể đại diện cho phẩm chất dân tộc. Phần lớn tác giả của văn chiếu thời Lý là những "minh quân", những vị vua biết lo cho dân cho nước, hoà hợp tâm hồn họ với tâm hồn nhân dân, nên về một phương diện nào đó nó cũng là tinh thần và tình cảm của nhân dân. Còn sau này, văn chiếu của những "hôn quân", "bạo chúa", hay những "vua Quỷ", "vua Lợn", thì ít khi hoặc không thể trở thành những tác phẩm văn học có giá trị đại diện ấy. Tuy rằng, "chiếu lệnh đa số là do thị thần văn học làm thay, số ít do đế vương viết lấy", nhưng về cơ bản vẫn là thể hiện tinh thần, tình cảm của đế vương.

Thứ hai, hơn bất kỳ thời đại lịch sử nào, thời Lý - Trần là thời kỳ phát triển của văn học chức năng. Thời kỳ này đề cao những thể loại văn học có tác dụng tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng đất nước, phát triển văn hoá, kháng chiến, chống xâm lược. Văn chiếu là thể loại đáp ứng cao yêu cầu này của thời đại. Nội dung của văn chiếu thực sự phản ánh được những vấn đề lớn lao nhất, nóng bỏng nhất, được nhiều người quan tâm nhất lúc bấy giờ.

Thứ ba, thể loại văn chiếu, về mặt chính thống, là công cụ của nhà nước phong kiến nhằm thoả mãn những công việc chung của vương triều, của quốc gia, nhưng mặt khác nó cũng ít nhiều là công cụ phô diễn tư tưởng, tình cảm của con người trước cuộc sống, nhằm thoả mãn được yêu cầu thể hiện "ý thức cộng đồng" của con người lúc ấy. Nó phù hợp với nhu cầu, trình độ, thị hiếu, tâm lý của con người ở thời này. Có lẽ hơn bất cứ thời kỳ nào, tiếng nói và "ý thức cộng đồng" của "tác giả" và "độc giả" văn chiếu lại thống nhất cao độ như ở thời Lý. Ở các thời kỳ lịch sử sau này, văn chiếu không có hoặc ít có khả năng đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của con người như ở thời Lý. Bởi lúc đó, con người có những mối quan tâm khác, và những hình thức diễn đạt khác phù hợp hơn, thay thế.

Như đã nói, chiếu là loại văn thường do [các thị thần văn học được] vua chúa [sai] viết ra, nhằm nêu lên những mệnh lệnh của triều đình đối với thần dân. Nội dung của văn chiếu, do tính quan phương quy định, chỉ đề cập tới những vấn đề lớn lao của quốc gia, dân tộc, của vương triều phong kiến, tới những sự kiện lịch sử, những biến cố của đất nước, những chủ trương, chính sách lớn của triều đình. Theo Thơ văn Lý - Trần [6], thời Lý văn chiếu rất nhiều, nhưng đến nay chỉ còn lại nguyên vẹn có bảy bài, đề cập tới bảy sự kiện quan trọng của thời kỳ lịch sử này, đó là:

- Sự kiện Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, trong Thiên đô chiếu;

- Sự kiện Lý Thái Tông đánh dẹp Nùng Tồn Phúc ở Cao Bằng năm 1039, chống nạn cát cứ phân liệt, trong Bình Nùng chiếu;

- Sự kiện Lý Thái Tông xá thuế nông nghiệp năm 1044, trong Xá thuế chiếu;

- Sự kiện vua Lý Nhân Tông khi lâm chung năm 1128 đã để lại lời căn dặn có quan hệ tới việc người kế nghiệp và tổ chức quốc tang, trong Lâm chung di chiếu;

- Sự kiện năm 1207, Lý Cao Tông thấy "giặc giã nổi lên như ong bèn hối lại những lỗi lầm cũ" (Việt sử lược), trong Truy hối tiền quá chiếu;

- Sự kiện Lý Huệ Tông đánh dẹp nghịch đảng Trần Tự Khánh năm 1215, trong Thảo Trần Tự Khánh chiếu;

- Sự kiện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, chấm dứt sự tồn tại của nhà Lý, mở ra thời đại nhà Trần năm 1226[7], trong Thiện vị chiếu.

Ta thấy, chiếu thời Lý chủ yếu phản ánh hai vấn đề lớn của dân tộc. Thứ nhất, là nhu cầu thống nhất đất nước, chống cát cứ phân liệt, xây dựng một nhà nước phong kiến chính quy, ổn định, khẳng định địa vị thống trị của nhà Lý. Điều này được thể hiện trong các bài Bình Nùng chiếu của Lý Thái Tông, và Thảo Trần Tự Khánh chiếu của Lý Huệ Tông. Thứ hai, là khát vọng xây dựng một đất nước thanh bình, thịnh trị, nhân dân no ấm, thể hiện trách nhiệm lớn lao của người làm vua và tư tưởng thân dân sâu sắc của họ. Điều này bộc lộ rõ rệt trong các bài Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn, Xá thuế chiếu của Lý Thái Tông, Lâm chung di chiếu của Lý Nhân Tông, Truy hối tiền quá chiếu của Lý Cao Tông. Hai vấn đề lớn đó luôn gắn bó với nhau, trở thành nhiệm vụ cơ bản, thường trực, là mối quan tâm hàng đầu của triều đình phong kiến trong suốt hơn hai trăm năm vương triều Lý.

Văn chiếu được xếp vào loại "văn ứng dụng", loại "công văn gửi cấp dưới". Nó thể hiện sự giao tiếp giữa triều đình và thần dân. Hoạt động của văn chiếu là hoạt động lời nói hướng tới người tiếp nhận. Hoạt động này do tính chất "mệnh lệnh" quy định, chỉ là hoạt động đơn thoại, một chiều; song ngôn từ của văn chiếu lại là ngôn từ đối thoại. Luôn luôn có một đối tượng xác định cho từng bài văn chiếu, tuỳ theo tính chất và phạm vi xã hội của vấn đề được nêu lên. Chẳng hạn, đối tượng của Thiên đô chiếu là toàn thể thần dân trong nước, nhưng trước hết là đội ngũ quan lại, quý tộc; đối tượng của Bình Nùng chiếu là cha con họ Nùng mang tư tưởng ly khai và những người trực tiếp tham gia cuộc chinh phạt cha con họ Nùng đó; đối tượng của Lâm chung di chiếu là hoàng thân, quốc thích và các quan trong triều, còn đối tượng của Xá thuế chiếu là những viên quan coi việc nông tang và những người nông dân trực tiếp sản xuất lúa gạo...

Ngôn từ đối thoại giúp cho việc bộc lộ tâm tư tình cảm, thái độ của tác giả văn chiếu. Đó là những lời nói, không chỉ thể hiện những mệnh lệnh, mà còn bày tỏ một "nguyện vọng", "mong nuốn", hay lời "đề nghị" của người viết với đối tượng. Vì thế mà lời lẽ trong Thiên đô chiếu là lời phân tích thiệt hơn, thuận nghịch, trong tinh thần đối thoại, trao đổi: "Trẫm mong dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở, các khanh thấy thế nào?" Lời lẽ trong Xá thuế chiếu là lời của một người "cùng cảnh ngộ": "Nếu trăm họ no đủ thì trẫm còn lo gì thiếu thốn!" Lời lẽ trong Lâm chung di chiếu vừa là mệnh lệnh, vừa là tâm tình: "Than ôi! mặt trời đã xế, tấc bóng khôn dừng, trăng trối mấy lời, nghìn năm vĩnh quyết"...

Văn chiếu thời Lý thể hiện song song hai yếu tố, mệnh lệnh và lời yêu cầu, lời thuyết phục. Chính hai yếu tố đan xen đó giúp ta có điều kiện ít nhiều được tiếp xúc với tâm hồn của các tác giả văn chiếu! Mặc dù là đơn thoại, trực thoại, song các tác giả văn chiếu lại thường rất chú ý tới đối tượng, bộc lộ rất rõ thái độ, tình cảm đối với đối tượng. Điều đó giúp cho cái tư tưởng thân dân và ý thức vị tha của các bậc vua chúa triều Lý có điều kiện bộc lộ.

Vì sao có tình trạng đó? Có lẽ vì đấy là tác phẩm của những bậc "minh quân", những người biết "lo cho dân", "theo ý dân" biết "tin vào tiền đồ của đất nước, quyết tâm bảo vệ bờ cõi, xây dựng cơ đồ (...) biết vui sống trong tình thân, trong tin tưởng"[8]. Và còn bởi đấy là một thời đại mà sự giản dị, chất phác, hồn nhiên trong mối quan hệ giữa con người với con người khá là đậm đà, khi "đời sống của con người chưa bị lễ giáo nhà Nho ràng buộc gay gắt", "là sự giản dị trong quan hệ con người với con người". Từ cung điện của nhà vua... tới làng mạc của nông dân chưa có những tường hào ngăn cách..."[9]. Cho nên, cũng có thể nói, thông qua tiếng nói quan phương, văn chiếu thời Lý vẫn giúp ta thấy được một vài nét tâm hồn trong con người của các đế vương. Đối tượng của văn chiếu giờ đây không chỉ còn là những kẻ bề tôi chỉ biết cúi đầu tuân phục, mà có khi lại ít nhiều được chú ý tới, được đề cao. Đó là khi địa vị người dân chưa bị khinh rẻ và coi thường, khi giữa họ có thể tìm thấy một sự giao cảm hay một sự thông cảm, điều chỉ có trong phẩm chất của vua chúa một thời thân dân yêu nước.

Thời đại ấy đã sản sinh ra nhiều ông vua tốt, chủ nhân của những bài văn chiếu có giá trị. Không chỉ các bậc minh quân, mà ngay đến những ông vua bị coi là nhu nhược, hèn kém như Lý Cao Tông cũng để lại những ấn tượng khá tốt đẹp trong bài chiếu của mình. Phan Huy Chú nhận xét về vị vua này: "Chơi bời quá độ, bày nhiều việc thổ mộc, trộm giặc nổi lên như ong". Thế nhưng Lý Cao Tông có lúc cũng biết thức tỉnh và hối hận về những lỗi lầm của mình, để biết "hối lỗi", một điều thật sự thậm khó đối bất kể kẻ thống trị nào: "Trẫm còn bé phải gánh vác việc lớn, ở trong chốn cửu trùng sâu thẳm, không biết nỗi khó nhọc của đời sống muôn dân, lại nghe bọn tiểu nhân mà gây oán với người dưới. Dân đã oán thì Trẫm biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi lầm, cùng trăm họ bắt đầu canh tân" (Truy hối tiền quá chiếu). Đây không phải là một "mệnh lệnh" mà là những lời bộc bạch, tâm tình. Ở đây, dường như đám thần dân không còn quá bé mọn và rẻ mạt, mà có vẻ như còn là người được phán xét những lỗi lầm của vua chúa. Có lẽ đây là bài chiếu hối lỗi duy nhất trong lịch sử Việt Nam, mang một ý nghĩa răn bảo nào đấy với các nhà cầm quyền.

Nói chung các bài văn chiếu thời Lý còn lại đến nay đều ít nhiều là sự bộc bạch trách nhiệm và nghĩa vụ của vua chúa đối với dân, với nước. Lý Thái Tông ngày ngày "thức khuya dậy sớm, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ như lội vực sâu" (Đáp quần thần thỉnh tiến vị hiệu). Lý Nhân Tông với trách nhiệm giữ vững độc lập toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, "luôn luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng" (Thỉnh hoàn Vật Dương, Vật ác nhị động biểu). Đây là lời của Lý Thái Tông nói với một vị quan coi ngục: "Ta yêu con ta cũng như bậc cha mẹ trong thiên hạ yêu con cái họ" (Cố Động Thiên công chúa vị ngục lại)... Họ đúng là những người biết lo chung cái lo của thiên hạ, biết vui chung cái vui của thiên hạ, họ không không phải lúc nào cũng chỉ đứng trên nhân dân, mà có lúc biết đứng trong cùng hàng ngũ với nhân dân, thật là tấm gương tốt cho các đế vương muôn đời. Tiếng nói của họ, vì vậy nhiều khi cũng đại diện cho tiếng nói của nhân dân, thống nhất với tiếng nói của nhân dân. Trong bối cảnh đó, Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn thực có những giá trị hết sức tiêu biểu.

2. Những giá trị tư tưởng trong "Thiên đô chiếu"

Nội dung bài Thiên đô chiếu công bố quyết định của Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) ra Đại La (Hà Nội ngày nay), nhưng nó không tách rời khỏi bối cảnh lịch sử, xã hội đương thời. Bởi vì nó không phải chỉ là một tác phẩm phản ánh lịch sử mà nó còn là chính bản thân hiện thực lịch sử. Thông qua Thiên đô chiếu, chúng ta chẳng những thấy được tinh thần, tư tưởng của Lý Công Uẩn mà còn dường như có thể thấy được tinh thần cả một thời đại ấy trước những biến cố lịch sử lớn lao.

Chúng ta biết rằng Hoa Lư chỉ là một vùng đất nhỏ hẹp, được bao bọc bởi những dãy núi. Vị trí của Hoa Lư cho đến ngày nay vẫn thuộc loại "vùng sâu vùng xa", đất chật, xấu, ngập nước quanh năm, không có điều kiện sản xuất, không có khả năng giao lưu văn hoá và giao thương kinh tế. Địa thế ấy chỉ phù hợp cho một thành trì quân sự trong việc phòng thủ và tiến công. Nó càng không phù hợp với một đế đô của một quốc gia. Từ khi còn làm quan trong triều Tiền Lê, Lý Công Uẩn đã thấy rõ điều đó. Vì thế khi vừa lên ngôi, ông đã "thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi chỗ khác"[10].

Chỉ sau khi lên ngôi vài tháng, Lý Công Uẩn quyết định dời đô. Đây là một quyết định táo bạo mang tính lịch sử. Nhưng là một quyết định đã được nhà vua nung nấu, suy xét rất kỹ lưỡng. Vì thế, khi ban Chiếu dời đô, ông đã trình bày quyết định đó không phải bằng một mệnh lệnh khô cứng, chủ quan, áp đặt, mà bằng những lập luận, phân tích hết sức sâu sắc dựa trên cả nhận thức, cả kinh nghiệm lịch sử và cả phân tích thực tiễn của mình.

Chúng ta cần chú ý tới phương pháp lập luận của Lý Công Uẩn không nhằm áp đặt mà nhằm thuyết phục. Bởi ông đưa ra những căn cứ lập luận rất chặt chẽ. Thứ nhất là học tập cổ nhân, tiếp lối truyền thống. Điều này rất cần thiết vì đây là sự kiện trọng đại, cần có tiền lệ tốt làm cơ sở thuyết phục. Ông viết: "Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến vua Thành Vương cũng 3 lần dời đô. Phải đâu các vua đời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước dài lâu, phong tục phồn thịnh". Ông chỉ rõ: "Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao vương, ở vào nơi trung tâm trời đất..."

Không chỉ vận dụng truyền thống, ông còn phân tích thực tế để thấy rõ khả năng hiện thực của hành động dời đô. Ông chỉ rõ những mặt lợi hại của việc dời đô hay không dời đô. Nếu dời đô thì tất được lợi, vì Đại La là "trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà phẳng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mức phong phú tốt tươi. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời". Nếu không dời đô thì nhận lấy những hậu quả tai hại nhãn tiền như các vương triều tiền kề: "Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi"... Đồng thời ông vẽ ra cái viễn tượng tươi sáng của "kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời".

Để những lập luận của mình thêm thuyết phục và phù hợp với nhận thức của con người đương thời, Lý Công Uẩn còn vận dụng cả thuyết phong thuỷ khi xem thế đất của thành Đại La vốn "được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi" cho mọi người thêm tin tưởng.

Rõ ràng, bài chiếu lệnh này được xây dựng dựa trên những lập luận lôgic, có phân tích thiệt hơn, nên thuyết phục mạnh mẽ quần thần. Hơn nữa, để mệnh lệnh ấy có thể đi vào lòng người, để nó trở thành ý nguyện và trách nhiệm của quần thần, Lý Công Uẩn đã không ngần ngài "thảo luận", "trao đổi" với họ. Lời kết của bài chiếu không phải là một câu mệnh lệnh mà là một câu hỏi mang ý tính cầu khiến: "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh thấy thế nào?" Vì thế, như Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Bấy giờ [quần thần] đều nói: "Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không theo?"[11].

Mấy điều có thể được rút ra từ nội dung bài Thiên đô chiếu giúp chúng ta đánh giá rõ hơn giá trị của tác phẩm này:

Trước hết, bài chiếu khẳng định tầm quan trọng của việc dời đô lập quốc. Lý Công Uẩn đã nhận thấy nhu cầu cấp bách của việc dời đô này như một hành động tránh thảm hoạ đoản vận của vương triều. Vì thế bài chiếu thể hiện hành cộng quyết đoán, khẩn trương của nhà vua. Sử chép ông lên ngôi vào ngày Quý Sửu tháng 11 năm Kỷ dậu (21 – 11 - 1009)[12], và quyết định dời đô vào tháng 7 năm Canh tuất (trong khoảng từ 13 – 8 đến 10 - 9 - 1010), chỉ sau gần 9 tháng. Nhưng như lời bài chiếu chê trách nhà Đinh, nhà Tiền Lê thì cái quyết định dời đô đó hình như đã được hình thành ngay từ khi ông còn làm quan cho triều Tiền Lê chứ không phải đợi đến khi ông lên ngôi. Điều đó giải thích cho sự khẩn trương, nhanh chóng của việc dời đô này.

Thứ hai, bài chiếu gắn liền với việc danh đế đô và khát vọng vươn lên của dân tộc. Từ đây, Đại La được đổi thành Thăng Long, gắn với truyền thuyết Rồng Bay, như thể hiện một khát vọng cháy bỏng của nhà vua là muốn xây dựng một đất nước cường thịnh, vươn dậy và bay lên như con rồng thiêng. Sử chép: "Mùa thu, tháng 7, vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long"[13]. Khát vọng đó có lẽ không phải chỉ của riêng Lý Công Uẩn mà của nhiều người, nên mới được nhiều người ủng hộ, tin theo, phục tùng. Bởi đó cũng là điều được Lý Công Uẩn xem là hợp với đạo trời, nên không phải ngẫu nhiên ông nhìn thấy Rồng Bay, cũng như không phải ngẫu nhiên ông đổi niên hiệu thành Thuận Thiên.

Thứ ba, bài chiếu tuyên bố quan điểm thay đổi đường lối chính trị của cả vương triều Lý, chuyển chế độ chính trị từ "vũ trị" sang "văn trị". Chúng ta biết rằng sau khi thoát khỏi chế độ thống trị của các vương triều phong kiến phương Bắc vào năm 938 để xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ, trong suốt hơn nửa thế kỷ X, nước Việt đã phải trải qua rất nhiều sóng gió. Sóng gió nhiều nhất là các cuộc nội chiến, là việc tranh giành quyền bính của các tù trưởng, các thủ lĩnh quân sự, là nạn cát cứ phân liệt. Tình trạng bất ổn đó diễn ra suốt các triều Ngô, Đinh, Lê. Nên sự tồn tại của các vương triều đó cũng rất ngắn ngủi. Theo các tài liệu lịch sử, dưới triều nhà Ngô (939 - 967) và nhà Đinh (968 - 980) có 14 vụ nổi dậy, dưới triều Tiền Lê (981 - 1009) có 8 vụ nổi dậy chống lại triều đình[14]. Tình trạng này từng được sư Pháp Thuận ví như sự rối bời của dây quấn trong một bài thơ đọc cho vua lê Đại Hành: "Quốc tộ như đằng lạc" (Vận nước như dây quấn).

Đặc điểm tiêu biểu nhất của các vương triều tự chủ Ngô, Đinh, Lê là việc xây dựng các thể chế quân sự, các nhà nước quân sự. Nền chính trị của đất nước được xây dựng trên cơ sở "vũ trị" (thống trị bằng vũ lực). Vì thế mà ta thấy các bậc đế vương và người đương thời thường tôn vinh sức mạnh quân sự, sức mạnh cơ bắp hơn là sức mạnh kinh tế, văn hoá và trí thức. Những hình ảnh sức mạnh cơ bắp và sức mạnh quân sự được đề cao. Ngô Vương Quyền gắn với hình ảnh "tay nâng đỉnh", "thong thả như cọp, có trí dũng, sức có thể cầm vạc giơ lên"[15]. Đinh Tiên Hoàng gắn với hình ảnh viên tướng bách chiến bách thắng, nên khi làm vua thì vẫn là Vạn Thắng Vương, "phàm đánh đâu cũng dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương"[16]. Lê Đại Hành cũng vậy, là hình ảnh viên dũng tướng Thập đạo tướng quân, "làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân"[17] rồi mới làm vua, nổi tiếng có tài quân sự... Các vị vua ấy đều là các vị tướng giỏi, đều xuất thân từ trận mạc, và bảo vệ ngai vàng bằng sức mạnh quân sự. Vì thế, ta hiểu vì sao họ thường chọn nơi hiểm yếu để đóng đô, vì sao mà các vị đế vương ấy muốn giữ lấy thành luỹ quân sự Hoa Lư, và vì sao "triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi"... Bởi vì kinh đô đó là kinh đô quân sự của nhà nước "vũ trị" chứ không phải là kinh đô văn hoá – chính trị của nhà nước "văn trị".

Nội dung bài Thiên đô chiếu cho chúng ta thấy cái ý tưởng xây dựng đế đô và xây dựng đất nước của Lý Công Uẩn. Một bài chiếu ngắn ngủi chưa có điều kiện nói thật rõ về điều này, nhưng nó hé mở cho thấy tương lai khi tác giả vẽ lên cái viễn tượng đẹp đẽ tươi sáng của kinh đô, của đất nước, ấy là "chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời", của nơi "dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mức phong phú tốt tươi". Định đô là để xây dựng vương triều, ổn định đất nước, phát triển sản xuất, lo đời sống muôn dân. Mục tiêu xây dựng quân đội không thể không còn, nhưng đó không phải là mục tiêu duy nhất, và cũng không phải là mục tiêu được ưu tiên nhất. Ưu tiên nhất là xây dựng một xã hội thịnh vượng về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục... Thăng Long đáp ứng tốt nhất cho những mục tiêu đó chứ không phải cho việc xây dựng nhà nước quân sự. Thăng Long không phải là thành luỹ quân sự, điều này đã được lịch sử chứng minh qua các cuộc chiến tranh từ thời Lý cho đến thời hiện đại.

Thứ tư, bài chiếu thể hiện tầm nhìn chiến lược của Lý Công Uẩn. Đó là cái nhìn toàn diện địa - chính trị - kinh tế - văn hoá đã thay thế cho cái nhìn cục bộ địa – quân sự của các thủ lĩnh quân sự đương thời. Đó cũng là cái nhìn lâu dài thay cho cái nhìn nhất thời. Đó là tầm nhìn xa rộng của một ông vua biết lo cho dòng tộc nhưng không quên dân tộc và đất nước. Đúng là, "mặc dù có những chỗ chưa thoát khỏi quan niệm phong thuỷ, cách đặt vấn đề của bài văn chứng tỏ một tầm nhìn khác hẳn trước của những người lãnh đạo nhà nước phong kiến tự chủ. Đã bắt đầu biết nhìn xa trông rộng, biết đón trước xu thế lịch sử, biểu hiện qua việc chọn một địa điểm mới làm kinh đô và đặt nó trong mối quan hệ mật thiết với chiều hướng phát triển của tổ quốc"[18].

Thứ năm, bài chiếu trình bày quan điểm xử lý mối quan hệ giữa quyền lợi giữa triều đình và của nhân dân, của dòng tộc và của đất nước. Bài chiếu đặt mục đích dời đô là lo về vận số của vương triều, của dòng họ: "Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu", nhưng mục đích đó gắn liền với số phận quốc gia, dân tộc, số phận nhân dân: "trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước dài lâu, phong tục phồn thịnh". Đây có thể xem là một điều nổi bật trong tư tưởng chính trị của Lý Công Uẩn mà không phải ông vua nào cũng có được. Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa quyền lợi vương triều với quyền lợi nhân dân là mục tiêu đặt ra cho việc dời đô. Chỉ có như thế thì Lý Công Uẩn mới có thể biến Đại La – Thăng Long trở thành "kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời", chỉ có như thế thì vương triều Lý mới tránh khỏi cái "vận số ngắn ngủi".

Khó có thể hình dung hết được sự tích hợp những giá trị to lớn của tinh thần và tư tưởng Lý Công Uẩn chỉ trong một bài chiếu vỏn vẹn có 214 chữ.

3. Những giá trị nghệ thuật của tác phẩm "Thiên đô chiếu"

Ở thời Lý, người Việt Nam tiếp thu hầu như nguyên vẹn hình thức thể loại của văn chiếu Trung Quốc. Tuy nhiên, nó đã được chú ý khai thác và phát huy những tiềm năng sẵn có để thể hiện nhu cầu của con người. Nhiều tác phẩm đã đạt tới trình độ hoàn mỹ ngay từ thời này. Điều này có thể thấy trong các đánh giá của các học giả thời phong kiến. Phạm Đình Hồ viết: "Ta thường xét về văn hiến nước ta, văn đời Lý thì già giặn, súc tích, phảng phất như văn đời Hán. Xem như bài Thiên đô chiếu của Lý Thái Tổ (...), bài Di chiếu của Lý Nhân Tông, thì biết"[19]. Mai Đăng Lệ trong Việt sử đại toàn viết: "Xem những chiếu lệnh về đời này, lời lẽ hồn hậu, cổ kính y như văn Tàu về đời Tiền Hán vậy"[20]. Sau này, nhà văn Ngô Tất Tố, một người rất thông thạo cổ văn cũng công nhận: "Về phần tản văn thì bài Di chiếu của Nhân Tông là khá hơn hết… "[21].

Về mặt thể loại, có người xếp văn chiếu vào loại tản văn[22], có người lại xếp văn chiếu vào loại biền văn[23]. Như chúng ta đều biết, văn chiếu có thể là văn xuôi, tản văn, biền văn, thậm chí cả văn vận nữa[24]. Song, văn chiếu thời Lý chủ yếu thuộc loại biền văn.

Thiên đô chiếu là tác phẩm văn học thuộc thể biền văn thành công đầu tiên ở Việt Nam. Hình thức nghệ thuật của nó tiếp thu hình và thể hiện được những đặc điểm cơ bản của biền văn Trung Quốc. Nó sử dụng các hình thức phổ biến nhất của biền văn như đối trượng, biền ngẫu, dùng điển, tán ngữ, đối tỷ và bài tỷ, trong đó lấy đối ngẫu làm hình thức chủ yếu. Vì vậy, ở đây chúng ta cần tìm hiểu một vài nét về hình thức biền văn của tác phẩm này.

Đối trượng trong tác phẩm

"Đối trượng cũng gọi là đối ngẫu, hoặc ngẫu ngữ. Quy tắc cơ bản của nó là yêu cầu giữa hai câu, số chữ bằng nhau, từ tính đối nhau, kết cấu ngữ pháp giống nhau. Thông thường hai câu kết hợp thành một liên, câu trên là thượng liên, câu dưới là hạ liên, kết cấu từ tổ của hai câu phải nhất trí, chủ vị đối chủ vị, động tân đối động tân, động bổ đối động bổ, tịnh liệt đối tịnh liệt, thiên chính đối thiên chính. Giữa hai liên, những từ ngữ cùng vị trí tất phải danh từ đối danh từ, động từ đối động từ"[25].

Trên thực tế có rất nhiều chủng loại và phương pháp đối trượng. Về ý, Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long, Lệ từ, chia ra bốn cách đối: ngôn đối, sự đối, phản đối, chính đối. Về loại, từ đời Đường chia ra làm hai loại: đối đồng loại (tên đối tên, vật đối vật, màu đối màu...), đối khác loại (động vật đối thực vật, thiên văn đối địa lý, thời gian đối không gian...). Về tính chất từ ngữ, chia ra đối thanh, đối vận. Về cú pháp, chia ra đối song cú, đối cách cú, đối đương cú, đối hồi văn, đối lưu thuỷ[26]...

Các hình thức đối trượng chủ yếu ở trong Thiên đô chiếu là đối đồng loại: "Trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế". Và đối khác loại: "Thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí". Có cả đối bài tỷ. Đây là hình thức nghệ thuật lặp đi lặp lại trên ba lần một kiểu câu giống nhau, về từ loại có thể đối (và cũng có thể không đối) nhau. Ví dụ: "Trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế, chính nam bắc đông tây chi vị, tiện giang san hướng bối chi nghi...". Lại có đối đối tỉ. Đây là hình thức hai vế đối nhau, nhưng số chữ không nhất định bằng nhau, từ loại không nhất định đối nhau...

Tán ngữ trong văn chiếu

Trong Thiên đô chiếu có những câu đơn, không có đối. Loại này chiếm tỷ lệ thấp. Ví dụ: "Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ quyết cư, khanh đẳng như hà?"

Số chữ trong câu văn

Trong Thiên đô chiếu thời Lý, câu văn đối có từ 3 chữ đến 8 chữ, nhưng chủ yếu là loại 4 chữ và 6 chữ, không nằm ngoài kiểu câu cơ bản của biền văn là câu "tứ lục". Loại câu ngũ ngôn ít. Ví dụ: "Cẩu hữu tiện triếp cải; cố quốc tộ diên trường..." Loại câu thất ngôn tương đối nhiều. Ví dụ: "Trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế"... Loại câu bát ngôn hiếm. Các câu nhiều chữ hơn lại càng hiếm. Chỉ phổ biến kiểu câu 4 chữ và 6 chữ. Ví dụ:

- "Thượng cẩn thiên mệng, hạ nhân dân chí... Bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi..."

- "Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải"

Việc dùng điển

Dùng điển là một thuộc tính của biền văn. Trong văn học Trung Quốc có nhiều loại điển và nhiều cách dùng điển, như: chính dụng, phản dụng, phiên dụng, tá dụng, ám dụng, đối dụng, ước dụng, phân chương, minh ý... Văn chiếu thời Lý ít dùng điển, mà chủ yếu là trực tiếp nêu sự việc, bày tỏ ý tình, trình bày vấn đề rành mạch rõ ràng, thiết thực. Song vẫn có một số trường hợp dùng điển, như trong Thiên đô chiếu, chủ yếu theo phép chính dụng, trực tiếp liệt cử, viện dẫn điển phù hợp với việc định nói, hoặc tá dụng, mượn cổ nói kim, làm cơ sở, căn cứ để khẳng định vấn đề nêu lên. Ví dụ: "Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành vương tam tỷ... Huống Cao vương cố đô Đại La thành..."

Thanh luật câu văn

Thiên đô chiếu có tiết tấu của biền văn. Tiết tấu đó phụ thuộc vào loại câu văn là tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn, hay thất ngôn. Với câu tứ ngôn, cách ngắt nhịp chủ yếu là 2/2: "Bách tính / hao tổn, vạn vật / thất nghi". Nhưng có khi là nhịp 1/3, ví dụ:"Thượng / cẩn thiên mệng, hạ / nhân dân chí". Với câu ngũ ngôn, cách ngắt nhịp thường là 2/3, 2/1/3, hay có khi 3/2: "Cẩu hữu tiện / triếp cải; cố quốc tộ / diên trường..." Với câu lục ngôn, chủ yếu ngắt nhịp 3/3 (hay 3/1/2): "Kỳ địa quảng/ nhi thảnh bình, quyết thổ cao/ nhi sảng khải". Hay cũng có khi 2/2/2. Với câu thất ngôn, chủ yếu là cách ngắt nhịp 3/4 hay (1/2/2/2): "Trạch thiên địa/ khu vực chi trung; Đắc long bàn/ hổ cứ chi thế". Hay ngắt nhịp 5/2, 2/5 (hoặc 2/3/2): "Dân cư/ miệt hôn điếm/ chi khốn, Vạn vật/ cực phồn phụ/ chi phong"…

Nói chung về thanh luật, cũng như các bài văn chiếu thời Lý khác, Thiên đô chiếu mô phỏng thanh luật văn biền ngẫu của Trung Quốc. Bởi vì văn chiếu là một trong những thể loại văn xuôi đầu tiên của Việt Nam tiếp thu hầu như nguyên vẹn hình thức nghệ thuật của văn chiếu Trung Quốc, song lại là thể loại văn học đạt tới sự hoàn chỉnh và hoàn thiện về nghệ thuật. Điều đó chứng tỏ sự tiếp thu, lựa chọn thể loại này đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, và việc sử dụng thành thạo nó vào phục vụ cuộc sống là đáp ứng những nhu cầu cấp bách của con người thời này.

Thiên đô chiếu cũng như các bài văn chiếu thời Lý ngoài mục đích chính là thể hiện ý chí của vương triều, thì ít nhiều đều cho chúng ta thấy được cái ý thức cộng động, tinh thần "hoà giản an lạc" của những bậc đế vương của một thời thân dân yêu nước. Vì thế, tuy là một loại văn vay mượn của nước ngoài, nhưng khi nội dung đã thay đổi cho phù hợp với tâm hồn người Việt, thì vốn từ ngữ, cách thức biểu cảm của văn chiếu chắc cũng có ít nhiều thay đổi theo, và điều đó có nghĩa là, trên một phương diện nào đó, văn chiếu thời Lý có cách tân và sáng tạo nhất định so với văn chiếu Trung Quốc, để mang tính dân tộc và thời đại...

*

Tìm hiểu giá trị tác phẩm Thiên đô chiếu của Thái Tổ Lý Công Uẩn trong nền văn học Việt Nam cổ chắc chắn còn cần nhiều lý giải khác nữa, như vai trò của văn học chức năng, văn học quan phương, văn học "bất phân văn - sử - triết", hay là những vấn đề liên quan đến sự tiếp biến văn hoá và yếu tố bản địa trong văn học thời kỳ này... Nhưng chỉ với những điều kể trên, Thiên đô chiếu quả là một tác phẩm có giá trị hết sức to lớn, chẳng những phản ánh sâu sắc tinh thần của con người Đại Việt thời lập quốc, mà còn là một trong những tác phẩm nghệ thuật quan trọng góp phần xây nền đắp móng cho văn học viết Việt Nam đầu thời kỳ tự chủ./.

Nguyễn Phạm Hùng

Đại học Quốc gia Hà Nội

Chú thích:

*Đa tạ Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu đã bổ chính nhiều sử liệu cho bài viết này.

[1] "Vua họ Lý, huý Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ là họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua... Vua sinh mới 3 tuổi, mẹ đẻ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn. Khánh Văn nuôi làm con" (Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1972, tr. 189)

[2] "Lúc còn trẻ thơ đến học ở chùa Lục Tổ, nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng: "Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ" (Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr. 189).

[3] "Mùa đông, tháng 10, ngày Tân Hợi, vua băng ở trên tẩm điện. Gọi là Ngoạ Triều vì có bệnh trĩ, nằm mà coi chầu... Tháng ấy ngày Quý Sửu, Lý Công Uẩn tự lập làm vua... Khi ấy Chi hậu là Đào Cam Mộc do biết Công Uẩn có ý muốn nhận truyền ngôi, mới nhân lúc vắng người hỏi để gợi xem... Công Uẩn nghe thấy Cam Mộc nói thế, trong bụng thích... Cam Mộc biết việc cần kíp, sợ để chậm sẽ sinh biến mới nói chuyện với khanh sĩ và các quan, ai cũng vui lòng theo cả, ngay ngày hôm ấy đều họp cả ở trong triều... cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm thiên tử lên ngôi" (Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr. 186-187).

[4] Đàm Gia Kiện: Lịch sử văn hoá Trung Quốc. Nxb Khoa học xã hội, H. 1993.

[5] Đàm Gia Kiện: Lịch sử văn hoá Trung Quốc. Sđd.

[6] Viện Văn học:Thơ văn Lý-Trần, T. I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1977.

[7] "Bài chiếu này lấy danh nghĩa Chiêu Hoàng, theo ĐVSKTT, được ban bố vào ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (tức ngày 22 tháng 11 năm 1225)" (Thơ văn Lý - Trần, T. I, sđd, tr. 564). Có lẽ điều ghi trên là nhầm. Theo sử quan nhà Nguyễn, ngày 20/1/1226 [21/12 Ất Dậu], Lý Chiêu Hoàng ban chiếu và làm lễ nhường ngôi cho Trần Nhật Cảnh (1218-1277), tức Trần Thái Tông (1226-1258). (CM,CB, V:43, 1998, I:440-41 [ngày 21/12 Ất Dậu [20/1/1226], ban chiếu nhường ngôi]). Theo sử quan Tây Sơn và Hậu Lê, các quan vào chầu ngày 21/10 Ất Dậu [22/11/1225] mừng vua có chồng; Chiếu nhường ngôi và lễ truyền ngôi ngày Mậu Dần [11]/12 Ất Dậu [tức 10/1/1226]. Sử Hậu Lê (ÐVSKTT, Bản kỷ), ghi nhường ngôi ngày Mậu Dần [11]/12 Ất Dậu [10/1/1226]. (ÐVSKTT, Bản kỷ, IV:34, Thọ (2009), I:434-35. Bản dịch Cao Huy Giu (1967) I:309-310; II:5 [kỷ nhà Trần, ghi ngày 12/12 Ất Dậu, không hiểu dùng lịch nào; Bản dịch kỷ nhà Trần của Hoàng Văn Lâu (2009), ghi Trần Nhật Cảnh lên ngôi ngày Mậu Dần, nhưng chuyển thành 12/12 Ất Dậu, không hiểu dùng lịch nào; Ibid., V:1b, Lâu (2009), II:8. Sử nhà Tây Sơn (Ngô Thì Sĩ et al., Ðại Việt Sử Ký Tiền Biên), cũng ghi truyền ngôi ngày Mậu Dần [11]/12 Ất Dậu [10/1/1226]. ÐVSKTB, Bản Kỷ, IV:47, 1997:311-12. Tóm lại, nhà Lý chính thức chấm dứt năm 1226 [dù nhường ngôi ngày 20/1/1426 hay 10/1/1226], chứ không phải năm 1225.

[8] Đặng Thai Mai: Mấy điều tâm đắc khi đọc lại văn học của một thời đại. Thơ văn Lý Trần, T. I, Sđd.

[9] Đặng Thai Mai: Mấy điều tâm đắc khi đọc lại văn học của một thời đại. Thơ văn Lý Trần, T. I, Sđd.

[10] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 190.

[11] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 191.

[12] ÐVSKTB, Bản Kỷ, I:41b, 1997:185. Sử Hậu Lê cũng ghi tương tự: ÐVSK, BKTT, I:30a, Thọ (2009), I:291. KÐVSTGCM của nhà Nguyễn đoạn này không rõ; nói Long Ðĩnh chết vào tháng 10 Kỷ Dậu, hai ngày sau Lý Công Uẩn lên ngôi. (CM, CB, II:2, 5-6; 1998, I:278, 281-282). Thực ra, Long Ðĩnh chết vào cuối tháng 10 [ngày Tân Hợi, 30/10] Kỷ Dậu, hai ngày sau, Lý Công Uẩn lên ngôi tức "ngày Quí Sửu [2] tháng 11 Kỉ Dậu [21/11/1009]." [theo Lịch Vạn Niên của Lý Quí Ngưu].

[13] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 191. Trong tờ chiếu dời đô, vua nói Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp, thành Ðại La ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế "rồng lượn, hổ chầu." (ÐVSK, BKTT, II:2a-3a, Thọ (2009), I:296-97 [vua tự tay viết chiếu, ghi vào tháng Hai Canh Tuất, 13/8-10/9/1010]; Giu (1967), I:190-1; ÐVSKTB, BK, II:3b, 1997:193 [ghi vào tháng Hai Canh Tuất, 13/8-10/9/1010]; CM. CB, II:9-10; 1998, I:285-86 [không nhắc đến chiếu. Chỉ nói dụ bề tôi rằng, vào tháng 7 Canh Tuất]) Có rồng vàng xuất hiện, đổi tên làm Thăng Long [rồng bay lên = hào cửu, quẻ càn [kiền]?]. (ÐVSK, BKTT, II:2b-3a, Thọ (2009), I:296-97 ÐVSKTB, BK, II:3b, 1997:194; Sử nhà Nguyễn, KÐVSTGCM không ghi là Cao Vương, gọi tên Cao Biền. Phần lời chua, ghi Thăng Long Thành: Theo Hà Nội sách, nhà Lý gọi là thành Thăng Long; nhà Trần đổi làm Ðông Ðô; thuộc Minh là Ðông Quan; nhà Lê là Ðông Kinh. Ðời Gia Long đổi chữ Long [ bộ Long, Thiều Chửu, 816 và 817] là "rồng", thành chữ Long [bộ Phụ, Thiều Chửu, 739] là "đầy tràn", "thịnh vượng". CM, CB, II:9-10; 1998, I:285.

[14] Theo Nguyễn Danh Phiệt. Sự nghiệp thống nhất đất nước thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần với kỷ nguyên Đại Viêt. In trong Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, H. 1981, tr. 413.

[15] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 147

[16] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 154.

[17] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 166.

[18] Nguyễn Huệ Chi: Mục từ Lý Công Uẩn, trong Từ điển văn học, T. I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1983.

[19] Phạm Đình Hồ: Vũ trung tuỳ bút. Nxb Văn học, H. 1972.

[20] Dẫn theo Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử. Nxb Hàn Thuyên, H. 1942.

[21] Ngô Tất Tố: Việt Nam văn học. Văn học đời Lý. NXB Mai Lĩnh, H. 1942.

[22] Ngô Tất Tố: Việt Nam văn học. Văn học đời Lý. Sđd

[23] Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý - Trần. T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1977.

[24] Viện Văn học: Từ điển văn học, T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1983.

[25] Đàm Gia Kiện: Lịch sử văn hoá Trung Quốc. Sđd.

[26] Lưu Hiệp: Văn tâm điêu long, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1962, Phan Ngọc dịch, giới thiệu và chú thích. Bản đánh máy, tư liệu lưu tại Viện Văn học.