Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

Cả một nền giáo dục "không may"

Cả một nền giáo dục "không may"(!) -
Tác giả: Hà Văn Thịnh

( 09/07/2010 )


Nếu 30% máy cái bị hỏng thì sản phẩm tạo ra thuộc loại nào? Đây là câu hỏi không hề nhỏ vì đó là nỗi đáng lo đối với sự xuống cấp, thậm chí có phần "tha hóa" của một nền giáo dục nhìn đâu cũng thấy "dỏm".


Đọc bài báo của Tuần Việt Nam (26/6/2010) nói về chuyện ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ nói về chuyện "không may" của mình khi bỏ ra 17.000 USD để có bằng TS do một trường ĐH ở Mỹ cấp, mà không cần người học có kỹ năng nghe- đọc- nói tiếng Anh, một trường ĐH, theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) đặt tại...Malaysia, đã bị giải thể từ năm...2003, mà thật xót xa cho nhiều điều, nhiều chuyện của nền giáo dục nước nhà. Phải chăng cũng là nền giáo dục "không may"?
Ngành giáo dục...đùa dai và duy ý chí

Nhưng điều đáng buồn nhất, cả ngành giáo dục vẫn đang "tự sướng" vì kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa rồi đạt trên 90% (không ít tỉnh có số học sinh đậu từ 97-99%). Kết quả đó giống như một sự "đùa dai" vì ai cũng biết trong tất cả mọi hình thái, công đoạn của sự di truyền thì di truyền văn hóa - giáo dục luôn là điều khó khăn, phức tạp nhất.

Đức Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) có nói rằng trên đời có 3 điều không thể mua: đó là tình cảm chân thành, thời gian sống và...hiểu biết. Làm sao một nền giáo dục khủng hoảng và bất cập trầm trọng, chỉ trong thời gian ngắn, các điều kiện quyết định về chất lượng không cải thiện được bao nhiêu, mà lại có thể có một kết quả như từ trên trời rơi xuống?
Cứ 10 người dân thì 9 người không tin kết quả đó. Bởi ai cũng ngầm định, ngầm hiểu rằng để "hóa phép giả - thật" là điều dễ nhưng để có hiểu biết thật thì không dễ một chút nào. Không thể có chuyện một địa phương năm ngoái kém cỏi, bết bát trong chuyện thi cử mà năm nay lại "thăng hoa" một tấc đến trời, bởi giáo dục là một quá trình.
Điều buồn thứ hai, Bộ GD và ĐT vẫn bất chấp dư luận, "duy ý chí" khi biết rằng trong 65 năm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Cộng hòa XHCN Việt Nam chúng ta chỉ đào tạo được có 15.000 tiến sĩ. Thế nhưng, Bộ đã ký cái rụp đề án trong 10 năm tới sẽ có 20.000 TS - không biết để làm gì, với tổng kinh phí là 14.000 tỷ đồng- tương đương với 778 triệu USD.


Tương lai của một nền giáo dục nhìn đâu cũng thấy "dỏm" sẽ như thế nào? Ảnh minh họa
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, chỉ riêng việc đào tạo 10.000 TS ở nước ngoài, chi phí thấp nhất đã là 900 triệu USD. Vậy, lấy tiền đâu để bù vào khoản thiếu hụt 122 triệu USD đào tạo ở nước ngoài và vài trăm triệu USD nữa cho kinh phí đào tạo trong nước?
Kế hoạch gì kỳ cục vậy khi Bộ cứ ký, nhưng tiền không đủ, thiếu cả hàng trăm triệu USD? Đó là chưa nói đến việc số lượng TS "trên mây" nhiều như thế mà đất nước cứ đói nghèo, dân tộc cứ lẹt đẹt đi sau người ta thì đào tạo TS nhiều để làm gì?
Điều buồn thứ ba, cựu Thứ trưởng Bành Tiến Long cách đây mấy năm đã thừa nhận trước công luận rằng có đến 30% TS không đạt chuẩn - nói nôm na là "dỏm". Bộ GD và ĐT đã thừa nhận như thế nhưng tại sao vẫn chấp nhận thực tế ấy? Tại sao Bộ - cơ quan chủ quản lại không làm một cuộc thanh tra, sát hạch toàn diện về bằng cấp thật - giả để chấn chỉnh đội ngũ này?

Và tham vọng "cá chép" vượt "vũ môn"
Các TS đương nhiệm hiện nay, nhiều người có khả năng là những máy cái đào tạo ra nhiều thế hệ TS nữa cho nước nhà. Nếu 30% máy cái bị hỏng thì sản phẩm tạo ra thuộc loại nào? Đây là câu hỏi không hề nhỏ vì đó là nỗi đáng lo đối với sự xuống cấp, thậm chí có phần "tha hóa" của một nền giáo dục nhìn đâu cũng thấy "dỏm".
Nhưng, quả thật, nếu Bộ tổ chức được những cuộc khảo sát có chất lượng do những người có tâm huyết với nước, với ngành chịu trách nhiệm thì người viết bài này, e con số không dừng lại ở tỷ lệ 30%.
Những người có trách nhiệm của ngành có thấy đau buồn không khi ông GĐ Sở VH- TT- DL Nguyễn Ngọc Ân cho rằng cái sai của ông chỉ là do "không may" - có nghĩa là rất nhiều người may mắn "chưa bị lộ" vẫn có bằng cấp ấy, chức phận kia, nghênh ngang, chễm chệ làm xấu, làm hỏng nền học vấn của nước nhà?

Nếu muốn bàn thêm thì cái tư tưởng cố đấm ăn xôi với tham vọng là "cá chép" mong vượt "vũ môn" ở kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ sắp tới (như ông Ân nói) quả là vấn nạn đáng buồn cho đất nước này.
Bộ GD và ĐT vừa có Bộ trưởng mới. Là một giảng viên, tôi tin chắc xã hội, số đông các nhà giáo ở cơ sở đang chờ mong sự thay đổi quyết đoán, táo bạo và có hiệu quả, nhất là về cơ chế quản lý GD và ĐT của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Xin kiến nghị với Bộ trưởng, trước khi có được một nền giáo dục tốt đẹp, nhất thiết phải "thay máu" - thay đổi triết lý giáo dục. Phải làm sạch tất cả những sự dối trá - điều quyết định làm cho đất nước đã và đang tạo ra rất nhiều những con người dối trá và kém cỏi...

Mong mỏi lắm thay!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét