Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Nguyễn Hưng Quốc - Dạy ngôn ngữ là dạy văn hóa

21/7/2011

Dạy ngôn ngữ là dạy văn hóa


Nguyễn Hưng Quốc



Qua hai bài "Kích thước văn hóa trong việc giảng dạy ngôn ngữ" và "Ngôn ngữ là văn hóa", chúng ta đã đi đến ba nhận định chính: một, ngôn ngữ thực chất là văn hóa; hai, nói hoặc viết ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình là một thao tác liên văn hóa; và ba, dạy và học ngôn ngữ thứ hai hoặc song ngữ thực chất là dạy và học văn hóa.

Vấn đề: Dạy văn hóa qua ngôn ngữ là dạy gì?

Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời. Văn hóa có một nội hàm rất rộng, không thể dạy hết được, ngay trong những môn thuộc chuyên ngành văn hóa học. Bởi vậy, chúng ta chỉ giới hạn trong văn hóa giao tiếp. Trong văn hóa giao tiếp, Catherine Kerbrat-Orecchioni đề nghị tập trung vào năm trục chính: một, tầm quan trọng đặt trên việc phát ngôn; hai, cách tiếp cận với các quan hệ liên cá nhân; ba, cách hiểu về phép lịch sự; bốn, mức độ nghi thức hóa; và năm, cách bày tỏ cảm xúc và cảm giác (1). Tôi đề nghị thêm phần ngôn ngữ thân thể như một trục thứ sáu để phù hợp với tầm quan trọng của loại hình ngôn ngữ này trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam.

Riêng trong bài này, xin đề cập đến khía cạnh thứ nhất của văn hóa giao tiếp: Mức độ hoạt ngôn (levels of verbosity).

Trong một số nền văn hóa, người ta đề cao và khuyến khích việc phát ngôn hơn các văn hóa khác. Ví dụ người Palians (thuộc miền nam Ấn Độ) thường được xem là nói rất ít (low verbosity) trong khi người Pháp được xem là nói nhiều (high verbosity); người nói tiếng Anh được xếp vào hạng trung bình (2). Còn người Việt Nam thì sao? Thú thực, tôi không biết. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào về mức độ hoạt ngôn của người Việt cả. Có điều, cần phân biệt hai môi trường hành ngôn khác nhau. Thứ nhất, ở chỗ riêng tư, trong các câu chuyện phiếm, có lẽ người Việt cũng nói nhiều không thua bất cứ ai cả. Thứ hai, ở nơi công cộng, trong các cuộc hội thảo, người Việt Nam phần lớn, nếu không nói là tuyệt đại đa số, dè dặt và trầm lặng hẳn. Cứ nhìn vào giờ thảo luận trong lớp học của người Việt Nam và của người Tây phương thì thấy ngay. Trong khi người Tây phương, nói chung, sôi nổi bao nhiêu thì người Việt Nam thường lặng lẽ bấy nhiêu. Có lý do văn hóa nào cho hiện tượng nói ít nơi công cộng như vậy không? Tôi nghĩ là có. Ít nhất có ba nguyên nhân chính:

Một, người Việt Nam trọng lễ. Ở nơi công cộng, người ta thường nhường người lớn tuổi và nhiều quyền thế hơn. Ý niệm về bình đẳng trong tranh luận chưa bén rễ sâu trong văn hóa Việt Nam. Phần lớn đều theo văn hóa truyền thống.

Hai, vấn đề thể diện còn ảnh hưởng nặng nề ở Việt Nam và là một trong những trung tâm của văn hóa giao tiếp của người Việt cũng như của người Hoa. Trước đám đông, một mặt, người ta muốn lên tiếng để khẳng định vị thế của mình; nhưng mặt khác, lại sợ nói sai, nói dở hay nói hớ để, hoặc là bị người khác phản đối hoặc là bị người khác cười thầm: trong cả hai trường hợp, người ta đều sợ bị "mất mặt".

Ba, có lẽ do ảnh hưởng của cả một lịch sử dài dằng dặc bị áp bức, người Việt Nam thường sợ việc mở miệng, đặc biệt trước đám đông. Ca dao và tục ngữ Việt Nam cung cấp cả một kho tàng triết lý về việc nói năng. Chẳng hạn, xem ngôn ngữ như một thứ quyền lực: Miệng nhà quan có gan có thép, có ảnh hưởng trực tiếp đến số phận con người: Lời nói đọi máu. Do đó, càng ít nói bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu: Lời năng nói năng lỗi. Trước khi nói nên suy nghĩ chín chắn: Có miệng thì cắp, có nắp thì đậy; kẻ thất thế càng nên nói ít: Khó nhịn miệng, bồ côi nhịn lời. Nếu phải nói, nên nói, đừng viết: Lời nói gió bay, bút sa gà chết. Nếu viết, nên chọn hình thức phù du nhất: Khôn văn tế dại văn bia. Không nên nói thật: Nói thật mất lòng. Và chỉ nên nói khéo: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, v.v...

Như vậy, trong văn hóa giao tiếp, ngay cả việc ít nói hay im lặng cũng là những sự lựa chọn mang tính văn hóa: chúng cần được diễn dịch trong giao tiếp và cần được giảng dạy trong lớp học.

***

Chú thích:

1. Xem bài “A conceptual framework to help teachers identify where culture is located in language use” của Chantal Crozet in trong cuốn Teaching Invisible Culture, Classroom Practice and Theory do Joseph Lo Bianco và Chantal Crozet biên tập, Language Australia Ltd. xuất bản tại Melbourne, 2003, tr. 39-40.

2. Joseph Lo Bianco & Chantal Crozet (biên tập) (2003), sđd. tr. 41.

Source : VOA







Tìm bài viết này tại:
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/day-ngon-ngu-07-21-2011-125968683.html


Bấm để in Email bài này | Ðóng lại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét