Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Nguyễn Quang Thiều - Về một sinh viên Trung Quốc ăn mỳ tôm


Về một sinh viên Trung Quốc ăn mỳ tôm -
Tác giả: Nguyễn Quang Thiều

10/08/2011

Một buổi sáng tôi nhìn thấy cậu ăn mỳ tôm với sườn nướng mà chúng tôi nướng từ chiều hôm trước chưa ăn hết. Cậu ngồi ăn kiên nhẫn không để lại một chút thịt nào trên miếng sườn đó.


Đến Australia, đến Na-uy, đến Mỹ...ở đâu tôi cũng mang cảm giác bị "thập diện mai phục" bởi hàng hóa và những người Trung Quốc. Trong chuyến đi Mỹ tháng sáu vừa qua, tôi đã như lục tung một số siêu thị khổng lồ ở Mỹ để tìm mua mấy món quà cho bạn bè mà không có dòng chữ "made in China" nhưng tôi đã thất bại...

Khoảng mười năm trở lại đây, nỗi ám ảnh về hàng hóa "made in China" làm tôi ngạt thở. Nỗi ám ảnh này gây nên bởi những cuộc "xâm lược" của hàng hóa độc hại và rẻ tiền Trung Quốc qua biên giới Việt - Trung. Đấy không phải là cơn hoảng sợ vô căn cứ của tôi. Đấy là sự thật mà chính không ít những người Trung Quốc cũng phải thừa nhận.

Những cuộc tấn công của hàng ngàn tấn thực phẩm tươi sống ướp hóa chất mà báo chí mấy năm gần đây nói đến như những đợt sóng thần khổng lồ vượt qua những dãy núi cao ngất ở phía Bắc đổ vào các thành phố Việt Nam. Và những người buôn bán tham lam và ngốc nghếch Việt Nam đã tiếp sức đẩy những con sóng thần ấy lan rộng. Nhiều lúc, tôi nghĩ rằng: hàng trăm ngàn tấn thực phẩm "chết người" đó chẳng khác gì những quả bom sinh học ném xuống mảnh đất của chúng ta. Và hậu quả của nó như thế nào trong tương lai gần thì ai cũng hiểu.

Chiến lược của Trung Quốc thật ghê gớm. Năm 1992, tôi đến Australia. Tôi tìm mua một con búp bê cho con gái mình. Và tôi nhận ra rằng: ẩn sâu trong con búp bê có gương mặt xinh đẹp và cái môi đỏ chót là một dòng chữ nhỏ xíu: Made in China. Tôi có nói chuyện với một giáo sư Australia về chuyện đó. Nghe xong, ông mỉm cười bí hiểm và kể cho tôi nghe câu chuyện về các China Town ở Australia.

Sau vài chục năm theo dõi, ông nhận thấy rằng: mười năm đầu khi một China Town nào đó được thành lập, những người Australia đến thăm với cảm giác họ đi thăm một hội chợ hàng Trung Quốc ở Australia. Nhưng sau mười năm, họ đến China Town và nhận ra đó là đất Trung Quốc nằm trong lãnh thổ Australia. Cái giật mình về một điều gì đó bắt đầu từ đấy.



Mười lăm năm trước, tôi có đọc một cuốn sách xuất bản tại Mỹ viết về những dòng người Trung Quốc đến Mỹ học tập và nghiên cứu. Tác giả cuốn sách cho biết: mỗi năm (vào những năm đầu 1990) có khoảng 70.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc đến Mỹ học tập và nghiên cứu. Rồi những người này tìm cách vào làm việc trong các công sở, viện nghiên cứu, trường đại học...của Mỹ và tìm cách ở lại và bắt đầu cuộc hành trình vào sâu trong nước Mỹ. Tác giả cuốn sách dự báo rồi đến một ngày nào đó, những người Mỹ tỉnh dậy và nhận thấy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã bị Trung Hoa hóa hay nói cách khác là bị Trung Hoa ăn rỗng bên trong.

Tôi đã từng viết về một thanh niên Trung Quốc bán trứng ở Australia. Anh ta kiên nhẫn ngày ngày xách một khay trứng đi bán. Sự kiên nhẫn của anh làm cho tôi nghĩ rằng sẽ không có gì có thể làm cho sự kiên nhẫn của anh ta gục ngã. Dù anh ta không nói nhưng tôi biết bên trong đôi mắt một mí kia là một tham vọng ghê gớm và một sự kiên nhẫn kinh hoàng. Đã có những người Trung Quốc nhẫn nại bán từng gói lạc rang húng lìu, từng chiếc bánh bao nhân thịt...trở thành những tỉ phú. Và người thanh niên bán trứng kia cũng mang tham vọng ấy.

Và lúc này, tôi bắt đầu muốn nói về Lou, một sinh viên Trung Quốc theo học nhạc ở Mỹ. Tôi gặp Lou ở nhà một giáo sư Mỹ. Lou được một giáo sư Mỹ dạy nhạc xin cho học bổng một phần sang Mỹ học. Người giáo sư bạn tôi thấy gia đình Lou khó khăn đã giúp đỡ cậu bằng cách đưa cậu về ở nhà mình. Lou ở trong một căn phòng nhỏ dưới tầng hầm. Cậu nói bố mẹ cậu làm công nhân và thật khó để kiếm được 5.000 đô la cho cậu đóng tiền học trong một năm. Nhưng sau một năm, cậu đã tìm cách xin được học bổng toàn phần. Cậu cứ lặng lẽ gặp từng giáo sư Mỹ dạy cậu và những người có liên quan ở trường và cuối cùng cậu đã "thắng" từng giáo sư dẫn đến "thắng" tất Hội đồng giáo sư và họ đồng ý trao học bổng toàn phần cho cậu. Và hàng ngày, cậu vẫn lặng lẽ lên xe của con cái chúng ta để đi nhờ đến trường trong tuyết lạnh.

Một buổi sáng tôi nhìn thấy cậu ăn mỳ tôm với sườn nướng mà chúng tôi nướng từ chiều hôm trước chưa ăn hết. Cậu ngồi ăn kiên nhẫn không để lại một chút thịt nào trên dẻ sườn đó. Đó là mỳ tôm Hảo Hảo mà chúng tôi mang từ Việt Nam sang và sườn nướng ướp theo kiểu Mỹ mà vị giáo đã nướng. Có thể, mỳ tôm và sườn nướng kia không hợp với khẩu vị của cậu như há cảo, vằn thắn, màn thầu... Nhưng mỳ tôm của ai, sườn nướng ướp gia vị gì không quan trọng với cậu lúc này. Cậu cần phải ăn và cần phải đi tiếp con đường đã vạch trong đầu cậu và có thể cả những tham vọng phía sau đôi mắt một mí ấy.

Trong mấy ngày ở trong ngôi nhà người bạn giáo sư, tôi thấy cậu mang dáng vẻ của một cậu bé con nhà ngèo và yếu thế qua cách ăn nói, đi đứng. Nhưng có thể đến một ngày nào đó, cậu bỗng hiện ra là một người khác và mua một biệt thự sang trọng, giành lấy một trang trại... chứ không phải ở trong một phòng dưới tầng hầm mà người ta dành cho cậu với sự chia sẻ và biến những người khác thành kẻ cầu xin mình. Nhưng bây giờ, cậu chỉ là một sinh viên như con cái chúng ta. Cậu đang cầu xin người khác hãy thương cậu, hãy giúp cậu. Và với lòng nhân ái, những người tốt đã đưa bàn tay về phía cậu.

Khi viết về cậu sinh viên Lou, tôi lại nhớ về một người Trung Quốc mà tôi gặp ở Đài Bắc năm 2007 khi tôi đến đó dự Liên hoan thơ quốc tế. Người đàn ông đó là Lưu Kiến Sinh. Ông đã từ Chợ Lớn, Sài Gòn sang định cư ở Pháp rồi về Đài Bắc. Với tôi, ông là một Trung Quốc khác. Sau chuyến đi ấy, tôi đã viết về ông. Bây giờ, tôi xin trích một số đoạn trong bài viết về người đàn ông Trung Quốc này 5 năm về trước:

Lưu Kiến Sinh đọc báo thấy có một nhà thơ Việt Nam đến Đài Bắc dự Liên hoan thơ Đài Bắc 2007. Ông đến để gặp một người từ mảnh đất ông đã sinh ra và lớn lên. Buổi tối ấy, Lưu Kiến Sinh chọn một chỗ ngồi gần cuối hội trường. Ông lặng lẽ nghe các nhà thơ đọc thơ. Khi tôi kết thúc phần đọc thơ, ông không đến bắt tay chúc mừng tôi như những người Đài Loan khác có mặt ở đó. Ông vẫn ngồi im lặng và nhìn về phía tôi. Chỉ khi đêm thơ kết thúc và những người bạn Đài Loan đến dự đêm thơ đó đã chia tay tôi, ông mới đến trước tôi và nói rằng ông đã im lặng để nghe tiếng Việt qua giọng đọc thơ của tôi. Tôi cố tìm kiếm một sự xúc động trên gương mặt ông. Nhưng tôi vẫn chỉ thấy ánh buồn từ đôi mắt ông. Lúc đó, tôi cảm giác như ông là một cái gì đó xa xôi và khuất một nửa trong bóng tối.

Sau đêm thơ, mấy người bạn nghệ sỹ Đài Bắc rủ tôi đi chợ đêm. Chợ đêm ở Đài Bắc là một "đặc sản" không chỉ dành cho những người du lịch mà cả những người Đài Bắc. Chúng tôi đi lang thang và trò chuyện về mọi thứ. Thi thoảng tôi chợt nhớ đến Lưu Kiến Sinh đi cùng, tôi quay lại kiếm tìm ông và vẫn thấy ông lặng lẽ đi sau chúng tôi. Hình như ông chẳng tham gia vào bất cứ câu chuyện nào của chúng tôi. Nhưng ông không rời bỏ chúng tôi nửa bước. Trong chuyến đi chơi chợ đêm đó, Lưu Kiến Sinh chỉ hỏi tôi một câu là Hà Nội bây giờ ra sao và có chợ đêm như ở Đài Bắc không.

Lưu Kiến Sinh đã đến thăm Hà Nội hai lần sau năm 1975. Trước năm 1975, ông chỉ biết đến Hà Nội qua những trang viết của Nhất Linh. Ông nói với tôi cho đến bây giờ ông vẫn giữ mãi hình ảnh của Hà Nội qua văn của Nhất Linh. Gần 30 năm sống ở nước ngoài, ông chưa một lần trở về Trung Quốc cho dù đó chính là nơi cụ kị ông sinh ra và lớn lên. Nhưng cứ vài năm ông lại trở về Việt Nam và tìm cách đi Hà Nội khi nào có thể.

Sau khi phải rời Việt Nam, Lưu Kiến Sinh định cư ở Đài Loan một thời gian. Nhưng ông vẫn cảm thấy trống vắng và hoang mang. Một cái gì đó làm cho ông cảm thấy ông không thể nào yên lòng. Cái gì? Ông cũng không biết một cách rành mạch và đầy đủ. Thế rồi ông quyết định sang Pháp làm ăn và sinh sống. Ông đã yêu một cô gái Trung Quốc sống ở Bắc Kinh sang Pháp du học. Rồi họ lấy nhau và sinh một cậu con trai. Nhưng ông vẫn không một lần trở về Trung Quốc. Ông nói ông sợ với một nỗi sợ vừa rành rọt vừa mơ hồ.

Sau gần mười năm sống ở Paris, ông vẫn thấy ông chưa ở đâu cả mà vẫn lang thang trên con đường nào đó trên mặt đất này. Ông nói với tôi rằng mỗi tối trở về ngôi nhà ở Paris ông vẫn thấy gió lạnh thổi vào lưng. Có lẽ đó là cách nói của ông để nói về sự trống vắng nào đó chăng? Và gần mười năm ở Paris, theo ông, công việc có ý nghĩa nhất của ông là dịch tác phẩm của Nhất Linh sang tiếng Hoa và in trên một tờ Trung Hoa Báo xuất bản ở Pháp.

Khi còn ở Chợ Lớn, ông đã dịch Nhớ rừng của Thế Lữ sang tiếng Hoa và xuất bản trên tờ báo tiếng Hoa ở Sài Gòn năm 1972. Tôi tự đoán lý do vì sao ông lại yêu bài thơ Nhớ rừng như thế. Có một khoảng u tối và một khát vọng mạnh mẽ trong thân xác mong manh và gương mặt yếu đuối của người đàn ông là Lưu Kiến Sinh. Thế là sau nhiều năm ở Paris, ông lại trở về Đài Bắc. Ông vẫn đi tìm một nơi trú ngụ. Một nơi mà mỗi tối để ông trở về không còn thấy gió lạnh thổi vào lưng nữa.

Trong những ngày ở Đài Bắc, buổi nào có tôi đọc thơ là ông lại đến. Vẫn như lần đầu tôi nhìn thấy, ông lặng lẽ tìm một chỗ ngồi hơi khuất ánh sáng và nghe thơ. Tôi không biết ông đến để nghe thơ hay nghe giọng nói tiếng Việt. Ông cũng sáng tác thơ nhưng không nhiều và sáng tác bằng tiếng Trung Quốc. Mấy năm nay ông viết ca khúc. Ông có ý định xuất bản một đĩa nhạc gồm những ca khúc của ông ở Việt Nam. Ông hỏi tôi ông có thể thu âm những ca khúc của ông ở Việt Nam không? Ông vẫn ao ước lời những ca khúc của ông được dịch ra tiếng Việt và được hát ở Việt Nam.

Một chiều được nghỉ, tôi và ông lang thang dọc một số đường phố ở Đài Bắc. Trời có gió và bắt đầu se lạnh. Khi chúng tôi ngồi nghỉ trên một chiếc ghế ở khu phố đi bộ, tôi đề nghị ông hát một bài hát của ông cho tôi nghe. Ông cúi đầu một lát rồi cất giọng hát. Có một người đi vào trong rừng và không bao giờ trở lại...Đấy là lời bài hát mà ông dịch ra tiếng Việt cho tôi nghe. Trong gió lạnh ở một chốn xa lạ và với đôi mắt lúc nào cũng buồn và xa xôi.

Cho đến lúc này, lòng tôi mỗi lúc một vang lên câu hỏi: Lưu Kiến Sinh, ông là một người Trung Hoa. Cố hương của ông là ở chốn đó sao ông lại sợ trở về?

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Alan Phan - Những giả thuyết ngây thơ

Những giả thuyết ngây thơ
Tác giả: T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
Bài đã được xuất bản.: 22/06/2011

Các nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người VN dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào. Họ tìm đến VN mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động kiểu thung lũng Silicon (trung tâm IT của Mỹ ở phía nam San Francisco). Sau vài năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại sao?

Họ đã không lầm về những số liệu tạo nên hình ảnh đó. Tuy nhiên, sự phân tích và biện giải về logic của họ vướng phải vài giả thuyết và tiền đề không chính xác. Một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới.

Tôi còn nhớ một đai gia IT nổi tiếng cũng đã từng kết luân trong một buổi hội thảo về kinh tế là số người sử dụng điện thoại di động ở VN đã tăng trưởng ấn tượng 36% mỗi năm trong 5 năm qua và lên đến 68 triệu người hay khoảng 80% dân số. Kết luận của anh chuyên gia trẻ này là tương lai về công nghệ thông tin của VN phải sáng ngời và sẽ vượt trội các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines...

Đây là những kết luận ngây thơ về thực tại của xã hội. Một người trẻ suốt ngày la cà quán cà phê hay quán nhậu sẽ không đóng góp gì về sáng tạo hay năng động; cũng như vài ba anh chị nông dân với điện thoai cầm tay không thay đổi gì về cục diện của nông thôn ngày nay (nông dân vẫn chiếm đến 64% của dân số xứ này).

Tôi thích câu nói (không biết của ai): Tất cả bắt đầu bằng suy nghĩ (tư duy). Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động liên tục biến thành thói quen và thói quen tạo nên định mệnh. Định mệnh của cá nhân phát sinh từ tư duy cá nhân, định mệnh tập thể đúc kết bởi suy nghĩ của tập thể.

Tư duy, thói quen và định mệnh

Quên đi góc nhìn cá nhân, hãy tự suy nghĩ về tư duy thời thượng của xã hội này và từ đó, ta có thể nhận thức được những hành xử và thói quen của người dân VN. Bắt đầu từ tầng cấp lãnh đạo về kinh tế, giáo dục và xã hội đến lớp người dân kém may mắn đang bị cơn lũ của thời thế cuốn trôi; tôi không nghĩ là một ai có thể lạc quan và thỏa mãn với sự khám phá.


Những thói quen xấu về chụp giựt, tham lam, mánh mung, dối trá, liều lĩnh, sĩ diện... vẫn nhiều gấp chục lần các hành xử đạo đức, cẩn trọng, trách nhiệm, danh dự và hy sinh. Dĩ nhiên, đây là một nhận định chủ quan, sau một lục lọi rất phiến diện trên báo chí, truyền hình và diễn đàn Internet. Nhưng tôi nghĩ là rất nhiều người VN sẽ đồng ý với nhận định này.

Tôi nghĩ lý do chính yếu của những thói quen tệ hại này là bắt nguồn từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm. Tôi có cảm giác là ngay cả những bạn trẻ doanh nhân và sinh viên mà tôi thường tiếp xúc vẫn còn sống trong một thời đại cách đây 100 năm, dưới thời Pháp thuộc. Thực tình, nhiều bậc trí giả đã lo ngại là so với thời cũ, chúng ta đã đi thụt lùi về đạo đức xã hội và hành xử văn minh.

Tôi thường khuyên các bạn trẻ hãy đọc lại những tiểu thuyết của thời Pháp thuộc trước 1945. Họ sẽ thấy đời sống và các vấn nạn của một nông dân trong truyện của Sơn Nam vẫn không khác gì mấy so với một nông dân qua lời kể của Nguyễn Ngọc Tư. Bâng khuâng và thách thức của những gia đình trung lưu qua các câu chuyên của Khái Hưng rất gần gũi với những mẫu chuyện ngắn của nhiều tác giả trẻ hiện nay. Ngay cả những tên trọc phú, cơ hội và láu lỉnh trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cũng mang đậm nét hình ảnh của những Xuân Tóc Đỏ ngày nay trong xã hội.

Ôm lấy quá khứ ở thế kỷ 21

Tóm lại, tôi có cảm tưởng chúng ta vẫn sống và vẫn tranh đấu, suy nghĩ trong môi trường cả 100 năm trước. Những mặc cảm thua kém với các ông chủ da trắng vẫn ám ảnh các bạn trẻ ngày nay. Trong lãnh vực kinh doanh, phần lớn các doanh nhân vẫn cho rằng bất động sản và khoáng sản là căn bản của mọi tài sản. Sản xuất gia công và chế biến nông sản vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Một doanh nhân Trung Quốc đã mỉa mai với tôi khi đến thăm một khu công nghiệp của VN, "Họ đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn quên".


Tôi đang ở tuổi 66. May mắn cho tôi, nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi khác hẳn thời Pháp thuộc. Tôi không cần phải dùng tay chân để lao động, cạnh tranh với tuổi trẻ. Kinh doanh bây giờ đòi hỏi một sáng tạo chỉ đến từ trí tuệ và tư duy đổi mới. Thân thể tôi dù bị hao mòn (xương khớp lỏng lẻo, tai mắt nhấp nhem..). nhưng trí óc tôi và tinh thần vẫn trẻ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, nó không bị phân tâm bởi những hóc môn (hormones) về đàn bà hay những thứ lăng nhăng khác như các bạn trẻ. Do đó, hiệu năng và công suất của sự suy nghĩ trở nên bén nhậy hơn.

Người Mỹ có câu, "Những con chó già không bao giờ thay đổi" (old dogs never change). Do đó, tôi thường không thích trò chuyện với những người trên 40, nhất là những đại trí giả. Nhưng tôi thất vọng vô cùng khi về lại VN và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt.

Nhiều người đỗ lỗi cho những thế hệ trứơc và văn hóa gia đình đã kềm kẹp và làm cho thế hệ trẻ này hay ỷ lại và hư hỏng. Cha mẹ vẫn giữ thói quen sắp đặt và quyết định cho các con đã trưởng thành (ngay khi chúng vào tuổi 30, 40..) về những cuộc hôn nhân, công việc làm, ngay cả nhà cửa và cách sinh họat. Hậu quả là một thế hệ đáng lẽ phải tự lập và lo tạo tương lai cho mình theo ý thích lại cúi đầu nghe và làm theo những tư duy đã lỗi thời và tụt hậu.

Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ VN đang lần mò trong bóng tối của quá khứ. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình ... già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu? Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân VN thêm nhiều thập niên nữa. Cái bẫy thu nhập trung bình to lớn và khó khăn hơn mọi ước tính.

--------------------

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Ngôn ngữ là văn hóa

Ngôn ngữ là văn hóa

Nguyễn Hưng Quốc

20.7.2011


Việc phát hiện kích thước văn hoá trong việc dạy và học ngôn ngữ đã trình bày trong bài Kích thước văn hóa trong việc giảng dạy ngôn ngữ bao gồm ba nội dung chính: Thứ nhất, ngôn ngữ, tự bản chất, là văn hóa; thứ hai, giao tiếp bằng một ngôn ngữ khác bao giờ cũng là một thao tác liên văn hóa; và thứ ba, dạy và học một ngôn ngữ là dạy và học ngôn ngữ đồng thời cũng là dạy và học văn hóa; cả hai được tiến hành hầu như cùng một lúc.

Trong bài này, tôi xin bàn đến nội dung thứ nhất trước.

Trong mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, có mấy vấn đề cần được phân tích. Ngôn ngữ không phải chỉ là âm thanh hay chữ viết. Ngôn ngữ là những âm thanh và chữ viết có ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa lại không phải là những gì chung chung và bất biến, tồn tại giữa hư không hoặc trong các cuốn từ điển cứng nhắc, vô hồn. Ý nghĩa bao giờ cũng gắn liền với một ngữ cảnh (context) trong đó có một người nói/viết, một hoặc nhiều người nghe/đọc, trong một không khí nhất định và với những quan hệ xã hội, tình cảm và mục đích giao tiếp nhất định. Nhưng nếu ý nghĩa bao giờ cũng gắn liền với ngữ cảnh thì, nói theo Dell Hymes, “Chìa khóa để hiểu ngôn ngữ trong ngữ cảnh là phải bắt đầu không phải với ngôn ngữ mà là với ngữ cảnh” (1). Ngữ cảnh, hiểu theo nghĩa rộng ấy, chính là văn hóa.

Cũng xin nói ngay, cách hiểu khái niệm văn hóa của người Việt thường khá hẹp, và thành thực mà nói, khá lỗi thời.

Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam do Trần Quốc Vượng chủ biên (2), văn hóa được định nghĩa là “sản phẩm do con người sáng tạo, có từ thuở bình minh của xã hội loài người” (tr. 17). Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (3), Trần Ngọc Thêm định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.” (tr. 27).

Trong khi cách hiểu thứ nhất chỉ tập trung vào sản phẩm, cách hiểu thứ hai chỉ tập trung vào khía cạnh giá trị của văn hóa. Cả hai, tuy là những yếu tố quan trọng, nhưng chắc chắn không phải là nội dung duy nhất, hoặc, thậm chí, quan trọng nhất của văn hóa. Khái niệm văn hóa, thật ra, rộng và phức tạp hơn thế rất nhiều. Theo Raymond Williams, “văn hóa là một trong hai hoặc ba chữ phức tạp nhất trong tiếng Anh” (4). Ở đây, tôi chỉ chọn một quan điểm phổ biến nhất trong ngành nhân học và văn hóa học hiện nay: văn hóa, trước hết, là một hệ thống biểu trưng và ý nghĩa (system of symbols and meanings) mà một cộng đồng đã tạo ra, và đến lượt nó, góp phần tạo ra cộng đồng, trong đó, mọi người tồn tại không phải như những cá nhân riêng lẻ mà là những thành viên của cộng đồng: Tất cả đều sử dụng một khung nhận thức và một bảng tiêu chí chung để diễn dịch và đánh giá thực tại, để phán đoán quan hệ giữa người và người, từ đó, phân biệt thiện và ác, đạo đức và vô luân, đẹp và xấu, hay và dở, những điều thích và những điều không thích, v.v... Chính trên cơ sở hệ thống biểu tượng và ý nghĩa như vậy, người ta mới dần dần tạo dựng và củng cố các hệ thống niềm tin và giá trị; và trên cơ sở các hệ thống niềm tin và giá trị ấy, xây dựng các hệ thống thiết chế xã hội và chính trị cũng như các phong cách ứng xử, bao gồm từ ngôn ngữ thân thể đến cách ăn mặc, ăn uống và các phong tục tập quán khác; cuối cùng, dần dần hình thành các sản phẩm văn hóa như văn học, âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa dân gian, v.v...

Với cách hiểu văn hóa như một hệ thống biểu trưng và ý nghĩa như vậy, người ta dễ dàng nhận ra mối quan hệ hữu cơ mật thiết giữa văn hóa và ngôn ngữ. Mật thiết đến độ nhiều người cho ngôn ngữ, tự bản chất, là văn hóa. Dĩ nhiên, cần lưu ý: không nên và không thể đảo ngược mệnh đề này thành: văn hóa là ngôn ngữ. Trong khi ngôn ngữ là văn hóa, văn hóa, ngược lại, lớn và rộng hơn hẳn ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ là một bộ phận của văn hóa, bên cạnh nhiều bộ phận khác, từ tín ngưỡng đến các hình thái nghệ thuật hay các phong tục và lễ hội dân gian, v.v...

Có điều, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa có lẽ gần gũi và khắng khít hơn. Theo J.A. Fishman, mối quan hệ ấy có thể được nhìn thấy ở ba biểu hiện: một, ngôn ngữ là một phần của văn hóa; hai, ngôn ngữ là một chỉ số (index) của văn hóa (theo nghĩa nó tiết lộ cách suy nghĩ và tổ chức kinh nghiệm của một cộng đồng); và ba, ngôn ngữ là biểu trưng (symbolic) của văn hóa. Theo Claire Kramsch, mối quan hệ ấy cũng có ba biểu hiện chính: một, ngôn ngữ diễn tả thực tại văn hóa (các từ ngữ con người sử dụng, để có thể hiểu được, bao giờ cũng liên hệ đến những kinh nghiệm chung và những kho kiến thức mà một cộng đồng đã tích lũy và chia sẻ); hai, ngôn ngữ nhập thể vào hiện thực văn hóa (bằng cách tạo những kinh nghiệm mới qua phương tiện ngôn ngữ); và ba, ngôn ngữ biểu tượng hóa (symbolise) thực tại văn hóa (ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu trong khi chính hệ thống này, tự nó, đã là một giá trị văn hóa) (5).

Theo tôi, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa có thể được nhìn thấy từ mấy góc độ chính:

Một, ngôn ngữ là kho lưu trữ và đồng thời là biểu hiện của ký ức tập thể hoặc ký ức văn hóa của cả một cộng đồng. Ở cấp độ vi mô, mỗi từ, với tính chất liên văn bản của nó, đều liên hệ đến những từ khác và những văn bản khác, tất cả đều gắn liền với những kinh nghiệm chung mà cả cộng đồng đều chia sẻ. Ví dụ, trong tiếng Việt, một từ đơn giản như “con cò” không thể không gợi liên tưởng đến bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm”, đến câu hát điệu cò lả quen thuộc “Con cò bay lả bay la”, và câu thơ thời Thơ Mới “Con cò trên ruộng cánh phân vân” nổi tiếng của Xuân Diệu, hoặc rộng hơn, đến sinh hoạt ở đồng quê ngày trước với hình ảnh những nông dân cày cấy bên cạnh những con trâu và xa hơn một chút, những con cò trắng thơ thẩn kiếm ăn trên bờ ruộng. Những chữ như “cách mạng” hay “giải phóng” hay ngay cả chữ “Việt kiều” không thể không khơi gợi lên những ký ức về cuộc chiến tranh kéo dài và đẫm máu trước năm 1975 cũng như những kinh nghiệm cay đắng sau đó. Ở cấp độ vĩ mô, những sự phân bô số lượng từ vựng đều phản ánh nếp suy nghĩ và cách thức cấu trúc kinh nghiệm của cộng đồng. Ví dụ, cũng trong tiếng Việt, từ sự tồn tại của lớp từ Hán Việt và nhiều từ vay mượn từ nước ngoài khác đến cách xưng hô và ưu thế của lớp từ vựng có tính cụ tượng và cảm tính đều là những dấu vết của lịch sử bị ngoại xâm và của xu hướng văn hóa trọng gia đình và thiên về những cái cụ thể, v.v...

Hai, ngôn ngữ là một trong những phương tiện chính để lưu truyền văn hóa. Chúng ta học những bài học đầu tiên về các biểu tượng, niềm tin và giá trị, vốn là những cốt lõi của văn hóa truyền thống, ở đâu? Trước hết, là từ gia đình; và sau đó, ở trường học: Ở cả hai nơi, phương tiện truyền dạy chính vẫn là qua ngôn ngữ. Qua lời dạy của bố mẹ. Qua lời giảng của thầy cô giáo. Qua những câu tục ngữ, ca dao cũng như các câu chuyện ngụ ngôn và cổ tích mà chúng ta được nghe đây đó. Cái gọi là tính chất truyền khẩu trong văn hóa dân gian (folklore) chính là một minh chứng hùng hồn cho vai trò của ngôn ngữ trong việc duy trì và nuôi dưỡng văn hóa nói chung.

Ba, sử dụng ngôn ngữ, dưới hình thức nói hoặc viết, bao giờ cũng là một quá trình kết hợp và lựa chọn: kết hợp từ này với từ khác theo một trật tự cú pháp nhất định; và lựa chọn giữa nhiều từ khác nhau để chuyên chở điều mình muốn truyền đạt trên cả hai bình diện: biểu ý và biểu cảm.

Một ví dụ đơn giản: khi muốn nói hay viết về sự kiện ai đó đã chết chẳng hạn, trong đầu chúng ta sẽ hiện lên vô số từ đồng nghĩa nhưng khác sắc thái, như: chết, mất, đi, qua đời, từ trần, qui tiên, thất lộc, tạ thế, hy sinh, bỏ mạng, ngoẻo, ngủm, ngủm củ tỏi, toi, v.v...Trong hàng trăm từ khác nhau ấy, người nói/viết sẽ chọn một.

Tiêu chí để chọn lựa bao gồm: thứ nhất, thực tế (cách chết và ý nghĩa cái chết, từ đó, có sự lựa chọn giữa hy sinh hoặc bỏ xác/bỏ mạng; thời điểm chết (ví dụ những chữ như nhắm mắt/tắt thở/xuôi tay... thưởng dùng để chỉ người mới chết một cách nhẹ nhàng); thứ hai, vị thế của người chết, từ đó, dẫn đến những sự lựa chọn như băng/băng hà (cho vua), tịch/viên tịch (cho sư sãi), qui tiên/thất lộc (cho những người lớn tuổi và khả kính), v.v...; và thứ ba, quan hệ hay thái độ của người nói/viết với người chết: Với người mình yêu thích hay tôn kính thì dùng từ trang trọng (qua đời, từ trần...); với người mình khinh ghét thì dùng những từ bình dân như chết, bán muối, chầu Diêm Vương, v.v... Trong ba tiêu chí ấy, hai tiêu chí sau rõ ràng là mang tính văn hóa.

Tất cả những sự phân tích trên đều nhằm để chứng minh một luận điểm chính: ngôn ngữ thực chất là văn hóa.

***

Chú thích:

1. Dell Hymes (1972), phần “Introduction” trong cuốn Functions of Language in the Classroom do D. Humes và C.J. Cazden biên tập, New York: Teachers College Press, tr. xix.

2. Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2004.

3. Nxb Thành phố HCM, 1997.

4. Keywords, A Vocabulary of Culture and Society, London: Fontana Press, 1983, tr. 87.
5. Xem Karen Risager (2006), Language and Culture: Global Flows and Local Complexity, Clevedon: Multilingual Matters, tr. 12-16.

Source ; VOA

Nguyễn Hưng Quốc - Kích thước văn hóa trong việc giảng dạy ngôn ngữ

Thứ Năm, 14 tháng 7 2011




Mới đây, tôi vào kiểm tra một lớp tiếng Việt tại một đại học ở Melbourne. Hầu hết các sinh viên đều là người Úc. Các em học tiếng Việt đã được một học kỳ (ba tháng). Tôi hỏi một nữ sinh:

- Em tên gì?

Em ấy đáp:
- Tôi tên Stephanie.
- Em bao nhiêu tuổi?
- Tôi là 19 tuổi.
Tôi hỏi một em khác:
- Ba em tên gì?
Em ấy đáp:
- Tên ông ta là John.
- Bây giờ ba em sống ở đâu?
- Ông ta chết rồi.
Tôi lại hỏi một em khác nữa:
- Sáng nay em làm gì?
- Sáng nay em đã học môn Tâm lý học.
Vân vân.

Xin nói ngay, dù học tiếng Việt mới được ba tháng, cách phát âm của các em, nói chung, tuy không hoàn hảo, nhưng khá chính xác, ít nhất cũng đủ để người nghe có thể hiểu được những điều các em muốn truyền đạt. Trừ câu “Tôi là 19 tuổi” với chữ “là” thừa thãi, tất cả các câu đáp của các em đều đúng về ngữ pháp. Tuy vậy, từ lỗ tai của người Việt Nam, chúng ta vẫn thấy hầu hết các câu ấy đều có vấn đề. Một sinh viên năm thứ nhất nói chuyện với một giáo sư đã đứng tuổi mà xưng "tôi" là có vấn đề. Gọi ba mình là "ông ta" cũng có vấn đề: Nó hờ hững đến độ lạnh lẽo. Chữ “chết” dùng để chỉ người thân lại càng có vấn đề: Nó dửng dưng đến độ vô cảm. Ngoài ra, cũng giống chữ “là” trong câu "Tôi là 19 tuổi", chữ "đã" trong câu "Sáng nay tôi đã học môn Tâm lý học" hoàn toàn thừa. Và vì thừa nên cũng thành một vấn đề.

Nhân nói đến những "bất ổn" trong việc học tiếng Việt của người ngoại quốc (hoặc trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên ở hải ngoại), tôi sực nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm mới nghe được trong chuyến đi Sydney vừa rồi. Xin nói ngay: Như phần lớn các truyện tiếu lâm của người Việt, chuyện này hơi tục. Biết vậy, nhưng tôi cũng xin phép được kể vì, thứ nhất, tôi tin chắc trong số độc giả blog của tôi, không có ai là vị thành niên; thứ hai, tôi thấy khó tìm ra một câu chuyện nào khác tiêu biểu hơn cho vấn đề chúng ta đang bàn.

Chuyện kể một người phụ nữ Tây phương lấy chồng Việt Nam và về Việt Nam sinh sống trong một khu lao động. Chị cố học tiếng Việt để giao tiếp với người Việt Nam, trước hết là với hàng xóm. Một hôm, bị bệnh, chị đến một phòng khám ở thành phố. Người thư ký hỏi chị muốn gặp bác sĩ nào. Chị đáp:

- Cho tôi gặp bác sĩ khám l.
Người thư ký giật mình, nhưng ý nhị, anh nhắc khéo:
- Bác sĩ phụ khoa.
Chị người Tây ghi nhận bài học mới:
- Vâng, cho tôi gặp bác sĩ phụ khoa.
Khám xong; nghe bác sĩ dặn dò xong, chị người Tây cẩn thận hỏi:
- Như vậy, trong mấy ngày tới, tôi có đ. được không?
Bác sĩ cười, nhắc:
- Chị nên dùng chữ "giao hợp".
Chị người Tây cám ơn:
- Vâng, giao hợp.

Từ phòng khám ra ngoài đường, chị gặp một tên lái xe đi ẩu suýt đâm vào người chị. Chị la toáng lên. Tên thanh niên không những không xin lỗi mà còn cười hô hố. Tức quá, chị định phun ra cái câu chửi tục chị thường nghe chồng chị và hàng xóm người Việt của chị sử dụng. Tuy nhiên, nhớ lại hai bài học về ngôn ngữ mới toanh ở phòng khám vừa rồi, chị ứng dụng ngay. Và đây là câu chửi chị phun vào mặt tên thanh niên khả ố nọ:

- Giao hợp cái thằng mặt phụ khoa!

Câu chuyện ở trên hài hước vì người phụ nữ Tây phương mới học tiếng Việt ấy mắc lỗi đến hai lần: lần đầu, thay vì dùng từ thanh nhã, chị là dùng những chữ bị xem là thô tục; lần sau, thay vì nên dùng chữ thô tục để chửi thì chị lại dùng những chữ quá thanh nhã.

Cái sai của chị, như vậy, không nằm ở ngữ âm, từ vựng hay ngữ pháp mà là ở phong cách: Các từ chị dùng, tuy hoàn toàn chính xác, lại không hợp với ngữ cảnh. Chúng thành sai. Hơn nữa, sai một cách hài hước.

Xin thêm một ví dụ nữa: Trong các đoạn văn được xem là sai lầm đến ngô nghê của học sinh ở Việt Nam, tôi bắt gặp mấy câu này:

"Nhà em có nuôi một ông nội. Năm nay ông 70 tuổi. Ông nội em ăn rất khoẻ, lại còn biết trông nhà."

Đứng về phương diện ngữ pháp, mấy câu trên không hề sai. Nếu thay thế câu đầu tiên bằng câu "Nhà em có nuôi một con chó" hay "Nhà em có nuôi một người giúp việc" thì sao? Thì hoàn toàn đúng. Nhưng nếu viết "nhà em có nuôi một ông nội" thì lại có vấn đề. Vấn đề ấy nằm ở hai điểm: "nuôi" và "một". Bởi mỗi người chỉ có thể có một ông nội (ruột) nên số từ "một" đứng trước "ông nội" là thừa. Đó là cái sai về logic (cũng giống như câu cuối: "Ông nội em ăn rất khỏe, lại còn biết trông nhà"). Còn cái sai trong động từ "nuôi" thì rõ ràng thuộc phạm trù văn hóa.

Qua ba câu chuyện vừa kể, chúng ta thấy chuyện sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp có cái gì phức tạp hơn là những điều chúng ta vẫn thường nghĩ.

Lâu nay, nói chung, nghĩ đến chuyện dạy ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt cho người ngoại quốc hoặc cho trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên ở ngoại quốc, chúng ta thường nghĩ đến việc rèn luyện cho các em bốn kỹ năng chính: nghe, nói, đọc và viết. Chúng ta thường chỉ bận tâm dạy các em cách phát âm, cách viết chính tả, ý nghĩa của các từ và cuối cùng, một số nguyên tắc đặt câu. Chúng ta cứ tưởng am hiểu tất cả các yếu tố ấy, các em sẽ có thể sử dụng thành thạo tiếng Việt.

Sự thật không phải vậy.

Không hiếm người Việt Nam học tiếng Anh ở mức độ tương đối khá nhưng lại không thể giao tiếp với người bản xứ được chỉ vì một tật: gặp ai cũng hỏi tuổi tác, nghề nghiệp, lương hướng; hứng nữa thì hỏi chuyện tôn giáo và đảng phái, vốn là những điều cấm kỵ trong nghi thức giao tế của người Tây phương.

Ngược lại, cũng không hiếm người Tây phương khi học tiếng Việt cũng than thở rất nhiều điều, chẳng hạn, người Việt rất ít chào hỏi nhưng lại hay hỏi chuyện tuổi tác và gia đình. Họ kể, cứ nghe những câu hỏi như vậy, họ lại khựng lại. Có cảm tưởng như sự riêng tư của mình bị vi phạm. Từ đó, có ấn tượng là người Việt Nam thiếu lịch sự. Câu chuyện, bởi vậy, bị ngắc ngứ ngay tức khắc.

Trong cả hai trường hợp, vấn đề đều không thuộc phạm trù kỹ năng ngôn ngữ (linguistic skills) mà là ở năng lực giao tiếp liên văn hóa (intercultural communicative competence): người Việt thì không biết văn hóa Tây phương trong khi người Tây phương học tiếng Việt thì lại không biết văn hóa Việt Nam.

Những khuyết điểm như vậy không phải chỉ xuất hiện ở những người Việt Nam học tiếng Tây phương hay người Tây phương học tiếng Việt Nam mà là ở hầu như tất cả mọi người học ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên chỉ một vài hai thập niên gần đây giới nghiên cứu ngôn ngữ học mới nhận thức được điều ấy. Từ nhận thức ấy, người ta phát hiện trong cách dạy ngôn ngữ thứ hai trên khắp thế giới có rất nhiều điều bất cập. Một trong những bất cập ấy, nói theo Joseph Lo Bianco, một nhà hoạch định chính sách ngôn ngữ nổi tiếng của Úc, là, trong các lớp ngôn ngữ, chúng ta chỉ tập trung vào các yếu tố bên trong ngôn ngữ với từ vựng và các nguyên tắc ngữ pháp, mà quên đi những yếu tố bên ngoài của ngôn ngữ, như xã hội và văn hóa, nhất là văn hóa (1). Sự sao nhãng ấy là một sai lầm bởi, như nhiều nhà ngôn ngữ học, từ Elinor Ochs đến Bambi Schieffelin và Lessard-Clouston, đã phân tích: ngay từ đầu văn hóa và ngôn ngữ đã gắn bó đến mức không thể tách lìa được. Theo Claire Kramsch, trong cuốn Context and Culture in Language Education (1993), bất cứ sự giao tiếp nào với người nói một ngôn ngữ khác mình cũng đều là một thao tác văn hóa (culture act). Học ngôn ngữ, do đó, thực chất là học văn hóa. Nếu chúng ta chỉ dạy ngôn ngữ mà không dạy văn hóa, chúng ta đang dạy những ký hiệu hoặc là vô nghĩa hoặc mơ hồ đến độ học sinh sẽ hiểu hoàn toàn sai. (2)

Đó là lý do tại sao gần đây khái niệm “dạy ngôn ngữ” (language teaching) thường được gọi là “dạy ngôn ngữ liên văn hóa” (intercultural language teaching), ở đó, khái niệm “khả năng giao tiếp’ (communicative competence) được soi chiếu dưới lăng kính liên văn hóa (intercultural) hoặc xuyên văn hóa (cross-cutlural): Giao tiếp không còn là một hành động sử dụng ngôn ngữ thuần túy mà biến thành một nỗ lực tiếp cận với cái khác (otherness).

Chú thích:

1. Joseph Lo Bianco & Chantal Crozet (2003), Teaching Invisible Culture, Classroom Practice and Theory, Melbourne: Language Australia Ltd., tr. 26.
2. Xem thêm Teaching Language as Culture in the Foreign Language Classroom, luận án tiến sĩ của Kathleen J, Taylor đệ trình tại The University of Texas năm 2010. Đọc trên http://repositories.lib.utexas.edu/bitstream/handle/2152/ETD-UT-2010-08-1630/TAYLOR-DISSERTATION.pdf?sequence=1

Source : VOA

Nguyễn Hưng Quốc - Dạy ngôn ngữ là dạy văn hóa

21/7/2011

Dạy ngôn ngữ là dạy văn hóa


Nguyễn Hưng Quốc



Qua hai bài "Kích thước văn hóa trong việc giảng dạy ngôn ngữ" và "Ngôn ngữ là văn hóa", chúng ta đã đi đến ba nhận định chính: một, ngôn ngữ thực chất là văn hóa; hai, nói hoặc viết ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình là một thao tác liên văn hóa; và ba, dạy và học ngôn ngữ thứ hai hoặc song ngữ thực chất là dạy và học văn hóa.

Vấn đề: Dạy văn hóa qua ngôn ngữ là dạy gì?

Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời. Văn hóa có một nội hàm rất rộng, không thể dạy hết được, ngay trong những môn thuộc chuyên ngành văn hóa học. Bởi vậy, chúng ta chỉ giới hạn trong văn hóa giao tiếp. Trong văn hóa giao tiếp, Catherine Kerbrat-Orecchioni đề nghị tập trung vào năm trục chính: một, tầm quan trọng đặt trên việc phát ngôn; hai, cách tiếp cận với các quan hệ liên cá nhân; ba, cách hiểu về phép lịch sự; bốn, mức độ nghi thức hóa; và năm, cách bày tỏ cảm xúc và cảm giác (1). Tôi đề nghị thêm phần ngôn ngữ thân thể như một trục thứ sáu để phù hợp với tầm quan trọng của loại hình ngôn ngữ này trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam.

Riêng trong bài này, xin đề cập đến khía cạnh thứ nhất của văn hóa giao tiếp: Mức độ hoạt ngôn (levels of verbosity).

Trong một số nền văn hóa, người ta đề cao và khuyến khích việc phát ngôn hơn các văn hóa khác. Ví dụ người Palians (thuộc miền nam Ấn Độ) thường được xem là nói rất ít (low verbosity) trong khi người Pháp được xem là nói nhiều (high verbosity); người nói tiếng Anh được xếp vào hạng trung bình (2). Còn người Việt Nam thì sao? Thú thực, tôi không biết. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào về mức độ hoạt ngôn của người Việt cả. Có điều, cần phân biệt hai môi trường hành ngôn khác nhau. Thứ nhất, ở chỗ riêng tư, trong các câu chuyện phiếm, có lẽ người Việt cũng nói nhiều không thua bất cứ ai cả. Thứ hai, ở nơi công cộng, trong các cuộc hội thảo, người Việt Nam phần lớn, nếu không nói là tuyệt đại đa số, dè dặt và trầm lặng hẳn. Cứ nhìn vào giờ thảo luận trong lớp học của người Việt Nam và của người Tây phương thì thấy ngay. Trong khi người Tây phương, nói chung, sôi nổi bao nhiêu thì người Việt Nam thường lặng lẽ bấy nhiêu. Có lý do văn hóa nào cho hiện tượng nói ít nơi công cộng như vậy không? Tôi nghĩ là có. Ít nhất có ba nguyên nhân chính:

Một, người Việt Nam trọng lễ. Ở nơi công cộng, người ta thường nhường người lớn tuổi và nhiều quyền thế hơn. Ý niệm về bình đẳng trong tranh luận chưa bén rễ sâu trong văn hóa Việt Nam. Phần lớn đều theo văn hóa truyền thống.

Hai, vấn đề thể diện còn ảnh hưởng nặng nề ở Việt Nam và là một trong những trung tâm của văn hóa giao tiếp của người Việt cũng như của người Hoa. Trước đám đông, một mặt, người ta muốn lên tiếng để khẳng định vị thế của mình; nhưng mặt khác, lại sợ nói sai, nói dở hay nói hớ để, hoặc là bị người khác phản đối hoặc là bị người khác cười thầm: trong cả hai trường hợp, người ta đều sợ bị "mất mặt".

Ba, có lẽ do ảnh hưởng của cả một lịch sử dài dằng dặc bị áp bức, người Việt Nam thường sợ việc mở miệng, đặc biệt trước đám đông. Ca dao và tục ngữ Việt Nam cung cấp cả một kho tàng triết lý về việc nói năng. Chẳng hạn, xem ngôn ngữ như một thứ quyền lực: Miệng nhà quan có gan có thép, có ảnh hưởng trực tiếp đến số phận con người: Lời nói đọi máu. Do đó, càng ít nói bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu: Lời năng nói năng lỗi. Trước khi nói nên suy nghĩ chín chắn: Có miệng thì cắp, có nắp thì đậy; kẻ thất thế càng nên nói ít: Khó nhịn miệng, bồ côi nhịn lời. Nếu phải nói, nên nói, đừng viết: Lời nói gió bay, bút sa gà chết. Nếu viết, nên chọn hình thức phù du nhất: Khôn văn tế dại văn bia. Không nên nói thật: Nói thật mất lòng. Và chỉ nên nói khéo: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, v.v...

Như vậy, trong văn hóa giao tiếp, ngay cả việc ít nói hay im lặng cũng là những sự lựa chọn mang tính văn hóa: chúng cần được diễn dịch trong giao tiếp và cần được giảng dạy trong lớp học.

***

Chú thích:

1. Xem bài “A conceptual framework to help teachers identify where culture is located in language use” của Chantal Crozet in trong cuốn Teaching Invisible Culture, Classroom Practice and Theory do Joseph Lo Bianco và Chantal Crozet biên tập, Language Australia Ltd. xuất bản tại Melbourne, 2003, tr. 39-40.

2. Joseph Lo Bianco & Chantal Crozet (biên tập) (2003), sđd. tr. 41.

Source : VOA







Tìm bài viết này tại:
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/day-ngon-ngu-07-21-2011-125968683.html


Bấm để in Email bài này | Ðóng lại

T.S. Alan Phan - Kẻ cắp gặp bà già

Kẻ cắp gặp bà già -
Tác giả: T.S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

Bài đã được xuất bản.: 03/08/2011

Trong khi những công dân Tàu ở các nước và khu vực nhỏ bé như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore... học cách làm ăn của Âu Mỹ và tiến nhanh để bắt kịp người da trắng về thu nhập, thì Trung Quốc đại lục lại thoi thóp với lợi tức không quá 200 USD mỗi đầu người mỗi năm (1975).


Trong tiểu thuyết hay phim ảnh, những câu chuyện về kẻ cắp đụng phải bà già có những tình tiết luôn gây thú vị cho người xem. Tuy vậy, những mẩu chuyện kẻ cắp-bà già xảy ra hàng ngày trong thực tế của đời sống cũng không kém phần hào hứng. Đây thực sự là những liều thuốc cười cần cho tim mạch.

Ngân hàng Âu Mỹ và Hy Lạp Trong những xứ sở đã phát triển có tình trạng tiêu xài bê bối nhất từ chính phủ đến người dân phải kể đến Hy Lạp. Trước khi gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU), các ngân hàng quốc tế thường né tránh nợ công xứ này và không nhà đầu tư nghiêm túc nào có thể tin tưởng vào sự bền vững của đồng drachma. Chính phủ Hy Lạp luôn luôn thiếu hụt về ngân sách và cử tri Hy Lạp luôn luôn thiên về các ứng cử viên xã hội (thích quốc doanh hóa các xi nghiệp thành công và tái phân chia tài sản tư nhân bằng thuế vụ hay bội chi cho các chương trình chánh phủ).

Kết quả sau cùng là một nền kinh tế tụt hậu so với các quốc gia khác ở Âu Châu và những doanh nhân hay các tài năng về mọi ngành thuờng có khuynh hướng rời bỏ Hy Lạp để đi lập nghiệp ở các xứ khác. Nhửng người còn lại thì tìm đủ mọi cách để bòn rút tiền từ chính phủ và có một câu nói phổ thông ở đây là,"Nếu bạn đóng thuế thì chắc bạn không phải là dân Hy Lạp." Tuy vậy, sự suy sụp của tài chính Hy Lạp không trầm trọng lắm vì nợ vay của nước ngòai hiếm và tốn kém.

Mọi chuyện đều thay đổi vào năm 1981, khi Hy Lạp gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU) và bắt đầu sử dụng đồng Euro như bản vị chính. Các kẻ cắp đánh hơi và nghĩ đây là một miếng mồi ngon. Kẻ cắp số 1 là tập đòan Goldman Sachs và các kẻ cắp nhỏ hơn như Credit Lyonnais, BNP, Deutsche Bank, UBS...chạy theo sau bước chân đại ca không cần suy nghĩ. Trước hết, báo cáo tài chính công của Hy Lạp không đủ tiêu chuẩn để thỏa mãn đòi hỏi pháp lý của EU, nên Goldman Sachs phải tư vấn cho họ cách thức để dấu nợ và thổi phồng số liệu tốt nhằm mục đích vay tiền qua trái phiếu. Sau đó, Goldman Sachs phân phối các trái phiếu này cho đàn em là các ngân hàng Âu Châu. Mọi người hạnh phúc. Chính phủ Hy Lạp có số tiền lớn để tiêu xài thỏai mái, người dân và cò dự án hưởng bao nhiêu là lợi ích từ những chương trình tiêu xài ngắn và dài hạn, các ngân hàng Âu Mỹ thu về bao nhiêu là phí tư vấn và phí phát hành trái phiếu.

Ảnh minh họa: phunu.info

Nhưng cũng giống như chuyện tiểu thuyết, ngày vui lúc nào chóng tàn. Mọi người quên đi một chi tiết rất nhỏ nhặt: nợ đáo hạn thì phải trả. Các kẻ cắp quên nhắc nhở các quan chức chính phủ điều này; và đa số người dân cũng nghĩ rằng họ không liên hệ gì đến việc trả nợ khi họ bỏ phiếu chấp nhận những khỏan vay. Nhưng bà già Hy Lạp cũng không vừa.

Họ nói với kẻ cắp là họ sẽ tuyên bố phá sản và để mặc cho các ngài ăn cắp lo liệu. Các ngân hàng Âu Mỹ sợ tái người. Mất đi hơn 400 tỷ USD sẽ khiến vài ngân hàng cỡ lớn đi theo Lehman Bros ra nghĩa địa và các vị giám đốc ngân hàng sẽ mất job, mất nhà, mất xe, mất vợ, mất nhân tình. Họ thống nhất lại và lobby các chánh phủ Âu Châu phải bỏ tiền ra cứu trợ Hy Lạp. Gói tài trợ năm 2010 với 160 tỷ USD không đi đến đâu, và gói thứ nhì 170 tỷ USD giữ tình hình tạm yên lúc này. Tuy vậy, với số nợ lên đến 580 tỷ dollars hoặc hơn nữa (khỏang 150% của GDP) và lãi suất hơn 14%, Hy Lạp sẽ chẳng bao giờ trả nổi hết nợ. Vấn đề có phá sản hay không chẳng còn là "câu hỏi" nữa, mà đề tài bây giờ là "khi nào thì phá sản".

Ít nhất, các kẻ cắp trong chuyện này, cũng đã "đẩy cây" 330 tỷ dollars cho người dân các nước Đức, Pháp...đóng thuế trả dùm Hy Lạp.

Chính phủ Mỹ và Trung Quốc

Trong câu chuyện này, thật khó mà biết ai là kẻ cắp, ai là bà già? Kẻ nửa cân, người tám lạng? Lịch sử bắt đầu khi Mao Trạch Đông nắm quyền ở Trung Quốc đại lục vào năm 1949. Người Mỹ hoảng sợ nghĩ là con rồng Tàu đã trổi dậy. Tuy nhiên, Chủ Tịch Mao lại trở thành người bạn tốt của đế chế Mỹ bằng cách kìm hãm Trung Quốc trong 30 năm dài với một chánh sách kinh tế tập trung và thoái trào. Trong khi những công dân Tàu ở các nước và khu vực nhỏ bé như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore... học cách làm ăn của Âu Mỹ và tiến nhanh để bắt kịp người da trắng về thu nhập, thì Trung Quốc đại lục lại thoi thóp với lợi tức không quá 200 USD mỗi đầu người mỗi năm (1975).

Năm 1972, kinh tế Mỹ gặp khó khăn khi đà phát triển bị tắc tị với chính sách dầu hỏa của

OPEC, với chiến tranh Việt Nam và với một thị trường nội địa đã bão hòa. Kissinger, đại diện cho nhóm quyền lực Do Thái, thúc đẩy Nixon bắt tay Trung Quốc đại lục để các "kẻ cắp" có cơ hội tiến vào một thị trường 1.2 tỷ dân. Muốn làm một nhân vật lịch sử và cũng bắt đầu gặp rắc rối với cử tri vì kinh tế, Nixon hăng hái "mở cửa" Trung Quốc. Mao và các đồng chí cũng hồ hởi vì đất nước đã quá tiêu điều sau cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại.

Vả lại, "bà già" cũng chẳng có gì để mất.

Bà già đón nhận rồi tìm đủ thủ thuật để bòn rút và gặm nhắm tiền nong và công nghệ của kẻ cắp. Bà trở thành kẻ cắp chuyên nghiệp. Sau 30 năm, Trung Quốc giữ giá lao công và tỷ giá hối suất rẻ mạt để các nhà tư bản Âu Mỹ vui vẻ đầu tư và mở cửa thị trường cho hàng hóa Tàu. Các chính trị gia Âu Mỹ cũng hoan hỉ vì cử tri họ có một đời sống sung túc hơn nhờ giá quá rẻ của hàng hóa. Thêm vào đó, tiền Trung Quốc kiếm được từ xuất khẩu lại quay về Âu Mỹ qua việc mua trái phiếu của các chánh phủ Âu Mỹ và các khoản tiền "rửa" của các đại gia Trung Quốc.

Tuy nhiên, kẻ cắp và bà già luôn luôn quên những chi tiết nhỏ nhặt rất bất tiện. Một là nợ lúc nào cũng phải trả khi đáo hạn. Hai là khi anh cho một "kẻ cắp" vay, thì rủi ro mất tiền là điều không sao tránh khỏi.

Trong 35 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã lợi dụng sức lao động của hơn tỷ người dân để kiếm được hơn 4 ngàn tỷ dollars cho quỹ ngoại hối. Các đại gia và quan chức Trung Quốc cũng thừa nước đục để "câu" hơn 1.8 ngàn tỷ USD (ước lượng trên các mạng Internet). Con số này đã bốc hơi hết 720 tỷ khi Mỹ áp dụng chính sách hạ giá dollar (khỏang 12%) trong 3 năm qua để kích cầu kinh tế nội địa (thực ra là để cứu các ngân hàng Âu Mỹ). Hiện nay, các công ty thẩm định tín dụng như Moody, S&P, Fitch... dọa là sẽ hạ cấp tín dụng của trái phiếu quốc gia Mỹ; và đảng Cộng Hòa cũng như phong trào Tea Party cũng đang áp lực để Obama không thể vay thêm tiền cho chính phủ. Đồng dollar sẽ mất thêm khỏang 18% nữa nếu 1 trong 2 điều này xảy ra.

Dĩ nhiên, khi nền kinh tế quá tùy thuộc vào thị trường xuất khẩu và túi tiền tiết kiệm có thể bay hơi theo đồng dollar, thì kẻ cắp Trung Quốc lại trúng kế của bà già Mỹ. Thế gộng kềm tạo ra sự đổi ngôi liên tục giữa hai siêu quái này.

Chuyện chúng mình

Một doanh nhân trẻ kể với tôi những thành công và thất bại của anh ta trong 10 năm qua và xin ý kiến vì anh muốn tìm một định hướng mới cho sự nghiệp. Tôi khuyên anh nên đọc đi đọc lại binh pháp của Tôn Tử và chiến thuật của Machiavelli nếu muốn thắng trên thương trường.

Nếu anh chỉ muốn làm người tử tế và văn minh, thì nên đọc sách Lão Tử và Og Mandino. Vấn nạn lớn nhất của anh trong thời đại kim tiền và đám mây kiến thức (cloud computing) này là anh chưa định vị rõ ràng vai trò của mình trong màn kịch của thế giới. Anh sẽ thủ vai kẻ cắp hay bà già? Hay chỉ là một nạn nhân lương thiện và ngu dốt? Bi kịch sẽ xẩy ra khi người nham hiểm và mê tiền lại không biết làm kẻ cắp hay bà già.

TS. Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.