Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ - Chương 3: Ranh giới tài phán và lập chính sách

Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ


Chương 3: Ranh giới tài phán và lập chính sách



Về vấn đề thẩm quyền xét xử tòa án, Quốc hội và Hiến pháp Hoa Kỳ, cũng như Quốc hội và hiến pháp bang, đã quy định chặt chẽ những loại vụ việc mà mỗi tòa án có thể xét xử. Chương này sẽ xem xét cụ thể xem Quốc hội có thể tác động lên hành vi tư pháp như thế nào thông qua việc thay đổi quy định những loại vụ việc thẩm phán được xét xử. Đồng thời, chương này cũng sẽ thảo luận về 10 nguyên tắc thẩm tra tự hạn chế tư pháp, xuất phát từ truyền thống pháp lý, hiến pháp và luật, nhằm điều chỉnh quyết định của thẩm phán có thể xem xét lại một vụ việc hay không.

CÁC TÒA ÁN LIÊN BANG

Hệ thống tòa án liên bang được chia thành ba cấp riêng biệt: tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm, và Tòa án tối cao Hoa Kỳ.

Tòa án hạt Hoa Kỳ

Quốc hội đã quy định thẩm quyền xét xử của tòa án hạt liên bang. Các cơ quan xét xử này có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các vụ hình sự và dân sự liên bang, tức là, theo luật, các vụ án đó phải được xét xử lần đầu ở các tòa án này, cho dù các bên liên quan là ai hay vấn đề đó có tầm quan trọng như thế nào.

Các vụ án hình sự. Các vụ này bắt đầu được xem xét khi chưởng lý địa phương của Hoa Kỳ có lý do tin rằng đã có sự vi phạm Bộ hình luật Hoa Kỳ (U.S. Penal Code). Sau khi lấy được bản cáo trạng (indictment) của đại bồi thẩm đoàn liên bang, chưởng lý Hoa Kỳ sẽ lập cáo trạng chống lại bị cáo tại tòa án hạt nơi chưởng lý làm việc. Các hành vi hình sự theo quy định của Quốc hội bao gồm nhiều loại hành vi khác nhau, như ăn cắp ôtô xuyên bang, nhập khẩu ma túy trái phép, ám sát tổng thống, âm mưu tước quyền công dân của một (hoặc nhiều) người, và thậm chí là sát hại chim di trú trái mùa.

Sau khi lập cáo trạng chống lại bị cáo, và nếu không có thỏa thuận khai để được giảm án (plea bargain), một thẩm phán hạt Hoa Kỳ sẽ tiến hành một phiên sơ thẩm. Tại tòa, bị cáo được hưởng tất cả các đặc quyền và miễn trách nhiệm theo Hiến chương nhân quyền (như được quyền xét xử công khai và nhanh chóng) hoặc theo luật của Quốc hội hoặc phán quyết của Tòa án tối cao (ví dụ, bồi thẩm đoàn 12 người phải đưa ra phán định nhất trí). Bị cáo có thể từ bỏ quyền được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn đồng đẳng. Một bị cáo được phán định không có tội sẽ được trả tự do và sẽ không bao giờ bị xét xử lại vì hành vi đó (quyền được bảo vệ chống nguy cơ tái hình theo Tu chính án Hiến pháp thứ mười lăm). Nếu bị cáo bị buộc có tội, thẩm phán hạt sẽ quyết định hình phạt phù hợp trong khung hình phạt do Quốc hội quy định. Nếu hình phạt nằm trong khung quy định, thì không được kháng án về thời gian thụ án. Chính quyền không được kháng nghị các phán định vô tội, nhưng bị cáo bị buộc tội có thể kháng cáo nếu họ cho rằng thẩm phán hoặc bồi thẩm đã đưa ra một quyết định không đúng.

Các vụ án dân sự. Đa số khối lượng công việc của tòa án hạt là những vụ mang tính chất dân sự; tức là các vụ kiện giữa các bên tư nhân hoặc giữa Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách từ bỏ quyền miễn trách, với một bên tư nhân. Các vụ dân sự được xét sơ thẩm ở tòa án hạt Hoa Kỳ có thể phân thành mấy loại. Thứ nhất là các vụ kiện liên quan đến diễn giải hoặc áp dụng Hiến pháp, đạo luật của Quốc hội, và hiệp ước của Hoa Kỳ. Ví dụ như một người cho rằng một hoặc nhiều quyền công dân được liên bang bảo vệ đã bị vi phạm, một người khởi kiện khẳng định là mình đã bị một đạo luật vi hiến của Quốc hội làm tổn hại, hay một nguyên đơn khẳng định là mình đã bị thiệt hại do tác động bất hợp lý của một hiệp ước. Điểm mấu chốt là, để được xét xử ở tòa sơ thẩm Hoa Kỳ, vụ việc phải có yếu tố liên bang.

Theo truyền thống, để được xét xử ở tòa sơ thẩm liên bang, vụ việc phải liên quan đến tranh chấp số tiền tối thiểu nhất định tính bằng đôla, nhưng giới hạn đó có thể được bỏ qua nếu vụ việc rơi vào một trong những nhóm phân loại chung. Ví dụ, một hành vi bị cáo buộc là vi phạm luật về quyền công dân, như Đạo luật về quyền bầu cử (1965), phải được tòa liên bang xét xử chứ không thể xét xử ở tòa án bang. Các loại vụ việc khác thuộc nhóm này là khiếu kiện về phát minh và bản quyền, hộ chiếu và thủ tục nhập quốc tịch, tranh chấp chủ quyền biển và hàng hải, và vi phạm luật bưu chính Hoa Kỳ.

Một nhóm vụ việc khác được tòa sơ thẩm Hoa Kỳ xét xử theo thẩm quyền sơ thẩm chung là những vụ việc được gọi là tranh chấp đa chủng (diversity of citizenship). Đây là các tranh chấp giữa các bên thuộc các bang khác nhau, hoặc giữa công dân Mỹ và nhà nước hoặc công dân nước ngoài.

Tòa án hạt liên bang cũng có thẩm quyền xét xử đối với các đơn kiện của những tù nhân đã bị buộc tội, nếu họ khẳng định rằng việc họ bị giam giữ (hoặc bị từ chối quyền tạm tha) là vi phạm quyền được liên bang bảo vệ. Trong đại đa số các vụ việc thuộc loại này, tù nhân yêu cầu được phát lệnh “habeas corpus” (tiếng Latinh là “bạn có quyền kiểm soát thân thể”), tức là lệnh của thẩm phán xác định một người đã bị giam giữ trái phép. Thẩm phán có thể ra lệnh cho cơ quan quản lý trại giam phải chứng minh việc giam giữ hoặc phải trả tự do cho người khởi kiện. Các tù nhân bị buộc tội tại một tòa án bang phải lập luận được rằng quyền được liên bang bảo vệ đã bị vi phạm, ví dụ, quyền được luật sư đại diện tại tòa. Nếu không, tòa án bang không có thẩm quyền xét xử. Những tù nhân liên bang có rất nhiều cơ sở kháng cáo vì tất cả các quyền và lựa chọn của họ đều thuộc phạm vi Hiến pháp Hoa Kỳ.

Cuối cùng, tòa án hạt có quyền xét xử các vụ án khác được Quốc hội quy định theo luật.

Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ

Tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ không có thẩm quyền sơ thẩm, nên tất cả các vụ án hay tranh chấp được tòa cấp trung gian này thụ lý đều đã được tranh tụng ở các cơ quan xét xử khác. Tòa án này, cũng giống tòa án hạt, đều được Quốc hội thành lập, và cơ cấ u cũng như chức năng của nó được thay đổi nhiều theo thời gian.

Về cơ bản, Quốc hội trao thẩm quyền phúc thẩm cho tòa phúc thẩm vùng đối với hai nhóm vụ việc chung. Nhóm thứ nhất là các kháng cáo kháng nghị hình sự và dân sự thông thường từ tòa sơ thẩm liên bang. Đối với các vụ hình sự, người kháng cáo là bị cáo vì chính quyền không được quyền kháng nghị một phán định vô tội. Đối với các vụ dân sự, người kháng cáo thường là bên bị thua kiện ở tòa sơ thẩm, nhưng bên thắng kiện cũng có thể kháng cáo nếu họ không thỏa mãn với phán quyết của tòa cấp dưới. Nhóm thẩm quyền phúc thẩm lớn thứ hai là các kháng cáo kháng nghị từ một số cơ quan hành pháp liên bang và các bộ, cũng như các ủy ban điều tiết độc lập, như ủy ban chứng khoán và Hội đồng quan hệ lao động quốc gia.

Tòa án tối cao Hoa Kỳ

Tòa án tối cao Hoa Kỳ là tòa án liên bang duy nhất được nêu tên trong Hiến pháp, và được Hiến pháp quy định thẩm quyền chung. Mặc dù Tòa án tối cao thường được coi là một cơ quan xét xử phúc thẩm, nhưng nó cũng có một số thẩm quyền sơ thẩm chung. Có lẽ nội dung quan trọng nhất của thẩm quyền xét xử đó là một vụ kiện giữa hai hoặc nhiều bang.

Tòa án tối cao cũng có chung thẩm quyền sơ thẩm (với tòa án hạt Hoa Kỳ) trong một số vụ án nhất định do đại sứ hoặc lãnh sự nước ngoài khởi kiện, hoặc bị kiện, các vụ việc giữa Chính phủ Hoa Kỳ (liên bang) với một bang, và những vụ việc trong đó một bang này chống lại công dân của một bang khác hoặc công dân nước ngoài. Những trường hợp đó, tức là có chung thẩm quyền, thì gọi là thẩm quyền đồng thời (concurrent jurisdiction). Các vụ việc mà Tòa án tối cao có thẩm quyền sơ thẩm thường là các vụ quan trọng, nhưng chúng không tỷ lệ với khối lượng công việc. Trong những năm gần đây, chỉ chưa đầy 1% khối lượng công việc của Tòa án tối cao là các vụ xét xử theo thẩm quyền sơ thẩm.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định Tòa án tối cao “có thẩm quyền phúc thẩm... theo các quy định của Quốc hội”. Qua nhiều năm, Quốc hội đã thông qua nhiều văn kiện về “quy định” nêu trên, nhằm xác định các vụ việc có thể được xét xử tại cơ quan tư pháp oai nghiêm nhất của quốc gia. Các kháng cáo kháng nghị có thể được đưa lên Tòa án tối cao thông qua hai con đường chính. Thứ nhất là kháng cáo kháng nghị từ tất cả các tòa án hiến định và tòa án lãnh thổ, cũng như từ hầu hết (nhưng không phải tất cả ) các tòa án luật định liên bang. Thứ hai, là Tòa án tối cao có thể xét xử các kháng cáo kháng nghị từ các tòa án cao nhất của bang - nếu vụ việc có yếu tố quan trọng liên quan đến liên bang.

Hầu hết công việc của Tòa án tối cao là các vụ việc đã được đồng ý phát lệnh lấy lên xét xử (certiorari), và đây là lệnh tùy ý không bắt buộc. Lệnh này phải được ít nhất bốn thẩm phán ủng hộ, và có giá trị là lệnh của Tòa án tối cao gửi một tòa án cấp dưới yêu cầu tòa cấp dưới chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc để Tòa án tối cao có thể xem xét lại. Trong lịch sử, Tòa án tối cao chỉ đồng ý chấp nhận yêu cầu phát lệnh lấy lên xét xử cho một tỷ lệ số vụ việc rất ít, thường là dưới 10%, và trong những năm gần đây con số đó đã giảm xuống gần 1%.

Một phương cách khác để Tòa án tối cao thực hiện thẩm quyền phúc thẩm của mình là xác nhận. Thủ tục này cho phép tòa phúc thẩm được phép xin Tòa án tối cao cho hướng dẫn về vấn đề luật pháp. Các thẩm phán có thể chọn phương án đưa ra các hướng dẫn ràng buộc cho thẩm phán tòa phúc thẩm, hoặc họ có thể yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ lên Tòa án tối cao để xem xét lại và đưa ra phán quyết cuối cùng.

THẨM QUYỀN XÉT XỬ VÀ VAI TRÒ LẬP CHÍNH SÁCH CỦA TÒA ÁN BANG

Thẩm quyền xét xử của 50 hệ thống tòa án bang riêng biệt ở Hoa Kỳ được thiết lập gần như giống với thẩm quyền của hệ thống tòa án quốc gia. Mỗi bang có một hiến pháp quy định thẩm quyền và quyền ra quyết định của các thẩm phán sơ thẩm và phúc thẩm của nó. Tương tự, cơ quan lập pháp bang thông qua các đạo luật chi tiết hóa quyền cụ thể và đặc quyền của các thẩm phán, và quyền cũng như nghĩa vụ của những người khởi kiện ở tòa án bang. Do hiến pháp và thể chế luật ở mỗi bang đều khác nhau, nên thẩm quyền của từng tòa án bang cũng khác nhau giữa các bang.

Các tòa án bang có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lập chính sách ở Hoa Kỳ. Hơn 99% khối lượng công việc tư pháp ở Hoa Kỳ là các vụ việc ở cấp bang, và 95% số thẩm phán ở Hoa Kỳ làm việc ở cấp bang. Hơn nữa, quyết định của bồi thẩm bang thường tác động rất lớn đến chính sách công. Ví dụ, trong thập niên 1970, có một số vụ kiện được đưa ra trước tòa án liên bang thách thức tính hợp hiến của chi tiêu bang bất bình đẳng cho giáo dục phổ thông. (Do các hạt giáo dục nghèo không thể huy động nhiều tiền như các hạt giáo dục giàu có). Những người khởi kiện cho rằng học sinh ở các hạt nghèo là nạn nhân của việc phân biệt đối xử trái pháp luật, vi phạm quyền được bảo vệ công bằng theo Hiến pháp Hoa Kỳ. Nhưng Tòa án tối cao cho rằng luận điểm đó không đúng trong phán quyết được đưa ra theo tỷ lệ 5 : 4 trong vụ án Hạt giáo dục độc lập San Antonio kiện Rodriguez năm 1973. Nhưng vấn đề chưa dừng ở đó. Nhiều đơn kiện đã được đưa ra ở nhiều bang khẳng định vấn đề cơ hội giáo dục bất bình đẳng là vi phạm nhiều điều khoản trong hiến pháp bang. Từ sau vụ Rodriguez, đã có 28 vụ kiện tương tự ở 24 bang. Trong 14 vụ, Tòa án tối cao của bang đã vô hiệu hóa phương pháp tài trợ giáo dục của bang, và yêu cầu phân phối lại khoản ngân sách hàng tỷ đôla.

THẨM QUYỀN XÉT XỬ VÀ CHÍNH TRỊ LẬP PHÁP

Một số thẩm phán và học giả tư pháp cho rằng Hiến pháp Hoa Kỳ và các văn kiện tương ứng của bang đã trao thẩm quyền cố hữu nhất định cho ngành tư pháp trong một số lĩnh vực mấu chốt, độc lập khỏi ý chí của ngành lập pháp. Tuy nhiên, ranh giới thẩm quyền xét xử của các tòa án Mỹ vẫn là một sản phẩm của quyết định lập pháp, những quyết định thường chịu ảnh hưởng chính trị.

Quốc hội có thể thúc đẩy một đường lối nhất định thông qua việc trao quyền cho tòa án được xét xử trong một lĩnh vực chính sách công vốn trước đó là khu vực cấm đối với ngành tư pháp. Ví dụ, khi thông qua Đạo luật quyền công dân năm 1968, Quốc hội đã trao cho các thẩm phán quyền được trừng phạt các cá nhân nếu họ dám đụng vào “một người vì lý do chủng tộc, màu da, tôn giáo hoặc xuất xứ quốc gia của họ, và vì họ đã di chuyển vì lý do... thương mại xuyên bang”. Trước năm 1968, tòa án không có thẩm quyền xét xử các vụ phát sinh từ việc can thiệp của một người đối với quyền được đi lại của một người khác. Tương tự, Quốc hội có thể ngăn cản một phong trào xã hội nhất định bằng cách thông qua luật làm cho những người ủng hộ phong trào đó gần như không thể thắng kiện ở tòa án.

Thẩm quyền xét xử của tòa án bang, cũng giống như thẩm quyền của tòa liên bang, bị khống chế bởi ý chí của cơ quan lập pháp bang, và là sản phẩm chính trị của cơ quan lập pháp bang.

TỰ HẠN CHẾ TƯ PHÁP

Vấn đề hành vi thẩm phán không được làm, hoặc không nên làm, là một vấn đề không liên quan nhiều đến thẩm quyền xét xử, mà liên quan đến vấn đề địa vị người xét xử - tức là vấn đề các thẩm phán trong hệ thống cần phải xét xử hoặc từ chối xét xử một số loại tranh chấp nhất định. Mười nguyên tắc tự hạn chế tư pháp dưới đây là những yếu tố cần được kiểm tra đối chiếu và hạn chế quyền lực của thẩm phán Mỹ. Những tập quán này xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau – như Hiến pháp Hoa Kỳ và hiến pháp các bang, luật của Quốc hội và cơ quan lập pháp bang, và thông luật. Một số nguyên tắc được áp dụng nhiều cho tòa phúc thẩm hơn là tòa sơ thẩm, hầu hết các nguyên tắc đều được áp dụng cho cả hệ thống tư pháp bang lẫn liên bang.

Phải tồn tại một tranh cãi rõ ràng

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định: “Quyền lực tư pháp căn cứ vào Hiến pháp này sẽ có hiệu lực đối với tất cả các vụ việc trên phương diện luật pháp và công lý, các điều luật của Hoa Kỳ, các hiệp ước đã hoặc sẽ ký dưới thẩm quyền của Chính phủ” (Điều III, Mục 2). Từ mấu chốt trong câu này là từ “các vụ việc”. Từ năm 1789, các tòa án liên bang đã chọn cách giải thích thuật ngữ này theo nghĩa đen: Phải có một tranh cãi thực tế giữa các bên đối nghịch hợp pháp, đáp ứng tất cả các tiêu chí kỹ thuật để có thể cấu thành một vụ kiện. Tranh chấp phải liên quan đến việc bảo vệ một quyền có ý nghĩa và không tầm thường, hoặc nhằm ngăn cản hoặc uốn nắn một vấn đề sai lệch ảnh hưởng trực tiếp đến các bên tham gia vụ kiện. Nguyên tắc chung này có ba hệ quả.

Hệ quả thứ nhất là tòa liên bang không được đưa ra ý kiến cố vấn, hoặc các phán quyết về các tình huống mang tính giả định, hoặc chưa gây ra sự va chạm giữa các bên đối nghịch. Tranh chấp phải là thực tế và hiện hữu trước khi tòa đồng ý chấp nhận xét xử.

Hệ quả thứ hai là các bên tham gia vụ kiện phải có địa vị phù hợp. Hệ quả này giải quyết vấn đề ai là người được đưa vụ kiện ra tòa. Người mang vụ kiện ra tòa đã phải chịu (hoặc sẽ phải chịu ngay lập tức) một thiệt hại trực tiếp và đáng kể. Theo nguyên tắc chung, một bị đơn không thể đưa ra một khiếu kiện nhân danh người khác (trừ trường hợp bố mẹ của người chưa đủ tuổi hoặc trong các loại vụ việc đặc biệt được gọi là hành động pháp lý tập thể). Ngoài ra, thiệt hại theo luận điểm của bên nguyên phải được cá nhân hóa, và là thiệt hại trực tiếp, chứ không phải là một phần của một khiếu nại chung nào đó.

Hệ quả thứ ba là tòa án thường không xét xử một vụ việc đã biến thành giả định (moot) – tức là khi các khách thể hoặc địa vị của các bên tham gia đã bị thay đổi lớn tính từ thời điểm đầu tiên vụ kiện được lập hồ sơ đến khi nó được đưa ra trước các thẩm phán. Nếu người khởi kiện chết hoặc không còn là một bên xung đột, thì hầu hết cơ quan xét xử đều coi đó là một vụ việc mang tính giả định. Tuy nhiên, đôi lúc thẩm phán có thể quyết định họ cần phải xét xử vụ việc, cho dù tình trạng khách quan và địa vị các bên đã có dấu hiệu bị thay đổi rất nhiều. Điển hình là các vụ việc trong đó một người đã thách thức tính hợp pháp của việc một bang từ chối cho phép phá thai hoặc cho phép tắt hệ thống hỗ trợ sự sống của những người bệnh vô phương cứu chữa. (Trong trường hợp đó, đến khi vụ việc được đưa ra tòa phúc thẩm, thì người mẹ đã sinh con hoặc người hấp hối có thể đã chết). Trong các vụ việc này, thẩm phán tin rằng vấn đề quan trọng đến mức phải được tòa án giải quyết. Nếu tuyên bố các vụ việc đó là giả định, thì về mặt thực tế là chúng không được một cơ quan phúc thẩm xét xử kịp thời.

Mặc dù thẩm phán liên bang không được phán quyết các vấn đề mang tính trừu tượng, giả định, song nhiều tòa án bang được quyền xét xử các vấn đề đó dưới nhiều hình thức. Tòa luật định liên bang cũng có thể đưa ra ý kiến tư vấn. Ngoài ra, các thẩm phán Mỹ được quyền đưa ra các phán quyết mang tính giải thích, trong đó xác định quyền của các bên theo một đạo luật, một di chúc hoặc một hợp đồng. Phán quyết đó không có ý nghĩa như một lệnh bắt buộc thực hiện. Các tòa án liên bang có quyền được thực hiện năng lực của mình theo Đạo luật phán quyết giải thích liên bang năm 1934, và ba phần tư số bang cho phép các tòa án của mình được thực hiện quyền này. Mặc dù có sự khác nhau giữa một tranh chấp trừu tượng mà tòa phải tránh, với một tình huống có thể đưa ra phán quyết giải thích, nhưng trên thực tế, đường ranh giới giữa hai vấn đề này rất khó phân biệt.

Luận điểm phải cụ thể

Một hạn chế khác khống chế ngành tư pháp liên bang là các thẩm phán sẽ không xét xử các vụ việc theo tình, nếu đầu tiên người đệ đơn không viện dẫn được một nội dung cụ thể của Hiến pháp làm cơ sở cho luận điểm của mình. Chẳng hạn, Tu chính án Hiến pháp thứ nhất cấm chính quyền thông qua các luật “đề cao cơ sở tôn giáo”. Năm 1989, bang New York lập ra một hạt giáo dục đặc biệt chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm Do thái giáo dòng Hasids có gốc Đông Âu gọi là Satmar Hasids; đây là một tổ chức từ chối hòa nhập vào xã hội hiện đại. Hầu hết trẻ em học ở các trường giáo xứ ở làng Kiryas Joel, nhưng các trường tư này không được trang bị để phục vụ các học sinh khuyết tật và chậm phát triển, còn những người thuộc nhóm Satmars lại cho rằng nếu những trẻ em như thế trong cộng đồng của họ bị buộc phải học trường công, thì chúng sẽ bị thương tổn. Để giải quyết tình trạng này, cơ quan lập pháp bang đã lập ra một hạt giáo dục đặc biệt, chỉ bao gồm một trường phụ c vụ những trẻ em khuyết tật của cộng đồng Do thái giáo dòng Hasids. Quyết định này đã bị một hiệp hội đại diện cho các hội đồng giáo dục bang New York lên án. Tháng Sáu 1994, Tòa án tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết rằng việc thành lập hạt giáo dục một trường học thực tế đã trao quyền chính trị cho nhóm Do thái giáo chính thống, và vì vậy đã vi phạm quy định cấm của Tu chính án Hiến pháp thứ nhất đối với “cơ sở tôn giáo” do chính quyền thiết lập. Cho dù mọi người có thể thống nhất hay không thống nhất rằng luật của New York hợp hiến, nhưng nếu có thì cũng rất ít người có thể nghi ngờ khả năng hiệp hội hội đồng giáo dục có thể đáp ứng các tiêu chí để yêu cầu tư pháp xem xét lại: Hiến pháp quy định rõ ràng cấm chính quyền trao quyền chính trị cho một thực thể tôn giáo cụ thể. Ở đây chính quyền đã thừa nhận là nó đã thông qua một đạo luật phục vụ lợi ích chuyên biệt của một cộng đồng tôn giáo đơn lẻ.

Tuy nhiên, nếu một người đi đến tòa án và cho rằng một đạo luật hoặc một hành động hành pháp nào đó “vi phạm tinh thần của hiến chương” hoặc “xâm phạm giá trị của các nhà lập quốc”, thì chắc chắn sẽ bị thẩm phán từ chối xem xét. Nhưng nếu các thẩm phán được tự do gán cho các vấn đề chung mang tính mù mờ này một ý nghĩa rõ ràng và thực chất, thì đâu cần phải kiểm tra xem họ được làm gì. Trong thực tế, nguyên tắc này không đơn giản như bề ngoài của nó, vì Hiến pháp có nhiều quy định mở cho nhiều cách giải thích khác nhau, đủ chỗ cho thẩm phán liên bang có thể biến tấu và lập chính sách.

Người hưởng lợi không được kiện

Mảng thứ ba trong quy định tự hạn chế tư pháp là một người đệ đơn đã được hưởng lợi từ một đạo luật hoặc một hành động hành pháp thì sau đó không được kiện luật đó. Ví dụ, giả sử một nông dân từ lâu đã tham gia một chương trình, trong đó anh ta đồng ý không sản xuất một phần đất của mình, và định kỳ nhận một khoản hỗ trợ từ chính quyền liên bang. Sau nhiều năm tham gia, người nông dân nhận thấy người hàng xóm nhận tiền thường xuyên vì để hoang toàn bộ đất của mình. Người nông dân thấy người hàng xóm không làm gì mà vẫn có tiền, nên đặt vấn đề về tính hợp hiến của chương trình đó. Người nông dân khởi kiện tính hợp pháp của chương trình ở tòa án hạt liên bang. Ngay khi thẩm phán biết được người nông dân đó đã là một thành viên của chương trình và được hưởng lợi tài chính từ chương trình đó, vụ kiện đã bị bác bỏ: Một người không thể hưởng lợi từ một nỗ lực của chính quyền hoặc một hành động hành pháp cụ thể, rồi sau đó quay lại tấn công nó tại một tòa án.

Tòa phúc thẩm phán quyết theo yếu tố pháp lý, chứ không phải yếu tố khách quan

Có một định đề trong thông lệ các tòa phúc thẩm bang và liên bang là các tòa án này nói chung không xét xử nếu cơ sở kháng cáo kháng nghị là thẩm phán hoặc bồi thẩm sơ thẩm đã tập hợp sai, hoặc xác định sai các yếu tố khách quan cơ bản cấu thành vụ việc. Không phải là thẩm phán và bồi thẩm sơ thẩm luôn xác định khách quan hoàn hảo. Thay vào đó, người ta tin rằng họ gần gũi hơn với các bên liên quan thực tế và bằng chứng vật chất của vụ việc, nên họ có thể đánh giá khách quan tốt hơn các cơ quan xét xử phúc thẩm, vốn chỉ được đọc tài liệu vụ án nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi phiên sơ thẩm xảy ra. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý, tức là áp dụng luật nào cho thực tế khách quan của vụ việc, và đánh giá khách quan đó như thế nào theo luật hiện hành, thì cần được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm.

Tòa án tối cao không bị ràng buộc (về mặt kỹ thuật) bởi các tiền lệ

Nếu Tòa án tối cao được tự do đảo ngược hoặc phá vỡ các tiền lệ quá khứ và mang tính khống chế khi quyết định một vụ việc, thì dường như đây là một luận điểm ủng hộ cho xu hướng cấp tiến tư pháp – chứ không phải tự hạn chế. Tuy nhiên, tập quán này là một trong những nguyên tắc tự hạn chế. Nếu Tòa án tối cao bị ràng buộc không lối thoát bởi sự sai khiến của các phán quyết trước, thì nó sẽ rất kém linh hoạt. Nhờ việc tự cho phép mình thỉnh thoảng được tự do đảo ngược một quyết định quá khứ hoặc bỏ qua một tiền lệ đã trở thành quy định khống chế, Tòa án tối cao đã thiết lập được một lối thoát an toàn để có thể rút lui nếu cần. Khi sự suy xét sáng suốt ra lệnh cho Tòa án thay đổi đường hướng, hoặc duy trì tư tưởng cởi mở, thì nguyên tắc tự hạn chế này sẽ được sử dụng.

Các giải pháp khắc phục khác phải được xem xét cho hết

Một nguyên tắc tự hạn chế nữa thường làm cho các nguyên đơn nổi khùng, thất vọng là một yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể kiểm soát công lý một cách trật tự: Các tòa án ở Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận một vụ việc nếu chưa tính hết khả năng thực hiện các giải pháp khắc phục khác, kể cả pháp lý lẫn hành chính. Theo nghĩa giản đơn, chủ thuyết này có nghĩa là một người phải leo từng nấc thang của quá trình khiếu kiện pháp lý. Các vụ án liên bang đầu tiên phải được xét xử ở tòa sơ thẩm Hoa Kỳ, tiếp đó được xem xét lại tại một cơ quan xét xử phúc thẩm, và cuối cùng mới được xét xử tại Tòa án tối cao. Thủ tục thứ tự diễn biến này phải được tuân thủ cho dù nội dung vụ việc hay người đệ đơn có quan trọng đến đâu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, trình tự phúc thẩm có thể được rút ngắn.

Hết khả năng thực hiện các giải pháp khắ c phục khác có nghĩa là hết khả năng thực hiện giải pháp hành chính hay phải tuân thủ nguyên tắc cấu trúc tư pháp ba cấp. Giải pháp hành chính có thể nằm dưới dạng khiếu nại lên một viên chức hành chính, xét xử tại một hội đồng hoặc ủy ban, hoặc được cơ quan lập pháp xem xét chính thức một vấn đề nào đó.

Tòa án không xét xử các “yếu tố chính trị”

Đối với thẩm phán Hoa Kỳ, hai ngành hành pháp và lập pháp của chính quyền là những ngành mang tính chính trị vì nó được dân bầu lên để lập chính sách công. Còn tư pháp thì ngược lại, các Nhà lập quốc không thiết chế ngành này thành một công cụ để thể hiện ý chí chung, và do đó không mang tính chính trị. Theo hướng luận giải này thì các yếu tố chính trị cần được giải quyết bởi một trong hai ngành kia của chính quyền.

Ví dụ, khi bang Oregon trao quyền cho công dân được bỏ phiếu thông qua các sáng kiến và các cuộc trưng cầu dân ý phổ thông vào khoảng năm 1900, Công ty điện thoại và điện tín các bang Thái Bình Dương đã phản đối. (Công ty này sợ rằng các cử tri sẽ bỏ qua các văn kiện lập pháp hỗ trợ kinh doanh và thông qua các đạo luật hạn chế đơn giá và lợi nhuận của mình). Công ty cho rằng Điều IV, Mục 4 của Hiến pháp bảo vệ “Hình thái Chính phủ Cộng hòa” ở mỗi bang – thuật ngữ được cho là đã quy định rằng, chỉ có các đại diện của dân mới được ban hành luật, chứ không phải trực tiếp người dân. Tòa án tối cao từ chối đưa ra phán quyết về sự phải trái của vụ việc, Tòa tuyên bố vấn đề này mang yếu tố chính trị. Cơ sở phán quyết của Tòa là Điều IV chủ yếu quy định nhiệm vụ của Quốc hội, và nó cho rằng các Nhà lập quốc muốn Quốc hội, chứ không phải tòa án, được quyền giám sát hình thái chính quyền ở các bang.

Trong những thập niên gần đây, đã xuất hiện một xung đột về việc nên coi việc điều chỉnh ranh giới hạt lập pháp là một vấn đề chính trị hay phi chính trị. Trước năm 1962, đa số thành viên Tòa án tối cao từ chối phán quyết về tính hợp hiến của các hạt lập pháp có số dân không đều, vì cho rằng đây không phải là vấn đề “có thể xét xử”, và Tòa án không dám xâm phạm cái mà Thẩm phán Felix Frankfurter gọi là “bụi rậm chính trị”. Theo lối tư duy truyền thống của Tòa án tối cao, thì các Nhà lập quốc muốn các cơ quan lập pháp tự phân chia ranh giới hạt – có lẽ là cùng với ý kiến của cử tri. Tuy nhiên, với phán quyết của Tòa án tối cao trong vụ Baker kiện Carr (1962), đa số đã thay đổi quan điểm đó. Từ thời điểm đó, Tòa án tối cao đã quyết định nhiều vụ việc theo hướng điều luật bảo vệ công bằng theo Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn, yêu cầu các hạt lập pháp phải có số dân tương đương, và hơn nữa, các tòa án phải xem xem quy định đó đã được thực hiện hay chưa.

Trách nhiệm cung cấp chứng cứ thuộc về người đệ đơn

Các luật gia của quốc gia nói chung đều nhất trí là người nào khiếu kiện tính hợp hiến của một đạo luật phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ. Do đó, nếu một người muốn tấn công một đạo luật nào đó, thì họ phải làm rất nhiều việc chứ không chỉ đơn thuần nêu được là đạo luật đó “có vấn đề hay đáng nghi ngờ về tính hợp hiến”; người đệ đơn phải thuyết phục tòa án rằng chứng cứ chống lại đạo luật đó là rõ ràng và phổ biến.

Chỉ có một ngoại lệ đối với nguyên tắc này là trong lĩnh vực quyền công dân và tự do công dân. Một số luật gia ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do công dân từ lâu đã cho rằng nếu chính quyền cố gắng hạn chế các quyền tự do con người cơ bản, thì trách nhiệm đưa ra chứng cứ phải chuyển sang cho chính quyền. Và trong một số lĩnh vực cụ thể của ngành luật quyền công dân, triết lý này đã trở nên phổ biến. Ví dụ, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết trong nhiều vụ rằng các đạo luật đối xử con người khác biệt theo chủng tộc hay giới tính sẽ tự động bị “soi xét đặc biệt” (special scrutity). Điều này có nghĩa là trách nhiệm chứng cứ chuyển sang chính quyền, buộc chính quyền phải chứng minh là có một nhu cầu bắt buộc và có tầm quan trọng vượt trội trong việc phân biệt con người theo xuất xứ dân tộc hoặc giới tính. Ví dụ, từ lâu chính quyền đã lý luận (và đã thành công) rằng cần có một số hạn chế lớn đối với phụ nữ trong quân lực để tránh cho họ không phải thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp.

Chỉ bác bỏ luật trên cơ sở hẹp nhất

Đôi khi trong một phiên xét xử, một thẩm phán nhận thấy rõ ràng một văn kiện lập pháp hay một hành động hành pháp đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này thì các luật gia vẫn hành động rất thận trọng. Đầu tiên, thẩm phán có thể chọn phương án vô hiệu hóa một hành động hành pháp trên cơ sở luật định, chứ chưa phải hiến định. Vô hiệu hóa luật định có nghĩa là một thẩm phán bác bỏ một hành động hành pháp vì viên chức hành pháp đã hành động vượt quá thẩm quyền được luật cho phép. Phán quyết đó có ý nghĩa bảo vệ luật nhưng vẫn vô hiệu hóa được hành động sai trái của viên chức hành pháp. Thứ hai, là các thẩm phán có thể (nếu có khả năng) chỉ vô hiệu hóa một phần của đạo luật mà họ cho là có lỗi về mặt hiến định, chứ không bác bỏ toàn bộ đạo luật.

Không phán quyết về “sự sáng suốt” của cơ quan lập pháp

Nếu được tuân thủ nghiêm khắc, nguyên tắc này có nghĩa là cơ sở duy nhất để tuyên bố một đạo luật hoặc một hành vi hành pháp vi hiến là cho rằng nó vi phạm từng chữ của Hiến pháp. Các đạo luật không xâm phạm Hiến pháp chỉ vì nó không công bằng, lãng phí tài chính, hoặc cấu thành một chính sách công tồi tệ. Nếu thực sự xem xét cẩn thận, thì điều này có nghĩa là thẩm phán và đại thẩm phán không được tự do vận dụng các quan niệm cá nhân về đúng sai, hoặc quan niệm chính sách công tốt xấu khi xem xét tính hợp hiến của văn kiện lập pháp.

Một hệ quả phụ khác của nguyên tắc này là có thể một đạo luật được thông qua và được mọi người nhất trí là một đạo luật tốt và khôn ngoan, nhưng vẫn bị coi là vi hiến; ngược lại, một đạo luật có thể hợp pháp hóa hành vi của quan chức hành pháp bị mọi người coi là tồi tệ và nguy hiểm, nhưng vẫn không vi phạm Hiến pháp.

Nguyên tắc không phán quyết về “tính sáng suốt” của các đạo luật là một nguyên tắc khó tuân thủ trong thực tiễn. Đó là vì Hiến pháp là một tài liệu khá ngắn gọn, không đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống công và chứa một số câu chữ và lời khuyên răn có thể có nhiều cách lý giải khác nhau. Ví dụ, Hiến pháp quy định Quốc hội được điều chỉnh thương mại xuyên bang. Nhưng chính xác thế nào là thương mại, và phạm vi của nó rộng đến mức nào khi chưa thêm chữ “xuyên bang”? Thẩm phán cũng là con người, và họ có nhiều cách trả lời khác nhau đối với câu hỏi này. Hiến pháp bảo vệ một người bị truy tố về một tội phạm nào đó có quyền được luật sư bào chữa. Nhưng quyền này có được duy trì khi người đó kháng cáo yêu cầu một phán định có tội hay không, nếu có thì bao nhiêu kháng cáo? Những người giải thích luật chặt chẽ và những người giải thích luật lỏng lẻo đã đưa ra những câu trả lời khác nhau.

Tóm lại, mặc dù việ c đưa giá trị cá nhân của thẩm phán vào trong cách diễn giải nhiều phần của Hiến pháp là không thể trá nh khỏi, nhưng hầu như các luật gia đều tán thà nh nguyên tắc chung là các đạo luật chỉ có thể bị vô hiệu hóa nếu nó vi phạm Hiến pháp, chứ không phải theo ý thích cá nhân của thẩm phán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét