Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Việt Nam tránh vết xe đổ của Trung Quốc để phát triển

Việt Nam tránh vết xe đổ của Trung Quốc để phát triển
Tác giả: Phương Loan (lược thuật)

Hơn một giờ trực tuyến, nguyên Đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab đã làm rõ con đường để Việt Nam phát triển khác Trung Quốc và không bị Mỹ và thế giới lãng quên khi ở cạnh người láng giềng khổng lồ này.



Việt Nam cần tìm đường thoát khỏi bóng kinh tế Trung Quốc

Chính phủ dám tự phê bình

Nhấn mạnh câu trả lời về một chiến lược kinh tế để khác Trung Quốc và chiếm lĩnh thị trường thế giới nằm trong tay chính cộng đồng DN Việt Nam, bà Susan Schwab cũng chỉ rõ Việt Nam có 3 đặc tính quan trọng, không thể đánh giá thấp, có thể đóng góp cho thị trường thế giới: Việt Nam có rất nhiều đất và một nền nông nghiệp thành công; con người Việt Nam đầu óc cởi mở, sẵn sàng tiếp thu cái mới và làm việc chăm chỉ. Cùng với hai yếu tố đó, Việt Nam có một chính phủ luôn biết tự phê bình, dám nhìn lại bản thân, và thể hiện khả năng tiến hành đổi mới.

Ảnh: Lê Anh Dũng
Việt Nam đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn trên chuỗi giá trị toàn cầu mà bằng chứng là quyết định của Intel vào Việt Nam.
"Nếu kí kết Hiệp định Đầu tư song phương Việt - Mỹ, sẽ ngày càng nhiều những đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, viễn thông... như vậy vào Việt Nam và nó sẽ giúp Việt Nam tăng vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu", bà Susan nói.

Việt Nam cần đảm bảo an toàn cho các DN Việt Nam và nước ngoài giữ tiền Việt ở Việt Nam và cần tạo điều kiện để xây dựng nhiều DN bản địa hơn nữa.

Hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đều hiện diện ở Trung Quốc bởi quy mô kinh tế của nước này thế nhưng, họ không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc, không muốn nước này là nơi duy nhất các tập đoàn sản xuất và tìm kiếm thị trường. Vấn đề là họ có thể đến nơi nào khác? Việt Nam là một trong những phân khúc thị trường được coi là điểm đến của các DN quốc tế.

Học từ sai lầm của Trung Quốc để làm khác

Có những điều về Trung Quốc khiến nước Mỹ "không hài lòng" mà theo bà Susan Schwab, Việt Nam có thể "làm khác đi, tốt hơn", dựa trên nền tảng sẵn có, để "có con đường phát triển có một không hai và khác với Trung Quốc".

Nhấn mạnh việc không có ý định chỉ trích Trung Quốc mà với tư cách một người bạn, người có rất nhiều đồng nghiệp tốt ở Trung Quốc, bà Susan cho rằng, cách làm của Trung Quốc có nhiều điểm sai mà Việt Nam có thể học để tránh những sai lầm này.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Cụ thể, Trung Quốc đã bắt đầu tự do hóa nền kinh tế từ sớm và thúc đẩy tiến trình này rất nhanh trong 15 năm qua thế nhưng trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc cỏ vẻ như lại đang đi ngược lại tiến trình này. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang quay lại với chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trong kinh tế.

Trong khi đó, Việt Nam có vẻ tiếp tục mở cửa kinh tế, và chuyển đổi thành nền kinh tế thị trường. Một phần thể hiện rõ trong cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Việt Nam đã rất thông minh trong tự do hóa các quy trình.

Một điểm khác mà Trung Quốc cũng bị chỉ trích khá nhiều là nước này đã không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu nước ngoài. Các thương hiệu danh tiếng của nước ngoài bị làm nhái, làm giả tràn lan trên thị trường Trung Quốc với giá rẻ mạt...

Bà Susan nhấn mạnh: "không nước nào muốn tự đá vào chân của mình". Không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bạn sẽ làm tổn thương chính các DN của mình, gây tổn thương các nhà đầu tư, các đối tác. Việc làm hàng nhái, hàng giả đang ngày càng trở thành tội phạm có tổ chức.

"Vì thế, tôi ngạc nhiên khi Trung Quốc không làm nhiều hơn. Họ có làm nhưng không đủ. Và theo thời gian, họ sẽ nhận ra, chính họ là nạn nhân của tình trạng này, nền kinh tế sẽ phải trả giá cho cách làm ngắn hạn của mình".

Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thức về vấn đề hàng giả, hàng nhái, và việc vi phạmsở hữu trí tuệ tại Việt Nam và đang nỗ lực để giải quyết.

"Có những vấn đề khá nhạy cảm, thế nhưng, Chính phủ Việt Nam cũng có thể quyết tâm làm khác với Trung Quốc, đó là thực hiện cởi mở, không hạn chế internet, và chống tham nhũng", bà nói thêm.

Thừa nhận internet cũng có ảnh hưởng tiêu cực, thế nhưng, lợi ích tích cực của internet lại lớn hơn rất nhiều, đặc biệt trong việc giáo dục, cung cấp thông tin cho người dân, và thương mại điện tử. "Đóng cửa với internet, cơ hội giáo dục, thương mại qua mạng cũng như cập nhật các chương trình ứng dụng tin học mới sẽ bị mất đi".

Minh bạch để tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia

Liên quan đến tham nhũng, bà Susan tư vấn "hãy tạo lương bổng tốt cho công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu cuộc sống và nó sẽ giúp ngăn tham nhũng".

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn lật lại: Thực ra, không phải vì lương thấp mà gây ra tình trạng tham nhũng ở Việt Nam. Có trường hợp ở Việt Nam, quan chức giàu có nhưng vẫn tham nhũng, thậm chí còn nhiều hơn?

"Vấn đề nằm ở chỗ phải minh bạch. Khi các hoạt động của Chính phủ được công khai, minh bạch rõ ràng, thì khả năng tham nhũng sẽ giảm bớt", bà Susan đáp lời.


"Đòi hỏi minh bạch không phải vấn đề riêng của Việt Nam và càng không dễ với một nước đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam. Ngay cả các DN đến đầu tư tại Việt Nam, không phải DN nước ngoài cũng muốn minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, mà còn "tiếp tay" cho tham nhũng, miễn là có được giấy phép, dự án đó (nhiều người nghi ngại các đối tác Trung Quốc)", nhà báo Nguyễn Anh Tuấn nêu vấn đề.

Chia sẻ quan điểm này, bà Susan cho hay, ở Mỹ, luật về chống tham nhũng rất chặt chẽ và rõ ràng. Các DN của Mỹ bị ngăn cấm dính líu vào bất kì vụ việc tham nhũng quốc tế nào khi đầu tư, giao thương với bên ngoài. Và đôi khi, cách ứng xử của DN nước khác lại gây hại cho việc kinh doanh của các DN Mỹ.

Theo bà Susan, giáo dục có thể giúp sức trong việc chống tham nhũng. "Cần xây dựng hệ thống, giáo dục các công chúng trong hệ thống về cách thức để điều hành chính phủ cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn".

Bà cũng tư vấn, Việt Nam nên xem xét tham gia Hiệp định về đấu thầu trong khuôn khổ của WTO. Đài Loan đã tham gia, và Trung Quốc đang đàm phán để tham gia Hiệp định thế nhưng, có vẻ những cam kết của Trung Quốc thì quá ít đến mức đáng xấu hổ. Sẽ còn chặng đường dài để Trung Quốc tham gia các quy định đầu thầu của WTO.

"Nếu Việt Nam thực hiện bước nhảy, tham gia Hiệp định này, những quy định của Hiệp định sẽ góp phần tạo dựng sự minh bạch trong đấu thầu của Việt Nam, giảm khả năng tham nhũng".

"Một quy trình đấu thầu minh bạch, cạnh tranh sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh quốc gia của Việt Nam và các DN Việt Nam trong việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài", bà Susan nhấn mạnh.

Tạo đường riêng để giành và giữ sự quan tâm của thế giới

Trả lời câu hỏi "bên cạnh một đối tác khổng lồ và lớn mạnh như Trung Quốc, liệu Việt Nam có nguy cơ bị các đối tác như Mỹ, EU lãng quên? Và làm thế nào để Việt Nam có thể xác lập và củng cố vị thế của mình trong con mắt của các đối tác khác, đặc biệt là các nhà lãnh đạo và giới doanh nhân Mỹ?", bà Susan cho rằng, trong vài năm qua, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của Mỹ và thế giới nhờ những thành tựu cải cách kinh tế của mình.


Và Việt Nam đang tiếp tục quá trình đổi mới, cải cách này, với việc tiến hành đổi mới kinh tế, xã hội và chính trị. Tất cả các khía cạnh đổi mới này đang được triển khai và thảo luận ở Việt Nam.
Việt Nam có thể tiếp tục được xem là thay thế được hài lòng cho Trung Quốc ở khu vực trong con mắt của các DN Mỹ để đa dạng hóa đối tác ở khu vực. Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, với những đặc tính như tôi đã mô tả.

Việt Nam đang tạo con đường của mình để giữ và giành sự quan tâm tích cực từ các Chính phủ khác cũng như giới doanh nhân trên toàn thế giới.

Và càng có nhiều thương mại và đầu tư giữa hai bên, sợi dây kinh tế thương mại này sẽ tạo nên những nhóm vận động hành lang riêng cho Việt Nam. Nó không nhất thiết phải là một nhóm vận động hành lang được đăng kí và đóng tiền một cách chính thức mà là lợi ích chung giữa cộng đồng DN và nhân dân hai nước. Đơn cử, khi PNTR được thảo luận ở Nghị viện Mỹ, rất nhiều các DN Mỹ đã tới để vận động Quốc hội Mỹ trao PNTR cho Việt Nam.

Nếu được nhà lãnh đạo Việt Nam đề nghị tư vấn, để chọn ra ba điều, bà sẽ nêu vấn đề gì với Chính phủ Việt Nam?
Bà Susan Schwab: Lời khuyên đầu tiên của tôi là tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, mở, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các DN.

Việt Nam đã tiến hành đổi mới trong hơn 10 năm qua và đã có nhiều bằng chứng về sự thành công của các bạn trong quá trình chuyển đổi này. Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện cho nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài làm ăn thuận lợi ở Việt Nam.

Lời khuyên thứ hai là cần thúc đẩy các Hiệp định thương mại, đầu tư song phương Việt Mỹ, cũng như sáng kiến quan hệ thương mại xuyên TBD.

Việt Nam cũng cần đầu tư mạnh mẽ và đúng mức vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cơ sở hạ tầng mềm: nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cứng: đường xá, điện... để đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển.


© TUANVIETNAM.NET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét