Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

ĐẤU TRANH VÌ LƯƠNG TÂM: PHƯƠNG PHÁP CỦA GANDHI (3)


ĐẤU TRANH VÌ LƯƠNG TÂM: PHƯƠNG PHÁP CỦA GANDHI (3)



Tháng 2 27, 2014
Joan V. Bondurant
Phan Trinh dịch
Xem kì 1kì 2
Theo pro&contra 

PHẦN II
ĐẤU TRANH VÌ LƯƠNG TÂM: TÁC ĐỘNG CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI
Đấu tranh vì lương tâm là một phương pháp hành động. Cốt lõi của nó là kiên trì bênh vực một sự thật [lẽ phải, điều chính đáng] được công bố, bằng những hành xử bất bạo động, và sẵn sàng chấp nhận tự khổ.
Phương pháp này nhằm mang lại những thay đổi khi có xung đột. Như mọi phương pháp hành động khác để xoay chuyển tình thế, nó dùng đến sức mạnh. Nhưng, so với những phương pháp quy ước dùng vũ lực để giải quyết xung đột, sức mạnh do đấu tranh vì lương tâm mang lại có những đặc tính và kết quả hoàn toàn khác.
Đấu tranh vì lương tâm có nhiều hình thức khác nhau. Thường xuyên nhất trong phong trào đòi độc lập Ấn Độ là hình thức bất hợp tác, và bất tuân dân sự. Trong khi đó, chương trình hỗ trợ  là khía cạnh tích cực của đấu tranh vì lương tâm, diễn ra cùng lúc với các hình thức đấu tranh khác.
Bất hợp tác có thể bao gồm đình công, bãi công, hartal [bãi thị]* từ nhiệm, từ chức, bỏ việc và từ chối tước hiệu. Về nguyên tắc, bất hợp tácđơn giản là từ chối làm những gì vi phạm đến “sự thật” cốt lõi, hoặc từ chối hợp tác với những người chịu trách nhiệm về những vi phạm này.
Bất tuân dân sự là trực tiếp vi phạm những luật lệ cụ thể, có thể gồm cả không đóng thuế. Tự nguyện vào tù cũng là một cách bất phản kháng**đặc biệt được áp dụng trong bất tuân dân sự. Tính dân sự của đấu tranh vì lương tâm được thực hiện bằng cách kêu gọi và tự nguyện chấp nhận bị luật pháp trừng phạt, vì đã cố tình hành động trái với luật pháp.
***
Cũng cần nói một điều quan trọng liên quan đến tuyệt thực và vị trí của nó trong phương pháp đấu tranh đấu tranh vì lương tâm của Gandhi.
Gandhi thường xuyên viết về những nguy hiểm khi tuyệt thực được dùng như một cách đấu tranh. Ông cho rằng hầu hết các cuộc tuyệt thực diễn ra chỉ đơn thuần là những “cuộc tuyệt thực không chuẩn bị trước và không suy nghĩ cẩn thận.”
Ông lên tiếng rất nhiều lần để phản đối việc tuyệt thực tùy tiện và biết rõ rằng thường “có bạo động đằng sau những cuộc tuyệt thực như thế.” [i] Mặc dù Gandhi hoàn toàn tin tuyệt thực có thể là “vũ khí hiệu quả” bậc nhất trong “kho vũ khí” của đấu tranh vì lương tâm, [ii] ông nhận ra rằng phải suy nghĩ rất thận trọng khi chọn tuyệt thực.
“Tuyệt thực là một vũ khí nóng. Nó có khoa học của riêng nó. Theo kinh nghiệm của tôi, không ai hiểu biết hoàn toàn về tuyệt thực.
“Những thử nghiệm phi khoa học với tuyệt thực sẽ chỉ làm hại chính người tuyệt thực, và có thể làm hại cả chính nghĩa họ theo đuổi. Vì vậy, những ai chưa có đủ thẩm quyền để tuyệt thực thì không nên sử dụng vũ khí này.
“Một người chỉ nên tuyệt thực khi người ấy có liên quan đến đối tượng mà anh ta tuyệt thực để chống lại. Người bị chống lại cũng phải liên quan trực tiếp đến mục đích của cuộc tuyệt thực.” [iii]
Nói chung, tuyệt thực có thể dùng để hỗ trợ cho những hoạt động khác của đấu tranh vì lương tâm. Không nên xem đó là một hình thức đấu tranh dành cho đại chúng. Tuy nhiên, với sự phát triển của “đấu tranh vì lương tâm theo hình thức đại diện”, một số cá nhân được chọn lọc để đại diện cho tập thể tiến hành đấu tranh vì lương tâm, thì họ có thể dùng đến tuyệt thực.
***

I. CỐT LÕI KHI THỰC HÀNH ĐẤU TRANH VÌ LƯƠNG TÂM
Nếu muốn làm một cẩm nang cho các chiến dịch đấu tranh vì lương tâm nói chung, dựa trên kinh nghiệm tại Ấn Độ, ba chương đầu sẽ viết về: (1) Những nguyên tắc nền tảng, (2) Những quy tắc ứng xử, và (3) Những bước thực hành. Và những điểm dưới đây cần được ghi vào cẩm nang này:
1. NHỮNG NGUYÊN TẮC NỀN TẢNG [iv]
(1)  Tự lập trong mọi lúc. Có thể chấp nhận sự trợ giúp từ bên ngoài trong những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng không bao giờ nên trông chờ hay lệ thuộc vào trợ giúp từ bên ngoài.
(2)  Luôn có sáng kiến. Người thực hành đấu tranh vì lương tâm cần thúc đẩy phong trào đi tới không ngừng, bằng cách liên tục đánh giá tình hìnhxung đột, tham gia những hoạt động hỗ trợ khi có thể, tích cực phản kháng khi cần thiết, hoặc bằng kỹ thuật thuyết thục  điều chỉnh khi phù hợp.
(3)  Quảng bá mục tiêu, chiến lược và chiến thuật của cuộc đấu tranh.Quảng bá phải là một phần không thể thiếu của cuộc đấu tranh. Việc quảng bá, hướng dẫn công chúng, hướng dẫn người tham gia và cả đối thủ, phải được tiến hành liên tục và nhanh chóng.
(4)  Giảm các yêu sách đến mức tối thiểu, phù hợp với sự thật mình theo đuổi. Liên tục đánh giá lại tình hình và mục tiêu muốn đạt với sự sẵn sàng điều chỉnh các yêu sách là điều rất cần thiết.
(5)  Từng bước thúc đẩy phong trào lớn mạnh, thực hiện các bước và giai đoạn phù hợp với tình hình cụ thể. Quyết định khi nào bước vào giai đoạn kế tiếp của đấu tranh vì lương tâm cần được cân nhắc thận trọng cho phù hợp với tình hình luôn thay đổi, nhưng phải tránh bằng được tình trạng trì trệ, giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, biện pháp mạnh chỉ được tung ra sau khi mọi nỗ lực để đạt được thỏa thuận trong danh dự đều đã được dùng đến mà không mang lại kết quả.
(6)  Đánh giá điểm yếu trong nội bộ của tập thể thực hiện đấu tranh vì lương tâm. Tinh thần và kỷ luật của những người tham gia đấu tranh vì lương tâm phải được duy trì thông qua việc chủ động nắm bắt bất cứ những biểu hiện nào của mất kiên nhẫn, manh động, của xuống tinh thần hoặc thái độ bỏ cuộc, buông tay với bất bạo động trong hàng ngũ thành viên cũng như người lãnh đạo.
(7)  Tích cực tìm kiếm những thỏa thuận trong danh dự với đối thủ. Mọi nỗ lực phải được thực hiện để thu phục đối thủ bằng cách giúp đỡ đối thủ (khi việc này phù hợp mới mục tiêu thật của đấu tranh vì lương tâm) qua đó, chứng tỏ sự chân thành muốn đạt một thỏa thuận chung với đối thủ, thay vì “ta thắng, địch bại”.
(8)  Khi thương lượng, không được bỏ đi những nguyên lý cốt lõi. Đấu tranh vì lương tâm không chấp nhận những thỏa hiệp làm ảnh hưởng đến những nguyên lý nền tảng hoặc thành tố quan trọng của những mục tiêu đúng đắn. Cần thận trọng để không thương lượng, mua bán hay đổi chác.
(9)  Phải có được thỏa thuận hoàn toàn về những điểm then chốt trước khi chấp nhận một dàn xếp nào đó.
***
2. NỘI QUY
Những điểm sau đây được Gandhi đưa ra như một quy định cho những người tình nguyện tham gia phong trào năm 1930: [v]
(1)  Không giận dữ nhưng chấp nhận đau khổ khi đối phương giận dữ. Từ chối đáp trả khi đối phương tấn công.
(2)  Không tuân phục bất cứ lệnh nào được đưa ra trong lúc giận dữ, dù có thể bị trừng phạt nặng vì không tuân phục.
(3)  Không sỉ nhục và chửi rủa người khác.
(4)  Bảo vệ đối phương khỏi bị sỉ nhục và tấn công, dù có thể rủi ro đến tính mạng.
(5)  Không chống cự lại nếu bị bắt hay bị tịch thu tài sản, trừ khi đang bảo vệ tài sản với tư cách là người được ủy thác trông coi tài sản.
(6)  Không cho tịch thu bất cứ tài sản gì mình được ủy thác trông coi, dù có thể rủi ro đến tính mạng.
(7)  Nếu trở thành tù nhân, hãy hành xử với phong cách đường hoàng, mẫu mực.
(8)  Là thành viên của một đơn vị đấu tranh vì lương tâm, cần tuân lệnh người điều hành đấu tranh vì lương tâm, và từ chức rời khỏi đơn vị nếu có bất đồng nghiêm trọng.
(9)  Không đòi hỏi những khoản bảo đảm trong việc cấp dưỡng cho người thân.
***
3. NHỮNG BƯỚC TIẾN HÀNH MỘT CHIẾN DỊCH ĐẤU TRANH VÌ LƯƠNG TÂM [vi]
Dưới đây là những bước áp dụng trong một phong trào xuất phát từ những xung đột quyền lợi, nhằm chống lại một trật tự chính trị nhất định. Những bước này cũng có thể áp dụng trong những tình huống xung đột khác.
(1)  Thương lượng và hòa giải. Mọi nỗ lực nhằm giải quyết xung đột và mâu thuẫn thông qua những kênh tiếp xúc hiện có phải được tận dụng, trước khi tiến hành những bước kế tiếp.
(2)  Chuẩn bị tập thể trước khi đấu tranh trực tiếp. Ngay sau khi nhận ra một tình huống xung đột có thể dẫn tới đấu tranh trực tiếp, cần phải xem xét cẩn thận mọi mục tiêu đề ra, tiến hành luyện tập để mọi người biết giữ kỷ luật bản thân, và phải tiến hành thảo luận thấu đáo trong nội bộ về những vấn đề cần bàn, những đường lối cần thực hiện, tình hình của đối phương, những biến động trong dư luận, v.v. Bước này thường bao gồm, như ở Ấn Độ, các cuộc nhịn ăn để thanh tịnh tinh thần.
(3)  Quảng bá. Bước này bao gồm một chiến dịch quảng bá tích cực, cùng lúc với những họat động rầm rộ như mít-tinh, diễu hành, hô khẩu hiệu.
(4)  Công bố tối hậu thư. Cần gửi một kiến nghị cuối cùng mạnh mẽ đến đối phương để giải thích những bước kế tiếp sẽ thực hiện nếu không đạt được thỏa thuận. Ngôn ngữ và cách trình bày tối hậu thư cần đưa ra một khả năng thỏa thuận lớn nhất có thể, tạo điều kiện cho đối phương giữ sĩ diện, không mất mặt, và đưa ra được một giải pháp có tính xây dựng.
(5)  Tấy chay kinh tế và những hình thức đình công. Đình công, bãi công có thể được áp dụng rộng rãi, cùng với những cuộc biểu tình và hướng dẫn quần chúng liên tục. Có thể biểu tình ngồi (dharna), cũng như các hình thức đình công bất bạo động khác, và vận động tổ chức một cuộc tổng đình công rộng khắp.
(6)  Bất hợp tác. Tùy vào bản chất của vấn đề đang được đặt ra, những hành động như không nộp thuế, nghỉ học, bãi khóa hay nghỉ làm, tẩy chay những thiết chế công cộng, tự loại mình ra khỏi tổ chức công quyền, ngay cả tự lưu đày, đều là những hình thức có thể thực hiện.
(7)  Bất tuân dân sự. Cần chọn lựa rất thận trọng điều luật mà mọi người sẽ bất tuân. Điều luật đó nên là điều luật cốt lõi tạo ra xung đột, hay có giá trị biểu tượng cao.
(8)  Thay mặt nhà nước thực hiện chức năng chính quyền. Shridharani gọi điều này là “đấu tranh vì lương tâm tấn công”. Cần chuẩn bị thật đầy đủ để bước này đạt hiệu quả.
(9)  Chính quyền song song. Việc thiết lập những chức năng song song xuất phát từ bước (8) vừa kể, và những chức năng này cần được củng cố để thu hút quần chúng hợp tác nhiều nhất có thể.
Hành động cụ thể sẽ thực hiện trong một chiến dịch đấu tranh vì lương tâm tiêu biểu, dĩ nhiên, sẽ do tình hình thực tế quy định. Cũng giống như việc chuẩn bị kỹ lưỡng và sâu rộng cho các trận đánh vũ trang, tất cả đều lệ thuộc vào kỷ luật, lãnh đạo, chuẩn bị, mục tiêu kiên định, và khả năng điều chỉnh sao cho lý thuyết và hành động phù hợp với tình hình thực tế.
Việc phân tích những chiến dịch đấu tranh vì lương tâm đã diễn ra trong lịch sử sẽ cho thấy người tham dự đã được chuẩn bị theo hướng nào để củng cố những chiến dịch này và để tránh những yếu điểm tiềm ẩn.
Gandhi và những lãnh tụ Ấn Độ khác đón nhận tất cả mọi người đến tham gia các chiến dịch của họ. Họ đưa ra những luật lệ và chiến thuật đang khi tiến hành đấu tranh trong những tình huống xung đột rất kinh điển.
Nếu được quyền chọn lọc và có thể huấn luyện người tham gia đảm đương nhiều vai trò trong các chiến dịch đấu tranh vì lương tâm thì có lẽ cuộc đấu tranh của Gandhi và các lãnh tụ đã vang dội hơn nhiều. Tuy vậy, họ đã thành công rất lớn, nhất là nếu hiểu rằng họ hành động trên nền tảng hoàn toàn tự phát, và đã vận động được đại đa số quần chúng vốn trước đó chưa hiểu biết gì về kỹ thuật đấu tranh cần có, và cũng rất ít người trong đám đông kia có khả năng giữ gìn kỷ luật liên tục đang khi thực hành các kỹ thuật đấu tranh.
***
II. SATYAGRAHA (ĐẤU TRANH VÌ LƯƠNG TÂM) HAY DURAGRAHA (BẤT BẠO ĐỘNG QUYẾT LIỆT)?
Trước khi giới thiệu tổng quát về một số cuộc đấu tranh tiêu biểu diễn ra tại Ấn Độ vào thời Gandhi còn sống, cũng nên biết rằng có những phong trào, tuy một số mặt được tiến hành giống như đấu tranh vì lương tâm nhưng lại không hội đủ các điều kiện để trở thành một cuộc đấu tranh vì lương tâm theo đúng tinh thần Gandhi.
Vậy, làm thế nào để biết đâu là đấu tranh vì lương tâm đích thực?
Trước hết cũng cần nói rằng không thể đòi các phong trào đấu tranh phải được tiến hành và đạt hiệu quả hoàn hảo. Ngay các cuộc chiến vũ trang, như thường được biết, cũng chỉ đạt hiệu quả thấp đến đáng ngạc nhiên.
Điều khác biệt là các chương trình hỗ trợ đã mang lại cho đấu tranh vì lương tâm những lợi thế ban đầu. Tuy vậy, không có bất cứ một cách đấu tranh nào, dù vũ trang hay bất bạo động, có thể đạt được hiệu quả hoàn toàn, cả trong việc giữ gìn kỷ luật nội bộ lẫn tiến hành chiến lược và chiến thuật.
Những chiến dịch đấu tranh vì lương tâm kiên định đã đạt mức thành công cao, và nhiều chiến dịch đã loại bỏ được bạo động vật lý, nhưng có lẽ không chiến dịch nào đã có thể bất bạo động đến mức hoàn hảo về mọi mặt.
Khi đặt vấn đề làm sao để biết đâu là đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa, chúng ta không nói đến mức độ thành công – trong chủ trương, mục đích, hay hiệu quả so với dự đoán – của chiến dịch. Vấn đề không phải là mức độ, mà là loại hình (dĩ nhiên sự khác nhau về mức độ quá lớn có thể dẫn đến khác nhau về loại hình).
Khác biệt giữa satyagraha (đấu tranh vì lương tâm) và điều người Ấn gọi là duragraha (bất bạo động quyết liệt) nằm ở một số điểm then chốt sau đây:
  • Điểm rõ nhất của một chiến dịch đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa nằm ở chương trình hành động của nó. Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra để phân biệt thật giả là xem chiến dịch có tuân theo các bước đi, từ việc tận dụng các điều kiện có sẵn từ đầu để giải quyết xung đột, rồi đến các bước khác, nhất là những bước cho thấy nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận mà không làm nhục đối thủ.
  • Một cuộc vận động bằng đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa sẽ có dấu hiệu cho thấy nó được tiến hành với các bước như vừa kể. Việc quảng bá đầy đủ ý định của người thực hiện đấu tranh vì lương tâm cũng phải được tiến hành. Cũng phải có chứng cớ cho thấy những nỗ lực nhằm giảm tối đa khó khăn cho đối thủ.
  • Một chương trình hỗ trợ đi kèm cũng là dấu hiệu của một chiến dịch đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa. Chiến dịch có thực hiện các bước tích cực nhằm phục vụ cho thành viên của mình, cho quần chúng, và trong một số trường hợp, cho cả đối thủ hay không?
  • Việc sẵn lòng chấp nhận những hình phạt của luật pháp cũng là một nét đặc thù của đấu tranh vì lương tâm, trong khi việc dựa vào luật pháp để tự vệ lại là điều ít thấy xảy ra.
  • Một chiến dịch đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa luôn năng động và đầy tính xây dựng, vừa tấn công, vừa hòa giải.
  • Nhất quyết tìm cho được cái đúng trong hoàn cảnh cụ thể, kiên trì tìm ra những hình thức đấu tranh mới và sáng tạo cũng là một đặc điểm khác.
Có thể thấy ngay rằng những cuộc tuyệt thực đơn giản, hoặc biểu tình, đình công đơn thuần không phải là những cuộc đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa, vì không hội đủ các yếu tố cần thiết.
Tuyệt thực, biểu tình hay đình công có thể được sử dụng trong một giai đoạn của một chiến dịch đấu tranh vì lương tâm, nhưng bản thân chúng đơn thuần chỉ là những hành động như tên gọi đã gợi ra và không nên xem đó như một chiến dịch đấu tranh vì lương tâm đầy đủ.
***
Xem xét các phong trào diễn ra trong thời gian qua [đầu thập niên 1950, trước khi sách này xuất bản - ND] ở Ấn Độ dưới danh nghĩa đấu tranh vì lương tâm, có thể thấy rất nhiều những hình thức đấu tranh chỉ nên được gọi là những cuộc tuyệt thực, đình công ngồi, tẩy chay hoặcduragraha mà thôi.
Nhiều cuộc đấu tranh của giáo viên tại Ấn Độ trong vài năm qua cũng không đủ yếu tố để được gọi là đấu tranh vì lương tâm theo đường lối Gandhi; hành động của các nhóm Ấn Độ giáo chính thống trong việc chiếm đóng Kashmir cũng không thể được xem như đấu tranh vì lương tâm của Gandhi; các cuộc biểu tình diễn ra trước năm 1953 tại vùng Nam Ấn nói tiếng Tegulu đấu tranh cho tiểu bang Andhra tự trị cũng không cấu thành một cuộc đấu tranh vì lương tâm theo tinh thần Gandhi đúng nghĩa.
Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những người tham gia các cuộc đấu tranh này không có được những tố chất như Gandhi, cũng không phải người viết xem nhẹ sự dấn thân của họ, hoặc phán xét chính nghĩa mà các cuộc đấu tranh kia nhắm tới.
Một số những cuộc đấu tranh vừa kể đạt thành công, với tính cách làduragraha, cũng như đấu tranh vũ trang cũng thành công và đạt được những mục tiêu giới hạn. Nhưng tôi tin mọi người rất cần hiểu rằng không phải cuộc đấu tranh nào cũng là đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa chỉ vì nó không dùng đến bạo lực.
Lịch sử các diễn biến chính trị đương đại tại Ấn Độ cho thấy duragrahavà biểu tình, đình công, tuyệt thực – dưới danh nghĩa đấu tranh vì lương tâm – chính là những chiến thuật thông dụng thời kỳ này. Chắc chắn những cách đấu tranh này dễ tổ chức hơn, không quá khó để lãnh đạo hay kiểm soát nếu so sánh với đấu tranh vì lương tâm theo cách của Gandhi. Trong nhiều trường hợp, đây là những cuộc đấu tranh tự phát, và thường được gán ngay cho tên gọi đấu tranh vì lương tâm. Nhưng chỉ cần xem xét chúng dựa trên các tiêu chuẩn nêu ra ở đây cũng có thể thấy chúng không là những cuộc đấu tranh vì lương tâm thực thụ.
Tuy vậy, cũng có một số chiến dịch đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa, rất đáng chú ý và có nhiều ý nghĩa trong thời kỳ hậu-Gandhi tại Ấn Độ. Trong số này có hai cuộc đấu tranh đáng kể nhất, diễn ra ở hai đầu cách biệt của Ấn độ: một ở huyện Manbhum, Bihar, và một ở huyện Surat, Bombay.
Trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh ở Manbhum, đấu tranh vì lương tâm đã được áp dụng triệt để, dù gặp phải rất nhiều trở ngại, cho thấy cuộc đấu tranh đã giữ được những nguyên lý cốt lõi của đấu tranh vì lương tâm, và được tiến hành từng bước một, tới cả bước thành lập một hệ thống chính quyền địa phương (thông qua việc thành lập các hội đồng địa phương, đại diện cho quần chúng) vốn đối đầu trực tiếp với chính quyền tiểu bang.
Trong khi đó, đấu tranh vì lương tâm ở Pardi, tiểu bang Bombay, là cuộc đấu tranh được quảng bá nhiều hơn, được tổ chức và lãnh đạo bởi những người theo cánh Xã hội chống lại Chính quyền Tiểu bang Bombay. [vii]Cuộc đấu tranh này tiến hành được một số bước tiêu biểu theo đúng cách của đấu tranh vì lương tâm, và cuối cùng thành công, buộc chính quyền Bombay thực hiện mục tiêu đấu tranh là trả lại vùng đồng cỏ cho dân canh tác.
Nghiên cứu những cuộc đấu tranh này và những chiến dịch tương tự tại Ấn Độ đương đại sẽ làm rõ những quy cách được áp dụng trong các chiến dịch đấu tranh vì lương tâm của Gandhi.
Trong những trang sau, tôi sẽ thử phân tích ngắn gọn năm chiến dịch đấu tranh vì lương tâm diễn ra trong thời kỳ của Gandhi, nói về cách thức và lý do chúng được gọi là đấu tranh vì lương tâm, thay vìduragraha, mặc dù không cuộc đấu tranh nào tránh được bạo động hay thành công 100%, cũng có chiến dịch thất bại trong một lĩnh vực rất quan trọng nữa.
***
III. PHÂN TÍCH NĂM CHIẾN DỊCH ĐẤU TRANH VÌ LƯƠNG TÂM
Năm ví dụ đấu tranh vì lương tâm điển hình dưới đây được chọn để cho thấy phương pháp đấu tranh này được dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau, trong những hoàn cảnh xã hội và chính trị khác nhau, được nhiềunhóm xã hội khác nhau sử dụng, và nhắm vào nhiều đối thủ khác nhau.
Việc chọn lựa quả là khó khăn, vì gần đây trong lịch sử Ấn Độ có đến hàng trăm chiến dịch đấu tranh vì lương tâm với nhiều bối cảnh khác biệt. Tôi chọn vài ví dụ điển hình vì có đầy đủ dữ liệu về chiến dịch, nhưng tôi cũng đã bỏ qua một số chiến dịch quan trọng được ghi chép đầy đủ để chỉ giữ lại chiến dịch nào thực sự tiêu biểu và cho thấy phương pháp dấu tranh đã được thực hiện ra sao trong một bối cảnh đặc thù. Hai trong số năm chiến dịch này không do Gandhi lãnh đạo, chúng được chọn vì mục tiêu của tôi là mô tả phương pháp đấu tranh của Gandhi, chứ không phải mô tả vai trò lãnh đạo của Gandhi.
Trong năm chiến dịch đấu tranh vì lương tâm này, một chiến dịch đấu tranh của đẳng cấp cùng đinh chống lại một nhóm quý tộc xa rời quần chúng; một chiến dịch là phong trào nông dân chống lại chính quyền địa phương và tiểu bang; chiến dịch thứ ba là của công nhân chống lại giới chủ nhân nhà máy. Hai chiến dịch còn lại là hai chiến dịch diễn ra trêntoàn cõi Ấn Độ, chống lại chính quyền trung ương.
Để có sự thống nhất khi phân tích các chiến dịch đấu tranh vì lương tâm, và cũng để xét xem chúng có là đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa hay không, tôi sẽ trình bày mỗi chiến dịch theo 10 điểm sau đây:
  1. Ngày tháng, thời gian kéo dài, địa điểm
  2. Mục tiêu
  3. Người tham gia và lãnh đạo đấu tranh vì lương tâm
  4. Người tham gia và lãnh đạo hàng ngũ đối phương
  5. Tổ chức và chương trình hỗ trợ
  6. Cách chuẩn bị trước khi hành động
  7. Hành động mở đầu
  8. Hành động
  9. Phản ứng của đối phương
  10. Kết quả
Sau những điểm tóm tắt sẽ là phân tích ngắn gọn về các chiến dịch này xem chúng gần gũi hay khác xa với phương pháp nguyên bản, và xem chúng có đúng là đấu tranh vì lương tâm như tên gọi hay không.
***
1.
ĐẤU TRANH VÌ LƯƠNG TÂM ĐÒI LẠI ĐƯỜNG QUA ĐỀN VYKOM [viii]
Ngày tháng, thời gian kéo dài, địa điểm:
(1)  Từ mùa xuân 1924 đến mùa thu 1925
(2)  Kéo dài trên 16 tháng
(3)  Làng Vykom, Tiểu bang Travancore, cực nam Ấn Độ
Mục tiêu:
(1)  Mục tiêu trước mắt: Tháo gỡ lệnh cấm người cùng đinh sử dụng con đường đi ngang qua đền Vykom. Điều này khiến người cùng đinh gặp nhiều khó khăn vì phải đi một con đường vòng vèo rất dài tránh xa ngôi đền để về nhà họ.
(2)  Mục tiêu dài hạn: Một bước tiến đến việc xóa bỏ vết nhơ “đẳng cấp cùng đinh” trong Ấn Độ giáo.
Người tham gia và lãnh đạo đấu tranh vì lương tâm:
(1)  Đặc điểm của nhóm lãnh đạo: Một trong những người khởi xướng chiến dịch là một người Syria theo Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, dư luận muốn có những lãnh đạo là tín đồ Ấn Độ giáo cho phù hợp hơn với mục tiêu đấu tranh. Sau đó, những người Ấn Độ giáo địa phương đã nắm vai trò lãnh đạo chủ chốt. Gandhi, tuy giữ liên hệ với chiến dịch ngay từ đầu, không lãnh đạo chiến dịch, ông cũng không có mặt ở Travancore cho tới giai đoạn sau của chiến dịch, là lúc ông góp phần đòi được chính quyền Tiểu bang nhượng bộ.
(2)  Đặc điểm người tham gia: Người theo Ấn Độ giáo, gồm cả đẳng cấp cùng đinh lẫn đẳng cấp có đặc quyền, họ tạo nên đại đa số người tham gia. Những người theo đạo Sikh ở Tiểu bang Punjab cũng giúp đỡ trực tiếp bằng cách mở một bếp ăn phục vụ người tham gia đấu tranh, nhưng theo đề nghị của Gandhi, sau đó họ được thay thế bằng những tín đồ Ấn Độ giáo địa phương, để những người Ấn Độ giáo chính thống – không muốn nhận giúp đỡ từ người ngoài – không cảm thấy bị xúc phạm.
(3)  Số người tham gia: Những người đấu tranh tích cực, sống trực tiếp trong trại được thành lập cho tình nguyện viên, là khoảng 50 người. Rất nhiều người khác hợp tác, tổng số người tham gia ước tính trong khoảng từ 600 đến “hàng ngàn” người.
Người tham gia và lãnh đạo hàng ngũ đối phương:
(1)  Tín đồ Ấn Độ giáo Chính thống: Hàng ngũ đối phương thỉnh thoảng cũng có người cùng đinh, nhưng đa số là những tín đồ Ấn Độ giáo đẳng cấp cao, nhất là các Giáo sĩ Bà la môn. Ngoài ra còn có Hội Tín đồ Ấn Độ giáo Chính thống và Hội Savarna Mahajana Sabha ủng hộ lập trường của giới Giáo sĩ trong suốt cuộc tranh chấp.
(2)  Cảnh sát của Tiểu bang Tranvancore.
(3)  Thành viên của Hội đồng Lập pháp Tiểu bang Tranvancore: Đại đa số Hội đồng ủng hộ lập trường của phe chính thống.
Tổ chức và chương trình hỗ trợ :
(1)  Tổng doanh trại: Một cộng đoàn đấu tranh vì lương tâm được thành lập ngay khi bắt đầu chiến dịch.
(2)  Chương trình hỗ trợ: Công việc điều hành cộng đoàn hàng ngày được xem như một phần tất yếu của chiến dịch, qua đó, người tham gia chiến dịch được giao những nhiệm vụ, hoặc làm việc công ích cho cộng đoàn hoặc tham gia những hành vi đấu tranh trực tiếp. Cộng đoàn đạt được một mức độ tự lập cao. Việc quay tơ dệt vải bằng tay, xây trường học cùng những việc hỗ trợ và công ích khác được duy trì xuất chiến dịch.
Chuẩn bị hành động:
(1)  Cầu nguyện: Phong trào mang ít nhiều màu sắc tôn giáo, những buổi họp mặt cầu nguyện trở thành một phần quan trọng của đời sống cộng đoàn.
(2)  Hướng dẫn tiến hành đấu tranh vì lương tâm: Người tham gia chiến dịch cùng thảo luận về những nguyên lý cốt lõi của đấu tranh vì lương tâm. Họ nhấn mạnh đến việc hiểu cho thấu đáo quan điểm của phe chính thống đối phương, và làm sao để thắng được đối phương bằng cách thuyết phục.
Hành động khởi đầu:
(1)  Thương lượng: Một trong những nỗ lực thương lượng để tìm ra giải pháp là họ gửi một phái đoàn đến thương lượng với chính quyền Tiểu bang.
(2)  Vận động quần chúng: Nhiều nỗ lực được tiến hành để thu hút sự chú ý của công chúng vào những thiệt thòi mà người cùng đinh ở Vykom đang phải chịu đựng.
Hành động:
Giai đoạn thứ nhất:
(1)  Tín đồ Ấn Độ giáo – gồm người cùng đinh và đẳng cấp cao – cùng diễu hành ngay trên con đường bị cấm. Họ đã không trả đũa khi bị người của đẳng cấp Giáo sĩ đánh đập.
(2)  Chấp nhận bị bắt. Cuộc diễu hành thứ hai trên con đường cấm dẫn đến việc một số lãnh đạo của chiến dịch bị bắt.
(3)  Thay thế lãnh đạo. Khi các lãnh đạo bị bắt, liền có những người khác đứng ra thay thế.
(4)  Lứa lãnh đạo thứ hai cũng chấp nhận bị bắt mà không chống cự.
Giai đoạn thứ hai:
(1)  Đối đầu với hàng rào cảnh sát. Khi cảnh sát dựng hàng rào trên đường, tín đồ Ấn Độ giáo, người cùng đinh và người đẳng cấp cao cùng nhau tụ tập đứng đối diện với hàng rào cảnh sát và giữ vị trí hết ngày này qua ngày khác.
(2)  Hành động trong vụ gió mùa. Khi gió mùa đổ mưa làm ngập lụt đường đi và cảnh sát phải ngồi trên thuyền để giữ vị trí, những người đấu tranh vẫn tiếp tục đứng đó, chia thành những ca kéo dài 3-giờ thay phiên nhau, có lúc họ đứng khi nước ngập lên đến vai.
Giai đoạn thứ ba:
(1)  Thuyết phục chính quyền Tiểu bang. Gandhi, đến Tranvancore vào tháng 4/1925, lần đầu tiên từ khi chiến dịch bắt đầu, và thuyết phục chính quyền dỡ bỏ hàng rào chắn.
(2)  Loan báo dự định không lợi dụng tình hình lúc dỡ bỏ hàng rào. Người đấu tranh giữ mình không đi vào con đường mặc dù hàng rào và cảnh sát đều đã được dời đi. Họ loan báo sẽ không bước vào con đường cấm cho tới khi nào giới Giáo sĩ hoàn toàn bị thuyết phục, và chính quyền công bố chấp nhận cho người cùng đinh sử dụng con đường.
(3)  Thuyết phục những Giáo sĩ chống đối. Bằng cách thuyết phục không ngừng với lý lẽ hợp lý, được những lời cầu nguyện hỗ trợ, cuối cùng phe chống đối đã đổi ý.
Phản ứng của đối phương:
(1)  Bạo động chống lại những người đấu tranh bằng cách đánh đập lên thân thể từng người.
(2)  Bỏ tù những người đấu tranh sau khi bắt giữ họ.
(3)  Chấm dứt bắt giữ sau khi các nhà tù đã không còn chỗ chứa người bị bắt.
(4)  Dựng rào chắn. Cảnh sát dựng hàng rào và dàn người đứng cạnh khi được chỉ đạo phải ngăn người đấu tranh đi vào đường cấm.
(5)  Hội đồng Lập pháp Tiểu bang ủng hộ. Đa số Hội đồng Lập pháp Tiểu bang ủng hộ hành động của cảnh sát.
(6)  Cô lập xã hội dành cho những người tổ chức đấu tranh. Cô lập, theo sau những đe dọa tịch biên tài sản gia đình của người đấu tranh, và không cho họ hưởng những chế độ an sinh gia đình khác. Sự cô lập đã diễn ra rất khắc nghiệt.
(7)  Tháo dỡ rào chắn. Theo sau cuộc nói chuyện của Gandhi (tháng 4/1925) với chính quyền Tiểu bang, cảnh sát được lệnh tháo dỡ hàng rào mà họ đã dựng lên và đứng canh mỗi ngày.
(8)  Hoang mang vì phản ứng của người đấu tranh. Các Giáo sĩ, ban đầu dự tính người đấu tranh thế nào cũng đi vào con đường cấm ngay khi cảnh sát rút lui và tháo dỡ hàng rào, nhưng họ đã nhầm và hụt hẫng khi thấy người đấu tranh tự kiềm chế không đi vào đường cấm.
(9)  Thua cuộc. Đến mùa thu 1925, giới Giáo sĩ tuyên bố rằng: “Chúng tôi không thể tiếp tục chống lại lời khẩn nguyện họ đưa ra cho chúng tôi, và chúng tôi cũng sẵn sàng đón nhận người cùng đinh.”
Kết quả:
(1)  Đường mở ra cho mọi người. Mục tiêu trước mắt của chiến dịch đấu tranh vì lương tâm đã đạt được trọn vẹn.
(2)  Khu vực dành riêng cho Giáo sĩ các địa phương khác cũng mở toang.Trong những địa phương khác của Ấn Độ, phong trào đấu tranh này cũng có ảnh hưởng trực tiếp, với sự mở cửa đón nhận người cùng đinh vào mọi cơ sở và đền đài mà trước đây họ bị cấm lui tới.
(3)  Điều kiện sinh sống của người cùng đinh được cải thiện. Bằng cách mở rộng các hoạt động hỗ trợ, điều kiện chung của đẳng cấp cùng đinh đã được cải thiện.
(4)  Mục tiêu dài hạn. Chiến dịch là một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc chấm dứt sự kỳ thị dành cho đẳng cấp cùng đinh.
***
TÓM LƯỢC CUỘC ĐẤU TRANH ĐÒI LẠI ĐƯỜNG QUA ĐỀN VYKOM
Cuộc đấu tranh Vykom đáp ứng hầu hết các chuẩn mực đấu tranh vì lương tâm. Sự thật mà người đấu tranh nêu cao là quyền riêng của mỗi cá nhân được đi qua con đường chung[ix] mà không bị kỳ thị vì lý do đẳng cấp. Cách đấu tranh được dùng để khẳng định sự thật này là biểu tình bất bạo động và chống lại một tập quán mà họ tin là bất công. Người đấu tranh cũng hết sức thận trọng để giữ được tính bất bạo động, mặc dù cũng có lúc có vài manh động, như có người kích động quần chúng leo qua hàng rào cảnh sát.
Tự khổ cũng rất rõ nét trong thái độ của những người đấu tranh vì lương tâm. Họ kiên trì đấu tranh một cách dũng cảm suốt 16 tháng, chấp nhận đau đớn trên thân thể do bị kẻ thù đánh đập cũng như do thời tiết khắc nghiệt, khiến số đông phải đứng ngâm mình dưới nước đến tận thắt lưng vào đợt gió mùa. Sau khi cảnh sát gỡ bỏ rào chắn, họ tiếp tục cuộc đấu tranh một cách hòa bình góp phần thuyết phục đối phương đồng thuận trước khi bước chân trên con đường gây tranh chấp.
Tính chất xây dựng, thay vì quấy phá, và hành xử mẫu mực của người đấu tranh được thể hiện rõ ràng trong mọi lúc. Thành viên của cộng đoàn đấu tranh vì lương tâm không chỉ thực hiện những công việc thường ngày, mà còn quay thêm tơ, dệt thêm vải đóng góp vào quỹkhadi của Đảng Quốc đại và Quỹ Tưởng niệm Deshabandhu Toàn Ấn Độ. [x] Bằng cách này, họ xem phong trào đấu tranh tại Vykom là một phần của đấu tranh giành độc lập. Họ ứng biến trong công tác lãnh đạo và điều chỉnh hành động khi có ý kiến phê phán việc nhận hỗ trợ từ người ngoài Ấn Độ giáo, điều này cho thấy họ tuân theo ý chí chung để giữ được tính cách của phong trào là luôn “cải thiện từ bên trong”.
Họ rất chú trọng đến việc tìm cách thuyết phục đối phương trong đấu tranh. Họ đã cân nhắc cẩn thận để không xúc phạm đến sự nhạy cảm tôn giáo của đối phương. Điều này được Gandhi diễn tả trên tờ Young India số ra ngày 1/5/1924 như sau:
“Đấu tranh vì lương tâm là một quá trình chuyển hóa. Nhà cải cách, tôi tin chắc vậy, không tìm cách áp đặt ý chí của mình lên cộng đồng, mà tìm cách đánh động trái tim cộng đồng.
“Nếu được nói về phương pháp đấu tranh vì lương tâm, tôi xin nói rằng sự giúp đỡ vật chất từ bên ngoài hẳn sẽ gây nhiễu cho sự gắn kết của những người bên trong. Nhìn như vậy thì có thể thấy việc các tín đồ đạo Sikh dự định mở bếp ăn miễn phí có thể xem là một mối đe dọa, gây khiếp sợ cho những người theo Ấn Độ giáo ở Vykom.
“Tôi cũng không mảy may hoài nghi rằng các tín đồ Ấn Độ giáo phái chính thống bảo thủ sẽ phải phát sốt ở mức báo động vì những gì đang diễn ra ở Vykom, vì họ luôn nghĩ rằng thờ Thượng đế nghĩa là không được va chạm vào người đồng đạo nghèo khó của chính họ, và tin rằng theo đạo tóm lại là phải tắm rửa cho sạch và tránh xa mọi ô uế thể chất. Họ tin rằng tôn giáo của mình đang lâm nguy. Vì vậy, người tổ chức đấu tranh phải làm cho cả những người chính thống lẫn những người cực đoan nhất yên tâm và đảm bảo với họ rằng chúng ta không cải cách bằng ép buộc …”
Việc quảng bá cho cuộc đấu tranh có lẽ chưa đạt chuẩn mong muốn trong một chiến dịch đấu tranh vì lương tâm tiêu biểu. Công tác quảng bá chỉ may mắn có được nhờ những bài Gandhi viết trên tờ Young Indiavà nhờ báo chí quốc gia thường đưa tin về những đề tài sốt dẻo. Những người đấu tranh trực tiếp đã không công bố văn bản nào về cuộc đấu tranh.
Việc bất tuân tôn giáo (có thể sánh với bất tuân dân sự trong đấu tranh với chính quyền) đã diễn ra cùng lúc với những cuộc thương lượng và đối thoại với quan chức nhà nước và với phái chính thống đối lập.
Tính chủ động của hàng ngũ đấu tranh chỉ mất đi trong vài trường hợp. Có lẽ, lúc khó nhất là khi cảnh sát tháo dỡ rào chắn. Nhưng, người đấu tranh vì lương tâm đã không manh động làm mất thế chủ động, họ tiếp tục đứng ngoài đường cấm để thuyết phục giới Giáo sĩ.
Những người đấu tranh vì lương tâm cũng không đưa ra yêu sách nào quá đáng. Mục tiêu đấu tranh rất đơn giản và họ đã không hề thỏa hiệp mục tiêu tiên quyết là mở đường cấm cho mọi người đi. Tuy vậy, họ cho thấy một thái độ hiểu biết dành cho đối thủ. Họ nhắm tới, và đã đạt được, một thỏa thuận mà hai bên hoàn toàn đồng thuận trước khi cuộc đấu tranh kết thúc.

(Còn tiếp)
Nguồn: Joan Bondurant, Conquest of Violence – the Gandhian Philosophy of Conflict, Nhà Xuất bản Đại học Princeton, Mỹ, phát hành năm 1952, bản hiệu đính năm 1988, từ trang 15 đến trang 104
Bản tiếng Việt © 2014 Phan Trinh & pro&contra


* [hartal:] Tự nguyện đóng cửa hàng và ngưng kinh doanh, thường trong vòng 24 giờ.
** Rất nên lưu ý rằng bất-phản-kháng (non-resistance) không phải là đấu tranh vì lương tâm. Nhiều người hiểu lầm phương pháp của Gandhi vì không thấy được sự khác biệt giữa phản kháng tích cực, vốn thường xuyên diễn ra trong một cuộc đấu tranh vì lương tâm, với hệ quả của nó, tức hành vi bất-phản-kháng thỉnh thoảng được áp dụng, chẳng hạn như hành vi không phản kháng để tình nguyện vào tù. Chương này sẽ làm rõ giới hạn của những cụm từ như “phản kháng thụ động” khi chúng được dùng để chỉ đấu tranh vì lương tâm. Cũng cần nhấn mạnh là “bất-phản-kháng” không thể là thuộc tính của đấu tranh vì lương tâm, và chỉ mô tả một bước trong nỗ lực bất tuân dân sự mà thôi.
[i] Báo Harijan, số ra ngày 11/3/1930, như trích trong cuốn Studies in Gandhism của N. K. Bose (bản thứ hai, Calcutta: NXB Indian Associated Pubishing Co., 1947), tr. 159.
[ii] Harijan, 26/7/1942.
[iii] Harijan, 13/10/1940, như trích trong Bose, sđd, tr. 157.
[iv] Những nguyên tắc này được áp dụng và diễn giải trong Bose, sđd, tr. 175.
[v] Những điều này được diễn giải trong tác phẩm Mahatma, Vol. III của D. G. Tendulkar (Bombay: Jhaveri and Tendulkar, 1952), tr. 17.
[vi] Những bước tiến hành tương tự cũng được liệt kê trong tác phẩm kinh điển War Without Violence của Krishnalal Shridharani (New York: Harcourt, Brace, 1939), tr. 5-42.
[vii]Để biết thêm về phong trào này, có thể xem tuyển tập Indian Press Digest, Vol. II, No. 7, Magaret W. Fisher và Joan Bondurant hiệu đính (Berkeley: Institute of East Asiatic Studies of the University of California, 1955), tr. 64-80.
[viii] Dữ liệu dùng ở đây được lấy từ các nguồn sau: C. F. Andrews ,Mahatma Gandhi’s Ideas (New York: Macmillan, 1930). Andrews có mặt tại chỗ trong cuộc đấu tranh nên đã viết như một nhân chứng. R. R. Diwakar, Satyagraha: Its Technique and History (Bombay: Hind Kitabs, 1946), tr. 115; Richard B. Gregg, The Power of Non-Violence (re. ed., London: George Routledge and Sons, Ltd., 1938); Các bài báo Young India đăng vào thời kỳ diễn ra đấu tranh; Các cuộc trao đổi giữa tác giả và các nhân vật: Ngài R. R. Diwadar, Richchard R. Keithahn, và Pyarelal (Nayyar).
[ix] Xem Gandhi, Young India 1924-1926 (New York: The Viking Press, 1927) về con đường được cho là của chung.
[x] Như trên, tr. 857.

'Mỹ cần theo dõi chặt Trung Quốc'



'Mỹ cần theo dõi chặt Trung Quốc'

BBC   -     Cập nhật: 06:28 GMT - thứ tư, 26 tháng 2, 2014

Ông David Shear đã có nhiều năm công tác tại châu Á
Người được đề cử làm thứ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách châu Á David Shear cho rằng cần theo dõi chặt hơn nữa hoạt động quốc phòng của Trung Quốc.

Ông David Shear hiện là đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Obama đã tuyên bố ý định đề cử ông David Shear vào vị trí Thứ trưởng Quốc phòng Phụ trách An ninh Châu Á và Thái Bình Dương.
Ông Shear cũng nói Hoa Kỳ cần giúp Đài Loan xây dựng một lực lượng phòng vệ đủ mạnh để đối phó với Bắc Kinh.
Đại sứ Shear vừa có văn bản trả lời trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cơ quan đang xem xét việc bổ nhiệm ông vào vị trí Thứ trưởng Quốc phòng Phụ trách An ninh Châu Á và Thái Bình Dương, thông cáo báo chí ngày 25/2 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
"Chúng ta đang quan tâm đặc biệt tới những khoản đầu tư vào công nghệ của Trung Quốc, cũng như những khí tài họ đang sử dụng," ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Shear, việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những quyết định đầu tư của Trung Quốc cũng rất cần thiết.
Dù Washington luôn hoan nghênh một Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình, sự phát triển của quân đội Trung Quốc vẫn là vấn đề gây quan ngại, ông Shear nói.
Ông cho rằng việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng là một phần của chương trình hiện đại hóa quân đội, vốn lâu nay vẫn thiếu tính minh bạch, nhằm giành thắng lợi trong những cuộc xung đột ác liệt diễn ra trong thời gian ngắn ở khu vực, và chủ yếu tập trung vào Đài Loan.
Ông cũng nói quan hệ Mỹ-Trung có cả yếu tố hợp tác lẫn cạnh tranh và cho rằng Hoa Kỳ vẫn nên tiếp tục duy trì vị thế cường quốc quân sự tại châu Á Thái Bình Dương.
Tuy nhiên việc thiết lập một mối quan hệ hợp lý với Trung Quốc sẽ là điều "rất quan trọng đối với vấn đề an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ cũng như quốc tế trong nhiều thập kỷ tới," ông Shear nói.

Khuyến khích Đài Loan

Ông Shear thừa nhận quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh thường xuyên bị ảnh hưởng do quan hệ giữa Hoa Kỳ với Đài Loan và nói nếu được bổ nhiệm vào vị trí thứ trưởng quốc phòng, ông sẽ thúc giục Đài Loan tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP.
Trong khi đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp cho Đài Loan những gì cần thiết nhằm đảm bảo khả năng phòng vệ, ông nói.
Ông Shear cho rằng điều này phù hợp với Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó quy định việc Hoa Kỳ có trách nhiệm đảm bảo cho khả năng phòng vệ của Đài Loan.
Chiến đấu cơ F-16 được Hoa Kỳ bán cho Đài Loan
Bên cạnh đó, ông Shear cũng nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khẳng định quyền tổ chức thao tập quân sự trên Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong lúc tranh chấp về vấn đề chủ quyền với Nhật ngày càng căng thẳng.
"Nếu được bổ nhiệm, tôi sẽ ủng hộ quan điểm của Bộ Quốc phòng rằng việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ sẽ không thay đổi cách Hoa Kỳ tiến hành thao tập quân sự trong khu vực," ông nói.
Ông David B. Shear tuyên thệ nhậm chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam vào ngày 4/8/2011. Ông gia nhập ngành năm 1982 và đã từng làm việc tại các thành phố Sapporo, Bắc Kinh, Tokyo và Kuala Lumpur.
Tại Washington, ông đã làm việc trong Văn phòng Các vấn đề về Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên và là Trợ lý đặc biệt cho Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị.
Đại sứ Shear tốt nghiệp trường Đại học Earlham và có bằng Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế tại Trường Cao học về Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học John Hopkins.
Ông cũng đã học tại các trường Đại học Waseda, Đại học Quốc gia Đài Loan, và Đại học Nam Kinh. Ông và vợ ông là Barbara đều xếp hạng nhất thực hành Kiếm đạo Nhật Bản (Kendo).
Ông nói thành thạo tiếng Trung và tiếng Nhật.

Source : BBC