Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Trò nhào lộn của lạm phát (tiếp theo và hết)

Thứ Tư, 13 tháng 7 2011

Trò nhào lộn của lạm phát (tiếp theo và hết)

Trần Vinh Dự

Để lý giải lạm phát ở Việt Nam một cách đơn giản nhất, hãy bắt đầu từ chỗ nền kinh tế Việt Nam trong một giai đoạn dài luôn ở mức tới hạn khả năng sản xuất (tức là không còn các nguồn lực dư thừa). Trong điều kiện tới hạn khả năng sản xuất, để tăng GDP thì cần tập trung vào các yếu tố nền tảng để tăng năng suất lao động nhằm khai thác tốt hơn các nguồn lực hiện có.

Tuy nhiên cuộc chơi tăng năng suất lao động là cuộc chơi nan giải và chỉ thành công trong dài hạn. Việt Nam đã chọn cho mình một hướng đi dễ dàng hơn, nhưng cũng nguy hiểm hơn. Đó là cuộc chơi ngắn hạn thông qua việc bơm liên tục đầu tư (cả công và tư) và tăng chi tiêu của nhà nước để đẩy GDP trong ngắn hạn. Điều này cũng ví như thay vì nuôi con vịt cho nó lớn một cách bình thường (khá mất thời gian), thì chúng ta lại nhồi nhét thật nhiều bánh đúc vào họng con vịt này giống như các bà bán vịt sống ở ngoài chợ để nó tăng cân đột biến.

Vì năng lực sản xuất đã ở mức tới hạn, việc bơm tiền qua đầu tư và chi tiêu công không làm gia tăng sản lượng được bao nhiêu, ngược lại gây tăng giá vì lượng tiền trong nền kinh tế đột nhiên tăng lên mà lượng hàng hóa nó sản xuất ra không tăng tương ứng (học thuyết tiền tệ).

Hoặc nếu sản lượng có tăng trong ngắn hạn do nhà nước tăng tiêu dùng khiến cho tổng cầu tăng đẩy giá ngắn hạn tăng lên theo trong khi tiền lương chưa điều chỉnh kịp khiến các nhà sản xuất có lợi hơn khi sản xuất nhiều hơn, thì về dài hạn, tiền lương cũng sẽ được điều chỉnh tăng khiến sản lượng lại bị co về đúng bằng mức cân bằng dài hạn. Và như thế việc tăng chi tiêu công khi nền kinh tế đang ở mức tới hạn khả năng sản xuất chỉ khiến cho giá cả tăng mà thôi (học thuyết Keynesian).

Chính vì thế, để giảm lạm phát ở Việt Nam thì phải cắt giảm đầu tư và/hoặc chi tiêu công như là một mũi tên bắn trúng 3 mục tiêu:

1.Giảm đầu tư công cũng dẫn tới việc thu hẹp tài trợ ngân sách bằng cách tăng cung tiền;

2.Giảm đầu tư công bằng cách tăng các tiêu chí về hiệu quả đầu tư sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư công;

3.Giảm đầu tư công và chi tiêu công để chấm dứt hiệu ứng chèn lấn (crowd out), tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển;

Để tăng trưởng bền vững thì không thể dựa vào các biện pháp nhồi vịt như ở trên. Việt Nam phải tập trung cải cách thể chế kinh tế để tăng năng suất lao động, coi đây là động lực của phát triển lâu dài.

Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm thắt chặt cả tín dụng lẫn tài khóa trong năm nay. Các động thái thắt chặt tiền tệ của Chính phủ rất rõ ràng và tới nay đã bắt đầu phát huy tác dụng. CPI đã giảm trong tháng 5 (2,21%) và tháng 6 (1,09%) từ mức đỉnh điểm trong tháng 4 (3,32%). Tuy nhiên giải pháp thắt chặt tài khóa hầu như vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu.

Tại Hội nghị giữa kỳ 2011 Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG 2011) cho Việt Nam vào ngày 08-09/6/2011, Bộ Tài chính chưa đưa ra thống kê chính thức về tình hình thực hiện mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) xuống dưới mức 5% GDP. Tuy nhiên, số liệu thu chi ngân sách của 04 tháng đầu năm 2011 mà Bộ này đưa ra cho thấy trong 04 tháng đầu năm 2011, chi NSNN tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và thu NSNN cũng tăng với tốc độ xấp xỉ (19.1%) so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 04 tháng đầu năm này thì tình hình thâm hụt NSNN chưa có cải thiện đáng kể nào so với cùng kỳ 2010.

Cũng tại Hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số tổng đầu tư của nhà nước (bao gồm cả đầu tư của DNNN) đã cắt giảm là 80.550 tỷ đồng (tương đương khoảng gần 4 tỷ USD). Tuy nhiên trong số này thì có tới 39.212 tỷ là do DNNN cắt và 15.000 tỷ là do không ứng trước vốn đầu tư cho năm 2012 và không kéo dài thời gian giải ngân vốn kế hoạch của năm 2010. Vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2011 thực sự bị cắt giảm chỉ có 8.333 tỷ đồng.

Việc hạ nhiệt của CPI có thể khiến cho Chính phủ có động cơ nới lỏng bớt chính sách tiền tệ. Điều này, nếu được thực hiện, sẽ khiến CPI tăng mạnh trở lại. Nếu nhìn vào thống kê tốc độ tăng CPI theo tháng của các năm từ 2007 tới 2011 (xem biểu đồ trong phần 1) thì một đặc điểm dễ nhận thấy là diễn biến CPI của các năm 2007, 2009, và 2010 rất giống nhau: tốc độ tăng CPI cao hồi đầu năm, giảm khá mạnh trong quý 2, ổn định ở quý 3, và tăng tốc trở lại vào quý 4. Riêng trong năm 2008, CPI tăng rất mạnh vào quý 1 và nửa quý 2, giảm rất mạnh từ giữa quý 2 cho tới tận cuối năm.

Diễn biến lạm phát của năm nay sẽ giống như kịch bản các năm 2007, 2009, và 2010 hay sẽ giống như kịch bản năm 2008 phụ thuộc vào các nỗ lực chính sách tiếp theo của chính phủ. Nếu việc thi hành Nghị quyết 11 bị lơ là, và chính sách tiền tệ bị nới lỏng sớm, thì chắc chắn lạm phát sẽ quay trở lại trong quý 4. Và nếu điều đó xảy ra, thì vẫn có lý do để lo ngại rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm nay sẽ vỡ trận.

Tóm lại, lạm phát đang và sẽ tiếp tục là vấn đề vĩ mô lớn nhất của năm nay. Tốc độ tăng CPI có vẻ như đang giảm bớt vào tháng 5 và tháng 6, nhưng còn xa mới có thể nói rằng đã lập lại sự ổn định (dù là tạm thời) về mặt bằng giá cả. Việc tiếp tục triệt để thực hiện Nghị quyết 11 có ý nghĩa sống còn cho mục tiêu ổn định vĩ mô này. Vì lạm phát đang là yếu tố vĩ mô duy nhất đang từng ngày từng giờ bào mòn sức chịu đựng của đại bộ phận công chúng, Chính phủ cần hết sức thận trọng trong việc nới lỏng các công cụ tài khóa và tiền tệ, cương quyết tránh nới lỏng các công cụ này quá sớm.

Source : VOA
Tìm bài viết này tại:
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/du/tro-nhao-lon-cua-lam-phat-2-07-13-2011-125508558.html

Trần Vinh Dự - Trò nhào lộn của lạm phát (1)

Trò nhào lộn của lạm phát

( Thứ Ba, 12 tháng 7 2011 )


Trần Vinh Dự


Báo cáo mới nhất của Chính phủ đã nới chỉ tiêu về lạm phát lên mức khoảng 15% tới 17%. Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng kiềm chế được lạm phát ở mức 17% là rất khó khăn và nếu giữ được ở 17% tới 18% cũng đã là một thành công.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay Chính phủ nới chỉ tiêu về lạm phát. Trong lần điều chỉnh đầu tiên vào cuối quý một, chỉ tiêu về CPI được điều chỉnh từ 7% lên 11,75%. Lần thứ hai từ 11,75% lên 15% vào cuối tháng 5 và lần thứ 3 từ 15% lên 17% vào cuối tháng 6. Và theo cách nói của Bộ trưởng Phúc thì khả năng còn tiếp tục phải điều chỉnh lên nữa không phải là không có.

Nhìn từ một góc độ nào đó, việc phải liên tục nới chỉ tiêu lạm phát cho thấy sự bối rối của Chính phủ. Trên thực tế, ngay từ đầu năm đã có nhiều dự báo của giới chuyên gia về lạm phát của năm 2011 không dưới 15%, tuy nhiên việc đặt các mục tiêu 7%, rồi 11,75% cho thấy những người điều hành chính sách đã lạc quan hơn so với thực tế của nền kinh tế khá nhiều. Biến động giá cả của 6 tháng đầu năm nay đã khiến các phán đoán của đội ngũ làm chính sách liên tục bị “hớ”. Không còn nghi ngờ gì nữa, lạm phát là bài toán vĩ mô hóc búa nhất của năm nay.

Vậy thì lạm phát là gì, và tại sao nó lại là bài toán vĩ mô hóc búa nhất của năm nay?

Lạm phát, theo cách hiểu giản đơn nhất, là sự việc mặt bằng giá cả trong nền kinh tế tăng liên tục theo thời gian. Nó khác với việc giả cả tăng vọt lên trong một giai đoạn ngắn do một biến cố độc lập nào đó (như việc tăng lương tối thiểu) và sau đó không tăng lên nữa. Điểm khác biệt này là hết sức quan trọng vì nếu việc tăng giá (bao gồm cả giá nhân công) chỉ xảy ra một lần (và đồng bộ) rồi thôi, thì trên nguyên tắc nó không ảnh hưởng gì tới người dân. Lý do là thu nhập danh nghĩa (tính bằng tiền) của người dân tăng lên theo một tỷ lệ nhất định nhưng mặt bằng giá cả cũng tăng lên đúng như vậy và vì thế thu nhập thực tế (đo bằng khả năng mua hàng hóa và dịch vụ của thu nhập danh nghĩa) vẫn như cũ.

Thế nhưng, đúng như định nghĩa của lạm phát, nó không phải là việc tăng mặt bằng giá cả một lần duy nhất, mà nó là một quá trình liên tục và thông thường là bất đối xứng. Giá cả hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả giá nhân công, tăng trong một giai đoạn dài và mức độ tăng không giống nhau. Tính bất đối xứng của việc tăng giá khiến cho có một số doanh nghiệp hoặc một số người có thể hưởng lợi từ lạm phát khi giá cả của các sản phẩm của họ tăng nhanh hơn mặt bằng chung và đặc biệt là tăng nhanh hơn chi phí đầu vào. Ngược lại, cũng có nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân bị thiệt hại vì lạm phát khi giá bán sản phẩm của họ không tăng kịp với tốc độ tăng giá chung.

Đối với tuyệt đại bộ phận những người sống bằng lương, lạm phát là một tai họa vì tiền lương thường không được điều chỉnh nhanh như giá hàng hóa và dịch vụ. Thí dụ như lương tối thiểu ở Việt Nam thường chỉ được điều chỉnh một hoặc hai năm một lần. Sau khi được điều chỉnh, người lao động phải chờ một thời gian dài nữa thì tiền lương của họ mới có hi vọng tăng. Trong suốt quá trình đó, lạm phát sẽ bào mòn thu nhập thực tế của họ vì sức mua của thu nhập danh nghĩa giảm dần do giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Nếu tiền lương của họ từ đầu năm tới nay không tăng thì lạm phát ở Việt Nam đã khiến cho thu nhập thực tế của họ giảm đi tới 13,3%. Vì đây là một con số vô cùng lớn với giới trung lưu và người nghèo, Chính phủ có lý do để lo ngại sâu sắc về cuộc sống đang ngày càng khó khăn đối với người dân và kéo theo là nguy cơ bất ổn xã hội. Cũng vì lý do này, lạm phát vẫn được coi là thứ thuế ngầm (và cực kỳ nguy hiểm) đánh vào giới trung lưu và người nghèo.




Liệu CPI của Việt Nam năm 2011 có sẽ tiếp tục đi xuống vào sáu tháng cuối năm như hồi năm 2008 hay sẽ lại đi lên dần từ tháng 8 giống như hồi năm 2007, 2009, và 2010? Điều này phụ thuộc vào việc Chính phủ có tiếp tục thắt chặt tiền tệ hay không.

Thế nhưng thứ thuế ngầm này từ đâu mà có?

Nếu đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của lạm phát, bạn sẽ nhận được cả nghìn câu trả lời khác nhau. Điều này khiến cho khái niệm lạm phát trở thành một điều rất khó hiểu đối với những người không chuyên. Có lẽ vì thế, nó được phủ lên một lớp màn bí ẩn và nhiều khi được diễn giải là một thứ từ trên trời rơi xuống mà chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về nó.

Trên thực tế thì lạm phát là một hiện tượng kinh tế, và vì thế nó là sản phẩm của hành vi của con người, mà quan trọng nhất là các quyết định điều hành vĩ mô của nhà nước. (còn tiếp)

Source : VOA / blog TS Trần Vinh Dự

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Trần Hữu Dũng - Phỏng vấn thi sĩ Nguyễn Đức Sơn

Phỏng vấn thi sĩ Nguyễn Đức Sơn

Trần Hữu Dũng
27 January 2007


Câu hỏi của nhà thơ Trần Tiến Dũng:

1. Được biết lịch sử văn học của địa danh Phương Bối Am – Bảo Lộc gắn liền với người an trú trong quá khứ, thiền sư – nghệ sĩ Thích Nhất Hạnh và người an trú trong hiện tại, thi sĩ Nguyễn Đức Sơn. Vì ngày nay có nhiều kẻ hậu bối chưa từng biết qua, xin ông kể lại mối nhân duyên ấy cũng như mối liên hệ lúc này giữa ông và Sư Ông Làng Mai.
2. Sau khoảng thời gian dài 40 năm, hôm nay ông nhìn nhận gì về việc dư luận thế giới cho rằng: Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhân vật có ảnh hưởng về tư tưởng và tâm linh chỉ sau Đức Lạt Lai Đạt Ma. Với ông có gì khác biệt giữa thầy Nhất Hạnh một người anh văn nghệ, bạn tu hành và Sư Ông Làng Mai, một nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng của thế giới đương đại.
3. Ý kiến cá nhân ông về Pháp Môn Thiền của thiền sư Nhất Hạnh? Ông có tin rằng một khi Pháp môn ấy được phép phổ biến rộng ở trong nước sẽ làm thay đổi tương lai của Phật Giáo Việt Nam không?
4. Thông tin gần đây cho biết Thiền sư Nhất Hạnh về Việt Nam lần thứ hai với Phật sự làm Đại Đàn Tràng Chẩn Tế Giải Oan ở tầm vóc quốc gia cho các nạn nhân chiến tranh. Chính kiến của ông về việc này ra sao?
5. Dư luận văn nghệ đồn rằng trong chuyến về Việt Nam lần trước Thiền sư Thích Nhất Hạnh có ghé thăm ông và Phương Bối Am, có đặt vấn đề với vợ ông chuyện trở về sở hữu lại Phương Bối Am – Nơi ngày xưa Thiền sư an trú. Lời đồn đó có đúng không và quyết định của cá nhân ông ra sao?
6. Bây giờ những người hâm mộ ông và dư luận báo chí đều gọi ông bằng biệt danh Sơn Núi. Con đường của một thi sĩ thường có khuynh hướng nhập với xa lộ của các đạo sư. Thưa thi sĩ Sơn Núi, bây giờ ông đang ở đâu, đi đâu, đến đâu thưa ông?

Trả lời của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn:

1. Khoan nói tới cái não trạng hồn nhiên vô số tội, ở đây tôi muốn nói với anh như là một kẻ săn tin cho đài nào cũng được, nhất là BBC. Rất bình dị và thú vị là mấy câu hỏi anh nêu. Vượt tầm mức quốc gia đáng có và phải có, chúng đụng tới cái gì lớn lao vừa rất truyền thống, vừa rất hiện đại. Ngoài tôi ra chắc chắn không có ai thay thế để trả lời đâu. Nhưng tránh những cái nhạy cảm quá dễ đưa tới ngộ nhận còn lâu mới đạt tới pháp đàm, tôi tạm không nói đến hai câu 1 và 5. Xin lần lượt trả lời những câu còn lại:
2. Vâng, đúng như anh nói “Dư luận thế giới cho rằng Thiền sư Nhất Hạnh là nhân vật có tầm ảnh hưởng về tư tưởng và tâm linh chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.” Nhưng đó là thống kê với tinh thần top-ten xuất phát từ cả một nền văn hóa độc thần chịu hết xiết. À, xin lỗi nghe, “thầy Nhất Hạnh một người anh văn nghệ” hồi nào? Còn “Một nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng của thế giới đương đại” thì đúng thôi, nhưng quá rõ ràng là cái thế giới đương đại đó là thế giới của bọn “sùng bái tiếng chó tru mèo mửa” (tác giả viết trên blog) cỡ Mai Cồ dơ dáy của Mỹ và mới đây Bi-Rên gớm ghiếc của Hàn mà tờ báo lớn nhất nước là Tuổi Trẻ đã kêu than không biết bao giờ Việt Nam mới có!!! Nhất là, nhất là, chẳng hạn bọn thơ ca Tân Hình Thức nhảm nhí trong và ngoài nước, nhảm nhí còn hơn bọn bám cứng truyền thống bằng cách chỉ ôm lựu đạn thúc thủ trong một hốc kẹt nào đó.
Còn “Giải Oan”? Ủa, từ Làng Mai – Pháp, qua Mỹ gần hơn mà! Hãy giải oan cho cả một dân tộc quá dư thừa vật chất nhưng hoàn toàn thiếu sót tâm linh. Nhé, Sư Ông! Rồi còn thừa đô la cứ đổ về Việt Nam, giải oan cho bao nhiêu người… Cứ xem đô la là tiềm năng của đất nước, chứ không phải cho bất cứ ai nửa sống nửa chết từ thuở mấy ông kẹ cứ nằng nặc đòi làm “bạn dân” cho đến “đầy tớ nhân dân.”
3. Không, tôi gần như không phân biệt Tịnh Độ, Thiền Tông và Mật Giáo gì cả. Tôi không thấy có gì khác nhau, chẳng hạn, giữa “tình yêu” và “tình dục,” “trong sáng” và “trong háng,” “ngoại tình” và “nội tình”… làm sao! Nhưng tôi biết chỉ có đứa ngu mới đòi bỏ hai thời công phu, làm cách mạng vụn vặt và xuẩn ngốc khi đổi từ “Phật” thành “Bụt” dù tôi vẫn không phân biệt nổi “Đạo Phật đi vào cuộc đời” khác với “Đạo Phật đi vào cặp đùi,” ví dụ, khác ở chỗ nào.
Ừ đúng. Nhưng đâu cần “pháp môn ấy được phổ biến sâu rộng trong nước sẽ làm thay đổi tương lai của Phật Giáo Việt Nam”! Hiện tất cả chủa chiền ở Việt Nam ít ra đều theo… độc thần giáo mà! Hỏi nhỏ với các thầy trụ trì thì rõ. Cao Điểm Thời Mạt Pháp! Thà cứ làm ra mặt như những anh em người Chăm ở Ninh Thuận và theo đạo Tin Lành thật… đông vui. Không sao đâu, cả hành tinh đều vậy, “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn” mà! Wait and see!
4. Ồ Chẩn tế! Tốt lắm chứ, dẫu sặc mùi biểu dương lực lượng mà Phương Đông nói chung và Phật Giáo nói riêng đã né từ trong ruột. Thế gian pháp đó. Đang đói gần chết thấy nửa củ khoai sùng, đớp liền, thoát nạn, từ từ tính sau. Có lựu đạn vớ vẩn chứ không có bom tấn uy nghi đâu mà sợ. Còn giải oan? Tốt lắm. Nhưng trước hết không phải giải oan cho Việt Nam mà phải giải oan cho Mỹ và Va Ti Can, hai tác nhân lớn nhất đầy đọa trái đất này dưới chiêu bài gì gì đó, mệt quá, vì ai cũng biết. Ông Nietzsche ơi, Cơ Đốc Giáo không phải nguy hại riêng cho thời đại ông đã sống mà cho mọi thời đại, vì nó là độc thần, là “duy ngã độc tôn” nằm sâu trong xương cốt của cả nhân loại bao gồm cả người Việt Nam và Phật tử Việt Nam! Đã tới lúc phải nói thẳng, nói thật, rằng hai hòn đá bọc nhung cạ nhau mãi chỉ tổ làm rách nhau chứ làm sao ra lửa được.
6. Tôi thích hỗn danh Sơn Núi mà kẻ tức khí đặt ra ngầm ý bảo đó là đồ… vô chính phủ, đồ… dơ dáy. Chứ hoàn toàn không phải tôi tự đặt như Nguyễn Đạt nào đó ẩn ức đã viết trên mạng một tờ báo hải ngoại dù biết rất rõ khoản đó.
Ừ đúng, “Con đường của một thi sĩ thường có khuynh hướng nhập với xa lộ của các đạo sư,” nhưng đó là những thi sĩ què đầy rẫy trong và ngoài nước. May mà trước đó quá lâu tôi đã từng biết:


Khi thơ ca

Đang ngáp

Thì đạo pháp

Không nên tiếp sức

Mọi ẩn ức

Đồ bỏ

Với chuông mõ

Các thứ
Mà có tờ báo nào trong ngoài chịu đăng đâu, dù tôi biết họ đang bế tắc quá nặng nề, thi sĩ lẫn tăng sĩ.
“Thưa thi sĩ Sơn Núi, bây giờ ông đang ở đâu, đi đâu, đến đâu thưa ông?”
Trịnh trọng quá nhưng được quá. Tôi đang ở đây, không phải Nga, Tàu, Mỹ, Pháp gì cả. Vui vẻ. Trong chảo lửa. Nhưng chưa ca… bài ca con cá nó sống vì nước. Tuy vậy, thỉnh thoảng… điên đầu nghe đài RFA hay BBC gì gì đó của ông giới thiệu cái bản gì gì đó “Đường tới vinh quang” với câu mở: “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi… để ta khắc tên mình lên đó” của cái thằng xuẩn trí nào đó. Nhưng không sao, trước 75, tôi đã có một bài ngắn trong thi phẩm Tịnh Khẩu:


Tôi định có một ngày nào thật thảnh thơi

Leo lên trời

Ỉa
Mà lúc đó chưa có sợi nano, để NASA có thể làm thang vũ trụ, cho… khế cơ khế lý, đông tây kim cổ hòa điệu như global village. Và biết đâu sau này sẽ có vị dễ dàng đem xuống cuốn Tân Tân Ước thế cho Tân Ước… lão hóa! Như cái nền áo phông chính hiệu của một em mang từ Mỹ về đang đi đứng rất chảnh trong sân chùa. Vâng, “Relax XXX. Just believe me!” Vâng, còn chỗ nào mà Freud, Jung… và đủ kích cỡ giáo chủ không đáp ứng được thì đã có… súng! Tôi có súng nhiều nhất. Tin tôi đi. Bắt buộc phải tin. Không tin tôi bắn. Hơn hẳn mọi quốc gia, nhiều chính khách Mỹ nói thẳng thừng Mỹ không có bạn thâm niên mà chỉ có bạn chiến lược. Cho thật sự trọn vẹn, Mỹ hãy đẩy mạnh tư tưởng thực dụng đáng nể của mình bằng cách in lên áo phông bán nửa tiền hay cho không với hàng chữ ngắn gọn, HÃY TIN TAO ĐI, NẾU KHÔNG TAO BẮN.
(Trần Tiến Dũng ơi, “TAO” là Thượng Đế, là Mỹ Quốc, là Cái Ngã đều đúng. Tôi quá mệt, viết lếu láo, nhưng đừng thêm thắt, sửa đổi chút gì. Bằng không, nhất định đừng đăng. Rất cám ơn.)

Bảo Lộc, 20/03/2007

NGUYỄN ĐỨC SƠN

tức

SƠN NÚI


Source : DA MAU