Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Trần Vinh Dự - Trò nhào lộn của lạm phát (1)

Trò nhào lộn của lạm phát

( Thứ Ba, 12 tháng 7 2011 )


Trần Vinh Dự


Báo cáo mới nhất của Chính phủ đã nới chỉ tiêu về lạm phát lên mức khoảng 15% tới 17%. Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng kiềm chế được lạm phát ở mức 17% là rất khó khăn và nếu giữ được ở 17% tới 18% cũng đã là một thành công.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay Chính phủ nới chỉ tiêu về lạm phát. Trong lần điều chỉnh đầu tiên vào cuối quý một, chỉ tiêu về CPI được điều chỉnh từ 7% lên 11,75%. Lần thứ hai từ 11,75% lên 15% vào cuối tháng 5 và lần thứ 3 từ 15% lên 17% vào cuối tháng 6. Và theo cách nói của Bộ trưởng Phúc thì khả năng còn tiếp tục phải điều chỉnh lên nữa không phải là không có.

Nhìn từ một góc độ nào đó, việc phải liên tục nới chỉ tiêu lạm phát cho thấy sự bối rối của Chính phủ. Trên thực tế, ngay từ đầu năm đã có nhiều dự báo của giới chuyên gia về lạm phát của năm 2011 không dưới 15%, tuy nhiên việc đặt các mục tiêu 7%, rồi 11,75% cho thấy những người điều hành chính sách đã lạc quan hơn so với thực tế của nền kinh tế khá nhiều. Biến động giá cả của 6 tháng đầu năm nay đã khiến các phán đoán của đội ngũ làm chính sách liên tục bị “hớ”. Không còn nghi ngờ gì nữa, lạm phát là bài toán vĩ mô hóc búa nhất của năm nay.

Vậy thì lạm phát là gì, và tại sao nó lại là bài toán vĩ mô hóc búa nhất của năm nay?

Lạm phát, theo cách hiểu giản đơn nhất, là sự việc mặt bằng giá cả trong nền kinh tế tăng liên tục theo thời gian. Nó khác với việc giả cả tăng vọt lên trong một giai đoạn ngắn do một biến cố độc lập nào đó (như việc tăng lương tối thiểu) và sau đó không tăng lên nữa. Điểm khác biệt này là hết sức quan trọng vì nếu việc tăng giá (bao gồm cả giá nhân công) chỉ xảy ra một lần (và đồng bộ) rồi thôi, thì trên nguyên tắc nó không ảnh hưởng gì tới người dân. Lý do là thu nhập danh nghĩa (tính bằng tiền) của người dân tăng lên theo một tỷ lệ nhất định nhưng mặt bằng giá cả cũng tăng lên đúng như vậy và vì thế thu nhập thực tế (đo bằng khả năng mua hàng hóa và dịch vụ của thu nhập danh nghĩa) vẫn như cũ.

Thế nhưng, đúng như định nghĩa của lạm phát, nó không phải là việc tăng mặt bằng giá cả một lần duy nhất, mà nó là một quá trình liên tục và thông thường là bất đối xứng. Giá cả hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả giá nhân công, tăng trong một giai đoạn dài và mức độ tăng không giống nhau. Tính bất đối xứng của việc tăng giá khiến cho có một số doanh nghiệp hoặc một số người có thể hưởng lợi từ lạm phát khi giá cả của các sản phẩm của họ tăng nhanh hơn mặt bằng chung và đặc biệt là tăng nhanh hơn chi phí đầu vào. Ngược lại, cũng có nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân bị thiệt hại vì lạm phát khi giá bán sản phẩm của họ không tăng kịp với tốc độ tăng giá chung.

Đối với tuyệt đại bộ phận những người sống bằng lương, lạm phát là một tai họa vì tiền lương thường không được điều chỉnh nhanh như giá hàng hóa và dịch vụ. Thí dụ như lương tối thiểu ở Việt Nam thường chỉ được điều chỉnh một hoặc hai năm một lần. Sau khi được điều chỉnh, người lao động phải chờ một thời gian dài nữa thì tiền lương của họ mới có hi vọng tăng. Trong suốt quá trình đó, lạm phát sẽ bào mòn thu nhập thực tế của họ vì sức mua của thu nhập danh nghĩa giảm dần do giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Nếu tiền lương của họ từ đầu năm tới nay không tăng thì lạm phát ở Việt Nam đã khiến cho thu nhập thực tế của họ giảm đi tới 13,3%. Vì đây là một con số vô cùng lớn với giới trung lưu và người nghèo, Chính phủ có lý do để lo ngại sâu sắc về cuộc sống đang ngày càng khó khăn đối với người dân và kéo theo là nguy cơ bất ổn xã hội. Cũng vì lý do này, lạm phát vẫn được coi là thứ thuế ngầm (và cực kỳ nguy hiểm) đánh vào giới trung lưu và người nghèo.




Liệu CPI của Việt Nam năm 2011 có sẽ tiếp tục đi xuống vào sáu tháng cuối năm như hồi năm 2008 hay sẽ lại đi lên dần từ tháng 8 giống như hồi năm 2007, 2009, và 2010? Điều này phụ thuộc vào việc Chính phủ có tiếp tục thắt chặt tiền tệ hay không.

Thế nhưng thứ thuế ngầm này từ đâu mà có?

Nếu đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của lạm phát, bạn sẽ nhận được cả nghìn câu trả lời khác nhau. Điều này khiến cho khái niệm lạm phát trở thành một điều rất khó hiểu đối với những người không chuyên. Có lẽ vì thế, nó được phủ lên một lớp màn bí ẩn và nhiều khi được diễn giải là một thứ từ trên trời rơi xuống mà chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về nó.

Trên thực tế thì lạm phát là một hiện tượng kinh tế, và vì thế nó là sản phẩm của hành vi của con người, mà quan trọng nhất là các quyết định điều hành vĩ mô của nhà nước. (còn tiếp)

Source : VOA / blog TS Trần Vinh Dự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét