Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Xristov, Boris : Nỗi buồn | Tiếng kèn đêm | Ký ức cuộc đời

Xristov, Boris Nỗi buồn | Tiếng kèn đêm | Ký ức cuộc đời

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên




BORIS XRISTOV
(1945~)

Boris [Kirilov] Xristov (cũng viết là Hristov, Christov, hay Christoff) là một nhà thơ và nhà văn nổi tiếng của Bulgarie. Ông sinh ngày 14 tháng Tám 1945 tại Krapets, Pernik, tốt nghiệp ban ngôn ngữ và văn chương Bulgarie tại Đại học Veliko Tarnovo năm 1970. Ông từng dạy học ở Pernik [1971-1972], trước khi làm báo và làm biên tập cho các tạp chí văn chương và các xưởng phim, trong đó có Sofia Feature Film Studio. Ngoài tiểu thuyết, ông còn viết nhiều kịch bản cho phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình. Sau tập thơ đầu tiên Tiếng kèn trompet đêm [“Вечерен тромпет”, Varna: G. Bakalov, 1977/2000], tiếp theo là Thánh giá [“Честен кръст”, Varna: G. Bakalov, 1982 – bản tiếng Anh xuất bản sau đó có tên là Holy Cross, 2000], Boris Xristov cho xuất bản Cha của trứng [“Бащата на яйцето”, tiểu thuyết, D. Danov, 1987], Con chó mù [“Сляпото куче“, tiểu thuyết ngắn, Varna: G. Bakalov, 1990], Thung lũng của những chiếc giày [“Долината на обувките”, Varna: G. Bakalov, 1990], Lời nói và graffiti [“Думи и графити”, 1991/2002], một số các tập thơ và truyện xuất bản bằng tiếng Anh như The Wings of the Messenger [Petrikov Publishers, 1991 - tập trung một số bài thơ trong hai tập Evening trumpet và Cross My Heart, một số bài thơ 3 dòng trong Mots et dessins, và tiểu thuyết ngắn Death Spots [“Смъртни петна”], Words on Words [“Думи върху други думи”, 1990/1992], Thơ [“Поезия”, 2004]... Kể từ tuyển tập mở đầu Ba nhà thơ trẻ [“Трима млади поети”, Sofia, 1975 – qui tụ ba thi sĩ hàng đầu của Bulgarie thời bấy giờ: Parushev Parush, Ekaterina Tomova và Boris Christoff] cho đến gần đây với tập Giấy đá [“Каменна книга“, Nxb. Helicon, 2006] thơ Xristov luôn nổi bật một tiếng nói chân thành từ trái tim nhà thơ, và từng được dịch ra tiếng Anh, Đức, Nga, Ý, Pháp và nhiều ngôn ngữ khác.

Những năm 90 ông khởi sự biên soạn một số tuyển tập văn học Bulgarie, trong đó có thể kể Tuyển tập truyện ngắn Bulgarie thế kỷ XX [“Български разкази на ХХ век”, 1995], Văn học dân gian [“Народни писмена”, 1995], Veda Slovena [*] [“Веда Словена”, 1998]... – và cùng thời gian này những tìm tòi của ông hướng tới những mô thức biểu hiện mới bắt đầu hình thành nơi tác phẩm ông một kết hợp đẹp đẽ thơ ca, âm nhạc và nghệ thuật tạo hình.[**]

Xristov từng nhận nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải thưởng cho tiểu thuyết viết về những chủ đề hiện đại dành cho cuốn Cha của trứng – tác phẩm sau đó được chuyển thể cho kịch bản điện ảnh – và Giải thưởng lớn về Văn chương của Đại học Sofia Климент Охридски năm 2000. Từ nhiều năm nay ông sống với vợ và gia đình tại làng Leshten trên núi Rhodope thuộc thành phố Gotse Delchev ở Bulgarie. Cũng cần nhắc thêm Boris Xristov từng tham dự chương trình International Writer’s Program của Đại học Iowa và Hội thảo văn học Wheatland Foundation Conference ở San Francisco, đồng thời thường xuyên tham dự những buổi đọc thơ ở Washington D.C, New York, San Francisco, Toronto, Munich, Hamburg, Athens, Delhi...

Mặc dù vẫn được coi là gương mặt đại diện cho văn học hiện đại Bulgarie, và tác phẩm được đưa vào chương trình văn chương ở các trường học, ngày 26 tháng Năm 2010 vừa qua, khi nghe báo chí truyền thông đưa tin mình được Hội đồng Bộ trưởng quyết định trao Huân chương Cyril và Methodius hạng Nhất [St. Св. Кирил и Методий” – dành cho sự nghiệp xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa], B. Xristov đã viết thư gửi chính phủ Bulgarie khước từ phần thưởng này, viện cớ là “đã từ lâu [ông] có quyết định không nhận bất cứ giải thưởng nào của Nhà nước, cho dù đảng cầm quyền là đảng nào...”


_________________________
[*]Veda Slovena là một tuyển tập những bài dân ca và truyền thuyết của người Bulgarie theo đạo Hồi.


[**]Ngoài tập The Wings of the Messenger của Nxb. Petrkov Publishers [1991] với nhiều tranh minh họa của Yana Levieva dành cho phần thơ 3 dòng, bạn đọc có thể theo dõi tác phẩm của Boris Xristov thực hiện qua CD và qua các ấn bản song ngữ tiếng Bungarie và tiếng Anh / tiếng Pháp như Mots et dessins, với minh họa của Milko Bojkov; Des Mots, de l'argile et des dessins, minh họa của Zahari Kaménov; Un Livre de pierre, với phần nhiếp ảnh của chính tác giả; Words on Words [bản dịch của Betty Grinberg, Roland Flint, Lyubomir Nicolov - với tranh minh họa của Anri Koulev], Nxb. Petrikov Publishers, 1990.



__________

Nỗi buồn


Chúng ta có thể đi đâu, có thể trốn ở đâu
trong thành phố này, trong trạm ga mùa hè này.
Chim trên trời không dám bay –
đánh một viên đá, một ngọn lửa sẽ cháy bùng.

Giờ khắc buổi chiều trôi qua chậm rãi,
như có ai đó đang học cách chơi,
và đâm thẳng vào những con tàu xanh
lồng ngực xăm hình của chúng ta.

Từng cặp từng cặp dưới vành nón cháy bỏng
của mặt trời, suốt ngày chúng ta lang thang,
mang trong lòng nỗi buồn ngàn năm chờ đợi
của những triết gia tỉnh lẻ.

Dòng sông đang cạn, giữa khi đứng dưới cầu,
chúng ta thẫn thờ trong im lặng cháy bỏng. Và chúng ta
cứ ở đấy tranh cãi và triết lý với nhau
về hệ thực vật và hệ động vật dưới lòng đại dương.



Tiếng kèn đêm[***]


Đời sống bắt chúng ta quay vòng dưới cái nóng thiêu đốt,
và còn nện chân chúng ta vào tảng đá nóng...
Thế nhưng khi đêm từ bầu trời rớt xuống,
tôi sẽ lấy kèn trompet và ra ngồi ở ngưỡng cửa.

Tôi đã nhiều lần thơ thẩn dọc theo những vách tường này
như âm thanh của một cái chuông vỡ.
Tôi phải thổi kèn. Tôi phải phá tan im lặng –
chỉ có tiếng thét mới cần được giữ lại.

Tôi muốn những ngọn gió nóng nổi thành sấm sét
và thổi tung mọi cánh cửa.
Tôi muốn đất một lần nữa lại theo
bước đi viễn chinh của loài dế.

Tôi muốn với bài ca của mình giật đứt hàng rào
kẽm gai chung quanh nhà bạn.
Tôi muốn người láng giềng của tôi vẫn tự coi là điếc,
nay có thể nghe thấy trở lại.

Tôi muốn tên cướp tự mình trói tay mình,
và người lính canh phải mua cho mình một trái tim.
Tôi muốn nhỏ ít giọt nước mắt của tôi
vào con mắt đang bị gỉ sét.

Tôi muốn ngày hội vui phải trở lại với chúng ta
và thổi tung hết bụi bặm.
Tôi muốn những người đang chết vì buồn nản,
giờ phải chết vì bị nhột và cười.

Tôi muốn chúng ta phải thức cầu kinh cho người chết,
và ngồi yên như vậy cho tới sáng.
Tôi muốn nói với hết những người đang ngủ rằng
ngủ cũng phải ngủ có giờ.

Tôi phải thổi kèn như thế cho tới tận đêm bít bùng
cho tới khi tôi có thể nghe vọng tới tôi
tiếng nói của cả ngàn kèn trompet xa xăm.
Hay của một vị tổng thiên thần vô hình nào đó.



Ký ức cuộc đời


Nằm dưới lòng đất và nhớ về cuộc đời –
những bữa ăn tối thịnh soạn và những đêm rỗi rãi trong vườn,
hay những Chủ nhật mùa đông khi nằm dài trên giường
anh ngao du mãi tận trang cuối một cuốn sách.

Nhớ lại sau khi anh chết, như thế nào những bà con thân thuộc,
vốn chẳng chuyện trò qua lại, nay gặp nhau và ngất lịm trong bếp,
như thế nào sau đó anh em đã đưa anh qua khắp đường phố
theo nhịp chậm của ban kèn đồng thành thị.

Nằm dưới lòng đất, và qua những nắm xương của mình,
như thế nào anh nghe nước chảy, nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc
là có được một người anh em họ xa đến giẫy cỏ
quanh mộ và nhỏ chút nước mắt cho anh.

Còn vợ anh, người anh từng điên cuồng tin cậy cho đến cùng,
cô ta đang mở cửa đón một người khác, thì con người vẫn thế,
và tiếng thì thầm từ căn phòng của anh giờ đây vọng đến tai anh –
không cách gì anh không lắng nghe hơi thở của hai người.

Tháng ngày vang ầm phía trên anh như những cái thùng rỗng,
nhưng người anh yêu lại thì thầm kêu tên anh những ngày Chủ nhật.
Rồi một chấm màu đỏ cam của vú nàng ôm quanh anh –
từ hai quả cam kia, cười cợt và tròn quay.


_________________________
[***]Bản Việt ngữ “Tiếng kèn đêm” được dịch cách nay đúng 17 năm trên đường đi từ Portland trở về Salt Lake City. Tập thơ The Wings of the Messenger là một trong những cuốn người dịch mua được vào một ngày cuối tuần ở Chợ Sách bày trên nền một công viên đẹp ở trung tâm thành phố này, không quá xa Nhà hát Portland Coliseum [nơi người Mỹ từng chào đón ban nhạc The Beatles: xem “Portland Coliseum” của Allen Ginsberg trên Tiền Vệ]. Người mua ở đây có thể thong thả vừa lục tìm sách đủ loại, vừa nhâm nhi một tách cà phê...



-----------------
“Nỗi buồn”, “Tiếng kèn đêm” và “Ký ức cuộc đời” dịch từ bản tiếng Anh “Sadness”, “Evening Trumpet” và “Memory of life” của Roland Flint và Lyubomir Nikolov trong Boris Xristov, The Wings of the Messenger (Sofia: Petrikov Publishers, 1991).



Source : Tiền Vệ

Simon Van Booy: những con chim nhỏ

Những Con Chim Nhỏ

SIMON VAN BOOY
Simon Van Booy: những con chim nhỏ

Lưu Diệu Vân & Hoàng Chính : chuyển ngữ


Tôi vừa tròn mười lăm tuổi khi thức giấc sáng nay. Mỗi năm qua như một
lần khoác thêm lớp áo mới lên trên những lớp cũ. Để đôi khi tôi thọc
tay vào những chiếc túi ấu thơ và moi ra những món đồ.

Từ cửa tiệm trở về Michel nói để ăn mừng chúng tôi có thể đi coi phim
hay ăn ở McDonald’s trên đại lộ Voltaire. Michel không phải là cha
ruột của tôi. Ông lớn lên ở Paris và đã có một thời gian ở tù. Trước
đây ông quen sống một mình, nhưng sau khi đã sống chung với nhau một
thời gian lâu, tôi nghĩ ông ấy không thể sống thiếu tôi nữa.

Chúng tôi ở Paris, tôi nghĩ tôi sinh ra ở đó, nhưng tôi cũng không
chắc. Mọi người nghĩ tôi là người Hoa, tôi cũng có nét giống người
Hoa, nhưng Michel bảo tôi còn nhiều chất Tây hơn cả bánh mì Tây nữa.

Đó là chiều ngày sinh nhật của tôi nhưng vẫn là buổi sáng của đời tôi.
Tôi dạo bước trên Ponts des Arts. Đó là một cây cầu gỗ nhỏ nơi đám du
khách người Mỹ ngồi trên những chiếc ghế mây đầy mầu sắc, nhâm nhi
rượu. Cho dù mới chỉ mười lăm tuổi, chưa có bạn gái, tôi vẫn có thể
nhận ra ai đang yêu ai khi nhìn họ.

Một người đàn bà ngồi xe lăn đang được chồng đẩy ngang chiếc cầu. Họ
đang yêu nhau. Chỉ có hai bánh sau lăn trên những thanh gỗ. Người
chồng kéo nghiêng chiếc xe lăn về phía mình như thể thân thể anh ta
đang uống từ thân thể người vợ. Tôi ước gì ông ấy có thể nhìn thấy mặt
vợ mình. Bà ta níu lấy một một nhúm khăn giấy. Trông họ giống người
Đông Âu. Tôi đoán thế bởi họ ăn mặc tươm tất nhưng kiểu quần áo đã lỗi
thời. Tôi muốn nghĩ rằng đây là lần đầu tiên họ đến Paris. Tôi có thể
tưởng tượng ông ta sau đó, cố gắng đỡ bà vợ ra khỏi xe lăn trong căn
phòng xám của khách sạn với những chiếc màn nhăn nhúm đang bị gió thổi
căng phồng. Tôi có thể hình dung thấy người đàn bà trong vòng tay
chồng. Ông ta sẽ thận trọng đặt vợ lên giường như đặt lên một dòng
sông chảy chậm.

Một người đàn ông vô gia cư dơ dáy đang ngồi xổm với những du khách
Mỹ, kể chuyện cười bằng thứ tiếng Anh què cụt. Anh ta không nhìn những
cặp chân cạo sạch của các cô gái mà chỉ ngắm chai rượu uống dở dang
cùng miếng phó mát chua. Đám người Mỹ có vẻ vui tính và giả bộ cười
đùa; tôi nghĩ bí quyết của một cuộc sống tươi đẹp là hãy châm chước sự
thật một chút và hy vọng rằng bất cứ phút giây nào đó, chúng ta cũng
đều có thể được tái sinh.

Cầu Ponts des Arts làm bằng gỗ, nếu nhìn qua khe hở những tấm ván, bạn
sẽ thấy thuyền bè lướt qua phía dưới. Thỉnh thoảng những tia chớp nhá
lên từ dưới tầu lúc du khách chụp hình cho nhau, đôi khi họ không nhắm
máy vào cảnh nào mà chỉ bấm một cách vu vơ - Tôi thích loại hình ảnh
này nhất, chẳng phải vì tôi có máy chụp hình - nhưng nếu có, tôi sẽ
chụp đại những tấm hình không nhắm vào đâu. Bạn đâu có thể ghi nhận
cuộc đời đầy sức sống qua cách nào khác hơn thế.

Michel làm việc trong một cửa tiệm ở trung tâm Pigalle. Bên ngoài tiệm
là một mũi tên chớp nháy với chữ SEXY bằng đèn nê ông mầu đỏ. Michel
đã có cửa tiệm này từ khi tôi có trí nhớ. Ông cấm tôi lại tìm ông ấy ở
đó, dẫu vài lần từ góc đường, tôi thấy ông ngồi ở bàn làm việc. Michel
thích đọc thơ của Giorgio Caproni, một nhà thơ đã qua đời, nhưng
Michel bảo ngôn ngữ của nhà thơ như những con chim nhỏ quấn quýt và
hót líu lo bên tai mình.

Nếu bạn thấy Michel, bạn có thể nhận ra ngay lúc ông băng qua đường vì
ông có một cái sẹo từ khóe miệng dài lên má. Ông kể ông bị cái thẹo ấy
khi vật lộn với cá sấu ở Mississippi, nhưng bây giờ đã mười lăm tuổi,
mỗi khi nghe kể tôi chỉ cười cho qua.

Michel có người bạn tên Léon, người này đôi khi ngủ đêm lại với chúng
tôi vì uống rượu nhiều quá, nên vợ ông ta không cho vào nhà - dù ông
ta luôn tìm cách giải thích rằng vì vợ ông ta có những giấc chiêm bao
quá đẹp nên ông ta không muốn lạng quạng đánh thức vợ dậy lúc nửa
khuya. Một đêm kia, khi Michel ở trong nhà tắm, Léon kể cho tôi nghe
vì sao Michel bị sẹo trên mặt.

"Trước khi mày về sống với Michel," Léon thì thào, "Có một cuộc ẩu đả
dữ dội trước cửa tiệm của Michel. Đương nhiên là anh ta chạy ra để
giải hòa." Ông ngừng lại để lôi một chai rượu vang nhỏ ra khỏi túi áo
ngực. Mỗi người chúng tôi nhắp một ngụm, rồi Léon kéo tai tôi sát lại
cái miệng đầy hơi rượu của ông ta. "Anh ấy tìm cách cứu một cô gái
điếm đang bị đánh, nhưng cảnh sát lại trễ quá và mấy thằng ngốc cảnh
sát ấy lại bắt giữ Michel, bỏ mặc cô gái bị ngộp chết một mình." Rồi
chúng tôi nghe tiếng chân của Michel ngoài hành lang và những tiếng
thì thào vĩnh viễn biến đi trong cái hoang loạn của gã say rượu.

Michel dám siết cổ Léon nếu ông ấy biết gã say đã kể cho tôi nghe
nhiều như thế, bởi ông cứ hành động như thể tôi không hay biết bất cứ
chuyện gì, cho tới khi tôi bước chân vào Sorbonne, trường đại học lâu
đời nhất Paris, tôi sẽ bỏ cuộc sống này lại phía sau và chỉ thăm ông
vào dịp lễ Giáng Sinh với quà cáp mua ở những tiệm sang trọng ở đại lộ
Montaigne và Champs Élysées. "Khỏi cần gói," Michel có lần đã trầm
trồ. "Mấy cô gái bán hàng sẵn sàng gói cho mình ngay trong tiệm."

Tôi thích rảo bước quanh nhà thờ Đức Bà, tọa lạc ngay trên hòn đảo
riêng của mình. Tôi thích ngắm du khách trầm trồ ngưỡng mộ nét đẹp
cong cuốn của khung cửa đá. Nó gợi cho tôi nhớ đến chiếc bánh cưới đẹp
đến nỗi ta không nỡ ăn - dù bầy bồ câu đói khát thường xuyên biết rõ
sự thật, bởi hàng trăm con đậu trên những cạnh viền trắng dơ dáy thả
phân xuống bên dưới, mổ chiếc mỏ dẻo dai vào mặt đá cẩm thạch.

Đôi khi du khách vào nhà thờ cầu nguyện. Khi tôi còn rất nhỏ, Michel
thường quỳ ở cạnh giường tôi nghĩ rằng tôi đang say ngủ. Tôi có thể
nghe ông cầu nguyện với Chúa cho tôi. Ông gọi tôi là hạt Đậu Phụng bé
nhỏ, thế nên tôi không chắc Chúa có hiểu ý Michel muốn nói về ai,
nhưng nếu thật sự có Chúa thì ngài chắc thấu hiểu mọi sự là tên tôi
không phải là Đậu Phụng.

Sau khi hút thuốc trên bậc đá nhà thờ Đức Bà và đá lông nheo với cô
gái Ý đang ngồi làm kiểu cho bạn trai chụp hình, tôi vào vườn bách
thảo. Michel và tôi thường tới đây vào Chủ Nhật từ dạo tôi bắt đầu có
trí nhớ. Có lần tôi ngủ quên trên cỏ và Michel nhét đầy hoa vào túi áo
tôi. Hôm nay tôi mười lăm tuổi và tôi ngồi kiểm điểm lại đời mình. Cho
dù tôi muốn vào đại học để mai sau có thể mua cho Michel một chiếc xe
mui trần mầu đỏ, khi tôi nhớ lại những ngày Chủ Nhật trong vườn Bách
Thảo, tôi muốn làm cho mọi người những điều họ không thể nào quên. Có
thể đó là điều tốt đẹp nhất tôi có thể làm trong đời mình. Trời âm u
nhưng những đóa hoa thì nở rộ.

Loài hoa có thể chất chứa sắc mầu ấy trong những phiến cánh mảnh mai
một cách kỳ diệu.

***

Cửa tiệm của Michel bán băng và đĩa hình của những người đàn bà gần
như trần truồng làm tình hầm bà lằng với đủ loại đàn ông. Michel bảo
tình dục nhiều khi khác hẳn tình yêu, và ông ấy không bao giờ mang thứ
gì về nhà; ông bảo những gì xảy ra ở Pigalle, sẽ giữ lại Pigalle. Đôi
lúc, khi tôi đứng bên đường nhìn sang phía Michel, những cô gái điếm
đi qua buông lời gạ gẫm. Tôi bảo họ tôi có người bạn làm trong ngành
công nghiệp ấy, họ cười và mời tôi hút thuốc. Tôi đặc biệt là bạn của
một cô gái điếm tên Sandrine và cô ta nói cô ta đủ già để làm bà tôi.
Cô ta mặc một cái váy nhựa bóng loáng và áo rất hở ở phía trên. Tôi
không thể đứng nói chuyện với cô ở cửa vào vì sẽ không tốt cho công
việc. Làn da chân cô giống da thuộc, nhưng cô là một người vô cùng
thực tế. Cô biết Michel và kể tôi nghe là Michel có lần phải lòng một
cô gái điếm, nhưng chuyện chẳng đi đến đâu. Năm mười hai tuổi, tôi tìm
cách hỏi tên của cô gái, nhưng Sandrine ôm lấy đầu tôi trong hai bàn
tay thì thầm rằng cô ta chết rồi và câu chuyện kết thúc ở đó.

Tôi muốn biết thêm về cô gái ấy bởi vì Michel chưa bao giờ có bạn gái,
chắc hẳn cô ta phải đặc biệt lắm. Đôi khi Sandrine mua cho tôi một
cuốn sách và gửi tạm một cô gái nào đó trong lúc làm việc. Cuốn sách
mới nhất mà cô mua cho tôi tựa đề Người Đàn Ông Gieo Hy Vọng và Trồng
Hạnh Phúc.

Vào buổi chiều u ám ngày sinh nhật thứ mười lăm của tôi, tôi thấy
Michel ngồi ở quầy đọc sách. Nếu biết tôi có mặt ở đây, ông sẽ giận
lắm và bộc lộ sự giận dữ bằng cách không thèm nói chuyện với tôi cả
ngày. Và ông sẽ không muốn bước chân ra ngoài nữa dù là ngày sinh
nhật.Tôi nhìn từ phía trong một đám đông đầy những bóng người. Michel
đang đọc sách. Trong cuốn thơ của Caproni, ông viết đầy những câu thơ
nhỏ bé của mình bên lề trang giấy. Có lần, trong một giây phút ngu
ngốc, tôi mở một cuốn sách của ông ta đọc; ông giật vội khỏi tay tôi
làm cuốn sách rách toạc. Cả hai chúng tôi cùng hết sức nổi giận.

Michel bảo thơ của ông không dành cho tôi - rằng chúng như bầy chim
được tạo ra để bầu bạn với những con chim khác. Khi tôi hỏi vậy chứ
thơ của ông dành cho ai, một giọt nước mắt lẻ loi trào ra chảy xuôi
theo vết sẹo.

Còn bốn tiếng nữa là đến giờ tan sở của Michel. Ông muốn về nhà sẽ
thấy tôi đang ngồi coi TV và đã sẵn sàng để ra ngoài. Ông ấy bảo tối
nay tôi có thể đi bất cứ nơi nào tôi muốn, nhưng tình hình tài chánh
cũng hơi hạn hẹp. Tôi nghĩ ông mua cho tôi một đôi giầy mới vì tôi
thấy một hộp đựng giầy Nike mới dưới gầm giường lúc tôi hút bụi. Tôi
không mở ra xem. Tôi thích không được biết trước.

Tôi biết Michel đã dành dụm cho buổi tối hôm nay từ hai tháng trước.
Trong ngăn tủ dưới chậu rửa bát có một chai rượu đựng đầy tiền. Khi
hàng xóm nghe tiếng chai rượu vỡ trong căn hộ của Michel, người ta sẽ
biết đang có sinh nhật ai đó. Láng giềng của Michel thích ông dù họ
cần một thời gian để làm quen với vết sẹo trên mặt và ý tưởng là ông
đã có thời gian ở tù.

Chúng tôi ở khu phố 11. Các quận phố cuộn quanh Paris như một vỏ ốc.
Sandrine chưa có mặt ở cửa tiệm hoặc cũng có thể cô đã có khách rồi
cũng nên. Michel vừa tiếp khách hàng vừa đảo điếu thuốc trên môi. Điếu
thuốc do ông tự cuốn lấy và ngửa đầu thở khói.

Trên đường về nhà, tôi luôn đi qua trung tâm Pompidou. Nếu mới trông
thấy lần đầu, bạn sẽ tưởng nơi ấy đang xây cất dở dang, nhưng đó là
cách người ta cấu trúc, và bạn có thể nhìn thấy phía bên trong qua
những bức tường kính khổng lồ. Tôi thích nhìn đám du khách luồn lách
qua trung tâm ấy như những con kiến trong tổ. Phía ngoài là một cái
chậu mầu vàng lớn như chiếc xe chở bánh mì. Chưa có ai trồng thứ gì
trong đó, thành ra nó chỉ dùng làm cảnh.

Michel bảo tôi rằng hôm nay là sinh nhật thứ mười lăm của tôi, nhưng
ông cũng không chắc lắm. Không ai biết chắc. Câu chuyện về sự gặp gỡ
của chúng tôi cũng đầy sự thích thú.

Michel bảo lúc chưa có tôi, ông ấy hư hỏng lắm, nhưng rồi tôi đã giúp
thay đổi tất cả. Ông kể vào cái hôm ra tù, đang đi trên xe điện ngầm,
lúc đó tôi khoảng ba tuổi - hoặc chỉ là do ông ta đoán vậy. Ông bảo
mọi chuyện xảy ra trong tích tắc. Cửa xe điện đóng lại, và tôi đứng
đó, nhìn ông. Ông kể bố mẹ tôi đứng trên thềm ga, đập rầm rầm trên cửa
kính và la hét. Ông kể có lẽ tự mình tôi bước vào toa xe và cửa toa
đóng lại trước khi bố mẹ tôi kịp níu lấy tôi. Tôi thường hỏi ông bố mẹ
tôi ra sao, và ông luôn lộ vẻ buồn. Ông nói bố mẹ tôi là những người
thanh lịch nhất mà ông từng có dịp trông thấy. Ông bảo mẹ tôi là một
nàng công chúa Á Châu mặc một áo lông sang trọng nhất với son môi đỏ
tới mức tưởng chừng đôi môi bà bốc cháy.

Michel bảo mái tóc đen của bà viền quanh khuôn mặt, như thể chúng bị
đe dọa bởi nhan sắc của bà và không dám lại gần. Ông bảo cha tôi là
một người Mỹ cao lớn với một bộ y phục đắt tiền nhất đã từng được đo
may. Michel bảo cha tôi có dáng vẻ của một người quyền thế, nhưng lại
quá đẹp trai khiến vẻ quyền thế kia bị mờ nhạt. Ông bảo bố mẹ tôi khóc
lóc và đập cửa kiếng xe điện như hai đứa trẻ; ông bảo ông chưa bao giờ
thấy ai đau khổ như thế.

Michel nói tôi khóc khi xe điện ngầm bắt đầu di chuyển và ông ở lại
trên xe điện cho đến trạm cuối cùng để xem chuyện gì xảy đến cho tôi.
Ông nói ông đem tôi về nhà và tôi đã khóc suốt một năm trời như mưa
vậy. Ông bảo hàng xóm lũ lượt kéo đến xem chuyện gì xảy ra. Lớn hơn
một chút, tôi giận dữ với Michel vì đã không bỏ công tìm bố mẹ tôi, và
tôi tưởng tượng họ sống trong một lâu đài ở New York, nơi họ không
buồn thắp đèn đóm cho đến khi nào tìm thấy tôi. Michel kể cho tôi nghe
là ông đã bỏ ăn bỏ ngủ tìm kiếm bố mẹ tôi suốt một tuần lễ nhưng sau
cùng khám phá ra bố mẹ tôi đã tử nạn trong một tai nạn máy bay ở
Buenos Aires. Trong cái ví lúc nào tôi cũng mang theo một bản đồ
Argentina mà tôi đã xé ra từ một cuốn sách thư viện. Đôi lúc tôi rà
ngón tay dài theo những thành phố trên bản đồ và tự hỏi đây có phải
nơi máy bay rớt xuống hay không.

Năm tôi lên chín, Michel cho tôi quyết định có nên vào viện mồ côi
không nhưng ông giải thích cho tôi rằng ông cũng lớn lên trong một nơi
như thế và chẳng có gì là thú vị cả.

Tôi thích đi xe điện ngầm dù những băng con trai Algeria thỉnh thoảng
nhổ nước miếng vào người tôi. Khi xe điện ngừng ở trạm mà Michel gặp
tôi ngày trước, bao giờ tôi cũng ngó ngược ngó xuôi một cách hoảng
hốt. Tôi không kiềm chế được mình. Michel bảo bố mẹ tôi là những người
lịch thiệp và nhân từ nhất mà ông đã từng gặp, và lớn lên tôi cũng nên
như họ. Một trong những cô bạn gái điếm của Sandrine có lần bảo tôi
giống Annie Lee, Sandrine tát cô ta làm cô ta im miệng. Có thể mai mốt
khi lớn lên tôi sẽ hỏi Sandrine xem Annie Lee là ai.

Căn hộ của chúng tôi ở khu 11 rất cơ bản. Tất cả mọi cửa sổ đều mở vào
một khoảng sân chung với những cửa sổ khác. Khi tắt đèn, chúng tôi có
thể thấy đời sống của người khác phô bày lộ liễu. Đời sống một người
cũng như đoạn phim quay chậm, và tôi chứng kiến láng giềng tôi cãi cọ,
làm hòa, ân ái, và chiên thịt. Tôi có thể đoan chắc một trong những
người láng giềng của tôi không hạnh phúc, vì ông ta ngồi cạnh cái điện
thoại, chốc chốc lại cầm lên nghe thử xem có tiếng vo vo quen thuộc
không, nhưng cái điện thoại ấy không bao giờ reo khi người đàn ông ấy
ở nhà. Michel bảo vợ của người đàn ông ấy bỏ đi, và nếu có lúc nào đó
tôi không biết cầu nguyện cho ai, tôi nên cầu nguyện cho người đàn ông
ấy.

Tôi nghe tiếng chìa của Michel vặn khóa.

"Chúc mừng sinh nhật, Đậu Phụng!" là những chữ đầu tiên thoát khỏi cửa
miệng Michel. Ông ta hôn lên hai má tôi và bảo tôi sửa soạn. Tôi tắt
ti vi và tìm đôi giầy cũ sau cánh cửa. Chúng không có ở đó. Michel vừa
mồi điếu thuốc vừa cười.

"Tìm dưới gầm giường xem có không." ông nói.

Tôi đoán đúng, và tôi reo lên từ trong phòng ngủ để Michel biết tôi đã
tìm thấy. Tôi muốn biết đôi giầy có vừa chân không. Tôi thích cái mùi
của giầy mới.

Tối nay tôi mong mỏi sẽ được ăn một cái hamburger kiểu Mỹ loại mà ba
tôi có lẽ rất ưa chuộng. Có thể chúng tôi sẽ đi xem một phim Mỹ. Men
in Black II đang chiếu khắp Paris. Khi tôi bấm máy hát và nhìn mặt
mình trong gương, tôi nghe tiếng mở nút chai trong nhà bếp và tiếng
vài người hàng xóm reo vui qua những khung cửa sổ mở rộng.

Michel gõ cửa và ló đầu qua khung cửa.

"Prêt?" ông nói, và tôi bảo mình đi thôi.

Chúng tôi cầm tay nhau đi trong ánh chiều tà. Paris không bao giờ tối
hẳn bởi vì khi ánh sáng của ban ngày tan đi, chúng tôi lại có ánh đèn
đường – thường rất rực rỡ - gắn trên những cột đèn cao mầu đen, mỗi
ngọn đèn là một đôi bóng trắng tỏa sáng thân thiết suốt chiều dài con
phố. Đôi khi chúng thắp sáng cùng một lúc, như thể cùng với nhau chúng
có thể xua tan bóng đêm.

Tôi biết Michel thích cầm tay tôi, nhưng bây giờ tôi lớn rồi, chuyện
ấy không còn hợp nữa, thay vào đó, Michel hút thuốc và bảo tôi dù đời
tôi có trôi giạt đến đâu, ông cũng sẽ luôn nhớ đến tôi một cách chân
tình.

Tôi thầm hỏi Michel có phải là một nhà thơ nổi tiếng không. Thầy giáo
tôi bảo thi sĩ xuất thân từ mọi nẻo đời và tài năng của họ do trời ban
cho. Tôi tự hỏi không biết người ta rồi có vây quanh mộ của Michel ở
nghĩa trang Père-Lachaise vài trăm năm sau. Tôi tự hỏi không biết
người ta có đặt những câu thơ họ viết bên bia mộ của Michel và thầm
cám ơn ông đã gửi đến họ những con chim nhỏ, hót cho họ nghe trong
những phút giây đen tối của cuộc đời.

Michel mua vé coi phim bằng tiền lẻ để dành trong chai rượu. Cô bán
hàng không tỏ vẻ khó chịu. Con mắt trái cô ta bị lé. Cô ta luồn tấm vé
ra cho Michel mà không đếm đống tiền cắc. Cô ta nhìn cái sẹo của
Michel lúc chúng tôi đi lướt qua khung kính quầy vé. Michel đưa vé cho
người soát vé. Hắn ta xé đôi tấm vé. Michel bảo giữ lại cái đuôi vé
nên tôi mở ví và mảnh bản đồ Argentina rơi ra. Michel nhanh nhẹn nhặt
lên ngắm nghía. Tôi vồ vội lấy miếng giấy và nhét vào ví.

"Những con chim nhỏ của Đậu Phụng." Ông cười.

Rồi chúng tôi vào chỗ ngồi và tan biến vào cuốn phim đang chiếu.


Lưu Diệu Vân & Hoàng Chính

chuyển ngữ từ nguyên bản Little Birds

trong tập truyện The Secret Lives of People in Love)



Source : www.hopluu.net.

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

ĐỖ QUYÊN - Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức Hậu hiện đại Việt

(Tham luận )

Đến trường phái thơ Việt
từ cảm thức Hậu hiện đại Việt



ĐỖ QUYÊN



Vài năm nay, người Việt ở khắp nơi, trong và cả ngoài văn giới, tranh luận rất nhiều về trào lưu Hậu hiện đại (Postmodernism) như một nan đề. Dù đồng ý hay không đồng ý với nó, ai cũng mong muốn cần đổi mới trong xu hướng văn chương của Việt Nam và mang tinh thần thế giới.

Theo dòng chảy của tri thức và sinh hoạt văn hóa, các trường phái văn nghệ sinh ra là để... chết. Chết khi hết vai trò. Và lưu lại trên sân sáng tạo của ngôi nhà nhân loại một viên gạch của riêng mình.

Nói về trường-phái-nhóm thơ theo cùng thi pháp, phong cách, hơn một thế kỷ qua ở Tây phương, nhất là Pháp, Mỹ đã từng rực rỡ biết bao mặt-trời-thơ nhỏ to khác nhau. Với thơ Việt, từ sau thời Thơ Mới tới thời hiện đại rồi Hậu hiện đại, cũng đôi lúc lấp lánh các vì sao lạ, dự phần tỏa sáng bầu trời thơ ca nước nhà.

Trước 1975: Hai “khuôn viên văn nghệ” là nhóm thơ Bình Định 1936-45 (đưa tới trường thơ Loạn) và nhóm Sáng Tạo 1956-65 đều không là các tập hợp văn học về thi pháp có tính cách mạng mỹ học như hai nhóm Xuân Thu Nhã Tập 1939-42 (cả lý thuyết và thực hành), và nhóm Dạ Đài (với tuyên ngôn Tượng trưng 1946, được hội thảo quốc tế 2006 của Viện Văn học Việt Nam 1 xem xét - có lẽ lần đầu? - như một thi phái Việt chưa kịp thực hành.)

Sau 1975: Nhóm thơ Tân hình thức Việt 2 với lý thuyết và thực hành gây tiếng vang đáng kể trong thi giới, từ ngoài nước tới trong nước, kể từ năm 2000 đến nay. Mới nhất là tuyển tập song ngữ Thơ Kể - Poetry Narrates (NXB Lao Động, 5-2010) với 22 tác giả Việt toàn cầu. Đây là tuyển tập thứ hai, và là đầu tiên in ở trong nước, của thơ Tân hình thức Việt. Nhóm thơ Mở Miệng ra đời 2001, tạo “tăm tiếng cùng tai tiếng” trên báo chí, trang mạng văn nghệ các năm 2003-06 và cả tới nay, nhưng chủ yếu là ở các vấn đề “ngoài thơ”.

Đã mươi năm rồi, một cao trào – với đúng nghĩa của nó – mang tên Hậu hiện đại, được thực hiện ở văn học Việt, nhất là thơ và tiểu thuyết, trong lẫn ngoài hình chữ S, có tới hàng chục người viết cứng cỏi. Ngay trong dòng chính cũng ngày một tăng, với Nguyễn Bình Phương và Mai Văn Phấn, với Inrasara và Thuận, với Nguyễn Quang Thiều và Lê Anh Hoài, v.v... Đó là chưa tính các tay bút vang danh từ thời Đổi mới có các dấu hiệu Hậu hiện đại như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài...

Về sách xuất bản, dù chưa nhiều để giới sáng tác tham chiếu, cũng đã có một số khảo cứu, giới thiệu vấn đề Hậu hiện đại của các nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc, Trần Quang Thái, Hoàng Ngọc-Tuấn, Phương Lựu, Nguyễn Văn Dân... và sách dịch của các dịch giả Ngân Xuyên, Nguyễn Ước, Trần Tiễn Cao Đăng...

Lãnh vực phê bình văn học và phê bình truyền thông cũng đạt mức trào lưu với đóng góp hữu hiệu của rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình như Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Xuân Nguyên... Có lẽ chỉ còn yếu về phê bình hàn lâm, nghiên cứu bài bản, giảng dạy khoa bảng?

Nhưng, tư duy Hậu hiện đại Việt vẫn còn như một thách đố, chưa được nhiều người sáng tác, phê bình và nhất là độc giả nhìn nhận là cơ sở của một dòng văn-học-thật. Mà bị coi như thứ dị ứng xã hội bằng chữ nghĩa, như lối quậy phá văn chương truyền thống, mẫu mực và hiện đại, hay như một thứ giả-văn-học. Qua một số bài vở đáng chú ý gần đây (Những bài giới thiệu các nhà thơ Hậu hiện đại Việt của nhà thơ-nhà bình luận Inrasara 3; Phỏng vấn trên báo mạng Tổ Quốc và trên Tạp chí Thơ (Hội Nhà văn VN) của nhà nghiên cứu Trần Thiện Khanh; Mới nhất là thảo luận bàn tròn trên mạng của nhà thơ Phan Nhiên Hạo 4), chúng tôi thấy cái khó ló ra từ văn hóa tiếp nhận, từ cách đọc của người Việt, chứ chưa hẳn do văn phong hay nội dung của văn chương Hậu hiện đại Việt.

Chẳng hạn... Câu hỏi dễ nảy ra: trong 18 thi sĩ của danh-sách-Inrasara ở cuốn “Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại”, những ai Hiện đại, những ai Hậu hiện đại, những ai từ Hiện đại đến Hậu hiện đại, và đoán trước những ai Hậu hậu hiện đại?

Rồi đến việc mỗi tác phẩm, ngay cả của một tác giả, thường có một bút pháp riêng. Ai cũng kêu trời đất rằng, Hậu hiện đại quá nhiều sách vở lý thuyết, cuốn nọ cãi cuốn kia. Nó đa thanh tới mức không thể đồng thanh trong một lý thuyết văn hóa chỉnh tề.

Còn ý thức Hậu hiện đại? Lưng lạc đà chất gì lên cũng được! Không là trường phái, Hậu hiện đại không có phương pháp luận ổn định và nghiệm đúng cho mọi tác giả, cho mọi tác phẩm của một tác giả. Không chừng đó là “Phản Hậu hiện đại”? Mà Phản Hậu hiện đại lại chính là Hậu hiện đại! Trong tất cả các khuynh hướng của văn thơ, chắc chỉ Hậu hiện đại chấp nhận sự phản?

Lại còn một loại phản biện khác, rất là... Hậu hiện đại: “Không cần cổ xúy nữa! Trò chơi Hậu hiện đại đâu còn mới mẻ với các tác giả Việt Nam. Ngay ở chính quốc của thơ Hậu hiện đại là Mỹ, nó đã đi xuống vài chục năm rồi!” Đó là logic rất thường trực trong mọi tranh luận, ở các nơi sự kiện xảy ra sau và các chốn chậm phát triển. Một logic không công bằng! Thuận lý mà bất tình. Là nơi có sở đoản về học thuyết, đương nhiên châu Á và Việt Nam sẽ mãi đi sau phương Tây trong các trào lưu, nhóm phái. (Nếu không muốn nói theo lối cũ: chủ thuyết của phương Đông là không chủ thuyết!) Nhưng không vì thế khi thấy họ bỏ, mình cũng bỏ theo, dù chưa dùng hết cho hợp với xã hội mình, con người mình. Hậu hiện đại Mỹ đi vào thoái trào, xét cho cùng, là việc của người Mỹ. Dân Việt nếu như bỗng “xông lên” cao trào Hậu hiện đại Việt, lại là câu chuyện khác!

Qua biết bao bàn thảo, với chúng tôi, điều “chốt” lại là lập luận như sau của nhà nghiên cứu người Nga Konstantin Kornev 5: “Chủ nghĩa Hậu hiện đại đem lại cho con người phương Đông cơ hội chiến thắng văn hóa Tây phương trong chính mình, chiến thắng tính duy lý Tây phương đã bóp méo ý thức hắn, nhờ chính thuốc trị Tây phương. (...) Như vậy, Hậu hiện đại có hai bộ mặt – Đông và Tây. Cái ở phương Tây là sự tự hủy, thì ở phương Đông lại là sự giải phóng và sự trở về mình.”

Thiết nghĩ, xã hội Việt và văn học Việt có thể còn dai dẳng với các điều kiện Hậu hiện đại 10-20 năm nữa.

Thi ca là triết học cất cánh, bay vào hoặc bay ra trái tim người.

Chúng ta cần có một chương trình nghiên cứu hệ thống và thực dụng về các hướng đi mới-khác-lạ của thơ ca Việt Nam mà trước đây nó chưa đi hết, đến nay nó chưa đi tới...

Văn hóa nào cũng có thơ ca làm tinh hoa. Từ lâu chúng ta thường an phận rằng, văn hóa Việt không có luận thuyết theo quan niệm phương Tây. Trong bốn nhóm, trường thơ Việt Nam xứng danh mà chúng tôi thử đề xuất – đó là: nhóm thơ Bình Định/trường thơ Loạn, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Dạ Đài và nhóm Tân hình thức Việt, thiển nghĩ, nhóm Xuân Thu Nhã Tập 6 đến nay duy nhất có lý thuyết thơ hài-hòa-Đông-Tây và thực hành đủ thuyết phục về chất-thơ; thế nhưng trên thực tế vẫn bị xem là không thành quả. Trái thơ Xuân Thu Nhã Tập hậu thế khó ăn nổi, chỉ nên ngắm và tôn thờ.

Chỉ trong mười năm qua, cũng đã có thêm một số khởi xướng, tìm hiểu và thử nghiệm về cách-làm-thơ-Việt, của những tác giả độc lập chưa được, hay chưa thể, trở thành “trường phái” hoặc trở nên có lý luận. Với sự theo dõi hạn hẹp, chúng tôi muốn dẫn ra các điển hình như Lý thuyết Cấu của nhà thơ-nhà lý luận Khải Minh 7, các thủ pháp, kỹ thuật mới như Thơ phụ âm của nhà thơ Đặng Thân 8, Thơ thực hiện của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt 9, và của đôi ba thi sĩ khác nữa mà hầu hết đều chuyên chở các yếu tố Hậu hiện đại.

Cuối cùng, xin mạnh dạn đề nghị “Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài” lưu tâm một đề tài xứng đáng làm vùng sáng trong thơ Việt, cần được thể hiện trên văn đàn quốc tế. Đó là trào lưu trường ca Việt Nam! 10

Quan niệm rằng, thể loại như một thi pháp, cảm hứng chủ đạo như một phương pháp, chúng tôi chia sẻ cùng nhận định của nhà nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn 11, “về thể loại, sự bùng nổ của trường ca có lẽ là hiện tượng đáng kể nhất của thơ Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 20 đến giờ”.

Với thống kê sơ bộ còn nhiều thiếu sót, danh sách tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam của chúng tôi cho thấy, kể từ thời Thơ Mới tới nay, có 123 nhà thơ Việt Nam đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài có ý nghĩa tương đương. Trong danh sách này, một cách tương đối, có thể xem Phạm Huy Thông là trường ca gia Việt Nam đầu tiên với tác phẩm nổi tiếng “Tiếng Địch Sông Ô” ra đời năm 1935, và mới nhất là Trương Thìn với “Mấy Cõi Rong Vui” vừa ra mắt ở TP HCM vào giữa tháng 5/2010. (Mời coi phần Phụ Lục).

Đội ngũ các nhà trường ca Việt đó từng có cả một “trung đội” lừng danh từ những năm tháng khói lửa chiến tranh 1962-75 và sau đó vài năm là Thu Bồn và Thanh Thảo, là Nguyễn Khoa Điềm và Hữu Thỉnh, là Anh Ngọc và Nguyễn Đức Mậu... được nối tiếp tới thời hậu chiến là những Trần Mạnh Hảo và Thi Hoàng, Nguyễn Trọng Tạo và Hoàng Trần Cương, Trần Anh Thái và Nguyễn Quang Thiều... Còn Trần Dần và Lê Đạt - hai tác giả quan trọng khác của trường ca Việt - thì đã đưa thể loại văn học ngoại cỡ này tới tầm kích lạ lẫm về ngôn từ và sâu sắc về nhân sinh. Ở ngoài nước, ít ỏi không thành phong trào, nhưng cũng có các tác giả với những đóng góp thay đổi cần thiết về cả hình thức, cấu tứ lẫn nội dung, cảm hứng của trường ca Việt; đó là Du Tử Lê và Cao Đông Khánh, là Trần Nghi Hoàng và Đỗ Quyên.

Trường-phái-trường-ca-Việt-Nam – nếu có thể gọi như vậy – đặc sắc và Việt tính! Đó không là một tập hợp có chủ định, có đường hướng của nhóm các thi sĩ chung phương pháp, quan niệm theo một nhóm phái thông thường. Đó là phản ứng dây chuyền sáng tạo“đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” có ý thức của từng nghệ sĩ hòa cùng cảm xúc tráng ca của đất nước và sử thi của dân tộc trong một thời đại bi hùng của nhân loại. Qua thập niên đầu thế kỷ 21, con sông trường ca Việt hiện đại ấy cũng trở mình theo tâm thức chung của văn học Việt Nam và thế giới, từ thể tài, cấu trúc đến giọng điệu, ngôn ngữ12. Và, lẽ tự nhiên, đã có không ít biểu hiện của trường ca Việt mang gương mặt Hậu hiện đại.

Văn giới Việt đang tung mở. Thi hứng Việt đang bung nở. Thúc đẩy các khuynh hướng, trào lưu thơ Việt đương đại cũng là hiện đại hóa một dân tộc thi sĩ, một đất nước thơ ca.

Vì một dòng thi ca Việt Nam trên cơ sở của lý thuyết, của phương pháp!

Để cùng dựng lên Làng Thơ Việt trong Làng Văn hóa Toàn cầu... *)


Canada & Việt Nam, 1/12/2009 – 7/7/2010

ĐỖ QUYÊN



*) Tu chỉnh từ Tham luận cho “Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài 4—10/1/2010, Hà Nội, Việt Nam; và bổ sung phần Phụ Lục so với bản đã đăng trên Tạp chí Sông Hương số 257, tháng 7/2010.



Tài liệu tham khảo:



1 Hồ Thế Hà: Quan niệm về thơ của nhóm Dạ đài (vienvanhoc.org.vn)

2 Đặng Tiến: “Tân hình thức nhịp đập của thời đại” (thotanhinhthuc.org)

3 Inrasara: Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại (inrasara.com)

4 Phan Nhiên Hạo: Văn chương hôm nay nhìn từ ngoài lề (litviet.com)

5 Konstantin Kornev (Ngân Xuyên dịch): Chủ nghĩa Hậu hiện đại phương Tây và phương Đông (chungta.com)

6 Lê Thụy Tường Vi: Chủ nghĩa siêu thực và Xuân Thu Nhã Tập (khoavanhoc-ngonngu.edu.vn)

7 Khải Minh: Ngày nào thơ Việt Nam chưa có lý thuyết mới thì… (vanhocnghethuat.org)

8 Đặng Thân: Thơ phụ âm (alliteration) [& tôi] (tienve.org)

9 Nguyễn Tôn Hiệt: Tuyên ngôn về Thơ Thực hiện (tienve.org)

10 Đỗ Quyên: “Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức trường ca Việt” (Bản thảo tiểu luận)

11 Chu Văn Sơn: Thanh Thảo với trường ca (vietvan.vn)

12 Diêu Thị Lan Phương: Yếu tố tự sự trong trường ca trữ tình hiện đại (vienvanhoc.org)




PHỤ LỤC:
123 Tác giả trường ca Việt Nam –


Danh sách phác thảo

(Trích bản thảo sách “Một cách tìm hiểu trường ca Việt Nam”)

Đây đang là phác thảo cho một công việc không dễ dàng - và có lẽ là lần đầu tiên? - về khái niệm “tác gia trường ca Việt Nam”.

Ngoài một số rất ít tác giả là thi hữu đã cung cấp trực tiếp tác phẩm, nguồn tham chiếu chính của chúng tôi hiện là các trang mạng, vì không thể về Việt Nam thường xuyên để cập nhật sách báo đã xuất bản. Thành thật xin lỗi về các thiếu sót chắc sẽ có ở mọi mặt, như tiêu chí tuyển chọn, vấn đề văn bản và xuất bản, v.v… - nhất là với các tác giả hiện chưa có trong danh sách này!

Cũng bởi thế, chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp cũng như thông tin về tác phẩm, tác giả trường ca Việt Nam. Các ý tưởng, thảo luận và bài vở thích hợp – khi được người gửi cho phép - có thể tham gia làm nội dung của cuốn sách. Chân thành cám ơn những cộng tác, giúp đỡ vô giá của quý vị tác giả và bạn văn gần xa!

Thư từ, bài vở xin gửi về: Đỗ Quyên, email: truongcaviet@yahoo.com

Vancouver, cập nhật 7/7/2010





1. Thụy An

2. Duyên Anh

3. Lê Ngọc Bảo

4. Nguyễn Bính

5. Thu Bồn

6. Văn Cao

7. Hoàng Cầm

8. Hoàng Đình Chiến

9. Phan Đức Chính

10. Vũ Thành Chung

11. Hoàng Trần Cương

12. Võ Tấn Cường

13. Trần Dần

14. Xuân Diệu

15. Phạm Tiến Duật

16. Khương Hữu Dụng

17. Nguyễn Duy

18. Lê Đạt

19. Nguyễn Khoa Điềm

20. Nguyễn Hoàng Đức

21. Hoàng Văn Đức

22. Thái Giang

23. Trần Mạnh Hảo

24. Ngọc Thiên Hoa

25. Lưu Quốc Hòa

26. Trần Ninh Hồ

27. Phan Hoàng

28. Thi Hoàng

29. Trần Nghi Hoàng

30. Xuân Hoàng

31. Trần Quang Hiển

32. Cầm Hùng (Thái)

33. Vũ Trọng Hùng

34. Vũ Xuân Hương

35. Tố Hữu

36. Inrasara

37. Ngô Kha

38. Nguyễn Thụy Kha

39. Vũ Anh Khanh

40. Cao Đông Khánh

41. Nguyễn Linh Khiếu
42. Trần Đăng Khoa

43. Huyền Kiêu

44. Trần Tuấn Kiệt

45. Đỗ Trung Lai

46. Du Tử Lê

47. Vĩnh Quang Lê

48. Tam Lệ

49. Viên Linh

50. Hữu Loan

51. Thái Thăng Long

52. Trần Vũ Mai

53. Thế Mạc

54. Nguyễn Đức Mậu

55. Lê Thị Mây

56. Nguyễn Nhật Minh

57. Trần Quốc Minh

58. Trần Hồng Minh

59. Trần Nhuận Minh

60. Giang Nam

61. Liên Nam

62. Ngô Quang Nam

63. Phạm Ngà

64. Nh. Tay Ngàn

65. Anh Ngọc

66. Tô Nhuần

67. Trần Nhương

68. Vũ Đình Ninh

69. Nguyễn Anh Nông

70. Đỗ Xuân Oanh

71. Mai Văn Phấn

72. Nguyễn Khắc Phục

73. Hoài Quang Phương

74. Trúc Phương

75. Viễn Phương

76. Y Phương

77. Lê Huy Quang

78. Phùng Quán

79. Thường Quán

80. Hoàng Quý

81. Lê Minh Quốc

82. Nguyễn Hữu Quý
83. Đỗ Quyên

84. Trần Vàng Sao

85. Lê Ái Siêm

86. Lê Quang Sinh

87. Nguyễn Thái Sơn

88. Lê Vĩnh Tài

89. Nguyễn Văn Tao

90. Nguyễn Trọng Tạo

91. Vương Tâm

92. Kiệt Tấn

93. Tô Ngọc Thạch

94. Mai Nam Thắng

95. Trần Anh Thái

96. Thanh Thảo

97. Nguyễn Đình Thi

98. Quỳnh Thi

99. Nguyễn Quang Thiều

100. Trương Thìn

101. Hữu Thỉnh

102. Phạm Huy Thông

103. Dương Thuấn

104. Đinh Thị Như Thúy

105. Nguyễn Quang Thuyên

106. Phạm Thiên Thư

107. Trần Mạnh Thường

108. Nguyễn Vũ Tiềm

109. Từ Nguyên Tĩnh

110. Hoàng Bình Trọng

111. Vương Trọng

112. Phạm Xuân Trường

113. Thanh Tùng

114. Phạm Nguyên Tường

115. Vũ Xuân Tửu

116. Nguyễn Thế Vinh

117. Trần Thế Vinh

118. Phan Vũ

119. Tạ Vũ

120. Vũ Anh Vũ

121. Lê Anh Xuân

122. Lý Hoài Xuân

123. Ngu Yên





--------------------------------------------------------------------------------

Source : Dien Dan Forum
diendan@diendan.org

Mathilde Tuyết Trần - Đọc lại Hồ Dzếnh

Đọc lại Hồ Dzếnh*



Mathilde Tuyết Trần



…“Cho nên được mang danh là nhà văn, tôi thấy thẹn thùng biết mấy!“

Hồ Dzếnh



Khép cuốn „Chân Trời Cũ“ (xuất bản năm 1942, tái bản năm 1946) lại, tôi đã đọc ngấu nghiến như thưở còn mười ba một cuốn sách cũ, tình cờ moi ra khi tìm sách chất chứa trong các thùng để trên nóc nhà, tôi thấy mình sung sướng như trẻ lại mấy mươi tuổi. Từ giai đoạn Văn thơ tiền chiến trước cái mốc 1945 đến ngày hôm nay tôi ngồi đây mơ về Hồ Dzếnh là đã sáu, bẩy mươi năm rồi còn gì. Các tên tuổi nhà văn, nhà thơ khác nổi hơn tên Hồ Dzếnh, nhưng không làm mất đi một chỗ đứng đặc biệt của ông.

Nếu Khái Hưng chỉ với một câu: „Thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé…anh phải sống.“ đã giữ vững địa vị tuyệt đỉnh của mình trong Tự Lực văn đoàn, thì những ai đang yêu đương mơ mộng, ít nhất là cho đến thế hệ tôi, thường hay nhớ đến một câu thơ lãng mạn…“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân… Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề, Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở…“. Thưở ấy, cái thú yêu thương được hiểu theo nghĩa ấy, yêu mà được yêu lại, lấy nhau, sinh con đẻ cái, rồi hết yêu nhau, thế là không phải một tình yêu đẹp, một tình yêu lãng mạn. Yêu nhau, nhưng bị ngăn cách, cản trở, lại còn thấy mình yêu nồng nàn thêm, giấc mơ kéo dài thêm, không dứt. Các „người em gái“ tóc thề ngang vai thời ấy đều mơ mộng ước chi mình có được một mối tình dang dở. Đó là công trạng của những nhà văn nhà thơ thời văn học lãng mạn như Hồ Dzếnh.

Có được một chỗ đứng trong tim người trải qua nhiều thế hệ không phải là chuyện dễ. Hồ Dzếnh trả giá chỗ đứng ấy bằng cuộc đời thầm lặng, khiêm tốn, chịu đựng những mất mát, những đau thương của chính mình.

Hồ Dzếnh viết văn xuôi, làm thơ. Bài thơ „Chiều“ được Dương Thiệu Tước phổ nhạc là bài nổi tiếng nhất „Trên đường về nhớ đầy...Chiều chậm đưa chân ngày, Tiếng buồn vang trong mây... „ . Nhưng cũng còn những câu thơ khác đầy nhạc điệu trữ tình.

Cảm giác của tôi bây giờ khi đọc Hồ Dzếnh có khác cảm giác của một cô nữ sinh áo dài trắng tuổi ô mai ngày xưa, ngồi trong lớp học, vừa lơ đãng ngắm làn nắng sớm đang len lén rọi vào khung cửa sổ, vừa nghe tiếng cô giáo giảng một bài văn, giọng khi trầm khi bổng.

Những cảm giác buồn mang mác, nhẹ nhàng, tha thiết, rất thơ và rất thật tỏa ra trong các mẫu chuyện ngắn chứa đựng chân dung và cuộc đời của những nhân vật chung quanh Hồ Dzếnh, một gia đình chứa đựng hai nền văn hóa, từ nghèo lên giàu rồi lại trở thành nghèo, như cứ „lên voi xuống chó“.

Nhưng nổi bật hơn cả, ngòi bút Hồ Dzếnh viết nên một sự âu yếm, âu yếm vô cùng, cả đối với những gì gọi là không „tốt“, một người anh Cả nghiện thuốc phiện, một người anh Hai ham phiêu du, một cô em gái lỡ đàng, một người chị nuôi, một con ngựa trắng...Người viết, ngay cả những khi mình đã trưởng thành trong chuyện kể, luôn giữ ánh mắt nhìn của một đứa trẻ thơ không có tuổi, thích nũng nịu, thích bám gấu áo mẹ, cho nên tình thương toát ra từ những hàng chữ mang nét chân thật ngây thơ.


„Mẹ tôi nói dối. mẹ tôi đuổi tôi lên nhà, để mẹ tôi khóc. Lúc tôi chạy xuống bếp lục cơm ăn, thì thấy đôi mắt mẹ tôi đỏ ngầu, vạt áo ướt đẫm.

Tôi ngả vào lòng người, rồi mếu máo:

– Con không đi học nữa, mẹ ạ….“ (1)



„Chị dâu tôi phải về ở nhà quê làm việc. Ngày đưa chân, cả nhà tôi ra ga để lìa bỏ cái tỉnh thành bạc bẽo, tôi sụt sùi bảo chị dâu tôi:

– Chị chịu khó hầu mẹ nhé. Đến tết em về, em mua nhiều bánh cho cháu.

Chị tôi gật, ứa nước mắt….“ (2)


„Tôi đáp rất gọn:

– Không con nói dối đấy chứ!

Tức thì dì tôi vênh mặt lên:

– Nghe nữa đi, nghe cái đồ nói dối nữa đi!

Và tức thì hai cái tát của mẹ tôi cháy bỏng trên má tôi:

– Ai dạy mày nói điêu, mày hai lưỡi !

Nhưng tôi chỉ còn có một lưỡi , khi ngồi ăn cơm với mẹ tôi:

– Đúng là con Din đi với trai , mẹ ạ. Ban nẫy nó lạy con đừng nói.

Mẹ tôi lườm tôi và im lặng.“ (3)


„Có điều mà mãi đến nay tôi vẫn lấy làm lạ, là càng ghét anh bao nhiêu, tôi càng thương anh bấy nhiêu. Tôi thấy luôn luôn hình ảnh con người ấy quằn quại trong một mối đau đớn vô hạn, dưới cái ánh sao buồn rầu le lói đã chứng kiến ngày lọt lòng mẹ tăm tối của đời anh…“ (4)


Tuy rằng chỉ được diễn tả qua vài trang giấy nhưng thời gian trong các câu chuyện của „Chân Trời Cũ“ kể trải dài cả một đời người, đem không gian trải rộng từ nhà quê đến thành phố, từ sông ra đồng, từ Việt Nam đến Trung Hoa. Xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ hai mươi đang trong buổi giao thời, các nền văn hóa khác biệt, Việt, Pháp, Hoa va chạm với nhau, nhưng khung cảnh miền Bắc khi ấy vẫn còn là đất lề quê thói, „nề nếp“ Nho giáo vẫn có ảnh hưởng nặng.

Mỗi nhân vật trong gia đình ấy có một số phần khác nhau, người đọc thấy bứt rứt bồi hồi, tại sao lại sống như thế nhỉ. Sống là chấp nhận số phận, hay thách thức số phận, cãi lại số phận ? Sống theo ý mình, „cá nhân chủ nghĩa“, hay yên phận sống theo thời thế bó buộc ? quyết định nào sẽ đem lại kết quả tốt hơn ? ý muốn của con người có thắng được số trời hay không ? Hồ Dzếnh cắn răng chấp nhận số phận „thiên định thắng nhân định“, kể cả khi phải đeo đứa con thứ hai mới được mấy tháng đi nhiều nơi xin sữa nuôi con, khi mà tình trạng chiến tranh làm cho hầu như mọi người đều túng thiếu. Đầu sách, một câu ngắn „Kính nhớ vong hồn song thân, vợ và con trai đầu lòng„ cho người đọc thấy ngay những mất mát của Hồ Dzếnh. Hạnh phúc ? Có khi nào Hồ Dzếnh đã tìm thấy hạnh phúc ?


Trời trở buồn, ai hiểu nghĩa làm sao ?
Mây lạc nẻo, tim nghe chừng thất vọng.

(Giữ Gìn)

Mùa đời rụng hết vàng xanh
Nỗi đau thương cũ nay thành máu thơ.

(Tặng Vợ Tôi Khi Còn Sống)

Từng phen gió lạnh bay vào
Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?

(Chuyến Tàu Ðời)


Hồ Dzếnh không thuộc vào Tự Lực văn đoàn, cũng chưa bao giờ nhận được một giải thưởng của Tự Lực văn đoàn, nhưng văn và thơ của ông đi cùng một chiều hướng: sử dụng tiếng Việt, bớt các khái niệm chữ Hán, bớt dùng các điển tích trong tứ thư ngũ kinh Nho giáo, cách đặt vấn đề tế nhị, kín đáo, văn phong nhẹ nhàng, trong sáng, câu ngắn, cấu trúc rõ ràng, không dùng cấu trúc các thể thơ Hán.

Chỉ có trong một bài thơ, Hồ Dzếnh sử dụng kinh điển Hán học:


Tô Châu lớp lớp phù kiều
trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam



buồn Tư Mã nhớ Chiêu Quân
nét hoa thấp thoáng ý thần đê mê

(Đợi Thơ)


Tôi nghĩ đi nghĩ lại câu giới thiệu của Thạch Lam ở đầu cuốn sách …“Tôi không nói rằng tác phẩm này không có khuyết điểm, nhưng…“, và tôi tò mò đi tìm khuyết điểm trong „Chân Trời Cũ“. Thạch Lam là bạn, có lẽ không muốn khen quá lời, nên giữ vẻ khiêm tốn cho tác phẩm. Nhưng nếu cứ nghĩ rằng, Hồ Dzếnh là người „Minh Hương“, cha là người Trung Hoa, mẹ là người Việt, thì phải thấy ông xử dụng tiếng Việt nhuần nhuyễn, trong sáng còn hơn nhiều người Việt.


Bén nhọn như: …“Khách mặc một bộ quần áo bằng lĩnh Quảng Đông, nguyên mầu đen, nhưng sau khi trải nhiều phong trần, đã đổi sàng mầu xám kệch…Từ đằng xa những gợn lụa phơ phất như những gợn gió trùng dương, và khi lại gần thì gió trùng dương lại chỉ toàn xông lên một mùi cá mặn! „

Gợi cảm như:…“Tôi nhận thấy mấy cây cột nhà đứng bơ vơ hôm trước, bóng tối mau chiếm lấy sân và lòng tôi hay nhớ thương, ngao ngán. Ở trong cái lạnh lẽo bốc lên trước lúc gà vịt nhẩy chuồng, bốn ngọn nến cùng nháy mắt trên chiếc bàn thờ mới dựng, thay chỗ cho nơi kê bàn đèn thuốc phiện ngày xưa…“

Chua xót như: „Ròng rã trong hai ngày sau, tôi đoán biết một sự xung đột nhỏ nổi lên giữa anh chị tôi, và khi ghé mắt qua khe cửa phòng học nhìn sang bên cạnh, tôi thấy chị dâu tôi đương quỳ trước mặt chồng khóc lóc…Tôi nhớ nhất cái dáng điệu vừa quỳ vừa khóc của chị dâu tôi, và tôi thấy buồn một nỗi buồn thê thiết quá.“

Tả chân cái chết một cách rất hiện thực như: „…Anh không đói thuốc phiện, anh không gào nước nữa: đường xuống suối còn xa, đường về quê đã biến. Số mệnh đã muốn cắm ở giây phút đó một cuộc hành trình điên dại của một kiếp người. Anh thở dài một tiếng, lòng trắng giãn ra và chiếm đầy mắt…Anh nấc lên một tiếng nhỏ. Anh gục đầu xuống một bụi rậm, có cái gì thối tha đưa lên sau mông đít. Cành gai yếu ngả xuống làm anh gục theo. Một con chim kêu lên đâu đó. Rừng và Núi. Núi và Rừng.“


Xám kệch, gợn lụa, cá mặn, bơ vơ, nhẩy chuồng, nháy mắt, ròng rã, ghé mắt, khóc lóc, thê thiết, đói, gào, biến, cắm, điên dại, nấc, thối tha, mông đít, ngả, gục…những chữ thuần Việt được sử dụng rất đúng chỗ và gợi hình, gợi cảm.

Hồ Dzếnh không để lại cho đời một khối lượng lớn về tác phẩm, nhưng đời không thể quên ông, một số phận con tằm nhả tơ óng ả, mà không được đền bù xứng đáng. Hồ Dzếnh, theo các tài liệu viết về ông, qua đời lặng lẽ âm thầm, khi nhà thơ, nhà văn chỉ còn là một người thợ đúc thép, thợ cơ khí nhà máy xe lửa Gia Lâm, ngày 13.8.1991 tại nhà riêng, số 80 phố Hòa Mã, Hà Nội, được 75 tuổi (sinh năm 1916), để lại cho đứa cháu một bài thơ:


…Khi sống ông nghèo nhất thế gian
Ra đi của cải bỗng vô vàn
Trời-Mây-Trăng-Nước-Chim-Hoa-Gió
Tất cả dành riêng tặng cháu ngoan.

(Gửi cháu)


Tựa cuốn văn xuôi đầu tay của ông „Chân Trời Cũ“ cũng làm cho tôi suy nghĩ. Có cũ thì tất có mới. Chân Trời Cũ mang nhiều hàm ý, vừa là một quá khứ, vừa là nửa phần gốc tích quê quán, vừa là hình ảnh người cha, vừa là cả em Dìn, anh Cả, anh Hai, chị dâu, chú Nhì, em Thi, thằng Quắn, chị Yên, chị Đỏ Đương, vừa là người mẹ Việt Nam.

„Quê Ngoại“ của Hồ Dzếnh, vừa là nơi chôn nhau cắt rún, vừa là nơi gởi nắm xương tàn của ông, như thế mà cứ gọi ông là người „khách“, người Minh Hương, không phải là người Việt Nam thì thật là bạc bẽo với ông quá.

©MathildeTuyetTran, France 2010
www.tuyettran.de


Ngập Ngừng

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần
Tôi nói khẽ: ôi, làm sao nhớ thế !
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Em tôi ơi, tình có nghĩa gì đâu
Nếu là không lưu luyến buổi ban đầu
Thuở ân ái mong manh hơn nắng lụa
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ tránh, cố nhiên, nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi em hãy gắng quay về
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đổ
Cho ngàn sau lơ lững với ngàn xưa ...

Hồ Dzếnh





* Hồ Dzếnh (1916 – 1991), có khi được viết là Hồ Dzếch, tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh), quê ở làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông, mẹ là Đặng Thị Vân là người Việt. Ba tác phẩm tiêu biểu chính của ông là tập truyện ngắn Chân Trời Cũ, tập thơ Quê Ngoại và tập hồi ký Quyển Truyện Không Tên.

1. Lòng mẹ, Chân trời cũ, Hồ Dzếnh, Hoa Tiên

2. Người chị dâu tôi, Chân trời cũ, Hồ Dzếnh, Hoa Tiên

3. Em Dìn, Chân trời cũ, Hồ Dzếnh, Hoa Tiên

4. Người anh xấu số, Hồ Dzếnh, Hoa Tiên sưu tập





Source : Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org - Contributeurs

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Phỏng Vấn Nhà Thơ Ðặng Hiền

Phỏng Vấn Nhà Thơ Ðặng Hiền

Tạp Chí Thi Bình Thứ Năm, Ngày 11 tháng 3-2010


LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.

TCHL





Tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia) đã thành được 9 năm và trở thành tờ tạp chí chuyên về thơ, thu hút nhiều nhà thơ của Châu Á tham gia. Tôi cùng với các độc giả Hàn Quốc xin chân thành cảm ơn ông đã gửi tác phẩm của mình cho tạp chí vào số mùa thu. Tôi mong rằng hôm nay chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện thật thoải mái và vui vẻ.



Tạp chí Thi Bình: Ðà Nẵng là một tỉnh thuộc miền trung của Việt Nam và trong thời kì chiến tranh Việt Nam đây cũng là nơi đóng quân của quân đội Hàn Quốc. Vào khoảng hơn 10 năm trước một nhà văn Hàn Quốc là Hoang Seok Yeong bằng tác phẩm của mình, thông qua tác phẩm là “Chiếc bóng của vũ khí” đã ngỏ lời xin lỗi về quá khứ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Theo tôi được biết nhà thơ Ðặng Hiền đã theo học cấp 3 ở Ðà Nẵng và quê hương của nhà thơ cũng ở rất gần Ðà Nẵng. Vậy thời đó nhà thơ đã có suy nghĩ như thế nào về sự hiện diện của quân đội Hàn Quốc?



Ðặng Hiền: -Tôi sinh ở Hoà Vang, Quảng Nam, quận Hoà Vang sát bên thành phố Ðà Nẵng. Suốt tuổi thơ, tôi được ba má tôi gởi ở nhà bà ngoại nơi thành phố để đi học bởi làng tôi ở ven sông Hàn, giòng sông chảy ngang thành phố Ðà Nẵng. Một điều giản dị là vì lúc nhỏ tôi rất mê biển cả và hay đi theo những người công nhân của gia đình tôi đi đánh cá ngoài biển khơi trong mùa hè, nhưng ba má tôi muốn tôi đi học và hấp thụ đời sống văn minh của dân thành phố vì làng tôi lúc đó vẫn chưa có điện. Khi vào Trung Học tôi lại được về nhà sống với gia đình. Nhưng thời ấu thơ sống ở nhà Ngoại là một dấu ấn khó phai trong tâm hồn tôi. Quê hương tôi là Quảng Nam Ðà Nẵng, người dân ở đây hiền hoà, Hà Nội là nơi nào đó cấm kỵ xa xôi, Sài Gòn là chốn phồn hoa mơ ước. Chiến tranh xảy ra trên quê hương tôi cùng khắp, người phía này người bên kia. Sự phân hoá và thù hận vượt ngoài tình cảm của gia đình, bởi một lý tưởng nào đó chừng như cao đẹp nhưng thật ra chỉ là sự lầm lạc của con người trong một nước nhỏ ở Á Châu như nước Việt Nam. Trở lại câu hỏi của anh là nghĩ gì về sự hiện diện của quân đội Hàn Quốc trong thời gian ấy. Thật ra, với tấm lòng ngây thơ của tôi lúc ấy, tôi rất ghét chiến tranh, những người lính nước ngoài ở quê hương tôi, họ là cái gì đó xa lạ, là biểu hiện của sự ác, của chết chóc và huỷ diệt yên bình. Gia đình chú tôi chết hơn một nửa vì trái đạn pháo kích của người Cộng Sản và bà Nội tôi cũng bỏ mình trong trận pháo kích ấy. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để biết thế nào là chiến tranh. Riêng quân đội Hàn Quốc ở Việt Nam tôi được nghe đó là sư đoàn Thanh Long Bạch Hổ, rất kỷ luật và thiện chiến. Nhưng thỉnh thoảng gặp những người lính này tôi thấy họ bình thường chỉ khác người Việt là không gầy gò và đặc biệt là đôi mắt một mí ấn tượng, khác với các nam nữ diễn viên tuyệt đẹp ở trong các phim ảnh Hàn Quốc ngày nay.



TCTB: Cũng theo tôi được biết nhà thơ đã học, tốt nghiệp trường đại học Long Beach, Califonia, Mỹ và sống tại Mỹ từ năm 1979 tức là từ lúc nhà thơ 21 tuổi .Vào năm 1975 Việt Nam được giải phóng, sự kết thúc của cuộc chiến tranh Việt Nam cũng là sự thất bại lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở nước ngoài. Vậy nhà thơ có thể cho tôi và độc giả biết lý do tại sao nhà thơ lại sống ở Mỹ?



ĐH:Vào năm 1975, Việt Nam chấm dứt cuộc chiến tranh gần 30 năm. Chiến tranh kết thúc trước khi tôi đến tuổi đi lính, dĩ nhiên tôi sẽ không có sự chọn lựa. Cuối tháng Tư 1975 gia đình tôi đang ở Vũng Tàu, ba tôi quyết định trở lại Ðà Nẵng vì đất nước đã hoà bình rồi. Nhưng như bao người khác, ba tôi bị đi tù ba năm chỉ vì có dính líu đến một đảng chính trị ở Miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian nầy tôi thấm thía thế nào là sự cần thiết của người đàn ông trong gia đình. Quê hương tôi có bao gia đình thiếu mất người đàn ông vì chiến tranh. Tôi tiếp tục học năm cuối cấp ba và thi tốt nghiệp, tôi đậu. Nhưng sau đó không đại học nào nhận tôi vào, vì lý lịch quá xấu, gia đình tư sản, cha bị tù cải tạo. Ở một đất nước đã “giải phóng” mà tôi xin làm chân thợ phụ hồ ở công trường xây dựng nhà máy xi măng cũng khó khăn mặc dầu đầy đủ sức khoẻ, xin làm thẻ chứng minh nhân dân cũng không được. Không như các con của tôi bây giờ, chúng có thể tiến xa trên con đường học vấn mà không cần phải tra xét lý lịch. Con gái đầu của tôi vừa tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa năm rồi, đứa con trai kế đang theo học Cao học Ðiện toán, đứa con gái thứ ba sắp tốt nghiệp Tiến sĩ Luật khoa, và niềm hạnh phúc là tôi có đứa con trai út vừa vào học lớp hai. Có lẽ đây là lý do tôi chọn Mỹ làm quê hương thứ hai của mình.



Vào năm 1978 ba tôi được tha về, vì tương lai của các con nên ông đã liều lĩnh đưa cả nhà vượt biển năm 1979. Trước khi vượt biên tôi đã cưới vợ, đây là điều làm má tôi hài lòng nhất, bà thường nói nếu gia đình tôi vượt thoát vào 1975 thì làm gì bà có được cô con dâu hiền như thế, vợ tôi là người đàn bà tuyệt vời, là mẹ của bốn đứa con tôi sau này. Khi ở trại tị nạn Hongkong, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc phỏng vấn gia đình tôi trước khi chuyển sang cho phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Gia đình tôi đã chọn tiểu bang California. Gia đình tôi là một gia đình may mắn trong hàng triệu người VIỆT NAM liều mình bỏ nước ra đi bằng đường biển, bằng đường bộ. Biết bao cảnh bi thương, nói sao cho hết. Trong lịch sử dân tộc tôi, thời điểm này là lần đầu tiên nhiều người bỏ nước ra đi như vậy. Tất cả chỉ vì tự do, vì quyền sống căn bản của con người. Việt Nam với ba mươi năm chiến tranh, hai miền Nam Bắc có hơn triệu người chết và thương tật, đất nước bị tàn phá tận cùng, và lòng hận thù khó nguôi của các giai tầng xã hội. Chúng ta biết rằng chế độ chính trị nào rồi cũng qua đi, nhưng dân tộc thì trường tồn, và lịch sử được viết bởi dân tộc vẫn còn mãi mãi. Người Mỹ thua trên nguyên tắc cuộc chiến Việt Nam với bức tường đá đen ghi tên hơn 58 ngàn tử sĩ, chính quyền và quân đội Miền Nam đã rã ngũ từ năm 1975, nhưng nhân dân Mỹ là một dân tộc văn minh và nhân ái. Xã hội Mỹ đã mở rộng vòng tay đón nhận và tạo cơ hội phát triển cho mọi người, không riêng gì người Việt Nam, tôi thấy cộng đồng Hàn Quốc của các anh ở xứ nầy cũng rất giầu mạnh. Ðất lành chim đậu anh ạ.



TCTB: Tại sao nhà thơ lại chọn văn học để bắt đầu sự nghiệp của mình? Bởi vì ai? Khi nào? Mong nhà thơ hãy nói cho chúng tôi được biết cái lý do lựa chọn của nhà thơ.



ĐH: Tôi còn nhớ vào năm 1972, Việt Nam là thời kỳ Mùa Hè Ðỏ Lửa. Chiến tranh trở nên khốc liệt. Năm ấy tôi đang theo học trường trung học Phan Chu Trinh Ðà Nẵng. Những người chạy loạn từ Quảng Trị và Huế tràn vào Ðà Nẵng lánh nạn, trường tôi phải dùng làm nơi cư ngụ cho nạn nhân chiến tranh. Trước khi đóng cửa nhà trường tổ chức lễ phát thưởng cho giải văn chương và báo chí năm đó. Tôi hân hạnh được nhận giải truyện ngắn hay nhất trong năm. Truyện kể một tình bạn thuần khiết của hai đứa trẻ nhà nghèo, chia cho nhau từng viên kẹo từng lát cà chua ướp đường. Sau đó một đứa phải theo gia đình dọn đi xa. Buổi chia tay, đứa bé còn ở lại chạy bộ theo chuyến xe một đoạn, khói xe mịt mù, buồn ngẩn ngơ, cứ đứng nhìn theo chuyến xe đưa bạn xa tít biến mất ở cuối đường. Nếu tin con người có số, tôi tin điều đó, tôi xin cảm ơn các vị thầy cô dậy tiểu học và dạy môn Việt văn trung học mà tôi đã may mắn được học qua. Ðó chính là những ân nhân đã gieo mầm và dậy dỗ cho tôi yêu tiếng Việt và để tôi là tôi của bây giờ.



TCTB: Mong nhà thơ giới thiệu cho chúng tôi được biết thêm về tạp chí “Hợp Lưu” đang được phát hành hai tháng một lần ở Mỹ. Ai sáng lập và được sáng lập khi nào? Thành viên của nhóm biên tập gồm có những ai? Và tiêu chí là gi? Các độc giả rất mong nhà thơ có thể tặng cho các độc giả một số bức ảnh quê hương của nhà thơ lúc nhỏ, hiện tại và cùng với một số các bức ảnh gia đình.





ĐH:Tạp Chí Hợp Lưu là một tạp san văn học nghệ thuật biên khảo, được sáng lập bởi một nhóm văn nghệ sĩ vào năm 1990, phát hành hai tháng một lần. Người chủ nhiệm sáng lập là nhà văn Nhật Tiến, chủ biên sáng lập là hoạ sĩ Khánh Trường. Vào tháng Tám 2002, tôi được mời vào Hợp Lưu với tư cách Tổng Thư Ký, và sau đó đến đầu năm 2005 trở thành Chủ Biên. Tôi vẫn giữ công việc nầy cho đến hôm nay. Những văn thi hữu chủ lực của Hợp Lưu là Sử gia Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, Nhà phê bình văn học Thụy Khuê, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hùng, nhà văn Phan Nhật Nam, Trần Vũ, Trần Thiện Ðạo, Nguyễn Bình Phương... cùng một số các thi văn hữu trong và ngoài nước. Tạp chí Hợp Lưu là một diễn đàn văn chương, cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, giới tính, không kỳ thị Bắc Nam, Trong Ngoài, ý thức hệ hay quan điểm chính trị. Nó sẽ tiếp tục đường đi đã vạch sẵn bấy lâu: đó là thủ diễn vị thế một diễn đàn phục vụ nghệ thuật, văn chương. Tạp chí Hợp Lưu không có tham vọng chính trị, không tự khoác những nhiệm vụ to lớn và hoang tưởng. Tham vọng duy nhất của chúng tôi là duy trì TCHL như một diễn đàn hoàn toàn độc lập, vượt ngoài sự chi phối hay khuynh đảo của bất cứ thế lực nào.

Tôi xin gởi đến quí vị một số bức ảnh theo như yêu cầu.



TCTB: Trong bài thơ “Xa quá quê ơi” của nhà thơ có xuất hiện hình ảnh những chiếc xe máy. Tôi lần đầu tiên đến Việt Nam, đã rất ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến hình ảnh những chiếc xe máy ở Việt Nam. Và tôi cũng bị đau họng vì khói xe máy. Tuy vậy bây giờ tôi rất muốn được quay lại Hà Nội và cũng rất muốn lại được ngắm hình ảnh những chiếc xe máy đó. Ðây là một số những câu thơ trong bài thơ này “Ðà Nẵng” . Bằng vần điệu của các câu thơ thì hình ảnh của Việt Nam được nổi lên một cách rất Việt Nam, đó là thông qua hình ảnh chiếc xe máy. Có lẽ điều này là một kỉ niệm về quê hương, đất nước thông qua một cái nhìn trực tiếp mang tính phủ định. Là sự kháng cự, là sự ô nhiễm. là đối tượng sẽ cần phải giải quyết hay là đối tượng sẽ phải thúc đẩy?



ĐH: Ðó là lần đầu tôi về lại Việt Nam sau 20 năm, vào cuối năm 2000, với tư cách của một thành viên trong phái đoàn thương mại Việt Mỹ. Hà Nội, Ðà Nẵng rồi Sài Gòn, đâu đâu cũng xe máy, khói mù mịt cùng với những bụi mù của các công trình xây cất. Vì đi chung với phái đoàn nên chúng tôi thường đi xe ca chở nhiều người giống như xe bus nhỏ ở Mỹ để di chuyển.Thú thật lúc ấy đầu óc tôi như tê dại, tôi là người Việt lại không phải Việt, tôi là người Mỹ lại không phải Mỹ. Không tin ai hết, tất cả đều đầu môi chót lưỡi, dùng một thứ ngôn ngữ ngoại giao, nói cho vừa lòng nhau. Lúc ấy, Việt Nam về kỹ nghệ tin học còn yếu lắm, trong tấm danh thiếp của trợ lý bộ trưởng kinh tế lại dùng địa chỉ hotmail. Như một chuyện khôi hài khi đại diện của một công ty vi tính tại Hà Nội lên thuyết trình về kế hoạch đưa công ty này vào thị trường chứng khoán Mỹ. Vào đến Sài Gòn người lại đông kinh khủng hơn. Sài Gòn có những cơn mưa buổi chiều buồn và tàn nhẫn. Sau đó về Ðà Nẵng không khí dễ chịu một chút, nhưng lạ quá, ở đó đến ba ngày tôi vẫn mất hướng một góc chợ quen. Tối nằm một mình ở nhà ba má tôi mới về mua ở biển Thanh Bình, Ðà Nẵng, nghe tiếng lá dừa xào xạc, ánh trăng lấp loáng, không khí ẩm mùi mặn của biển, đêm không gia đình, cha mẹ, anh em, vợ con. Tôi hoang mang như hơn 20 năm trước nằm trốn dưới khoang tàu để đi vượt biên. Thật ra tôi đã sống ở Mỹ nhiều hơn thời gian tôi ở Việt Nam. Tôi đã thay đổi chứ quê tôi không đổi thay. Người ở đây vẫn thế, cam chịu, nhịn nhục thân phận bọt bèo, tình yêu là trò xa xỉ, thân phận chúng tôi mang hình ảnh của những đàn kiến... ngồi trên xe máy, cùng với những bức tường không sơn và những cơn mưa thầm lặng trong xã hội Việt Nam.

Rồi mới đây vào tháng 5-2009 tôi lại về Hà Nội, Ðà Nẵng, Sài Gòn, nhưng với tư cách là người về thăm gia đình. Lần nầy dễ chịu hơn vì được gặp một số bạn văn thơ trong nước. Văn chương thường làm cho con người gần và thông cảm nhau hơn. Ðó là món quà quí giá tôi có được trong chuyến đi vừa rồi. Nhưng xã hội Việt Nam lại có những vấn đề khác nhức nhối hơn, trong khi những vấn đề cũ vẫn còn đấy. Tôi cảm tưởng Việt Nam phát triển như đứa bé lớn nhanh quá, cột xương sống bị chệch, cần phải chỉnh sửa lại mới sống khoẻ mạnh. Việt Nam có một loại trật tự thật đặc biệt, tự điều chỉnh để sinh tồn. Từ những những kiến trúc tự do đến vô trật tự của phố cổ Hà Nội, nơi gần hồ Gươm, đến những công trình đào núi lấp biển tại Đà Nẵng cùng những dãy khách sạn 5 sao dọc bãi biển Mỹ Khê, những “lô cốt” chận đường để cải tiến hệ thống thoát nước từ nhiều năm tại thành phố Sài Gòn. Rồi đến tự do ngôn luận và báo chí như một giấc mơ không bao giờ có thật, mặc dầu nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ mới và Việt Nam đã hội nhập vào WTO. Tất cả những ghi nhận ấy đều nằm trong những bài thơ tôi gởi cho anh mới đây. Tôi xin đọc bài thơ nầy:



Trật tự mới trong bài luân vũ điên



Mất xa em những hình ảnh cũ mềm ẩn hiện

Căn phòng ẩm mồ hôi miền nhiệt đới

Danh vọng là trò đùa thân xác mệt lả cùng những cơn ho

vật vã

Chiều tan nhanh theo trăng tháng năm đứng đường



Tình cảm ô nhiễm bốc lên từ lon bia ngoại

Kỹ thuật cao ru phận đớn hèn

Ôi chao em, dòng nước xe buổi tan tầm

Tôi trôi lềnh bềnh trong văn hoá nhậu



Ðào núi lấp biển có thêm hạnh phúc

Giọng nói thơm mùi mạ năm xưa

Trưa nắng từng góc phố ngủ ngồi

Mùa hè sớm hơn nơi phồn hoa miệt thị

Mang theo quán cơm bụi ngàn năm văn vật

Cướp chó bên chiều nhậu Hồ Tây

Ấn tượng nền văn minh treo cổ Sadam

Em tôi Ô sin khi mới lên mười



Sài gòn mập một cách giả vờ

Tôi chỉ in có 49 cuốn thơ

Làm sao mở miệng trong thế giới điếc

Thành phố tự hào có mùi cống rãnh



Chiều Hồ Gươm, đứng bên Hồ Gươm

Nắng mưa giao mùa nơi trái tim trong trái tim

Trơ trẽn như cơn mưa chưa lên câu khẩu hiệu

Tất cả trật tự, tự điều chỉnh để sinh tồn, lạ ghê.



ÐẶNG HIỀN

Việt Nam - California 5-2009



TCTB: Trong bài thơ “ Có lẽ ” dường như nhà thơ có một nỗi buồn mà ngay cả nhà thơ cũng không thể diễn tả được nó và cũng không thể tránh né nó được. Nhà thơ như đang chạy việt dã một mình trong thế giới tinh thần của mình. Nhà thơ đang muốn thoát ra khỏi thế giới đó. Nơi đó giống như một vùng núi rộng lớn. Trong bài thơ có câu “không ai yêu em”. Ở đây nhà thơ muốn một tình yêu gì? Nếu có thể được mong nhà thơ giải thích cho chúng tôi biết về tâm trạng của nhà thơ khi viết những câu thơ này? Sự phản bội của cuộc sống, sự tuyệt vọng của cuộc sống. Kết cục câu hỏi “ Có lẽ sống ở nước ngoài nhiều năm?” có vẻ là không chân thật . Trong bài thơ này lời mà tác giả muốn nói lên là gì? Bản chất cái bĩ cực của nhà thơ Ðặng Hiền là cái gì?



ĐH:Khi nhỏ vì sống xa nhà, tôi sớm biết tự lo cho mình. Ở thành phố tôi hay bị chế diễu là dân biển, về làng thì bị chọc là thằng đi theo dân thành thị, nên lúc nhỏ tôi hay đánh lộn với những đứa bé khác, nhưng thường thường bị thua, về nhà lại không dám khóc, khóc là bị ăn đòn. Khi lớn lên hoàn cảnh đã bứng tôi ra khỏi quê hương tôi. Một chiều gần cuối năm đi qua vùng rừng núi California, cái mênh mông hùng vĩ của những dãy núi, màu ráng đỏ của hoàng hôn làm tôi bần thần, những năm đó tôi chưa có dịp về lại Việt Nam. Không như bây giờ sự cách chia về địa lý đã giảm đi nhiều, có tiền mua vé máy bay mười mấy giờ sau là về ngay Sài Gòn...

Bài “Có lẽ” hơi đặc biệt một tí về ẩn dụ và đối tượng thơ. Tôi dùng hình ảnh một thiếu nữ để bày tỏ tình yêu thương của mình đối với mảnh đất mà tôi đã được sinh ra và lớn lên, được dậy dỗ bằng những bài học thương yêu và lòng nhân bản. Xã hội miền Nam tôi sống lúc đó mặc dầu trong chiến tranh, nhưng trẻ em không bao giờ bị nhồi nhét những bài học cho lòng thù hận. Chúng tôi được học những bài học lịch sử đấu tranh trong mấy ngàn năm của những vị anh hùng đưa dân tộc Việt thoát khỏi ách nô lệ của người khổng lồ phương Bắc. Dù đầu óc non nớt lúc ấy những đứa trẻ như chúng tôi vẫn biết rằng, một lúc nào đó chiến tranh sẽ qua đi và đất nước sẽ thống nhất. Ðến khi đất nước thống nhất rồi thì những đau thương khác tiếp nối. Tôi chỉ là một phần tử quá nhỏ nhoi trong gần 3 triệu người Việt lưu lạc ở hải ngoại, định cư ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dĩ nhiên chúng tôi mang ơn tấm lòng nhân ái của các dân tộc khác đã cưu mang chúng tôi, cho chúng tôi một đời sống tự do thật sự. Riêng tôi, nơi sâu thẳm của hồn mình, thật sự tôi không thấy mình thuộc về đâu, Mỹ ư? Tôi chỉ là loại Mỹ giấy. Việt ư? Tôi không thuần Việt, vì tôi ở nước ngoài nhiều năm, tôi sống tự do quen rồi. Vậy anh cho tôi biết đi, tôi thuộc về đâu? “Không ai yêu em” là vậy, là tình yêu quê hương. Trong cái tâm trạng bơ vơ, quê hương thắm thiết như tình vợ chồng, bao dung như tình mẹ con. Còn bỉ cực nào hơn khi cảm thấy thân phận mình gần như vô thừa nhận đó.



TCTB: Trong câu thơ “Chiều cuối năm với người bạn già” . Giống với một câu thơ trong bài thơ “ Ngày xanh” của nhà thơ Seo Cheong Chu của Hàn Quốc. Nhìn những người sống sót trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và anh ấy hát “ Ngày xanh thì hãy nhớ những người bạn” . Trong bài thơ này nỗi buồn trong bản thân mỗi người sống sót là gì? Câu cuối của bài thơ “Xanh một mùa rét căm” có ý nghĩa gì?



ĐH:Bài này tôi làm để tưởng nhớ nhà văn Mai Thảo được đăng trong Hợp Lưu số 100, số tưởng niệm đặc biệt về nhà văn nầy. Ông ấy là thế hệ trước tôi, chịu nhiều đau thương hơn thế hệ của tôi vì những biến động đổi thay của Việt Nam. Quen biết ông qua những bài thơ tôi gởi đến đăng ở tạp chí VĂN, mà ông ấy là chủ bút. Ở Mỹ nhưng ông khước từ hội nhập vào xã hội nơi đây. Và cũng qua ông, tôi cảm được nỗi vô thường và cô đơn của đời người. Khi mà quê hương đã chợt mất, bạn bè đã ly tán, kẻ mất người còn, gia đình không có, sống thui thủi một mình, cô đơn như ngọn hải đăng hiu hắt, sống cùng rượu, chờ chuyến xe cuối cùng để về cõi vĩnh hằng. Thi thoảng được uống rượu cùng ông, tôi thường nghe ông kể về đời sống của ông ở miền Bắc khi xưa, ở Sài Gòn thời cực thịnh về văn chương miền Nam, về chiến tranh và những người bạn, những người bạn đã chết, và những người bạn còn sống đang lưu lạc ở xứ người. Và ông hay ngâm thơ của họ, bạn ông là những nhà thơ lừng danh của Việt Nam, là thi sĩ Vũ Hoàng Chương, là thi sĩ Ðinh Hùng, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền... Với ông, hình như thời gian đứng lại, mãi mãi ở Nam Ðịnh, ở Hà Nội ở Sài Gòn. Hồn ông ở đấy.Tuyệt nhiên, ông không hề nhắc đến tình yêu, bởi thế “Xanh một mùa rét căm” là vậy, là sự cô độc đến tận cùng trong một chiều cuối năm ở một nơi không là quê hương, một nơi không có dĩ vãng.



TCTB: Trong bài thơ “Mưa Ðà nẵng” , như người ta thường nói tất cả thơ của nhân loại là thơ của sự thất lạc. Mưa đang rơi, câu thơ “Ngang nhà em lòng buồn rưng rức” Ðã vẽ lên điều gì? Giáo sư Bae Yang Soo đã biên dịch rất hay, đã nắm được cái hồn của nhà thơ trong bài thơ, đôi mắt hiền và mơ màng của nhà thơ Ðà Nẵng đang ước hẹn và chờ đợi gì? “Nụ cười em tôi lặng lẽ đi tìm” . Em ở đây là ai?. Là Ðà Nẵng hay là Việt Nam hay cũng có thể là một người con gái.

Tôi rất xin lỗi khi đã đặt những câu hỏi khó giải thích với nhà thơ.





ĐH: Anh là nhà thơ, hơn ai hết anh hiểu tôi. Thơ là thơ, thơ yêu nước hay thơ yêu em cũng chỉ là thơ. Khác nhau là HAY hoặc KHÔNG HAY. Thơ là từ trái tim mà ra, thơ nếu đúng nghĩa khó có gì theo kịp. Thơ chỉ NHẠT khi nào tác giả không sống thật với chính mình và viết toàn những câu giả dối sáo ngữ. Tuy nhiên, thơ tình thường là riêng tư, trong thế giới riêng tư đó, tác giả đánh thức người đọc bằng trái tim của chính mình, bằng tài năng và tình cảm trải lên những câu những đoạn của thơ. Vâng, Giáo sư Bae Yang Soo biên dịch thật tài tình, theo tôi đó là sự may mắn cho thi ca của hai nền văn hoá Việt-Hàn. Những cơn mưa Á châu thường dai dẳng và ảm đạm. Những thành phố miền Trung Việt Nam rất tĩnh lặng và buồn. Bài “Mưa ở Ðà Nẵng” viết vào năm 1994, in trong tập thơ đầu của tôi. Ðà Nẵng trong tôi là những hình ảnh khi chưa ra đi. Ra đi, chia ly, thất lạc và nỗi nhớ đã làm nên thơ; ngày cũ, chốn xưa cùng với những người con gái tôi quen thời tuổi trẻ, trong đó có cả vợ tôi, và những cơn mưa, hoà vào nhau là một, thì ra đó là quê hương anh ạ. Trong lần về lại Việt Nam lần thứ hai vào năm 2009, tôi có viết một bài thơ cũng về Ðà nẵng. Hai bài thơ đều viết về Ðà Nẵng nhưng thời gian và tâm cảnh đã khác, xin gởi đến anh và quí độc giả bài thơ nầy:




Bài Viết Lại ở Ðà Nẵng



Ở đây mùa trốn mất theo những cơn mưa dài trong đêm

Thời gian hụt mất cơn say sâu ngang vết nhăn nụ cười buồn bã

Tuổi trẻ trôi xa theo nhau ngày cũ

Thành phố mưa



Không còn lá tương tư tuổi nhỏ

Không còn những chuyến đò xưa

Ðêm bỗng thất thường như mưa

Con nước có về theo chiều của nhau không ?



Trên đường mòn mênh mông trí nhớ

Cơn mưa chạy hoài theo vết xe xa thành phố

Cơn mưa ở mãi cùng anh từ buổi chia tay

Tình không là tình của năm xưa

Khi ta đôi mươi qua thời thay đổi



Biết đến bao giờ trở lại

Ðêm mơ như nước sông chảy xuôi về biển yêu thương

Và mùa chừng trốn mất nơi đây

Lạnh theo mưa...



ÐẶNG HIỀN

Ðà nẵng-5-2009





TCTB: Câu hỏi cuối cùng.



Nhà thơ sẽ tiếp tục sống tại Mỹ? Và cũng sẽ chết tại đó? nếu không thì xin nhà thơ cho độc giả biết nhà thơ có ý định trở lại Việt Nam hay không? Nhà thơ sẽ tiếp tục sống ở California và sẽ tiếp tục sáng tác thơ? Sự thất lạc và nỗi nhớ có làm nhà thơ quay về Việt Nam không?



ĐH:Thành thật mà nói, ngoài Việt Nam ra, Mỹ là quê hương thứ hai của tôi, tất cả cuộc đời tôi đều ở đây. Rất may mắn cho tôi và cho thế hệ của chúng tôi không phải gánh nặng lòng thù hận của quá khứ. Không bị mù quáng vì tuyên truyền. Bạn bè của tôi ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng cha mẹ, vợ con, anh em, công việc hầu như tất cả đều ở Mỹ. Vậy tôi không ở California thì tôi ở đâu hả anh? Hơn nữa con trai út của tôi mới bảy tuổi, tôi biết cháu nó rất cần tôi. Chuyện sống chết có số mạng làm sao mình quyết định sẽ chết ở đâu? Tôi đang thuyết phục vợ tôi cùng tôi về thăm Việt Nam trong lần tới, cô ấy xa Việt Nam 30 năm rồi chưa trở lại. Theo tôi thì dù sống xa quê hương nhưng lúc nào cũng hướng về vẫn tốt hơn là ở tại Việt Nam mà lòng không ở đó. Riêng tôi, thơ vẫn là niềm đam mê và cần thiết như hơi thở cho sự sống, tôi luôn yêu thơ bằng chính trái tim mình.



TCTB: Ðầu mùa thu năm 2010 chúng tôi dự định tổ chức hội ngâm thơ Châu Á và cũng dự định mời những nhà thơ đang sống ở Việt Nam. Hẹn gặp lại nhà thơ vào một ngày gần đây.



Chân thành cảm ơn nhà thơ về buổi phỏng vấn ngày hôm nay.



Go Hyeong Ryeol / nhà thơ,

Tổng biên tập tạp chí Thi Bình.









PHỤ BẢN:



Những bài thơ của Đặng Hiền trong Tạp chí Thi Bình Hàn Quốc số mùa Thu năm 2009, do Giáo sư Tiến sĩ Bae Yang Soo biên dịch.







XA QUÁ QUÊ ƠI



Bắt đầu nhớ những con hẻm

Xe máy cùng bờ tường không sơn

Thành phố cùng tầm nhìn trong veo

Thành phố và những cơn mưa thầm lặng



Xe chạy mù, xe chạy mù

Dòng xe dài đàn kiến

Những con kiến chạy quanh

Hà Nội Sài Gòn Đà Nẵng...

(SaiGon 16-12-2000)









MƯA Ở ĐÀ NẴNG



Cơn mưa buổi chiều mưa hoài không tạnh

Bước xuống đò về qua Hà Thân

Ngang nhà em lòng buồn rưng rức

Ðầu dầm mưa, lòng cũng dầm mưa



Những ngày cuối năm mưa phùn gió bấc

Dòng sông Hàn nước đục, lục bình trôi

Bên kia phố có mắt hiền mộng mị

Nụ cười em tôi lặng lẽ đi tìm



Ngày em đi, tôi ngủ vùi không dậy

Nghe mưa bập bùng theo vết xe xa

Như nước đổ thương con đò xuôi ngược

Lòng tan hoang mưa lạnh rét đôi miền.







CHIỀU CUỐI NĂM VỚI NGƯỜI BẠN GÌA



Ngày rộng hàng hiên hẹp

Rót tràn ly rượu chay

Quê nhà xa muôn dặm

Đá cầm run bàn tay



Ở đây hồn mờ mịt

Chiều đập vỡ chai ra

Thoáng nghe đời rớt lại

Nát từng khúc tình ta



Sóng bên bờ năm cũ

Sóng tròng trành vành ly

Có ai về thắp lửa

Quanh nỗi nhớ câm lì



Khoé nhìn ơi thê thiết

Đồng vọng mấy mươi năm

Mắt già thôi tìm lại

Xanh một mùa rét căm.







CÓ LẼ



Tất cả giọng ca đều hàng đầu

Không ai ở cuối

Rượu mạnh và đau lưng

Thôi kiếp hư phù



Cho anh nhìn phóng qua thung lũng

Cho anh mây trời

Cho anh sóng biển

Cho anh bay lên từ em

Từ rừng trăng bát ngát

Xuân thập thò

Mùa thơm nắng ngây thơ



Tất cả thi sĩ đều tuyệt

Làm thơ làm dáng

Không ai yêu em

Không ai...



Có lẽ ở nước ngoài nhiều năm

Có lẽ anh chẳng thuộc về đâu

Những ngày hết năm bỗng nhớ nhà quá đỗi

Có lẽ.







ĐẶNG HIỀN: Sinh năm 1958 tại Hòa Vang, Quảng Nam. Ðịnh cư tại Nam California USA từ năm 1979. Thơ đăng trên Văn, Hợp Lưu, Văn Học, Thế Kỷ 21, Nghệ Thuật... Góp mặt trong tuyển tập Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-1995) NXB Đại Nam USA.Tổng Thư Ký Tạp Chí Hợp Lưu (USA) 2002-2005 Chủ Biên Tạp Chí Hợp Lưu (USA) từ 2005…

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Ðặng Hiền (1994 Hoa Kỳ)

Bài Hai Mươi (thơ, NXB Văn Hóa USA 1997)...



SOURCE : HỢP LƯU

Tuấn Khanh Và Giấc “ Mộng Đêm Xuân”

Tuấn Khanh Và Giấc “ Mộng Đêm Xuân”

lê hữu






Xuân vừa về trên bãi cỏ non…

Nghe câu hát ấy của Phạm Duy, ta nghe mùa xuân về đâu đó quanh đây, về trên những thảm cỏ xanh mướt, về trên những bông hoa dại đủ sắc mầu dọc theo con đường chúng ta đi.

Mùa xuân như đến gần thêm chút nữa khi ta nghe câu hát của Tuấn Khanh.

Em ơi xuân đến bên thềm rồi…

(Mùa Xuân Đầu Tiên)

Mùa xuân đến thật gần. Mùa xuân đã đến bên thềm, mùa xuân đã đến bên em.

Nghe câu hát, tưởng chừng nghe được cả tiếng bước mùa xuân, nghe được cả tiếng gió lay động vạt áo dài lướt thướt của “nàng xuân” chạm vào những bậc thềm cửa, nghe được cả tiếng động nhè nhẹ trong câu lục bát Trần Dạ Từ, phút giây chờ đợi bước chân người tình khe khẽ đến bên hiên nhà.

“Anh nằm nghe bước em lên

Ngoài song lá động, trên thềm áo bay”

(Khi Nàng Đến)

Mùa xuân đến thật gần. Xuân của đất trời, xuân trong lòng người.



Nỗi buồn ướp men say



Nghe những bài nhạc Xuân quen thuộc của các nhạc sĩ quen tên, tôi nhận ra một điều, mỗi “nàng xuân” của mỗi chàng nhạc sĩ có một vẻ đẹp riêng, những nét quyến rũ riêng.

Mùa xuân trong nhạc Tuấn Khanh là “Xuân mộng”, dắt ta đi vào những giấc mộng êm đềm, đi vào những giấc mơ tràn đầy mùa xuân tình ái của lứa đôi.

Nghe tiếng xuân về tim rộn rã

cho ước mơ thành những vần thơ… (Mộng Đêm Xuân)

Mùa xuân trong nhạc Tuấn Khanh còn là mùa xuân tao ngộ, mùa xuân tương phùng sau những cách ngăn, chia lìa qua bao tháng năm dài biền biệt.

Hết rồi mùa chia ly

cho tình xuân vừa ý… (Mùa Xuân Đầu Tiên)

Mùa xuân trong nhạc Tuấn Khanh rất gần với mùa xuân của thi nhân.

“Ai bảo em là giai nhân

cho lệ tràn đêm xuân

cho tình tràn trước ngõ

cho mộng tràn gối chăn”

Những “lệ tràn đêm xuân” và những giấc mộng vàng, mộng đẹp ấy không chỉ có trong những câu thơ Lưu Trọng Lư thôi mà ta còn nghe được cả trong những câu hát của Tuấn Khanh nữa.

Mộng về một đêm xuân sang

em thì thầm ngày đó thương anh…

Mộng tràn ngập đêm trăng sao

sao đầy trời từng chiếc lấp lánh…

Những câu hát ấy ở trong bài “Chiếc lá cuối cùng”, một trong những ca khúc gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Tuấn Khanh, từng được nhiều ca sĩ trình bày nhất, được nhiều trung tâm băng, dĩa nhạc thu âm nhất và tất nhiên, được nhiều người yêu thích nhất.

Tại sao lại là “chiếc lá cuối cùng”? Không rõ là cái tựa của bài hát ấy và câu chuyện Chiếc Lá Cuối Cùng của nhà văn Mỹ nổi tiếng O’Henry có mối liên hệ nào(?). Điểm tương đồng là cả bài hát lẫn câu chuyện đều buồn bã như nhau, và cả người họa sĩ trong câu chuyện ấy lẫn người nhạc sĩ trong bài hát ấy đều có những đêm thức trắng, những đêm dõi mắt trông chờ chiếc lá cuối cùng sẽ lặng lẽ lìa cành trong đêm lạnh vắng. Chiếc lá cuối cùng rụng xuống là thời khắc cô bé trong câu chuyện ấy sẽ phải từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác, cũng là thời khắc hai kẻ yêu nhau trong bài hát ấy sẽ phải nói lời chia tay.

Lá trên cành một chiếc cuối bay xa…

Nghe “Chiếc lá cuối cùng”, ta nghe một nỗi buồn sâu thẳm, nỗi buồn trăn trở của nửa đêm về sáng, của những đêm không ngủ.

“Chiếc lá cuối cùng” là chuyện tình trái ngang, là mối duyên không thành, là tìm quên trong men rượu, là tiếc nhớ những ngày vui đã xa như dĩ vãng.

Rồi một chiều xuân thơ trinh

cho lòng mình về với dĩ vãng…

“Chiếc lá cuối cùng” là nỗi đau tê dại của trái tim rạn vỡ, là nỗi sầu chìm ngập trong men rượu, là nỗi-buồn-ướp-men-say.

Đã có bao nhiêu ca sĩ từng hát “Chiếc lá cuối cùng” kể từ khi bài hát ra đời (1962), kể từ khi người ta nghe Thái Thanh hát lên lần đầu tiên, tác giả bài hát không sao nhớ hết, không kể ra hết được. Gần đây nhất, các ca sĩ trẻ ở trong nước cũng đã tìm đến bài hát ấy, cũng đã cất giọng “Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng?...” Bài hát có một đời sống thật là dài và vẫn luôn “mới”, luôn làm rung động những trái tim.

Đã có bao nhiêu là giai thoại về những người yêu “Chiếc lá cuối cùng”, như một nhạc sĩ Tuấn Khanh… khác ở trong nước đã đặt tựa cho một sáng tác của mình là… “Chiếc lá đầu tiên”, hay như một người làm thơ đã cảm tác “Chiếc lá cuối cùng” để sáng tác bài thơ dài đến hơn trăm câu, mỗi câu bắt đầu bằng một hoặc hai chữ của trọn bài hát ấy.

. . . . .

Mộng về dưới bóng hoàng lan

một đêm trăng ngọt hương tràn môi xinh

xuân sang thắm lối ân tình

em duyên như nụ hoa quỳnh, trao nhau

thì thầm tiếng nhớ ngàn sau…

Đã có bao nhiêu người tìm gặp được mình, tìm gặp những nỗi niềm “trắng đêm tâm sự” của mình trong bài hát ấy. Bài hát, có phải vì lẽ ấy, đã ở lại về lâu về dài trong lòng người?

Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang

Thật ít có ai sử dụng chữ “chở” tuyệt vời đến như thế!







Trong những câu hát của Tuấn Khanh ta vẫn nhặt ra được những câu thơ đẹp như thế, những chữ và nghĩa hay đến như thế, như là những chữ “vội vã”, “len lén”, “quấn quýt”, “lẻ loi”…

Sao khi chia ly hôn em một lần vội vã

Đêm đêm heo may len lén vào hồn tìm nhau

Giờ thì đôi tay đan tay quấn quýt

cho đêm không mơ, cơn mơ lẻ loi

Những câu hát ấy–hay những câu thơ ấy–ở trong bài “Nỗi niềm” của nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Từng ngày trôi qua tim em héo úa...

“Nỗi niềm” là nỗi buồn héo hắt đến rã rượi.

Những lời tình ta nghe được trong bài hát ấy như là tiếng thở dài não nuột của một người yêu. Nói “như là” vì lẽ, những lời ấy là “nỗi niềm” tâm sự của người vợ hiền, là nỗi lòng cô phụ những đêm dài trằn trọc, những đêm vò võ một mình một bóng, sau phút chia tay vội vã, tiễn chồng và các con lên đường… vượt biên.

Nên em cô đơn những đêm về sáng…

Anh ơi, đêm nay em nghe trống vắng buồn tênh…

Nghe “Nỗi niềm” mà nghe lòng chùng xuống, mà nghe tim thắt lại.

“Nỗi niềm”, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết, là “Hoa soan bên thềm cũ” nối dài. Những lời thơ ý nhạc gửi gấm trong hai ca khúc ấy đều như lời hẹn ước gửi đến người bạn đời đầu gối tay ấp của ông.

Em nhé, mình thương nhau muôn đời… (Hoa Soan Bên Thềm Cũ)

Xin cho đêm đêm tình đầy mộng say… (Nỗi Niềm)

“Nỗi niềm”, trong một nghĩa nào đó, cũng là “Chiếc lá cuối cùng” nối dài. Cũng là nỗi buồn trăn trở của nửa đêm về sáng, của những đêm không ngủ, cũng là giai điệu chầm chậm, buồn buồn đến rã rời ấy. Có khác chăng, nỗi cách chia người yêu đổi thành nỗi chia lìa chồng vợ.



“Giàn hoa tím xưa chưa phai”



Dường như trong mỗi nhạc sĩ của chúng ta đều có ít nhiều một chàng thi sĩ. Nhờ vậy, chúng ta mới có được những câu hát thật là thơ, thật là đẹp.

Tôi vào vườn xưa

gặp em tóc buông vai gầy

thẹn thùng nhìn tôi ngỡ trong giấc mơ…

Nghe những câu hát như thế, ta nghe được cả những ý thơ.

Câu hát ấy ở trong bài nhạc có một mầu tím vấn vương của Tuấn Khanh, “Dưới giàn hoa cũ”, được ông sáng tác cách đây đúng năm mươi năm. Nghe lại bài hát ấy, sau nửa thế kỷ, sau bao vật đổi sao dời, vẫn nghe lòng lâng lâng như “ngỡ trong giấc mơ”, vẫn nghe một nỗi xao xuyến, bâng khuâng như “thuở ban đầu” của bài hát, như mối tình đầu thường khó phai.

Nỗi xao xuyến, bâng khuâng ấy bàng bạc hầu hết trong các bài hát, trong từng lời ca ý nhạc của Tuấn Khanh.

Một hôm bước lần theo lối cũ tôi về

thầm mơ giàn hoa tím xưa chưa phai…

Bài hát như mẩu tự truyện của người nghệ sĩ ấy. Dường như mỗi bài nhạc của ông là mỗi câu chuyện kể, là câu chuyện thật; nói đúng hơn, là câu chuyện tình.

Lòng tôi vẫn còn ghi mãi phút êm đềm

thềm hoa chia tay lúc trăng đang lên

Hẹn tôi, “Đến một mùa se thắm duyên lành,

ngắt bông hoa tím trên cành trao anh.”

Những chuyện tình ấy thường dẫn đến một kết thúc “êm đềm”.

Chiều nay dưới giàn hoa thơm ngát êm đềm

vầng trăng thu soi mắt em long lanh…

Nếu ở Hoàng Trọng là “Trời buồn đem mây tím về chơi vơi…” (Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím), ở Nguyễn Hiền là “Nhớ nhau khi mây vương vương màu tím…” (Ngàn Năm Mây Bay) thì ở Tuấn Khanh là…

Những chiều buồn mây tím xây thành

có thương hoa thắm mong chờ không anh?

Cũng là mầu mây tím, cũng là một mầu tím vời vợi, cũng là những nét nhạc lâng lâng, êm êm nhưng là những dòng nhạc không lẫn vào nhau được. Nét nhạc Hoàng Trọng nghe man mác như ngọn gió heo may lay động mặt nước hồ thu, nét nhạc Nguyễn Hiền nghe mênh mang, đẹp và buồn như bức tranh thủy mạc, trong lúc nét nhạc Tuấn Khanh nghe xao xuyến, bâng khuâng, và có thoáng e ấp, ngại ngùng như “nụ hoa vừa hé”, như “đôi môi xinh” của “người em nhỏ bé mộng mơ” (Mùa Xuân Đầu Tiên).

“E ấp, ngại ngùng” nên chàng trai chỉ “thầm mơ giàn hoa tím xưa chưa phai”, cô gái chỉ thầm hỏi “Có thương hoa thắm mong chờ không anh?” Trong những câu hát của Tuấn Khanh, ta vẫn nghe được những lời tỏ tình thầm kín như thế, những lời tỏ bày nhiều ẩn dụ và chan chứa những tình ý yêu đương như thế.

Chàng nhạc sĩ ấy không nói “Có thương người em nhỏ đợi chờ?” như ta vẫn thường nghe, thường gặp, mà nói… “Có thương hoa thắm mong chờ không anh?”

Chàng nhạc sĩ ấy cũng không nói “hương sắc phai tàn”, hay “tình yêu nhạt phai”, hay “lòng thủy chung qua bao tháng đợi năm chờ” mà nói… “giàn hoa tím xưa chưa phai”.

Tình yêu ấy thật nhẹ nhàng, thật tha thiết và đẹp như những cánh hoa mầu tím mỏng manh, lay động trong nắng sớm, trong gió chiều. Mầu hoa tím bâng khuâng và luôn có chút vấn vương.

Hoa nào đợi chờ không phai sắc hương

Ngày tàn không gieo nhớ thương

Dặm trường không gây vấn vương







Mầu tím, mầu của định mệnh. Bài hát ấy đã như một định mệnh.

Đời tôi đã nhiều lần vui bước phong trần

gió lùa xao xuyến tim đơn chiếc thân…

Câu hát ấy,” nhạc sĩ Tuấn Khanh nói, “đã ‘ứng nghiệm’ vào tôi.” Chàng nghệ sĩ ấy, con người lãng tử ấy đã sống kiếp nổi trôi lang bạt kỳ hồ, kể từ ngày đơn thân độc mã khoác cây đàn lên vai, một mình vượt tuyến vào Nam năm 22 tuổi, hành trang chỉ vài bộ quần áo, vài tập sách nhạc và… chiếc đàn vĩ cầm không lúc nào rời chàng.

“Hoa soan bên thềm cũ”, ra đời ít năm trước “Dưới giàn hoa cũ”, cũng là câu chuyện kể, là câu chuyện tình mùa ly loạn mà giới yêu nhạc cuối thập niên 50’s và đầu thập niên 60’s hầu như không ai lại không biết đến. Như bao lớp trai theo nhau lên đường, chàng trai phải giã biệt làng quê, giã biệt tình đầu vì tình nước sâu hơn tình lứa đôi. Người đi nói với người ở lại những lời nhắn nhủ, vỗ về thiết tha, ân cần.

Đừng buồn khi xa nhau em nhé,

thăm em đôi ngày rồi anh đi…

Người lính chiến dừng chân phút giây thôi, rồi lại lên đường, rồi lại miệt mài đi khi quê hường còn tiếng súng.

Chuyện tình mùa chinh chiến mang nhiều nỗi vấn vương “như hương hoa soan dâng bên thềm” trong buổi chiều vàng. Người lính chiến luôn giữ chắc tay súng, không chỉ “giữ gìn biên cương xa vời” mà còn giữ gìn cho tình yêu bền chặt, không nhạt phai theo tháng năm..

Một chi tiết khá thú vị, trong lần ấn hành đầu tiên (nxb An Phú, 1956), một câu hát trong bản nhạc “Hoa soan bên thềm cũ” được in nhầm là “như hương hoa soan vang bên thềm”. Một số ca sĩ đã hát theo như thế (và nhiều ca sĩ đến nay vẫn hát như thế). Một số ca sĩ nhận ra chỗ sai ấy (“hương hoa” thì không thể “vang” được), bèn đổi chữ “vang” thành chữ “vàng” (vẫn cứ… sai, vì “hương hoa” thì không thể… xanh đỏ tím vàng được). Một số ca sĩ khác đổi lại là “như hương hoa soan vương bên thềm”, nghe hợp lý hơn, nhưng vẫn cứ… sai. Câu hát đúng, tác giả Tuấn Khanh cho biết, là “như hương hoa soan dâng bên thềm”.

Chữ “vương” đã hay, chữ “dâng” lại hay hơn. Thật khó mà có thể nghĩ ra, tìm ra được chữ nào hay hơn thế.

“Người kể chuyện mình”, có thể gọi nhạc sĩ Tuấn Khanh bằng cái tên ấy, qua những bài nhạc gắn liền với tên tuổi ông. Từ “Hoa soan bên thềm cũ” đến “Dưới giàn hoa cũ”, đến “Chiếc lá cuối cùng”, đến “Quán nửa khuya”, đến cả những bài nhạc về sau này như “Nỗi niềm”, “Nhạt nhòa”… Có khi chỉ nghe qua cái tựa của bài nhạc thôi, như “Hai kỷ niệm, một chuyến đi”, “Đêm này nghỉ đỡ chân”… người ta cũng hiểu được đấy là những câu chuyện buồn vui được ông kể lại bằng lời ca tiếng nhạc.

Những câu chuyện kể trong nhạc Tuấn Khanh thường là “chuyện hai người”, thường là những lời tình thật tha thiết, thật dịu dàng “hai người” nói với nhau.

Em nhé mình thương nhau muôn đời

Anh giữ gìn biên cương xa vời… (Hoa Soan Bên Thềm Cũ)

Nhìn nhau khẽ nói câu

“Thời gian trôi qua mau

không phai lạt đâu…” (Một Chiều Đông)

Tuấn Khanh, ông đã phơi trải lòng mình qua những dòng kẻ nhạc, đã dẫn dắt người nghe đi vào những câu chuyện lòng qua những giai điệu đằm thắm, ngọt ngào.

Ngồi bên lửa bếp gia đình êm ấm

lặng nghe anh kể cuộc đời buồn vui… (Chiều Biên Khu)

Câu hát ấy rất gần với câu hát của Phạm Duy, một “người kể chuyện mình” khác, kể về những buồn vui đời lính bên bếp lửa hồng trong ngày trở về của người chiến binh.

Ngày trở về, trong bếp vui

anh nói chuyện nghe, chuyện đời chiến sĩ

sống say mê, đường xa lắm khi nương hồn về quê… (Ngày Trở Về)

Nghe nhạc Tuấn Khanh, người ta như nghe được những nỗi niềm và những rung cảm của trái tim ông. Chính từ những rung cảm của trái tim, chính từ những rung cảm chân thực ấy, những ca khúc của ông đã chạm được tới trái tim người nghe.



“Giờ thì đôi tay đan tay quấn quýt”



Những người yêu nét đẹp trong nhạc tiền chiến cũng sẽ dễ dàng yêu thích những khúc “nhạc tình muôn thuở” của Tuấn Khanh như là “dòng nhạc tiền chiến nối dài”. Một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc “lãng mạn tiền chiến”, nhạc sĩ Tô Vũ, cũng đã yêu những khúc nhạc tình ấy. Tác giả “Em đến thăm anh một chiều mưa” đã tìm đến ông như tìm đến mối đồng cảm trong nhạc Việt, như tìm đến mối duyên tri ngộ giữa hai tâm hồn đồng điệu.

Sao gọi là “đồng điệu”? Hai chàng nghệ sĩ cùng chia sẻ mối đồng cảm về tính thẩm mỹ trong âm nhạc và nghệ thuật. Hai chàng nghệ sĩ cùng “kể chuyện mình” bằng những giai điệu lâng lâng như ướp chút men say của tình yêu, và bằng những lời nhạc đẹp như lời thơ.

Ở Tuấn Khanh là:

Chiều nay buồn tôi đi tìm ý… (Mộng Đêm Xuân)

Ở Tô Vũ là:

Ta đi tìm thơ muôn phương… (Tạ Từ)

Ở Tuấn Khanh là:

Đồi núi chiều nay mây vương ngợp trời… (Buồn Đêm Vắng)

Khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi… (Hoa Soan Bên Thềm Cũ)

Ở Tô Vũ là:

Ta ước mơ một chiều thêu nắng

em đến chơi quên niềm cay đắng

và quên đường về… (Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa)

(“Chiều thêu nắng”, trước Tô Vũ, tôi chưa hề nghe nhà thơ nào nói như thế. Chỉ có những “chiều vương nắng”, “chiều buông nắng”..., hoặc “đất thêu nắng” trong câu thơ Huy Cận.

“Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng

Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu” / Đi Giữa Đường Thơm)

Ở Tô Vũ là kỷ niệm êm đềm về một đôi mắt, một tà áo:

Em đến thăm anh người em gái,

tà áo hương nồng

mắt huyền trìu mến

sưởi ấm lòng anh… (Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa)

Ở Tuấn Khanh cũng có một đôi mắt như thế:

Vầng trăng thu soi mắt em long lanh… (Dưới Giàn Hoa Cũ)

Tại mình còn yêu, tại mình còn thương đôi mắt lạ thường… (Nhạt Nhòa)

Và một tà áo như thế:

Anh nhìn em bồi hồi trông theo tà áo… (Từ Đó Khôn Nguôi)

Ở Tô Vũ cũng có một người “bồi hồi” đứng nhìn theo như thế:

Lòng bồi hồi nhìn theo chân em chìm trong ngàn xanh… (Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa)

Trong câu hát của Tuấn Khanh có chữ “dâng” thật là đẹp:

Nay qua đau thương yên bình rồi

tình ta lên hương ngát

như hương hoa soan dâng bên thềm… (Hoa Soan Bên Thềm Cũ)

Trong câu hát của Tô Vũ cũng có chữ “dâng” thật là đẹp:

Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh,

gió dâng khúc đàn thanh bình

ta đi tìm thơ muôn phương… (Tạ Từ)

Cả hai chàng nhạc sĩ đều là “người kể chuyện mình”. Ở Tuấn Khanh là:

Có một lần tôi về qua nơi đó

Tiếng chuông chùa ngân báo tin đêm về… (Đêm Này Nghỉ Đỡ Chân)

Ở Tô Vũ là:

Em đến thăm anh một chiều mưa,

mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều… (Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa)







Nghe nhạc Tuấn Khanh, ta nghe những thoáng rung động nhẹ nhàng, những xao xuyến, bâng khuâng về một câu chuyện kể, về một bóng hình nào đã đi qua đời mình, để lại những dấu ấn khó phai. Nghe nhạc Tuấn Khanh là lần theo những lối mòn kỷ niệm, là tìm về những phút giây êm đềm, có khi là cuộc hạnh ngộ kỳ thú, có khi chỉ là cuộc gặp gỡ tình cờ trong một chuyến đi, một đêm nào “nghỉ đỡ chân”.

Cơm sắn canh rau

bên hàng cau xanh ba mái đầu

Mẹ thầm nói câu

“Chiều nay có con ta thấy vui,

ngày mai đơn người quá”… (Đêm Này Nghỉ Đỡ Chân)

Nghe nhạc Tuấn Khanh, ta gặp lại những mùa thu “mây tím xây thành”, những buổi chiều vàng “khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi”, và cả những lời hẹn thề dưới bầu trời lấp lánh sao đêm.

Rồi mai anh đưa em về nơi vui ấm êm

trăng soi đầy thềm

Nhìn nhau khẽ nói câu

“Thời gian trôi qua mau

không phai lạt đâu” (Một Chiều Đông)

Nghe nhạc Tuấn Khanh, ta nghe lại những nét nhạc lâng lâng “tiền chiến”, những mối tình như gió thoảng, những nhớ nhung và mộng mơ, những khung trời đầy trăng và sao.

Chiều nay dưới giàn hoa thơm ngát êm đềm

vầng trăng thu soi mắt em long lanh… (Dưới Giàn Hoa Cũ)

Nghe nhạc Tuấn Khanh, ta còn nghe thấy những cuộc chia tay buồn bã, ngậm ngùi, nghe thấy những hối tiếc vì những lời chưa kịp nói hay chưa nói hết, và không làm sao trút cho cạn, dốc cho vơi những nỗi niềm.

Lúc gặp em lòng định nói rồi lại thôi… (Từ Đó Khôn Nguôi)



Sao khi chia ly hôn em một lần vội vã…

Đêm em xa anh em chưa kịp nói… (Nỗi Niềm)



Đêm chia ly nghẹn ngào sao chẳng nói

chỉ nghe tim nức nở trở về thôi (Chiếc Lá Cuối Cùng)

Những cuộc chia tay nhạt nhòa nước mắt. Những giọt lệ long lanh như là “từng hạt sương khuya hoen đôi mắt biếc”, và lặng thầm như những giọt sương đêm chảy ràn rụa trên những ô kính ngoài khung cửa nhỏ.

Đôi môi run run lệ tuôn khóe mắt

Ngỡ đã xa nhau nên khóc một lần từ giã… (Nỗi Niềm)



Từ biệt người yêu muốn nói thật nhiều

muốn khóc một chiều sao cứ ngại ngùng…

Lệ bỗng rưng rưng

Tình nỡ quay lưng trong chiều hấp hối… (Nhạt Nhòa)

Thật may một điều là, những câu chuyện tình của ông sau cùng vẫn có một kết thúc tròn đầy, vẫn có những phút giây trùng phùng như người lính trở về sau chiến tranh, để tay trong tay đi xây lại chuyện tình và nối lại những giấc “mộng đêm xuân”.

Nay qua đau thương yên bình rồi

tình ta lên hương ngát… (Hoa Soan Bên Thềm Cũ)



Ngày nào trăng khuyết nay lại tròn tươi nét môi

ai ngờ chiều nay chúng mình đẹp đôi… (Chúng Mình Đẹp Đôi)



Giờ thì đôi tay đan tay quấn quýt

xin cho đêm đêm tình đầy mộng say… (Nỗi Niềm)



Chiếc vĩ cầm không có tuổi



“Những bài nào được anh yêu thích nhất trong số các nhạc phẩm của Tuấn Khanh?” tôi nhớ đã hỏi ông câu ấy. Thường thì với câu hỏi như thế, các nhạc sĩ ít khi trả lời thẳng hoặc chỉ trả lời xuôi theo… ý thích của số đông người yêu nhạc mình. Tuấn Khanh thì khác, sau vài giây nghĩ ngợi, ông nhắc đến hai bài “Mộng đêm xuân” và “Một chiều đông”, và nói ông yêu nét lãng mạn, thi vị trong những bài ấy. “‘Hoa soan bên thềm cũ’ và ‘Chiếc lá cuối cùng’,” ông nói, “là hai bài hát của kỷ niệm”. “Kỷ niệm khó quên?” tôi hỏi. Ông lắc đầu, “Không phải ‘khó quên’, mà… chẳng bao giờ quên được.”

Quay sang tôi, ông hỏi tôi… thích bài nào của Tuấn Khanh. “Dưới giàn hoa cũ,” tôi nói, không chút do dự. Ông hỏi vì sao, tôi trả lời, “Bài nhạc ấy nghe… ‘Tuấn Khanh’ hơn cả.” Những câu hát đẹp như thơ ấy, những nét nhạc lâng lâng ấy, đã gieo vào lòng tôi những tình cảm thật xao xuyến, thật êm đềm. Hơn thế nữa, câu chuyện trong bài hát ấy có một kết thúc thật đẹp, thật “happy ending”, nghĩa là rất… “Tuấn Khanh”. (Một lý do khác có chút riêng tư, người tôi yêu ngày xưa đã… yêu bài hát ấy, đã yêu câu hát ấy, “Những chiều buồn mây tím xây thành…”). “Dưới giàn hoa cũ”, bài hát đã đưa tôi lại gần với dòng nhạc Tuấn Khanh. Nét nhạc lâng lâng ấy, giai điệu thật là đẹp ấy chỉ có ở Tuấn Khanh, không lẫn vào đâu được. (Tôi nhớ, lần đầu nghe “Nỗi niềm” qua giọng Ngọc Minh, người bạn hỏi, “Nghe được chứ?” Tôi nói, “Rằng hay thì có hay, nhưng mà nghe có vẻ…‘Tuấn Khanh’ quá.” “Thì Tuấn Khanh chứ còn ai nữa!” người bạn nói. Tôi có hơi bất ngờ, vì không nghĩ ông vẫn còn… viết nhạc). Tôi cũng yêu “Đêm này nghỉ đỡ chân”, yêu chút hạnh phúc đơn sơ trong bài tango hiếm hoi ấy của ông. Ai cũng từng có một “đêm này nghỉ đỡ chân” như thế, ai cũng từng có những thoáng hạnh phúc thật đơn sơ như thế, ai cũng từng có chút vấn vương về một bóng hình nào đó đã tạt ngang qua đời mình.

Nói như thế cũng để thấy rằng, mỗi người có thể yêu thích những bài nhạc khác nhau của Tuấn Khanh, mỗi người đều tìm thấy một bài nào mình yêu thích, hay giữ trong lòng mình kỷ niệm nào về một bài hát nào của Tuấn Khanh.

Như các bài nhạc làm nên tên tuổi một nhạc sĩ, một ca sĩ, mỗi bài nhạc của Tuấn Khanh cũng phù hợp hoặc gắn liền với giọng hát nào đó. “Hoa soan bên thềm cũ” nghe được vào “thuở ban đầu” qua hai tiếng hát quấn quýt Thái Thanh và Thái Hằng (hát duo) của Ban hợp ca Thăng Long, để từ đó trở nên một trong những ca khúc phổ biến nhất, được yêu cầu nhiều nhất trên các làn sóng đài phát thanh, các chương trình đại nhạc hội, các phòng trà ca nhạc. “Dưới giàn hoa cũ” và “Chiếc lá cuối cùng” được giọng hát… đầu tiên là Thái Thanh gửi đến giới yêu nhạc (Sĩ Phú và Lệ Thu được xem là hai giọng hát gắn liền với “Chiếc lá cuối cùng” về sau này). “Một chiều đông” được yêu thích qua các giọng hát Sĩ Phú, Duy Trác, Mai Hương. “Mộng đêm xuân” được yêu thích với giọng Duy Trác và Sĩ Phú. “Gọi buồn” với giọng Sĩ Phú. “Chiều biên khu” với giọng Lệ Thanh, Thái Thanh, Nhật Trường. “Quán nửa khuya” với giọng Thanh Thúy, Duy Khánh. “Từ đó khôn nguôi” với giọng Quỳnh Giao. “Những lời ru cuối” với giọng Hoàng Oanh, Quỳnh Giao. “Chúng mình đẹp đôi” với giọng Nhật Trường…

Có thể nói được rằng không có ca sĩ tên tuổi nào của miền Nam ngày trước mà không từng hát bài nào đó của Tuấn Khanh.

Tất nhiên, ca sĩ đầu tiên thể hiện mọi ca khúc của Tuấn Khanh vẫn là… Trần Ngọc (một tên gọi khác của nhạc sĩ Tuấn Khanh). Ít ai biết tác giả “Hoa soan bên thềm cũ” từng chiếm giải “thủ khoa” trong cuộc thi “tuyển lựa ca sĩ” của đài phát thanh Hà Nội năm 1953. “Thí sinh” Trần Ngọc, 21 tuổi vào thuở ấy, hát bài “Đôi chim giang hồ” của Ngọc Bích, và “thí sinh” Thanh Hằng, người đoạt giải nhì, hát bài “Đêm xuân” của Phạm Duy. (“Thí sinh” đoạt giải nhất trong cuộc thi tổ chức năm sau, 1954, là Duy Trác). Cánh “chim giang hồ” Trần Ngọc đã bay một vòng bay quá dài trước khi quay về lại chốn cũ (Hà Nội, 2007) để có cuộc hội ngộ kỳ thú, dạt dào cảm xúc với “cố nhân” Thanh Hằng, và cùng ngồi nhắc chuyện xưa sau khi chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi một vòng hơn năm mươi năm. Những người yêu nhạc cuối thập niên 50’s và thập niên 60’s hẳn còn nhớ tới ba viên “ngọc” quý của làng ca nhạc thuở ấy là Anh Ngọc, Ngọc Long và Trần Ngọc, trong đó giọng hát trầm ấm của Trần Ngọc (trong các ban nhạc tên tuổi của đài phát thanh Saigon và Quân Đội) từng cất lên các bài hát quen thuộc như “Trở về thôn cũ” (Nhị Hà), “Cánh hoa duyên kiếp” (Đoàn Chuẩn), “Mơ hoa” (Hoàng Giác), “Người về” (Phạm Duy)…. Chương trình “Nhạc chủ đề” về tiếng hát Trần Ngọc của đài phát thanh Saigon do nhà văn Đào Trường Phúc thực hiện vào giữa năm 1970 đã đánh dấu ngày tiếng hát ấy lặng lẽ rời bỏ sự nghiệp ca hát của mình. Gần đây, rất tình cờ tôi được nghe lại giọng hát “vang bóng một thời” ấy qua bài “Nợ nhau một chút giận hờn” (một trong những sáng tác của ông về sau này). Giọng hát “ngẫu hứng” nhưng vẫn nghe nhiều rung cảm, vẫn nghe phảng phất chút dư âm của một mùa kỷ niệm.

Cũng ít ai biết, sáng tác đầu tay của Tuấn Khanh là một bài phổ thơ T.T.KH, “Hai sắc hoa Ti-gôn”, cho thấy ở nơi ông, nơi chàng trai 16 tuổi ngày ấy, một tâm hồn yêu thi ca. Có thể kể ra được những bài phổ thơ của ông được yêu chuộng về sau này như “Tôi mở vòng tay” (thơ Tuệ Mai), “Những lời ru cuối” (phổ từ bài “Ru” của Nguyễn Đình Toàn)…, và gần đây nhất, “Chọn màu áo” (thơ Nhất Tuấn), “Chiều thứ Bảy xa rồi” (thơ Hồng Vũ Lan Nhi) và “Nợ nhau một chút giận hờn” (thơ Phạm Quang Vịnh). Cũng ít ai biết, ông còn viết lời cho nhạc phim nữa. “Lá thu” (nhạc Đức Hưng, lời Tuấn Khanh), sau đổi tên thành “Mưa lạnh hoàng hôn”, là bài nhạc chính trong phim Mưa Lạnh Hoàng Hôn (1961) của đạo diễn Nguyễn Long (vừa là diễn viên chính, diễn chung với Mai Ly). Bài hát được ca sĩ Mai Trường trình bày lần đầu và khá phổ biến với giọng hát Duy Trác về sau này.

Điều ít ai ngờ được, vào đúng năm 70 tuổi, chỉ trong vòng một năm thôi (1983), ông đã đặt lời cho một trăm bài thánh ca, và phổ đến hơn năm mươi bài thiền ca. Điều gì khiến nguồn nhạc hứng trong con người nghệ sĩ ấy, vào buổi hoàng hôn của đời người, đã chảy xuôi về dòng nhạc tâm linh? Điều gì khiến nguồn nhạc hứng trong con người nghệ sĩ ấy đến nay vẫn dào dạt, vẫn còn sung mãn đến như thế? Chuyện thật nhưng lại như nhuốm một vẻ gì huyền nhiệm, khiến ngay đến chính ông cũng không sao giải thích được.

Có lẽ vẫn còn quá sớm để nói được bài nhạc… cuối cùng của Tuấn Khanh là bài nào. Người ta khó mà biết được, hay chỉ biết được rằng, đấy là bài nhạc mà ông… chưa hề viết ra.



* * *



Trước năm 1975 chúng ta có “Hoa soan bên thềm cũ”, có “Chiếc lá cuối cùng”, có “Dưới giàn hoa cũ”, có “Mộng đêm xuân”, có “Một chiều đông”… của Tuấn Khanh. Sau năm 1975 chúng ta có “Nỗi niềm”, có “Nhạt nhòa”, có “Từ đó khôn nguôi”, có “Tháng Chín dòng sông”, có “Nợ nhau một chút giận hờn”… Nguồn nhạc hứng trong tim chàng nghệ sĩ ấy vẫn chưa hề vơi cạn. Trái tim chàng nghệ sĩ ấy vẫn chưa có lúc nào “già”, và vẫn như những phím đàn nhạy cảm, chỉ cần chạm nhẹ đến là đã rung lên những nốt nhạc thảng thốt. Có như thế hôm nay chúng ta mới có những “Nỗi niềm”, “Nhạt nhòa”… và mới nghe lòng rung động vì những khúc nhạc êm đềm, ngọt ngào như thanh âm tiếng vĩ cầm réo rắt của người nhạc sĩ ấy.

Không có tuổi nào cho người viết nhạc tình, vì tình yêu làm gì có tuổi, và vì tuổi nào không là tuổi của tình yêu.

“Chiếc vĩ cầm không có tuổi”, Tuấn Khanh, tôi muốn được gọi ông như thế. Chiếc vĩ cầm, nhạc cụ được ông yêu thích nhất, đã dẫn ông bước vào thế giới kỳ diệu và mê hoặc của âm thanh, dẫn ông bước vào cuộc hành trình âm nhạc dài đến hơn sáu mươi năm, kể từ bài học về âm nhạc đầu tiên ông học được từ người anh cả ở Hà Nội.

Tuấn Khanh, ông đã viết nên những khúc nhạc tình ấy bằng những rung cảm thực sự của trái tim mình. Không yêu, không từng trải qua những hạnh phúc và khổ đau vì tình yêu thì không thể nào viết được những khúc nhạc, những câu hát cảm xúc tràn bờ đến như thế.

Hạnh phúc trong nhạc Tuấn Khanh thật đơn sơ và êm đềm như một giấc mơ thanh bình, có “trăng soi đầy thềm”, có “giàn hoa tím xưa chưa phai”.

Tình yêu trong nhạc Tuấn Khanh thật dịu êm và phảng phất tựa hồ như “hương hoa soan dâng bên thềm, nhẹ nhàng nhưng ngất say”.

Xao xuyến và bâng khuâng, dịu dàng mà tha thiết, nhẹ nhàng và lâng lâng như nhắp chút men say của tình yêu, như gối đầu lên những giấc mơ yên bình. Nét nhạc Tuấn Khanh là thế, tâm hồn Tuấn Khanh là vậy.

Con người nghệ sĩ tài hoa ấy vẫn còn dạo lên những khúc nhạc êm đềm bằng thanh âm réo rắt, du dương từ chiếc vĩ cầm yêu quý của chàng để “đem nhạc tình ghi tràn đầy cung điệu buồn”. (*)



lê hữu



(*) Thúy Đã Đi Rồi, nhạc Y Vân



Source : www.hopluu.net.