Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

THƠ Lê Sơn Thạch : VÀNG PHAI MẤY ĐỘ

THƠ Lê Sơn Thạch : VÀNG PHAI MẤY ĐỘ


Nhớ
Ta bỗng nhớ em như rừng nhớ gió,
Như con nai vàng nhớ bãi cỏ non,
Như con dế mèn ngóng đợi hoàng hôn,
Và ta nhớ những mùa trăng cũ.

Con chích choè còn tự hào có tổ,
Cớ sao ta sứ mãi lang thang,
Ngất ngưỡng say trên cuộc điêu tàn,
Cười nghiêng ngả trên dòng hoang phế!
Ta ngồi đấy nghĩ buồn Thượng Đế,
Bỏ ta một mình mòn mỏi đợi em.

Trăng thao thức đợi rừng đêm trở giấc,
Rừng lặng im như ngậm mối căn hờn.
Ta với rừng là hai kẻ cô đơn,
Không hẹn ước mà thành tri kỷ.

Rừng với ta là muôn điều kỳ bí,
Còn với em ta có vạn cổ sầu.
Em xa rồi mà ta có hay đâu,
Chợt thấy nhớ mới biết mình chia cách.

Rừng Mã Đà - 1982



Vẫn Còn

Ngựa hồng ta nát vó câu,
Đời còn ngây ngất giọt sầu rã riêng.
Trên dòng thác đổ triền miên,
Mùa thu vẫn có mây hiền hoà trôi;
Vẫn còn em đứng bên đời,
Vẫy tay cho gió lả lơi áo hồng.
Vẫn còn một khoảng trời trong,
Cho chim xây tổ, cho ong kết đàn.


Ta về khơi đống tro tàn,
Còn nghe hơi ấm trong than lửa gầy…



Cung Thương Ngày Cũ

Mười bảy tuổi đã nghe hồn biêng biếc,
Trôi lênh đênh cùng biển rộng sông dài;
Anh ngượng ngùng dạy em vũ Thiên Thai,
Mùa lưu diễn có em lòng chợt ấm.
Anh nhìn em, thương con chim én nhỏ,
Ngập ngừng rung đôi cánh mộng ngây thơ,
Đêm liên hoan tưng bừng muôn pháo nổ,
Về trường xưa anh mãi nhớ vu vơ…

Hai mươi tuổi lòng anh cơn bão nổi,
Tim rạt rào tìm kiếm những âm xưa.
Hồn anh rộng nên tình em mỏi cánh,
Một chiều đông, con chim én bay về.

Anh đón em trên miền chiêm bao thần thánh,
Suốt bốn mùa biên trấn thương ca.
Đây mê cung xin em cứ bước vào,
Rượu tình đó xin mời em uống cạn
(…)
Cho em say đắm đuối mắt thiên nga,
Cho em say quên trời rộng, trăng ngà,
Cho em chết một linh hồn nhỏ dại…

Anh thuở đó như dòng sông lưu lạc,
Mà thuyền em đầy ắp những màu trăng,
Anh phiêu bạt để thuyền em quạnh vắng,
Ngồi ôm con mòn mỏi nét phai tàn!
Em vẫn hát: “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội”
Lời ru ngọt ngào toả ấm nôi con,
Anh vẫn lang thang, hồn bạc màu sương khói,
Đời lãng du đành khép lại từ đây
(…)

Anh bây giờ co ro trong vỏ ốc,
Nhớ miên man trăng nước Ngũ Hành Sơn…
(*)

(* ) Bài này do con gái của tác giả là Lê Hoàng Thanh Thuỷ ghi lại theo trí nhớ với lời nhắn gửi: “Xin lỗi Ba, bài này rất dài, con không nhớ hết, còn thiếu sót nhiều câu”. Tác giả cũng thấy tiếc nhưng cảm thấy thế vẫn tạm đủ nên để vậy.



Tìm Nhau
Men theo phấn bụi thời gian,
Tìm chiếc lá úa trên ngàn thu phong,
Lần trong từng cánh mây hồng,
Tìm màu mắt biếc nghìn trùng xa khơi.
Lần theo từng nẻo cuộc đời,
Tìm trong kỷ niệm bóng người thiên thu.
Tìm trong khói nhạt, sương mù,
Tóc thề buổi ấy bây chừ về đâu?

Tìm nhau tóc đã phai màu,
Biển xanh nay hoá cồn dâu mất rồi!!!



Khúc Thương Ca
Em mơ gì khi bờ vai vừa xoã tóc,
Đi vào đời như một cuộc viễn du;
Em ước gì khi hồn vừa thêu nắng,
Dang đôi tay đón ánh mặt trời?

Em ngày đó ngu ngơ: Con én nhỏ,
Như hạt sương mai e ấp trên cành.
Chợt hôm nao trời lên giông bão,
Em chơi vơi trong hạnh phúc ngậm ngùi!

Hạnh phúc nhỏ nhoi như hạt bụi,
Và mong manh hơn sợi tơ trời;
Hạnh phúc hiếm hoi như mưa tháng hạ,
Và đắng cay hơn mọi cay đắng trên đời!

Vì yêu anh em một đời lận đận,
Gạo cơm đâu để nuôi lớn nụ cười;
Vì yêu anh nên em thành cô phụ,
Để mỏi mòn chờ đợi… tháng ngày trôi!

Vì yêu anh em cam lòng chịu thiệt,
Còn đâu em đời dệt gấm thêu hoa!
Anh xấu số nên khiến em bất hạnh,
Đành trăm năm chung một khúc thương ca!


Rồi Một Ngày
Ta về đây mang mang hồn viễn khách,
Đã mềm môi qua ngàn chén rượu cay;
Bỗng thấy đời chỉ là bọt biển,
Mắt miệng đã mù, sầu vẫn chất đầy!

Ta về đây làm con sông u uẩn,
Mà hồn ta đầy những rong rêu.
Bài hát cũ sao ta nghe xa lạ,
Tỉnh cơn say, đời ngã bóng chiều!

Ta về đây gọi tên mình để nhớ,
Và để quên, hết những ngày qua.
Còn gì đâu? Chỉ đôi bàn tay trắng,
Nhìn tương lai: Dòng nước cuốn mờ xa!


Bên Bờ
Sông nước mãi cuốn trôi,
Sao ta vẫn đứng yên một chỗ!
Ta đứng đây biết đến bao giờ?
Ôi, chút mộng hải hồ,
Đành vùi trong chăn ấm,
Nằm co ro nghe tháng năm mòn;
Nước tiễn đưa bao xác lá vàng,
Thân ta nặng nên chìm sâu đáy vực…

Sông ơi! Lòng ta mơ ước,
Một ngày nào về với đại dương…


Hương Xưa
Người về tìm lại hương xưa,
Mưa giăng phố cũ, nắng thưa ngõ chiều.

Ta về phố chợ đìu hiu,
Dừng chân lá đổ, nghe chiều tan hoang.
Về nghe từng cánh thu vàng,
Nghe em dệt nỗi cơ hàn thâu đêm.
Ta về như máu về tim,
Như con suối nhỏ đi tìm nguồn xưa…

Ta về đập vỡ gương xưa,
Nghe chiều rưng rức, nghe thơ nghẹn ngào.
Mười năm: một giấc chiêm bao,
Dừng chân phố cũ nghe màu tóc sương!

Từ yêu mây nước bềnh bồng,
Ngày đi để lại bên sông nỗi buồn.
Thương em ngày đó mưa cuồng,
Xa em ngày đó mộng còn biếc xanh;
Bây giờ mây khói xây thành,
Yêu em ta ngắt một cành phù dung…



Ra Đi
Ta như một vệt khói buồn,
Sợi len trong nắng, sợi luồn trong mưa.
Đêm qua nghe gió chuyển mùa,
Đàn lên Tư Mã, đàn mờ Văn Quân.
Ta yêu ta – Tình lặng câm,
Ra đi trong tiếng đàn trầm trầm rơi.
Ta đi nắng xế ngậm ngùi,
Nhớ trời hoa gấm, nhớ đời ca xang.
Ta đi cơn mộng vừa tàn,
Thương em sầu đợi bên hoàng hôn phai !



Hun Hút Đường Trần
Lê Sơn Thạch

Đời em thuyền nhẹ mong manh quá,
Ta chỉ là tên thuỷ thủ bất tài;
Ta cũng cố đưa em về bến đỗ,
Em ngại ngùng mặc năm tháng nổi trôi.
Ta cũng muốn dìu em qua muôn trùng sóng vỗ,
Đưa em xa vùng gió cát điêu linh,
Đưa em về miền trăng nước yên bình,
Sao em vẫn sợ đời cơn biển động!

Em có biết, từ sự chết đã ươm mầm sự sống,
Và tình yêu mọc từ nỗi cô đơn;
Có tình yêu nào không nước mắt tủi hờn,
Có vinh quang nào không xây bằng máu?!

Chiếc lá lung linh, ơi người tình bé nhỏ,
Giọt thương yêu rụng từng cánh ngập ngừng :
Ngày lê thê và đường dài hun hút,
Ta một mình đếm bước tha hương!



Mùa Xuân Không Trở Lại
Rồi từ đó mùa xuân không trở lại,
Ta mất em là mất cả quê hương;
Như hòn cuội lăn khắp vạn nẻo đường,
Bao năm tháng ta là tên du mục.

Cánh mai vàng nở hoài trong ký ức,
Mà mùa đông thì cứ mãi lê thê;
Rượu giang hồ đã bao lần say khướt,
Trời bao la sao chim én không về?

Ta từng có bạn bè đăm bảy đứa,
Từng bao phen tuý ngoạ sa trường*
Đêm giao thừa nghe tiếng vạc kêu sương,
Lòng rạo rực nghe mùa xuân chậm bước.

Rồi từ đó theo dòng sông lưu lạc,
Đi lang thang nghe biển gọi ta về;
Để đêm đêm nghe tiếng sóng vỗ bờ,
Ta chợt thấy tình yêu như bọt biển!

Em ra đi, mang mùa xuân đi mất,
Ta còn đây chiếc lá úa ven đường,
Ta còn đây một hạt bụi vô thường,
Bay vất vưởng giữa đời hiu hắt!

Rồi từ đó theo đàn chim biệt xứ,
Ta mãi bay vào tháng năm mù sương;
Ta lắng nghe từng mùa đi rất lạ,
Mà trong ta sao chẳng thấy mùa xuân!!!

* Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu. (thơ Lương Châu Từ)


Mùa Xuân Nơi Đâu

Vài con chim ủ rũ,
Run rẩy trên cành khô ;
Chim nhìn nhau thầm hỏi
Mùa xuân chừ nơi mô?

Một con ong lìa tổ,
Mải miết bay tìm hoa.
Đầy trời bông tuyết trắng
Mùa xuân ôi mờ xa!

Hàng thông già lặng lẽ,
Soi bóng giữa trời sương;
Đợi gió về lay nhẹ,
Ngân dài mấy cung thương.

Mưa rơi, mưa cứ rơi,
Cho đời không chút nắng;
Mùa xuân còn xa vắng
Biết chờ ai, đợi ai?

Người đi, còn đi mãi,
Đường trần ôi quá xa,
Dừng chân chiều xuân tái,
Biết nơi đâu quê nhà?!


Dấu Chân Chim

Em đến tự thuở nào,
Cho đời xanh xanh lá,
Cho mùa xuân vào hạ,
Xanh một vùng chiêm bao.

Em đến tự thuở nào,
Cây cỏ bỗng xôn xao,
Nhìn bay bay tà áo,
Sao ta bỗng nghẹn ngào.

Ta nghe cơn buốt lạnh,
Trong tim mình lắng sâu,
Ta còn gì nữa đâu,
Sòng đời vừa thua trắng.

Em đến rồi em đi,
Cơn mưa chiều mùa hạ,
Ta buồn buồn, nhớ nhớ,
Thương hoài bước chim di…


Khi Những Lưu Dân Trở Về
Phải xưa ta là rừng
Nên hồn ta xanh ngát,
Em bơ vơ cánh vạc
Về hát mãi trong sương.

Ta đi tìm đau thương,
Mang vào đời chất ngất,
Bao cánh hồng héo hắt,
Rụng dần trong lãng quên.

Con oanh về ngủ yên,
Trên tình xưa đã chết.
Ta về đây đốt hết,
Những năm tháng cuồng điên.

Ta như những lưu dân,
Tìm quê hương đã mất.
Trên đường chiều hiu hắt,
Chuông giáo đường ngân vang.

Chuông gieo nỗi bình yên,
Cửa Thiên Đường đã mở.
Ta sấp mình sám hối,
Xin làm con chiên ngoan…
Được đăng bởi GÓP TƠ LÒNG vào lúc 23:43 0 nhận xét


Tâm Sự...

Em mãi mãi là đỉnh cao Everest,
Ta chỉ là tên thám hiểm bất tài.
Em huy hoàng từ một cõi thiên thai
Ta tàn tạ trên vùng mưa phù phiếm.

Em mãi mãi là khung trời kỷ niệm,
Ta tâng tiu từng giây phút ngọc ngà.
Dẫu cho đời chỉ là giấc Nam Kha,
Tình em mãi là dòng sông vô lượng.

Phải chăng em về qua rừng thần thoại,
Như người tình "Ngàn Lẻ Một Đêm"?
Rồi mai đây trong trận chiến êm đềm,
Ta vĩnh viễn là tên chiến bại.

Xin em mãi là nhà tu khổ hạnh,
Để ta làm một kẻ hành hương,
Để được nghe trong lời kinh nguyện,
Chút ngọt ngào man mác yêu thương.

Em mãi mãi là vì sao lạ,
Là ngọn hải đăng của biển cả mênh mông,
Kẻ lạc đường mong tìm nơi ánh sáng,
Mà bóng đêm là tiếng nói vô cùng!!!


Từ Khi

Từ em lìa cội xa nguồn
Sông xưa êm biếc thành cuồng lưu dâng.
Từ em bạn với phong trần,
Ta về ta đắp mộ phần cho ta!

Rượu nồng nhớ buổi quan hà,
Tàn y rũ cánh dưới tà huy bay;
Đàn chùng nhớ ngón tay gầy,
Cho mưa cung oán lên ngày phù dung.

Từ em theo dấu mây hồng,
Có con cuốc lẻ bên sông gọi buồn.
Đành rằng cuối bể, đầu nguồn,
Sao nghe thương nhớ ngập hồn vô biên.

Vắng rồi tiếng hát chim uyên,
Lẻ loi cánh nhạn về miền xa xăm,
Xa rồi những bước chân thầm,
Chờ bao la gọi, trăm năm quay về…



Nửa Đời
Ta buồn đã quá ba mươi,
Tóc dăm sợi trắng, nửa đời vắng không.
Ta buồn bẻ kiếm quăng sông,
Ta, tên vô đạo múa ngông chém Trời.
Nửa đời nghe nhịp tim lơi,
Giận đời ta hát, yêu người ta si


Nửa đời ôi còn lại gì!
Ngẩng đầu cười ngất, bỏ đi cũng vừa…


Về Nguồn

Người hỡi người! Xin chào nhau lần cuối,
Ta trở về nguồn ôn lại nét kinh thư;
Ta về nguồn ca bài ca bất tử,
Dù ngàn năm… thù hận cũng phai mờ.

Ta xếp tàn y, thắng yên lưng ngựa,
Gọi bốn phương mưa gió hãy dừng chân,
Cho ta về tắm dòng sông thanh thủy,
Cho ta về như một đứa con hoang.

Hỡi những rừng, truông, khe, suối!
Ta gửi lời từ biệt đến cho ngươi.
Trên núi cao có còn chim đậu?
Ta, con chim cô độc, ngậm ngùi đi.

Ta lần theo dấu mòn quá khứ.
Bản tình ca lạc giữa trời quên.
Mộng hải hồ bỏ lại ngoài biên trấn,
Ta đi tìm một cõi bình yên…

Ta về đây dẫu ngày xưa vàng võ
Tình bao la ta ươm lại mùa sau
Cây lại xanh và muôn hoa lại nở
Và tim ta dòng máu vẫn tươi màu…

Ta không muốn lênh đênh ngoài muôn bến
Mây cứ lang thang và gió mãi giang hồ
Ta dừng lại bên bờ sông dĩ vãng
Em vẫn chờ, vẫn đợi, vẫn bơ vơ…


Về Trên Phố Núi
Ngày nào về đây lặng đứng trên đồi,
Nhìn xuống phố phường chìm dưới mưa rơi;
Rặng liễu đìu hiu, gục đầu tóc rũ,
Ta chợt thấy ta lạc lõng giữa đời.

Ngày nào về bên dòng suối êm đềm,
Ta chẳng còn gì để nói yêu em,
Nhìn bóng thời gian, nghe con suối hát,
Nghe tình lắng sâu trong máu trong tim.

Ngày nào về đây lặng lẽ bên hồ,
Trên cành thông buồn chim hót vu vơ.
Sao em không cười, sao em không khóc?
Sao em dỗi hờn, sao em hững hờ?

Ngày nào về trên phố núi sương mù,
Nghe tiếng cồng ngân trong gió âm u;
Tình đã tan theo từng mùa lá chết,
Còn biết tìm đâu lời hẹn thiên thu!!!


NGUỒN : trích trong tập thơ " VÀNG PHAI MẤY ĐỘ " . Nhà thơ LÊ SƠN THẠCH

( Tác giả hiện sống và làm việc tại Hoa Kỳ : Indochina Cultural & Service Center of Tacoma - Washington state -USA )

THƠ - TRẦN HỒ DŨNG

THƠ - TRẦN HỒ DŨNG



CHÙM THƠ LỤC BÁT



Trần Hồ Dũng

1.

TÌM NHAU



Tìm nhau từ cõi ngàn xưa



Tìm nhau trong ngọn gió đùa nghìn sau



Chợt trong giây phút nhiệm mầu



Thấy nhau nơi giọt sương đầu nụ hoa





2.

ĐI TÌM



Tôi về tìm lại tôi xưa



Tìm tôi nơi chốn em vửa bỏ quên



Nghe trong chiều rất êm đềm



chút hương ngày cũ rơi mềm tóc sương



3.

VÔ ĐỀ



Đất trời vô thủy vô chung



Suối sông vô lượng , phù dung vô tình



Đằng sau ánh mắt em nhìn



Xin cho hỏi nhỏ , có hình bóng tôi ?


TRẦN HỒ DŨNG

HÓA THÂN

Trần Hồ Dũng

Tưởng nhớ nhà thơ A. Khuê

( thi phẩm " Lùa Bò Trong Sương" )


Tiễn ai trời đất hóa vàng

Trầm hương nát khói , lạnh tràn cõi sau

Nằm nghe vọng tiếng nhiệm mầu

Kinh trầm nhịp mõ trước đầu áo quan

“Kiếp người cát bụi hợp - tan

Có - Không , một giấc mộng vàng phai phôi”

Gió tung ngựa hí lên rồi

Thôi người ở lại luân hồi ta đi

Còn em về níu xuân thì

Nhớ nhau xin gửi đóa Quỳ dưới trăng





tranhodung. Saigon 14.8.2009


( In loving rememberance of A Khue , the poet of "ngam ngai tim tram" group )

THƠ : TÌM NHAU


Trần Hồ Dũng



Tìm nhau tự cõi ngàn xưa

Thấy nhau trong ngọn gió đùa ngàn sau

Tìm trong giây phút linh cầu

Thấy con chim hát trên đầu ngọn cây

Tìm nhau trong chiếc lá bay

Thấy nhau trong khói hương lay đá vàng

Tìm nhau trong giấc mộng tàn

Thấy nhau trong chốn thiên đàng bỏ quên




tranhodung .SG 20/5/2009

"Hoàng Hạc Lâu"

"Hoàng Hạc Lâu" - bản dịch của Trần Hồ Dũng






"Hoàng Hạc Lâu"
Thôi Hiệu


Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.


----



bản dịch của TRẦN HỒ DŨNG


LẦU HOÀNG HẠC

Người xưa cỡi hạc vàng đi mất

Lầu hạc còn trơ lại chốn này

Hạc vàng đi biệt từ xưa ấy

Ngàn năm mây trắng lửng lờ bay

Hán dương sông tạnh cây bày bóng

Bãi thơm Anh Vũ cỏ xanh phơi

Chiều rơi tràn nhớ niềm cố quận

Khói sóng trên sông giục ai sầu ?


TRẦN HỒ DŨNG

THƠ : TA VỀ

THƠ : TA VỀ - Trần Hồ Dũng




TA VỀ

tran ho dung

" tặng một ai đó tri âm " ( nếu có )



Ta về bẻ bút quăng sông

Đốt trang thơ cũ thả dòng nước trôi

Ta về một sớm tinh khôi

lên đồi sim tím hái môi em cười

Ta về tìm lại bóng người

Bỏ quên đâu mất giữa mười phương xa

Ta về đứng giữa giang hà

Ngóng con hạc trắng vút qua lưng trời

Em giờ cách mấy trùng khơi

Qua bờ bến lạ , còn lời thủy chung ?

Chờ em , chân bước ngại ngùng

ngang đồi sim cũ rưng rưng nhớ người


tranhodung - saigon . Phật Lịch 2548

VIẾNG BẠN - Trần Hồ Dũng

VIẾNG BẠN

Tiễn một người bạn vừa ra đi mãi mãi

tranhodung



Giờ ta tiễn bạn sang bờ khác

Thêm một lần đi hay trở về ?

Dẫu vẫn biết rằng đời huyễn mộng

Chao ơi ! một phút bỗng thiên thu !

Cớ sao lòng cứ phân vân mãi

Dù bến hay bờ có khác chi ?

Bao năm ta sống hờ trên đất

Cũng chỉ là thân khách trọ thôi

Có khi lần lữa dăm ba bữa

Rồi phải lìa xa quán trọ đời

Bạn đi làm khách nơi phương khác

Ba ngàn thế giới nơi nào vui ?

Hay là bạn nhớ Tây phương Phật

Nêm sớm xa đời bỏ cuộc chơi ?

Bạn vội , thôi thì đi trước nhé !

Ta còn vương chút nợ nhân sinh

Mai nầy thân nhẹ như mây khói

Trong cõi ta bà tiếp tục chơi

Gặp nhau , nhớ kể cho ta rõ

Bạn về phương ấy , có gì vui ?


tranhodung - Sai Gon - 16.12.2006

Thơ : Lạc Hoa


" Lạc Hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh "
Vi Thừa Khánh

( cánh hoa mang theo lòng mối hận
Rơi xuống đất cùng sự lặng câm )





" Tặng một cánh hoa rơi"



Lạc hoa
( hoa rụng )


Ơi một bông hoa vội lìa cành !

Giận đời hay giận cả trời xanh

Mà đem vào đất niềm câm lặng

Mối sầu u uẩn cùng thiên thu

*

Hồn ta giờ cũng như hoa vậy

Tan nát tơi bời một kiếp đây

lòng buồn hiu hắt như lau sậy

mà vẫn cười khan trong gió lay

Ngồi đây chợt nhớ câu thơ cổ

Hoa đã rụng cành -hận vẫn đầy !

* *

ơi hoa !

hoa cứ rơi lặng lẽ

hận chi thế gian này

Ta một đời như cỏ

buồn khác gì hoa đâu !

Tran Ho Dung - saigon -2005

TÌNH CỜ ĐỌC BÀI THƠ CŨ

TÌNH CỜ ĐỌC BÀI THƠ CŨ - Trần Hồ Dũng

tran ho dung

Tặng Lê Hoàng Thanh Thủy ,
người bạn đời yêu quý của tôi .THD


Tình cờ đọc bài thơ cũ

Năm nào em viết tặng anh

Nét chữ chưa mờ năm tháng

Như tình em vẫn rộn ràng


*

Em , nụ hoa hồng mới nở

Ngập ngừng đón giọt sương mai

Anh , ngọn gió xuân buổi sớm

Cùng em dệt mộng ban đầu


* *
Dưới mái tranh nghèo ngày ấy

Ta cùng ca hát bên nhau

Sẻ chia nỗi niềm cay đắng

Vẫn tin sẽ có một ngày

( Ngày ấy mặt trời sẽ mọc

Xua tan đi đám mây mù

Giông tố không còn đến nữa

Tình mình sẽ mãi bền lâu )


* * *

Đầu tuần chở em đi học

Bắt đầu cuộc sống gian lao

Cứ ngóng trông ngày thứ Bảy

Chờ mong bóng dáng em về


* * * *

Ngày ấy cảnh nhà hiu quạnh

Một mình quanh quẩn vào ra

Anh vẫn ngày ngày đến lớp

Tìm vui bên đám học trò

Cỏ mọc quanh khu vườn cũ

Nắng vàng rọi túp lều tranh

liêu xiêu bước chân cô qụanh

Lòng anh mãi đợi em về

Ngày cuối tuần qua rất vội

Em về thóang chốc rồi đi

Niềm vui , nỗi buồn chen lẫn

Rồi trông , rồi đợi từng ngày

Anh vẫn mỗi ngày đi dạy

Tối về lại ngóng chờ em

Như đêm cứ chờ đợi sáng

Như cây nhớ ánh mặt trời


Sao Hôm , sao Mai cách trở

nhưng lòng cứ nghĩ về nhau

Sâm Thương muôn đời chỉ một

Dù ai tìm cách chia lìa


Rồi em ra trường đi dạy

Bao lo toan mãi chất chồng

Rồi cuốn vào vòng cơm áo

Ai còn nhớ mộng ngày xưa ?

Vẫn biết cuộc đời chẳng thể

Êm đềm như những vần thơ

Thắp nén hương lòng ngày ấy

Nhủ lòng dù có bao giờ



Tình cờ đọc bài thơ cũ

Năm nào em viết tặng anh

Nét chữ chưa mờ năm tháng

Mong tình em vẫn rộn ràng


Sài Gòn , đầu mùa hạ 2003

( nhân đọc một bài thơ cũ em viết tặng anh cách đây 17 năm )

Huyền ca - Trần Hồ Dũng

HUYỀN CA

tran ho dung


Em gieo sầu chi lên cung đàn

Cho ta ngồi đây đau tình xa

Em ngân nga chi lời tơ vàng

Cho ta nghe xa như huyền ca

*
Lá thu còn rơi cho vai gầy ?

Gió thu còn trôi cho tóc bay ?

Lệ xưa còn rơi trên vai người ?

Tình xưa còn in trong nắng phai ?

* *

Em như chim bay về chân trời

Tình ta nổi trôi theo ngàn mây

Nhớ em về trong ly rượu đầy

ta nghe sầu lên men ngất ngây

* * *

Tình chi trăm năm mà ngậm ngùi !

Đời không thiên thu sao mãi đau !

Ai thương nhớ ai trông mây ngàn ?

Ai ngồi khóc ai dòng sông trăng ?


* * * *

Ừ ! ta giờ đây thôi yêu nàng !

Ừ ! em giờ đây thôi yêu trăng !

Lòng ta hồ như bia mộ vàng !

Lòng em hồ như rêu đá xanh !


Trần Hồ Dũng - Sài Gòn - 2005

THƠ : VÔ THƯỜNG

VÔ THƯỜNG
Trần Hồ Dũng


Tặng T.T.


Có phải em vầng trăng buồn cổ độ ?

Để truông ngàn ta đợi mãi thiên thu

Gió hiu hắt mang theo lời mộ địa

Đỉnh non cao còn nhớ mãi suối nguồn

Mầm ly biệt nằm trong ngày hội ngộ

Biển sầu dâng khi ghé nụ hôn đầu

Lá vàng úa khi mùa xuân vừa hết

Ngày vụt tàn khi giọt nắng phai mau

Hoa và bướm , tình yêu và ánh sáng

Cùng tan vào trong ảo ảnh hư không

Thắp một nén hương trầm đêm mộng ảo

Thuở yêu em là biết lẽ vô thường


Rồi em cũng bay xa như hạc trắng

Mây buồn trôi nhớ mãi cánh chim trời


Dòng sông mãi ra đi tìm biển rộng

Để cuối trời ta lạc bước miên du


tran ho dung - saigon - 1985

THƠ - HẠT SƯƠNG BAY

HẠT SƯƠNG BAY

cánh chim đã bỏ non về

em rồi cũng giã câu thề ngày xưa

hiên ngoài rớt giọt mưa thưa

vầng trăng lẻ bóng đong đưa phận buồn

em về hong tóc mây nguồn

con chim nào hót cho buồn bến sông

tiễn em rót chén rượu nồng

suối khe thôi cũng chia lòng từ đây

em đi theo gót ngàn mây

bỏ ta ở lại nghe cây cỏ sấu

mai sau đứng ngóng giang đầu

nhớ nhau một thuở qua cầu sương bay

trần hồ dũng .saigon 1986

VIỄN MỘNG

VIỄN MỘNG

Tran Ho Dung


Về so lại phím tơ chùng

Đốt lò hương cũ bạn cùng hư vô

Bên trời , sóng dậy xô bờ

nằm đây gối mộng ,hững hờ cuộc chơi

Thôi thì gió lộng trùng khơi

Tà dương khuất nẻo tả tơi thần gầy

ngồi trông con nước vơi đầy

gõ thuyền mà hát nghe ngày rụng rơi

Trăm năm một giấc mộng thôi

Trang kinh thư cũ còn trôi giữa đời

Còn riêng ta với đất trời

Nghiêng ly rượu đắng rót mời thiên thu

tran ho dung

Việt Nam tránh vết xe đổ của Trung Quốc để phát triển

Việt Nam tránh vết xe đổ của Trung Quốc để phát triển
Tác giả: Phương Loan (lược thuật)

Hơn một giờ trực tuyến, nguyên Đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab đã làm rõ con đường để Việt Nam phát triển khác Trung Quốc và không bị Mỹ và thế giới lãng quên khi ở cạnh người láng giềng khổng lồ này.



Việt Nam cần tìm đường thoát khỏi bóng kinh tế Trung Quốc

Chính phủ dám tự phê bình

Nhấn mạnh câu trả lời về một chiến lược kinh tế để khác Trung Quốc và chiếm lĩnh thị trường thế giới nằm trong tay chính cộng đồng DN Việt Nam, bà Susan Schwab cũng chỉ rõ Việt Nam có 3 đặc tính quan trọng, không thể đánh giá thấp, có thể đóng góp cho thị trường thế giới: Việt Nam có rất nhiều đất và một nền nông nghiệp thành công; con người Việt Nam đầu óc cởi mở, sẵn sàng tiếp thu cái mới và làm việc chăm chỉ. Cùng với hai yếu tố đó, Việt Nam có một chính phủ luôn biết tự phê bình, dám nhìn lại bản thân, và thể hiện khả năng tiến hành đổi mới.

Ảnh: Lê Anh Dũng
Việt Nam đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn trên chuỗi giá trị toàn cầu mà bằng chứng là quyết định của Intel vào Việt Nam.
"Nếu kí kết Hiệp định Đầu tư song phương Việt - Mỹ, sẽ ngày càng nhiều những đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, viễn thông... như vậy vào Việt Nam và nó sẽ giúp Việt Nam tăng vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu", bà Susan nói.

Việt Nam cần đảm bảo an toàn cho các DN Việt Nam và nước ngoài giữ tiền Việt ở Việt Nam và cần tạo điều kiện để xây dựng nhiều DN bản địa hơn nữa.

Hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đều hiện diện ở Trung Quốc bởi quy mô kinh tế của nước này thế nhưng, họ không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc, không muốn nước này là nơi duy nhất các tập đoàn sản xuất và tìm kiếm thị trường. Vấn đề là họ có thể đến nơi nào khác? Việt Nam là một trong những phân khúc thị trường được coi là điểm đến của các DN quốc tế.

Học từ sai lầm của Trung Quốc để làm khác

Có những điều về Trung Quốc khiến nước Mỹ "không hài lòng" mà theo bà Susan Schwab, Việt Nam có thể "làm khác đi, tốt hơn", dựa trên nền tảng sẵn có, để "có con đường phát triển có một không hai và khác với Trung Quốc".

Nhấn mạnh việc không có ý định chỉ trích Trung Quốc mà với tư cách một người bạn, người có rất nhiều đồng nghiệp tốt ở Trung Quốc, bà Susan cho rằng, cách làm của Trung Quốc có nhiều điểm sai mà Việt Nam có thể học để tránh những sai lầm này.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Cụ thể, Trung Quốc đã bắt đầu tự do hóa nền kinh tế từ sớm và thúc đẩy tiến trình này rất nhanh trong 15 năm qua thế nhưng trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc cỏ vẻ như lại đang đi ngược lại tiến trình này. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang quay lại với chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trong kinh tế.

Trong khi đó, Việt Nam có vẻ tiếp tục mở cửa kinh tế, và chuyển đổi thành nền kinh tế thị trường. Một phần thể hiện rõ trong cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Việt Nam đã rất thông minh trong tự do hóa các quy trình.

Một điểm khác mà Trung Quốc cũng bị chỉ trích khá nhiều là nước này đã không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu nước ngoài. Các thương hiệu danh tiếng của nước ngoài bị làm nhái, làm giả tràn lan trên thị trường Trung Quốc với giá rẻ mạt...

Bà Susan nhấn mạnh: "không nước nào muốn tự đá vào chân của mình". Không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bạn sẽ làm tổn thương chính các DN của mình, gây tổn thương các nhà đầu tư, các đối tác. Việc làm hàng nhái, hàng giả đang ngày càng trở thành tội phạm có tổ chức.

"Vì thế, tôi ngạc nhiên khi Trung Quốc không làm nhiều hơn. Họ có làm nhưng không đủ. Và theo thời gian, họ sẽ nhận ra, chính họ là nạn nhân của tình trạng này, nền kinh tế sẽ phải trả giá cho cách làm ngắn hạn của mình".

Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thức về vấn đề hàng giả, hàng nhái, và việc vi phạmsở hữu trí tuệ tại Việt Nam và đang nỗ lực để giải quyết.

"Có những vấn đề khá nhạy cảm, thế nhưng, Chính phủ Việt Nam cũng có thể quyết tâm làm khác với Trung Quốc, đó là thực hiện cởi mở, không hạn chế internet, và chống tham nhũng", bà nói thêm.

Thừa nhận internet cũng có ảnh hưởng tiêu cực, thế nhưng, lợi ích tích cực của internet lại lớn hơn rất nhiều, đặc biệt trong việc giáo dục, cung cấp thông tin cho người dân, và thương mại điện tử. "Đóng cửa với internet, cơ hội giáo dục, thương mại qua mạng cũng như cập nhật các chương trình ứng dụng tin học mới sẽ bị mất đi".

Minh bạch để tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia

Liên quan đến tham nhũng, bà Susan tư vấn "hãy tạo lương bổng tốt cho công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu cuộc sống và nó sẽ giúp ngăn tham nhũng".

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn lật lại: Thực ra, không phải vì lương thấp mà gây ra tình trạng tham nhũng ở Việt Nam. Có trường hợp ở Việt Nam, quan chức giàu có nhưng vẫn tham nhũng, thậm chí còn nhiều hơn?

"Vấn đề nằm ở chỗ phải minh bạch. Khi các hoạt động của Chính phủ được công khai, minh bạch rõ ràng, thì khả năng tham nhũng sẽ giảm bớt", bà Susan đáp lời.


"Đòi hỏi minh bạch không phải vấn đề riêng của Việt Nam và càng không dễ với một nước đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam. Ngay cả các DN đến đầu tư tại Việt Nam, không phải DN nước ngoài cũng muốn minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, mà còn "tiếp tay" cho tham nhũng, miễn là có được giấy phép, dự án đó (nhiều người nghi ngại các đối tác Trung Quốc)", nhà báo Nguyễn Anh Tuấn nêu vấn đề.

Chia sẻ quan điểm này, bà Susan cho hay, ở Mỹ, luật về chống tham nhũng rất chặt chẽ và rõ ràng. Các DN của Mỹ bị ngăn cấm dính líu vào bất kì vụ việc tham nhũng quốc tế nào khi đầu tư, giao thương với bên ngoài. Và đôi khi, cách ứng xử của DN nước khác lại gây hại cho việc kinh doanh của các DN Mỹ.

Theo bà Susan, giáo dục có thể giúp sức trong việc chống tham nhũng. "Cần xây dựng hệ thống, giáo dục các công chúng trong hệ thống về cách thức để điều hành chính phủ cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn".

Bà cũng tư vấn, Việt Nam nên xem xét tham gia Hiệp định về đấu thầu trong khuôn khổ của WTO. Đài Loan đã tham gia, và Trung Quốc đang đàm phán để tham gia Hiệp định thế nhưng, có vẻ những cam kết của Trung Quốc thì quá ít đến mức đáng xấu hổ. Sẽ còn chặng đường dài để Trung Quốc tham gia các quy định đầu thầu của WTO.

"Nếu Việt Nam thực hiện bước nhảy, tham gia Hiệp định này, những quy định của Hiệp định sẽ góp phần tạo dựng sự minh bạch trong đấu thầu của Việt Nam, giảm khả năng tham nhũng".

"Một quy trình đấu thầu minh bạch, cạnh tranh sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh quốc gia của Việt Nam và các DN Việt Nam trong việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài", bà Susan nhấn mạnh.

Tạo đường riêng để giành và giữ sự quan tâm của thế giới

Trả lời câu hỏi "bên cạnh một đối tác khổng lồ và lớn mạnh như Trung Quốc, liệu Việt Nam có nguy cơ bị các đối tác như Mỹ, EU lãng quên? Và làm thế nào để Việt Nam có thể xác lập và củng cố vị thế của mình trong con mắt của các đối tác khác, đặc biệt là các nhà lãnh đạo và giới doanh nhân Mỹ?", bà Susan cho rằng, trong vài năm qua, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của Mỹ và thế giới nhờ những thành tựu cải cách kinh tế của mình.


Và Việt Nam đang tiếp tục quá trình đổi mới, cải cách này, với việc tiến hành đổi mới kinh tế, xã hội và chính trị. Tất cả các khía cạnh đổi mới này đang được triển khai và thảo luận ở Việt Nam.
Việt Nam có thể tiếp tục được xem là thay thế được hài lòng cho Trung Quốc ở khu vực trong con mắt của các DN Mỹ để đa dạng hóa đối tác ở khu vực. Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, với những đặc tính như tôi đã mô tả.

Việt Nam đang tạo con đường của mình để giữ và giành sự quan tâm tích cực từ các Chính phủ khác cũng như giới doanh nhân trên toàn thế giới.

Và càng có nhiều thương mại và đầu tư giữa hai bên, sợi dây kinh tế thương mại này sẽ tạo nên những nhóm vận động hành lang riêng cho Việt Nam. Nó không nhất thiết phải là một nhóm vận động hành lang được đăng kí và đóng tiền một cách chính thức mà là lợi ích chung giữa cộng đồng DN và nhân dân hai nước. Đơn cử, khi PNTR được thảo luận ở Nghị viện Mỹ, rất nhiều các DN Mỹ đã tới để vận động Quốc hội Mỹ trao PNTR cho Việt Nam.

Nếu được nhà lãnh đạo Việt Nam đề nghị tư vấn, để chọn ra ba điều, bà sẽ nêu vấn đề gì với Chính phủ Việt Nam?
Bà Susan Schwab: Lời khuyên đầu tiên của tôi là tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, mở, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các DN.

Việt Nam đã tiến hành đổi mới trong hơn 10 năm qua và đã có nhiều bằng chứng về sự thành công của các bạn trong quá trình chuyển đổi này. Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện cho nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài làm ăn thuận lợi ở Việt Nam.

Lời khuyên thứ hai là cần thúc đẩy các Hiệp định thương mại, đầu tư song phương Việt Mỹ, cũng như sáng kiến quan hệ thương mại xuyên TBD.

Việt Nam cũng cần đầu tư mạnh mẽ và đúng mức vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cơ sở hạ tầng mềm: nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cứng: đường xá, điện... để đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển.


© TUANVIETNAM.NET

Biển Đông, sự quan tâm của Mỹ và lựa chọn của VN

Biển Đông, sự quan tâm của Mỹ và lựa chọn của VN


(TuanVietNam) - Giải pháp cho các tuyên bố về lãnh thổ, lãnh hải và vùng thềm lục địa mở rộng chỉ có thể đạt được bởi một quyết định chính trị ở cấp cao nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội - Gs. Carl Thayer viết cho Tuần Việt Nam.


Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến của một nhà Việt Nam học quen thuộc, GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia như một góc nhìn riêng cần tham chiếu.




Người giám hộ ghen tuông

Ngay từ khi Công ước luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) được thông qua năm 1982 và trở thành luật quốc tế thì nó đã trở thành chủ đề của hợp tác và tranh cãi. Quan niệm về vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý đã trở thành nguyên nhân tạo ra những vùng chồng lấn trong các tuyên bố của các nước tại biển Đông.


Khi UNCLOS đi vào thực hiện, các quốc gia ven biển bắt đầu tăng cường khả năng thực hiện quyền kiểm soát với các vùng đặc quyền kinh tế bằng việc phát triển các tàu tuần tra trên biển và các máy bay do thám. Một số quốc gia ven biển cũng chiếm đóng các đảo đá và một số khu vực khác ở biển Đông.

"Mỹ có lợi ích to lớn trong việc duy trì ổn định, quyền tự do hàng hải và quyền hoạt động thương mại theo luật quốc tế ở các tuyến hàng hải ở Đông Á... Chúng tôi chống lại bất cứ hành động nào đe dọa các công ty của Mỹ". - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Scot Marciel.

Chưa từng xảy ra trường hợp nào hai quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế để tìm giải pháp bởi điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải chấp nhận một giải pháp có tất cả hoặc không có gì. Do đó, mỗi quốc gia trở thành một người giám hộ đầy ghen tuông với chủ quyền của quốc gia mình.


Nó cũng dẫn tới các vụ va chạm và tình trạng căng thẳng về ngoại giao liên tục diễn ra khi một quốc gia phản ứng với cái được cho là sự xâm phạm chủ quyền quốc gia của một quốc gia khác.


Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc UNCLCS đã quyết định ngày 13/5/2009 là thời hạn cho các quốc gia ven biển gửi đăng kí tuyên bố về thềm lục địa mở rộng dựa trên các tiêu chuẩn kĩ thuật cụ thể. Việc đệ trình lên UNCLCS không tác động tới tuyên bố về chủ quyền.



Hành động phản đối báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia cũng như báo cáo riêng rẽ của Việt Nam của Trung Quốc chỉ có thể ngăn giải pháp của UNCLCS cho vấn đề này. Nói cách khác, tình hình biển Đông vẫn tiếp tục giữ nguyên trạng.




Ảnh: Tuổi trẻ


Sẽ là không thực tế nếu Việt Nam trông đợi vào một bên thứ ba, ngay cả khi đó là một bên thứ ba độc lập như UNCLCS có thể xử lý vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông một cách rõ ràng. Giải pháp cho các tuyên bố về lãnh thổ, lãnh hải và vùng thềm lục địa mở rộng chỉ có thể đạt được bởi một quyết định chính trị ở cấp cao nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội (và các bên liên quan khác) để giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Hành động đơn phương của Trung Quốc


Căng thẳng ở biển Đông có vẻ tăng lên kể từ năm 2007. Tình trạng căng thẳng này chủ yếu thuộc trách nhiệm của Trung Quốc với các hành động đơn phương của nước này.


Cuối năm 2007, Trung Quốc đã điều động lực lượng hải quân mang tính khiêu khích ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: xây dựng cơ quan hành chính Tam Sa. Tiếp đó, Trung Quốc sử dụng áp lực chính trị đối với hãng dầu khí BP của Anh và Exxon Mobile của Mỹ nhằm buộc các công ty này chấm dứt hoạt động thăm dò khai thác với Việt Nam.



Năm 2009, các tàu hải quân Trung Quốc đã đối đầu với tàu hải quân Mỹ, UNSS Impeccable trong vùng biển ngoài khơi đảo Hải Nam. Chỉ thời gian ngắn sau đó, một tàu ngầm Trung Quốc đang quan sát hoạt động diễn tập hải quân đa phương ở vùng biển ngoài khơi Philippines đã va chạm với hệ thống thiết bị thăm dò hoạt động của tàu ngầm được gắn với tàu khu trục của Mỹ, tàu John S.McCain.



Bài về xung đột Mỹ - Trung trên biển Đông:

Ba góc nhìn về xung đột Mỹ - Trung
Đụng độ Mỹ - Trung và ý nghĩa với tranh chấp biển ĐNA
Ứng xử biển Đông: Nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc lợi ích
Đụng độ Mỹ - Trung và lựa chọn ứng xử cho ASEAN
Trung - Mỹ đụng độ trên biển Đông: Chỉ là khởi đầu
Trung Quốc tuyên bố USNS Impeccable của Mỹ đã hoạt động bất hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Trong khi đó, Mỹ xem vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển quốc tế.


Mối quan tâm của nước Mỹ

Hành động của Trung Quốc đã dẫn tới việc chính quyền Obama đưa ra những lời lẽ cảnh báo cẩn trọng tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không để bị đe dọa.

Tháng 5/2009, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Scot Marciel đã tuyên bố thẳng thừng rằng Mỹ “có lợi ích to lớn trong việc duy trì ổn định, quyền tự do hàng hải và quyền hoạt động thương mại theo luật quốc tế ở các tuyến hàng hải ở Đông Á”.


Mỹ đã ngay lập tức phủ nhận các tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến vùng lãnh hải và vùng biển nào không dựa trên cơ sở vùng đất có chủ quyền trên đất liền. “Những tuyên bố liên quan đến vùng biển như vậy không phù hợp với luật quốc tế”, ông Marciel nói.

Và quan trọng hơn, ông Marciel tuyên bố “chúng tôi - Mỹ chống lại bất cứ hành động nào đe dọa các công ty của Mỹ".

Một thông điệp mạnh hơn được Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Robert Scher gửi tới Trung Quốc.

Trong tháng 5, ông này đưa ra chiến lược 4 điểm. Một là, Mỹ sẽ thể hiện “bằng ngôn ngữ và hành động” rằng Mỹ có ý định duy trì “lực lượng quân sự vượt trội ở khu vực”.

Hai là, hải quân Mỹ sẽ lưu ý khẳng định quyền tự do hàng hải bằng các hành động “cố ý và được cân nhắc kĩ” bằng việc tiếp tục hoạt động của Mỹ ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Ba là, Mỹ sẽ xây dựng “mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các đối tác ở khu vực, đặc biệt ở lĩnh vực an ninh hàng hải”.

Bốn là, Mỹ sẽ tăng cường cơ chế ngoại giao quân sự mà nước này đã tạo dựng với Trung Quốc để tăng cường liên lạc và giảm nhẹ những rủi ro của việc tính toán sai.


Chính quyền Obama đã nâng quan hệ Mỹ - Trung lên một mức độ mới bằng việc làm chủ nhà của cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược ở Washington vào tháng 7/2009 ở cấp bộ trưởng đa phương. Tổng thống Obama cũng sẽ thăm Bắc Kinh vào cuối năm nay để dự Hội nghị thượng đỉnh APEC. Cuối cùng, Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và Tổng tư lệnh lực lượng quốc phòng Australia đã đồng ý mời Trung Quốc tham gia vào diễn tập quân sự ba bên. Các cuộc diễn tập này có thể có sự tham gia của một lực lượng nhỏ đơn vị trên bộ và trên biển.


Những cuộc gặp cấp cao này sẽ tạo nền tảng cho chủ nghĩa lạc quan cẩn trọng rằng Mỹ và Trung Quốc có thể xử lý được một cách hoà bình sự khác biệt trong vấn đề biển ở biển Đông.

Việc Mỹ phản đối cơ sở luật pháp của các tuyên bố về biển của Trung Quốc là một tin vui cho Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với tham vọng của Trugn Quốc trong việc đe doạ các công ty Mỹ hợp tác với Việt Nam sẽ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Washington.





Lựa chọn nào cho Việt Nam?


Việt Nam phải tiếp tục hành xử ở cả ba cấp độ: song phương, khu vực và trong nước. Việt Nam và Trung Quốc đã có một cơ chế ngoại giao được xây dựng từ lâu, như Uỷ ban hỗn hợp ở cấp Bộ trưởng, và các cuộc trao đổi lãnh đạo cấp cao. Các quan chức Việt Nam phải thống nhất được một tầm nhìn dài hạn và kiên nhẫn hành động để giữ cho tình trạng căng thẳng và va chạm hiện nay không xấu hơn.

Nhưng quan trọng hơn, Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu dài hạn của mình là gì.


Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cần tiếp tục gia cường hợp tác và cộng tác với các quốc gia ven biển khác như Malaysia, Philippines, Brunei và Indonesia. Và Việt Nam cần phải đảm bảo sự đoàn kết trong ASEAN. Ngoại giao khu vực cần phải nhằm vào tạo áp lực bổ sung với Trung Quốc để thực hiện kiềm chế nước này. Hơn nữa, ngoại giao khu vực cũng cần nhằm đưa ra tuyên bố của các bên ở biển Đông về quy tắc ứng xử. Đó là mục tiêu dài hạn.


Chính sách mới của chính quyền Obama mang lại cơ hội cho Việt Nam để từng bước mở rộng quan hệ an ninh và quốc phòng với Mỹ. Hướng gió đã được hình thành. Các quan chức quân sự Việt Nam vừa qua đã thăm tàu khu trục của Mỹ và không quân hai nước đã có vòng đối thoại đầu tiên. Việt Nam cần xem xét đứng ra tổ chức các hoạt động diễn tập quân sự ở cấp thấp với Mỹ và các cường quốc khác.


Ở trong nước, Việt Nam cần đảm bảo sự đoàn kết trong nước bằng việc tiếp tục thông tin cho công chúng chính sách của Chính phủ trong vấn đề biển Đông và quan hệ với Trung Quốc.

Đó không phải là việc thúc đẩy thái độ chống Trung Quốc mà là xây dựng cơ sở luật pháp và lịch sử cho hành động của Việt Nam.

Năm ngoái, đã có dấu hiệu cho thấy truyền thông trong nước tích cực hơn trong việc nêu vấn đề. Nhìn chung, công chúng vẫn có xu hướng nhìn các vấn đề thuộc chính sách đối ngoại một cách đơn giản và đòi hỏi chính quyền phải hành động. Chính phủ cần giải thích tại sao những hành động như vậy có thể phản tác dụng và đạt được sự ủng hộ của dư luận thông qua sự cởi mở và minh bạch hơn.

Gs. Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia)



© TUANVIETNAM.NET

Học giả quốc tế phê phán đường lưỡi bò của TQ

Học giả quốc tế phê phán đường lưỡi bò của TQ

Tác giả: Phương Loan

Trong khi quan điểm của các học giả Trung Quốc đưa ra tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông được xem là "không có gì mới", "vẫn là luận điệu cũ đòi ôm trọn Biển Đông", thì các học giả quốc tế đều lên tiếng phê phán tuyên bố chủ quyền cũng như cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông.

VietNamNet ghi nhận ý kiến của các học giả quốc tế bên lề Hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra tại Hà Nội tuần qua. Đáng tiếc, các học giả Trung Quốc tham gia hội thảo viện nhiều lí do đã từ chối trả lời phỏng vấn của báo giới Việt Nam.

Mập mờ, thiếu nghiêm túc


GS Mark J. Valencia (Mỹ):
Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền với Biển Đông rất mập mờ. Trung Quốc không làm rõ thực ra đường chữ U đó là gì. Khi được đề nghị giải thích về ý nghĩa của đường ranh giới này, là đường biên giới hay là gì khác, họ rất mập mờ: có thể thế, có thể không. Nó cũng giống như cách Mỹ trả lời việc có hay không chuyện Mỹ giúp Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc đại lục tấn công. Họ cứ để mập mờ, với cách giải thích mềm như vậy, để người khác phải đoán, còn họ thì cố gắng đạt lợi ích tối đa.


GS Ramses Amer (Thụy Điển):
Trong khi Việt Nam có tuyên bố rõ ràng về từng khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền, cơ sở cho từng tuyên bố đó, có định nghĩa pháp lý rõ ràng cho từng khái niệm trong tuyên bố của mình thì tuyên bố của Trung Quốc lại không rõ ràng: từ khu vực tuyên bố chủ quyền tới cơ sở cho tuyên bố của họ.

Có ý kiến nói rằng về mặt hồ sơ, tư liệu, Trung Quốc có sự chuẩn bị tốt hơn. Thực ra, chỉ có tuyên bố chủ quyền mang tính lịch sử mới có thể chuẩn bị tài liệu giấy tờ. Thềm lục địa thì không thể chỉ trên văn bản, mà là thực địa. Dù anh có tuyên bố bao nhiêu vùng biển thuộc chủ quyền của mình thì đó cũng chỉ là tuyên bố mà thôi.

Thế nhưng, thực tế, cũng giống như vấn đề biên giới trên bộ, cuối cùng, các bên phải có cách tiếp cận chung. Cuối cùng, đó là vấn đề của đàm phán, thảo luận.

Sẽ là bất khả thi để đi đến đàm phán nếu như Trung Quốc vẫn không làm rõ tuyên bố của mình.

Đường lưỡi bò không giá trị


GS Lokshin G. Mikhailovich (Nga)
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tất cả các đảo trên Biển Đông. Họ muốn biến Biển Đông thành hồ của Trung Quốc. Điều đó là không thể chấp nhận được với bất kì nước nào.

Khi còn trẻ, là một phiên dịch, có dịp dịch cho đoàn quan chức Việt Nam tới thăm Liên Xô và có đề cập tới vấn đề Hoàng Sa. Chính sách của Trung Quốc lúc đó rất cứng rắn. Họ lấy lí do là qua nghiên cứu khảo cổ, họ đã phát hiện xương người Trung Quốc ở các đảo thuộc quần đảo này, và do đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Lãnh đạo Việt Nam khi đó đã đáp lời Trung Quốc, hãy tới khảo cổ ở gò Đống Đa và các khu vực xung quanh Hà Nội, họ sẽ tìm thấy nhiều xương của người Trung Quốc hơn nữa.

Rõ ràng, quan điểm của Trung Quốc là hết sức thiếu nghiêm túc, chỉ mang tính tuyên truyền hơn là dựa trên lôgic, và tính pháp lý.

Các nước đã rất nỗ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông, thế nhưng tiến trình đã bị ngưng trệ, bởi Trung Quốc áp dụng chính sách 3 không: nói không với quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nói không với đối thoại đa phương, nói không với bất kì cơ quan thứ 3 nào can dự giải quyết vấn đề Biển Đông. Chính sách đối ngoại 3 không này khiến cho xung đột Biển Đông không có hướng giải quyết.

Điều này gây quan ngại cho nước Nga, bởi nhiều người nghĩ nước Nga xa Biển Đông, nằm ngoài khu vực tranh chấp này. Thực tế không phải như vậy. Nga có lợi ích và mối quan tâm ở Biển Đông, có sự kết nối với khu vực này và là thành viên của một khu vực lớn hơn: khu vực châu Á - TBD. Chúng tôi muốn một khu vực ổn định và hòa bình, đảm bảo tự do thông thương, vận tải và an ninh khu vực...


GS Ian Townsend-Gault (Canada):
Các nước không cần phải lo ngại về đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra gần như bao trọn Biển Đông, vì khi Trung Quốc phê chuẩn Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS), đường lưỡi bò đó trở nên không có giá trị vì theo Công ước, chủ quyền quốc gia được tính từ đường cơ sở ven biển vươn ra bao nhiêu hải lý đã được qui định rõ.

Hơn nữa đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ không được giới luật gia công nhận. UNCLOS là một văn bản luật quốc tế hiện đại. Một khi phê chuẩn có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ việc đòi chủ quyền trong đường lưỡi bò.


Nazery Khalid (Malaysia):

Theo đánh giá của giới quan sát, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có cơ sở pháp lý và lịch sử yếu nhất trong số các nước đưa ra tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Từ góc độ pháp lý, yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với bất kì quy định nào của UNCLOS.

"Nên từ bỏ tuyên bố đường ranh giới 9 đoạn"


Tướng Daniel Schaeffer (Pháp):
Năm 1947, cùng với việc chiếm đóng đảo Itu Aba (đảo Ba Bình), lần đầu tiên đ]ường ranh giới trên biển đã xuất hiện trong bản đồ tư nhân, không phải là bản đồ chính thức của Trung Quốc. Bản đồ đó đã vẽ một đường gần như bao trọn Biển Đông. Lúc này đường không vẽ đứt khúc 9 đoạn mà vẽ liền.

Sau đó, vào những năm 1950, đường ranh giới này lại được chia tách thành 11 đoạn và thành đường ranh giới 9 đoạn từ thời Thủ tướng Chu Ân Lai nắm quyền, sau khi xóa bỏ 2 đoạn ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Điều quan trọng là, thậm chí ngay cả khi đường 9 đoạn này tiếp tục được in trong các bản đồ của Trung Quốc, và khi Trung Quốc luôn bảo vệ những gì mà nước này đã yêu sách chủ quyền với Biển Đông trong khu vực bao quanh bởi 9 đoạn này, cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra bất kì một văn bản pháp lý chính thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực được khoanh bởi 9 đoạn này.

Chưa bao giờ được giải thích bởi bất kì một cơ quan, tổ chức nào một cách rõ ràng, chắc chắn, vì thế, bản đồ này hoàn toàn không hợp lệ.

Đường 9 đoạn của Trung Quốc là yếu tố then chốt đầu độc liên tục mối quan hệ liên khu vực xung quanh vùng biển này.

Cùng với việc đưa ra bản đồ này, Trung Quốc đã gây ra sự mơ hồ và lạc lối cho những nhà quan sát trong việc giải thích đúng đắn sự tồn tại của đường ranh giới này.

Để biện hộ cho sự đúng đắn của việc duy trì sự tồn tại của đường ranh giới 9 đoạn, Trung Quốc nói rằng đường này có khoảng cách đều giữa bờ biển của các nước liền kề và các đảo mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.

Bằng cách này, Trung Quốc đang đi ngược lại UNCLOS, khi Công ước quy định cơ chế xác định đường cơ sở này chỉ áp dụng với các quốc gia biển đảo, không phải với các đảo.



Cách thức Trung Quốc định nghĩa vùng lãnh thổ bên ngoài đại lục, ở đại dương không phải cách ứng xử vì hòa bình và ổn định.
Có các luồng quan điểm khác nhau ở Trung Quốc giải thích cho đường ranh giới 9 đoạn này. Có quan điểm của cho rằng Biển Đông là vùng lãnh hải. Thực tế là đường 9 đoạn này đã được vẽ trước khi UNCLOS ra đời. Đó là một thực tế lịch sử. Lại có một số ý kiến cho rằng Biển Đông là vùng nước lịch sử của Trung Quốc.

Cả hai quan điểm này đều không chấp nhận được bởi vì theo như UNCLOS n của LHQ, không có cái được gọi là vùng nước lịch sử. Các vịnh lịch sử thì có, nhưng vùng nước lịch sử thì không.

Coi Biển Đông là vùng lãnh hải cũng không có ý nghĩa bởi lẽ khoảng cách từ bờ biển đến đường ranh giới Trung Quốc tuyên bố gấp nhiều lần khoảng cách cho phép được quy định bởi UNCLOS liên quan đến vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thậm chí là thềm lục địa.

Hơn nữa, tuyên bố này theo cách nào đó cũng đối lập với tuyên bố của Trung Quốc cho rằng tất cả các đảo thuộc lãnh thổ Trung Quốc và xem đường cơ sở mà nước này định nghĩa hoặc tưởng tượng xung quanh những đảo như là của một quốc gia biển đảo.

Đường 9 đoạn của Trung Quốc không tương thích với bất kỳ điểm nào của UNCLOS và do đó, không thể áp dụng theo Luật biển.

Hơn nữa, bằng việc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, Trung Quốc đã không đưa ra một bức tranh về sự nghiêm túc với toàn thế giới. Muốn nhận được sự tôn trọng và được lắng nghe từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tốt nhất nên từ bỏ đường ranh giới 9 đoạn của mình.

Quan điểm cũng đã được đưa ra bởi GS Zhao Lihai, ĐH Bắc Kinh, người mà sau thời gian bảo vệ cho đường ranh giới 9 đoạn đã nhận ra rằng việc bảo vệ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông gây tác động ngược với điều mà Trung Quốc đang tìm kiếm: được lắng nghe để thu lợi lớn nhất.



Đơn phương

GS Stein Tonnesson (NaUy):
Quyết định cấm đánh bắt cá của Trung Quốc xuất phát từ mục đích tốt: bảo tồn nguồn cá, đảm bảo nguồn cung cấp cá to lớn, lâu dài cho hàng triệu cư dân sống ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề là Trung Quốc lại thực hiện đơn phương.

Đáng ra, Trung Quốc nên cùng với các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia... thảo luận và thiết lập một cơ chế cấm đánh bắt cá chung. Khi đó, quy định sẽ có hiệu quả thực tế hơn và cũng không làm căng thẳng tình hình Biển Đông.

© TUANVIETNAM.NET

Địa chỉ truy cập: www.tuanvietnam.net hoặc www.vietnamweek.net. Tổng Biên Tập: Nguyễn Anh Tuấn
Toà nhà VietNamNet - 141 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội - Điện thoại: 04 37722729, Fax: (04)37722734, Email: tuanvietnam@vietnamnet.vn.

Singapore cải cách giáo dục theo hướng dạy ít, học nhiều! (P.1)

Singapore cải cách giáo dục theo hướng dạy ít, học nhiều! (P.1)
Tác giả: Park Tee Ng

Bài đã được xuất bản.: 06/12/2009 06:30 GMT+7
Trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh 2004, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói: “Chúng ta phải dạy ít đi để sinh viên có thể học được nhiều hơn”. Câu nói có phần "vô lý" này giờ đây đã trở thành một chính sách quan trọng của hệ thống giáo dục Singapore.

Vậy ý tưởng “dạy ít, học nhiều” ra đời trong hoàn cảnh nào? Một cột mốc quan trọng trong những cải cách GD gần đây ở Singapore là tầm nhìn chiến lược “Nhà trường tư duy, quốc gia học tập” (Thinking Schools, Learning Nation – TSLN) với vai trò định hướng đổi mới cho GD Singapore từ năm 1997. “Nhà trường tư duy” là mô hình trường học - nơi tư duy sáng tạo, niềm say mê học tập suốt đời và tinh thần phụng sự tổ quốc của học sinh được kích thích ngay từ tuổi nhỏ. Còn theo mô hình “Quốc gia học tập”, học tập được coi là văn hóa quốc gia, trong đó mọi tầng lớp xã hội đều dồi dào tính sáng tạo và đổi mới.

Dưới tầm nhìn TSLN, nhiều sáng kiến đa dạng đã được thực hiện trên từng khía cạnh của hệ thống GD. Năm 1997, chương trình “Giáo dục quốc gia” (National Education) bắt đầu được thực hiện với mục đích thắt chặt tinh thần dân tộc và củng cố niềm tin vào tương lai của người dân Singapore.

Cũng trong năm đó, Bộ GD Singapore khởi động kế hoạch tổng thể đưa công nghệ thông tin vào trường học, chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng tin học cần thiết cho công việc sau khi ra trường.

Năm 2004, trọng tâm của TSLN được chuyển thành “Cách tân và Dám nghĩ dám làm” (Innovation & Enterprise – I&E). I&E nhằm mục đích khơi gợi tinh thần học hỏi và hợp tác tập thể của sinh viên.

Thế nào là “Dạy ít, học nhiều”?



Theo chiến lược “Dạy ít, học nhiều”, GD Singapore tập trung nâng cao chất lượng học tập của sinh viên bằng cách tạo thêm nhiều “khoảng trống” trong chương trình học để giáo viên có thể thực hiện những kế hoạch giảng dạy riêng, cùng sinh viên định hình một môi trường GD riêng và bồi dưỡng nghiệp vụ.
Với mô hình “Dạy ít, học nhiều”, kiểu học vẹt, học vì thành tích và phong cách giảng dạy “dành cho với tất cả mọi người” sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó, sinh viên sẽ chủ động hơn trong học tập, khám phá tri thức thông qua các thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, học các kỹ năng sống và xây dựng nhân cách nhờ chiến lược đào tạo hiệu quả và sáng tạo.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thêm nhiều cơ hội học tập và rèn luyện toàn diện để phát triển tư duy, nhân cách và những tố chất để thành công trong tương lai.

Mô hình “Dạy ít, học nhiều” đã được áp dụng ở nhiều trường học Singapore, đơn cử như Trường trung học Bedok South, học sinh được học làm phim và thiết kế poster cho Quỹ Trái tim Singapore, thiết kế bộ sạc điện thoại nhờ phần mềm máy tính…

Không chỉ thế, trường học còn tạo điều kiện để các em biến thiết kế của mình thành sản phẩm thực sự. Với những hoạt động như vậy, học sinh đã đồng thời được học nhiều môn học khác nhau: Âm nhạc, nghệ thuật, thiết kế, công nghệ.

Mô hình “Dạy ít, học nhiều” được thực hiện từng bước một chứ không phải là một bước chuyển đột ngột. Một ví dụ về việc thực hiện mô hình này là sự ra đời của chương trình “Project Work” vào năm 2000, cho phép sinh viên học cách làm việc nhóm và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Theo Bộ GD Singapore, Project Work là một phương pháp đào tạo, theo đó các môn học sẽ được tích hợp, kết nối với nhau giúp sinh viên khám phá sự gắn kết và thống nhất giữa chúng. Project Work sẽ giúp sinh viên phát triển kỹ năng trong 4 lĩnh vực sau:

Áp dụng kiến thức: Sinh viên được học các kỹ năng nghiên cứu cơ bản, áp dụng và lưu chuyển kiến thức giữa các môn học khác nhau và tạo mối liên hệ giữa chúng.

Truyền thông: Sinh viên học cách truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng và hiệu quả.

Hợp tác: Sinh viên phát triển các kỹ năng xã hội thông qua các bài tập làm việc nhóm nhằm đạt mục tiêu chung.

Học tập độc lập: Sinh viên phải chịu trách nhiệm và tự quản lý sự học của mình, phát triển thái độ học tập và nghiên cứu tích cực.

Project Work được chú trọng hơn ở trường THCS, THPT. Đối với trường tiểu học, Bộ GD đưa ra chính sách “Giáo dục tích cực” (Strategies for Effective Engagement and Development – SEED), kêu gọi giáo viên xây dựng các chiến lược hiệu quả để kích thích tinh thần học tập của học sinh ngay từ khi các em mới bước chân vào trường học.

Theo chính sách này, các trường tiểu học sẽ phải cải thiện cả chương trình giảng dạy và phương pháp đánh giá chất lượng GD. Ví dụ, Trường tiểu học Rulang đã tổ chức lại chương trình học để học sinh hào hứng và tham gia tích cực hơn vào bài giảng. Các em được học các kiến thức và kỹ năng thông qua những hoạt động vui tươi, hấp dẫn và phù hợp.

Để hỗ trợ việc đổi mới GD, Bộ GD Singapore cam kết thực hiện những thay đổi về cấu trúc chương trình học và cung cấp những nguồn lực cần thiết. Bộ sẽ tăng cường tính linh hoạt, chủ động của các trường bằng cách rút gọn chương trình giảng dạy tới 10-20% để tạo “thời gian trống”.

Giáo viên được tự do giành thời gian trống thực hiện các bài giảng do họ tự thiết kế, áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy, đánh giá đa dạng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của từng học sinh. Bộ GD giảm 2 giờ làm mỗi tuần cho mỗi giáo viên để họ có thêm thời gian lên kế hoạch giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.

Về tài chính, Bộ GD giành khoảng 40 triệu đô la Singapore để xây dựng cơ sở vật chất cho trường học nhằm đảm bảo tính chủ động của giáo viên và học sinh. Các trường có thể được trang bị các lớp học đặc biệt phù hợp với cả hoạt động tập thể, hoạt động nhóm, “phố sinh thái” để học về khoa học tự nhiên, hoặc một nhà hát để học nghệ thuật biểu diễn.




Thách thức đối với mô hình “Dạy ít, học nhiều”

Hiện nay, cả giáo viên và học sinh ở Singapore đều quá bận rộn với công việc hàng ngày ở trường. Nhiều người cho rằng hệ thống GD có thể tiếp tục vận hành theo mô hình hiện tại mà vẫn đem lại kết quả tốt. Đó chính là một thách thức lớn đối với chiến lược “Dạy ít, học nhiều” bởi những cách tân theo kế hoạch của chính phủ sẽ là những thay đổi tinh tế, khó nhận thấy.

Để thực hiện thành công mô hình “Dạy ít, học nhiều”, giáo viên và những người quản lý GD phải hiểu rằng học tập tích cực là một mô hình học tập vô cùng khác biệt. Một người học tích cực là người dành toàn tâm toàn ý cho việc học tập, càng tích cực bao nhiêu thì chất lượng học tập càng tăng bấy nhiêu.

Theo kiểu GD truyền thống, giáo viên cung cấp thông tin và kiến thức để học sinh học thuộc và “nhai đi nhai lại”. Theo mô hình mới này, người học phải là người chủ động trong quá trình học; giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ. Mô hình học tập tích cực bao gồm 4 yếu tố sau:

Học sinh chịu trách nhiệm và tự quản lý việc học của mình. Họ phải xác định mục tiêu học tập rõ ràng và biết phải làm gì để thực hiện mục tiêu đó, cũng như xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng học cho riêng mình.

Học sinh biết đưa ra chiến lược học tập hiệu quả. Họ biết cách học, cải tiến phương pháp học và áp dụng kiến thức một cách sáng tạo.

Học sinh biết hợp tác với bạn bè. Họ hiểu rằng học tập là một hoạt động xã hội, rằng mỗi người có một quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề, và việc trao đổi ý kiến, chia sẻ kiến thức sẽ làm cho việc học thêm phong phú và chất lượng.

Học sinh luôn được khuyến khích trong suốt quá trình học. Họ thấy được niềm vui và sự hứng khởi cũng như lợi ích của việc học tập.

Bên cạnh đó, vai trò của giáo viên cũng sẽ thay đổi: Giáo viên chỉ là người hướng dẫn. Họ tạo một môi trường học tập trong đó học sinh hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề và thực hiện những nhiệm vụ thực tế. Giáo viên là người cùng học với học sinh chứ không phải người cung cấp lời giải.

Để đổi mới GD theo các chiến lược kể trên, học sinh phải có độ chín nhất định thì mới có thể tự chịu trách nhiệm về việc học của mình mà không cần giáo viên kèm cặp.

Đây không chỉ là sự thay đổi về chính sách GD mà còn là sự thay đổi căn bản về phẩm chất và tư duy của cả thầy và trò. Kế hoạch này thật sự rất khó thực hiện nếu xã hội vẫn còn quá coi trọng điểm số và thành tích.

Hiện nay, nhiều giáo viên và học sinh Singapore vẫn bị kết quả của các bài kiểm tra chi phối. Vì vậy, mặc dù than phiền rằng hệ thống GD hiện tại chứa đựng quá nhiều sức ép và không khuyến khích tư duy sáng tạo, nhiều học sinh vẫn thích “ăn sẵn” hơn là tự nghiên cứu và khám phá.


Thanh Trà – Huyền Trang (Tổng hợp từ bài nghiên cứu cứu của tác giả Park Tee Ng)

Singapore cải cách giáo dục theo hướng dạy ít, học nhiều (P.2)

Singapore cải cách giáo dục theo hướng dạy ít, học nhiều (P.2)
Trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh 2004, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói: “Chúng ta phải dạy ít đi để sinh viên có thể học được nhiều hơn”. Câu nói có phần "vô lý" này giờ đây đã trở thành một chính sách quan trọng của hệ thống giáo dục Singapore.

Vậy ý tưởng “dạy ít, học nhiều” ra đời trong hoàn cảnh nào? Một cột mốc quan trọng trong những cải cách GD gần đây ở Singapore là tầm nhìn chiến lược “Nhà trường tư duy, quốc gia học tập” (Thinking Schools, Learning Nation – TSLN) với vai trò định hướng đổi mới cho GD Singapore từ năm 1997. “Nhà trường tư duy” là mô hình trường học - nơi tư duy sáng tạo, niềm say mê học tập suốt đời và tinh thần phụng sự tổ quốc của học sinh được kích thích ngay từ tuổi nhỏ. Còn theo mô hình “Quốc gia học tập”, học tập được coi là văn hóa quốc gia, trong đó mọi tầng lớp xã hội đều dồi dào tính sáng tạo và đổi mới.

Dưới tầm nhìn TSLN, nhiều sáng kiến đa dạng đã được thực hiện trên từng khía cạnh của hệ thống GD. Năm 1997, chương trình “Giáo dục quốc gia” (National Education) bắt đầu được thực hiện với mục đích thắt chặt tinh thần dân tộc và củng cố niềm tin vào tương lai của người dân Singapore.

Cũng trong năm đó, Bộ GD Singapore khởi động kế hoạch tổng thể đưa công nghệ thông tin vào trường học, chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng tin học cần thiết cho công việc sau khi ra trường.

Năm 2004, trọng tâm của TSLN được chuyển thành “Cách tân và Dám nghĩ dám làm” (Innovation & Enterprise – I&E). I&E nhằm mục đích khơi gợi tinh thần học hỏi và hợp tác tập thể của sinh viên.

Thế nào là “Dạy ít, học nhiều”?



Theo chiến lược “Dạy ít, học nhiều”, GD Singapore tập trung nâng cao chất lượng học tập của sinh viên bằng cách tạo thêm nhiều “khoảng trống” trong chương trình học để giáo viên có thể thực hiện những kế hoạch giảng dạy riêng, cùng sinh viên định hình một môi trường GD riêng và bồi dưỡng nghiệp vụ.
Với mô hình “Dạy ít, học nhiều”, kiểu học vẹt, học vì thành tích và phong cách giảng dạy “dành cho với tất cả mọi người” sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó, sinh viên sẽ chủ động hơn trong học tập, khám phá tri thức thông qua các thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, học các kỹ năng sống và xây dựng nhân cách nhờ chiến lược đào tạo hiệu quả và sáng tạo.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thêm nhiều cơ hội học tập và rèn luyện toàn diện để phát triển tư duy, nhân cách và những tố chất để thành công trong tương lai.

Mô hình “Dạy ít, học nhiều” đã được áp dụng ở nhiều trường học Singapore, đơn cử như Trường trung học Bedok South, học sinh được học làm phim và thiết kế poster cho Quỹ Trái tim Singapore, thiết kế bộ sạc điện thoại nhờ phần mềm máy tính…

Không chỉ thế, trường học còn tạo điều kiện để các em biến thiết kế của mình thành sản phẩm thực sự. Với những hoạt động như vậy, học sinh đã đồng thời được học nhiều môn học khác nhau: Âm nhạc, nghệ thuật, thiết kế, công nghệ.

Mô hình “Dạy ít, học nhiều” được thực hiện từng bước một chứ không phải là một bước chuyển đột ngột. Một ví dụ về việc thực hiện mô hình này là sự ra đời của chương trình “Project Work” vào năm 2000, cho phép sinh viên học cách làm việc nhóm và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Theo Bộ GD Singapore, Project Work là một phương pháp đào tạo, theo đó các môn học sẽ được tích hợp, kết nối với nhau giúp sinh viên khám phá sự gắn kết và thống nhất giữa chúng. Project Work sẽ giúp sinh viên phát triển kỹ năng trong 4 lĩnh vực sau:

Áp dụng kiến thức: Sinh viên được học các kỹ năng nghiên cứu cơ bản, áp dụng và lưu chuyển kiến thức giữa các môn học khác nhau và tạo mối liên hệ giữa chúng.

Truyền thông: Sinh viên học cách truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng và hiệu quả.

Hợp tác: Sinh viên phát triển các kỹ năng xã hội thông qua các bài tập làm việc nhóm nhằm đạt mục tiêu chung.

Học tập độc lập: Sinh viên phải chịu trách nhiệm và tự quản lý sự học của mình, phát triển thái độ học tập và nghiên cứu tích cực.

Project Work được chú trọng hơn ở trường THCS, THPT. Đối với trường tiểu học, Bộ GD đưa ra chính sách “Giáo dục tích cực” (Strategies for Effective Engagement and Development – SEED), kêu gọi giáo viên xây dựng các chiến lược hiệu quả để kích thích tinh thần học tập của học sinh ngay từ khi các em mới bước chân vào trường học.

Theo chính sách này, các trường tiểu học sẽ phải cải thiện cả chương trình giảng dạy và phương pháp đánh giá chất lượng GD. Ví dụ, Trường tiểu học Rulang đã tổ chức lại chương trình học để học sinh hào hứng và tham gia tích cực hơn vào bài giảng. Các em được học các kiến thức và kỹ năng thông qua những hoạt động vui tươi, hấp dẫn và phù hợp.

Để hỗ trợ việc đổi mới GD, Bộ GD Singapore cam kết thực hiện những thay đổi về cấu trúc chương trình học và cung cấp những nguồn lực cần thiết. Bộ sẽ tăng cường tính linh hoạt, chủ động của các trường bằng cách rút gọn chương trình giảng dạy tới 10-20% để tạo “thời gian trống”.

Giáo viên được tự do giành thời gian trống thực hiện các bài giảng do họ tự thiết kế, áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy, đánh giá đa dạng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của từng học sinh. Bộ GD giảm 2 giờ làm mỗi tuần cho mỗi giáo viên để họ có thêm thời gian lên kế hoạch giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.

Về tài chính, Bộ GD giành khoảng 40 triệu đô la Singapore để xây dựng cơ sở vật chất cho trường học nhằm đảm bảo tính chủ động của giáo viên và học sinh. Các trường có thể được trang bị các lớp học đặc biệt phù hợp với cả hoạt động tập thể, hoạt động nhóm, “phố sinh thái” để học về khoa học tự nhiên, hoặc một nhà hát để học nghệ thuật biểu diễn.




Thách thức đối với mô hình “Dạy ít, học nhiều”

Hiện nay, cả giáo viên và học sinh ở Singapore đều quá bận rộn với công việc hàng ngày ở trường. Nhiều người cho rằng hệ thống GD có thể tiếp tục vận hành theo mô hình hiện tại mà vẫn đem lại kết quả tốt. Đó chính là một thách thức lớn đối với chiến lược “Dạy ít, học nhiều” bởi những cách tân theo kế hoạch của chính phủ sẽ là những thay đổi tinh tế, khó nhận thấy.

Để thực hiện thành công mô hình “Dạy ít, học nhiều”, giáo viên và những người quản lý GD phải hiểu rằng học tập tích cực là một mô hình học tập vô cùng khác biệt. Một người học tích cực là người dành toàn tâm toàn ý cho việc học tập, càng tích cực bao nhiêu thì chất lượng học tập càng tăng bấy nhiêu.

Theo kiểu GD truyền thống, giáo viên cung cấp thông tin và kiến thức để học sinh học thuộc và “nhai đi nhai lại”. Theo mô hình mới này, người học phải là người chủ động trong quá trình học; giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ. Mô hình học tập tích cực bao gồm 4 yếu tố sau:

Học sinh chịu trách nhiệm và tự quản lý việc học của mình. Họ phải xác định mục tiêu học tập rõ ràng và biết phải làm gì để thực hiện mục tiêu đó, cũng như xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng học cho riêng mình.

Học sinh biết đưa ra chiến lược học tập hiệu quả. Họ biết cách học, cải tiến phương pháp học và áp dụng kiến thức một cách sáng tạo.

Học sinh biết hợp tác với bạn bè. Họ hiểu rằng học tập là một hoạt động xã hội, rằng mỗi người có một quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề, và việc trao đổi ý kiến, chia sẻ kiến thức sẽ làm cho việc học thêm phong phú và chất lượng.

Học sinh luôn được khuyến khích trong suốt quá trình học. Họ thấy được niềm vui và sự hứng khởi cũng như lợi ích của việc học tập.

Bên cạnh đó, vai trò của giáo viên cũng sẽ thay đổi: Giáo viên chỉ là người hướng dẫn. Họ tạo một môi trường học tập trong đó học sinh hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề và thực hiện những nhiệm vụ thực tế. Giáo viên là người cùng học với học sinh chứ không phải người cung cấp lời giải.

Để đổi mới GD theo các chiến lược kể trên, học sinh phải có độ chín nhất định thì mới có thể tự chịu trách nhiệm về việc học của mình mà không cần giáo viên kèm cặp.

Đây không chỉ là sự thay đổi về chính sách GD mà còn là sự thay đổi căn bản về phẩm chất và tư duy của cả thầy và trò. Kế hoạch này thật sự rất khó thực hiện nếu xã hội vẫn còn quá coi trọng điểm số và thành tích.

Hiện nay, nhiều giáo viên và học sinh Singapore vẫn bị kết quả của các bài kiểm tra chi phối. Vì vậy, mặc dù than phiền rằng hệ thống GD hiện tại chứa đựng quá nhiều sức ép và không khuyến khích tư duy sáng tạo, nhiều học sinh vẫn thích “ăn sẵn” hơn là tự nghiên cứu và khám phá.



Thanh Trà – Huyền Trang (Tổng hợp từ bài nghiên cứu cứu của tác giả Park Tee Ng)
(Còn tiếp)

© TUANVIETNAM.NET